Thùy Dương – RFI
Đăng ngày 27-01-2017
Chỉ
trong vòng có 1 tuần từ khi nhậm chức, tân tổng thống Donald Trump đã ký hàng
chục sắc lệnh liên quan đến bảo hiểm y tế, nhập cư, tự do thương mại, năng lượng,
các quy định của Liên Bang và quản lý hành chính. Nói như Le Figaro, Donald
Trump là vị tổng thống « làm xáo trộn trật tự đã được thiết lập ».
Tân tổng thống Donald Trump đã phá vỡ truyền thống
thận trọng và cân nhắc của các tổng thống Mỹ tiền nhiệm trong những ngày đầu đặt
chân vào Nhà Trắng. Donald Trump đã hứa thay đổi nhiều hồ sơ và đã bắt tay vào
thực hiện ngay lập tức. Các mệnh lệnh nối tiếp nhau, nhiều tuyên bố được đưa ra
và … căng thẳng nảy sinh.
Chính sách ngoại giao của Donald Trump bắt đầu với «
trò chơi » ban hành « sắc lệnh », tìm cách lấy lòng hay dọa nạt. Hôm thứ Tư
25/01, Donald Trump cam kết đưa ra các biện pháp « hợp tác chưa từng có » để cải
thiện mối quan hệ với Mêhicô. Nhưng đến ngày thứ Năm, ông lại dọa hủy cuộc gặp
với tổng thống Pena Nieto nếu Mêhicô không muốn trả tiền xây bức tường ngăn
cách hai nước. Ngay lập tức, tổng thống Mêhicô thông báo hủy chuyến thăm
Washington. Đáp lại, Donald Trump thông báo áp thuế 20% đối với các sản phẩm nhập
từ Mêhicô.
Vụ đối đầu như vậy cho phép tổng thống Donald Trump
chứng minh rằng ông đấu tranh vì lợi ích của nước Mỹ và rằng ông giữ lời hứa.
Nhưng những ồn ào ở Nhà Trắng lại bắt đầu tạo cảm giác rằng ở đó mọi chuyện rất
lộn xộn.
Le Figaro nhận xét là phần lớn hoạt động của tổng thống
Trump đều nhằm thu hút sự chú ý của dư luận. Mỗi khi ông ký sắc lệnh, công
chúng lại thấy hình ảnh rất nhiều cộng sự vây quanh ông trong phòng Bầu Dục.
Tuy nhiên, cũng rất nhiều quyết định được đưa ra
theo kiểu « lén lút, vụng trộm ». Chẳng hạn như tất cả gì liên quan tới thay đổi
khí hậu đã bị gỡ khỏi trang web của Nhà Trắng và của cơ quan bảo vệ môi trường
EPA. Các quan chức bị cấm thông báo điều này với công chúng. Donald Trump cũng
« lẳng lặng » cắt giảm nhiều cơ quan hành chính. Hội thảo về khí hậu và phòng
ngừa dịch bệnh cũng bị hủy mà không được báo trước cho dù công tác chuẩn bị hội
thảo đã được tiến hành từ nhiều tháng nay. Donald Trump cũng yêu cầu cơ quan bảo
vệ môi trường EPA ngưng mọi hợp đồng hay cung cấp tài chính cho việc nghiên cứu
về sự nóng dần lên của Trái Đất.
Còn các bộ thì ghi nhận « sự chảy máu nhân tài ».
Sáu, bảy quan chức cao cấp nhất của bộ Ngoại Giao Mỹ đã đồng loạt từ chức hôm
thứ Tư 25/01, nhưng Donald Trump không hề tỏ ý muốn giữ họ lại. Nhiều sắc lệnh
do các cố vấn của tổng thống soạn thảo mà không thông qua ý kiến của các quan
chức chính phủ hay các chuyên gia.
Ngay cả bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis và giám đốc
CIA Mike Pompeo cũng bị bất ngờ trước dự định của tổng thống về việc khôi phục
biện pháp tra tấn bằng nước, vốn đã bị chính quyền Obama cấm từ năm 2009. Họ
không ủng hộ dự định này nhưng tổng thống Trump lại nghĩ rằng mọi chuyện sẽ ổn.
Trả lời câu hỏi liệu ông có sợ việc đóng cửa biên giới
với người dân một số nước sẽ làm người Hồi Giáo nổi giận hay không, Donald
Trump trả lời « Đã có quá nhiều nỗi tức giận rồi, làm sao mà còn có thêm được nữa
? Thế giới đang giận dữ, thế giới đang « lộn tùng phèo cả lên » ».
Tổng thống Donald Trump đã trấn an người dân là «
Tôi biết cái gì là đúng, cái gì là sai và tôi rất giỏi trong việc này ». Thế
nhưng, sau khi đảm bảo là không người dân nào phải chết trên đường phố thì
Donald Trump lại quyết định thay đổi luật Obamacare, rồi ông lại dự định khôi
phục các biện pháp tra tấn vì muốn « là vị tổng thống của một đất nước an toàn
».
Silicon
Valley, mảnh đất lành đón tiếp ê-kip Obama
Sau khi tổng thống Barack Obama mãn nhiệm, các cộng
sự của ông đi về đâu ? Tương lai của họ ra sao ? Các câu hỏi này được báo Le
Monde trả lời qua bài : « Silicon Valley, mảnh đất lành đón tiếp ê-kíp Obama ».
Từ ba năm nay, rất nhiều cựu cộng sự của Obama đã tới làm việc ở Silicon
Valley, cái nôi của công nghệ cao Hoa Kỳ. Xu hướng này gia tăng trong những năm
tháng cuối nhiệm kỳ của ông Obama.
Tại Washington, người ta gọi việc chuyển hướng này
là « cánh cửa xoay » : khu vực tư nhân đón nhận những người có nhiều kinh nghiệm
làm việc trong chính quyền. Thực ra, các cựu quan chức cũng chuyển sang làm việc
cho các nhóm vận động hành lang có thế lực như K Street (ở Washington), cho các
định chế tài chính Wall Street (ở New York) hoặc các tập đoàn lớn trong lĩnh vực
viễn thông, năng lượng, dược phẩm… Đó là những ngành nghề thường xuyên phải đối
mặt với các luật lệ, quy định pháp luật. Thế nhưng, Silicon Valley cũng là một
địa chỉ thịnh hành thu hút nhiều cựu quan chức.
Ví dụ, năm 2015, ông Jay Carney, nguyên là phát ngôn
viên của Nhà Trắng, đã chuyển sang làm việc cho tập đoàn Amazon.
Theo ông Daniel Stevens, giám đốc tổ chức phi chính
phủ Campaign for Accountability, chuyên theo dõi vấn đề trách nhiệm và đạo đức
của chính phủ, được Le Monde trích dẫn, thì « hoạt động của các doanh nghiệp
này có thể phụ thuộc rất nhiều vào một số luật lệ được thảo luận ở Washington
».
Vận động hành lang chưa đủ, cần phải có người hiểu
biết chính phủ vận hành ra sao và có thể dự tính được những lo lắng, quan tâm của
chính phủ. Vẫn theo đại diện tổ chức Campaign for Accountability, trong 8 năm
qua, công ty Mountain View đã tuyển dụng gần 200 cựu quan chức của chính quyền
Obama. Do vậy, doanh nghiệp này có quan hệ đặc biệt với Nhà Trắng.
Mỹ
có thể giảm các cam kết đối với Liên Hiệp Quốc và một số thoả thuận quốc tế
Vẫn liên quan đến tổng thống Donald Trump, Les Echos
đưa tin « Mỹ có thể giảm các cam kết đối với Liên Hiệp Quốc và một số thoả thuận
quốc tế ». Thông tin này dựa theo báo New York Times, ngày 25/01. Tờ báo cho biết
là dường như chính quyền Trump đang chuẩn bị hai sắc lệnh giảm bớt các cam kết
của Hoa Kỳ đối với các tổ chức quốc tế trực thuộc Liên Hiệp Quốc. Cho dù chưa
chắc hai văn bản này sẽ được ký và thậm chí có ký cũng chưa chắc được thực hiện,
nhưng động thái này chứng tỏ chính quyền Trump coi thường các định chế quốc tế.
Theo chuyên gia Cale Salih, thuộc trung tâm nghiên cứu
Liên Hiệp Quốc, thì với Donald Trump, chính sách đối ngoại của Mỹ phục vụ các lợi
ích quốc gia, chứ không nhằm bảo vệ các giá trị là biểu tượng của nước này.
*
*
Thanh Phương – RFI
Đăng ngày 28-01-2017
Tân
đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley hôm qua, 27/01/2017, đã lên tiếng dọa
những nước nào chống lại chính sách ngoại giao của tổng thống Donald Trump, cảnh
cáo là những nước này sẽ gánh chịu những hậu quả.
Từ Washington, thông tín viên Marie Bourreau gởi
về bài tường trình :
« Miệng cười thật tươi, cựu thống đốc bang South
Carolina tiến vào sảnh của tòa nhà Liên Hiệp Quốc. Được xem là có lập trường ôn
hòa hơn là tổng thống, thế mà bà lại có những lời lẽ rất cứng rắn trước một giới
báo chí sững sờ.
Bà tuyên bố : « Đây là một ngày mới đối với quan hệ
giữa Hoa Kỳ với Liên Hiệp Quốc. Quý vị sẽ thấy những thay đổi trong cách thức
mà chúng tôi hành động. Chúng tôi sẽ không làm việc nhiều hơn, mà sẽ làm việc một
cách thông minh hơn. Mục tiêu của chúng tôi là đóng một vai trò ở Liên Hiệp Quốc.
Và để làm được điều đó, chúng tôi sẽ biểu dương sức mạnh của mình, sẽ cất giọng
cao hơn, yểm trợ các đồng minh của chúng tôi và bảo đảm là các đồng minh đó
cũng sẽ ủng hộ chúng tôi.
Mặt khác, bà đại sứ đã ra lời đe dọa : « Những nước
nào không ủng hộ chúng tôi, chúng tôi sẽ ghi nhớ tên. Chúng tôi sẽ đáp trả đích
đáng. Nhưng đây là thời kỳ của sức mạnh, của hành động, của hiệu quả. Những gì
vận hành tốt, chúng tôi sẽ cải tiến hơn nữa. Những gì không vận hành tốt, chúng
tôi sẽ cố sửa chữa. Những gì có lẽ lỗi thời hoặc vô ích, chúng tôi sẽ vứt bỏ ».
Từ nhiều ngày qua, có tin đồn là tổng thống Donald
Trump có thể ký một sắc lệnh giảm mức đóng góp tài chính của Mỹ cho LHQ, gây
phương hại cho nhiều chương trình. Giọng điệu cứng rắn của bà Nikki Haley ngay
ngày đầu tiên ở LHQ rõ ràng là không làm cho người ta an tâm. »
No comments:
Post a Comment