Chỉ
một tuần ngồi ghế tổng thống, Donald Trump có thể đã biết làm tổng thống khác với
ngồi ghế điều hành doanh nghiệp như thế nào. Trong thương trường, không có khái
niệm dân chủ hay sức mạnh nhân dân. Thương trường cũng không có những hệ thống
chính trị tản quyền để Trump có thể đơn phương dùng thủ đoạn đàm phán nhằm chơi
ép hoặc thậm chí ngồi lên đầu đối thủ mà trong trường hợp này là nhân dân. Các
công ty con của Trump không hề giống như các tiểu bang Hoa Kỳ. “Deal” với nhân
dân, với tư cách tổng thống một nước như Mỹ, không phải như “deal” với các đối
tác làm ăn.
Hơn
một ngày sau khi Trump ký lệnh cấm nhập cư (có hiệu lực tức thì) lúc 16g42 ngày
27-1-2017, thì trước 21g ngày 28, thẩm phán Tòa khu vực liên bang New York Ann
Donnelly đã ban hành lệnh khẩn cấp tạm thời ngăn chặn việc trục xuất những người
có thị thực hợp lệ bị cầm giữ sau khi hạ cánh tại New York. Lệnh này cũng ngăn
chặn việc tạm giữ bất cứ ai có đơn xin tị nạn đã được phê duyệt. Tờ lệnh Ann
Donnelly – chỉ vài dòng, đăng gọn trên một trang giấy – được ban bố sau khi các
luật sư thuộc tổ chức phi chính phủ ACLU (American Civil Liberties Union) tường
trình trước tòa về trường hợp một người bị giữ tại phi trường buộc phải lên máy
bay trở lại Syria.
Sự
kiện xảy ra khi Phi trường quốc tế JFK tràn ngập người biểu tình phản đối chính
sách nhập cư mới. Chỉ vài phút sau khi Ann Donnelly (tạm thời) vô hiệu hóa luật
nhập cư của Trump, thẩm phán Leonie M. Brinkema thuộc Tòa khu vực liên bang
Virginia cũng tung ra luật tạm hoãn trục xuất bất kỳ người nào có thẻ xanh đang
bị giữ tại Phi trường quốc tế Dulles. Ngoài ra, thống đốc Virginia, Terry
McAuliffe, cũng yêu cầu bộ trưởng tư pháp cấp bang Mark Herring xem xét các “liệu
pháp pháp lý” có thể để giúp những người bị tạm giữ ở bang mình.
Một
tổng giám đốc điều hành hoặc chủ doanh nghiệp có thể ra các mệnh lệnh ảnh hưởng
đến bất kỳ nhà máy nào của ông ta. Các tiểu bang Hoa Kỳ và quyền hạn hợp hiến của
họ không phải là nhà máy của một tập đoàn. Nền dân chủ Mỹ đã hình thành và tồn
tại lâu hơn bất kỳ doanh nghiệp lâu đời nào nhất trên nước Mỹ. Cái “ego” của
Trump dù lớn thế nào cũng không thể to hơn và đè bẹp được các giá trị mà trong
đó “tự do” là một trong quyền được tôn xưng mạnh nhất. Không phải tự nhiên nước
Mỹ được xem là “thế giới tự do”.
Mark
Doss, luật sư thuộc tổ chức chuyên hỗ trợ tỵ nạn quốc tế IRAJ (International
Refugee Assistance Project), khi cố “giải cứu” một số người tỵ nạn bị giữ tại
Phi trường JFK, đã bực tức hỏi một viên chức: “Ai là người mà chúng tôi cần phải
nói chuyện đây?”. Câu trả lời: “Gọi ông Trump ấy!”. Chi tiết này nghe giống câu
chuyện từ các nước độc tài nơi mà viên chức chính quyền là những kẻ thừa hành
bù nhìn, nơi mà quyền lực được dồn vào một (nhóm) cá nhân hoặc đảng phái cầm
quyền toàn quyền sinh sát. Thật khó có thể nghĩ việc Mỹ đang được quản lý và điều
hành như một mô hình cộng sản.
Trump
đang muốn “đánh” Trung Quốc. Tuy nhiên, ông đang trở thành trò cười cho đối thủ
nguy hiểm nhất và trực tiếp nhất của nước Mỹ. Những chuyện nhỏ nhặt mà ông “bận
tâm”, như việc ông bực bội gọi ca sĩ Madonna là “kinh tởm” (“disgusting”) trong
buổi phỏng vấn Fox News ngày 26-1 hoặc việc ông “sân si” gay gắt vụ số người dự
lễ đăng quang, đã trở thành đề tài không đáng có cho các bài báo chế nhạo của
Trung Quốc. Nguyên thủ quốc gia không cần thiết phải “đôi co” với người dân.
Chính quyền một nước dân chủ là sẵn sàng nghe dân chỉ trích hoặc thậm chí mắng
chửi, trừ các nước độc tài.
Việc
“chiến lược gia” Nhà trắng Stephen K. Bannon, vào ngày 25-1, nói rằng báo chí
nên im miệng và chỉ cần biết nghe, cho thấy đây không chỉ là cuộc chiến giữa
Trump với giới truyền thông. Nó còn là một “ví dụ điển hình” mà các nước độc
tài chuyên chế, như Trung Quốc, lấy làm cớ để vừa bôi nhọ Mỹ vừa biện giải cho
sự bóp nghẹt báo chí vốn trước nay chỉ xảy ra tại nước họ. Cần nói thêm, tân đại
sứ Mỹ Nikki Haley, chân ướt chân ráo đến LHQ ngày 27-1, đã phán rằng Mỹ sẽ “ghi
sổ” những nước nào không ủng hộ Hoa Kỳ. Câu nói này chẳng khác gì lập luận “thuận
chi giả xương, nghịch chi giả bất tử tắc vong” (thuận theo thì sống, chống lại
thì chết) trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Trump có thể có các giải
pháp để đánh Trung Quốc nhưng giải pháp gì thì Trump cũng không thể không cần đồng
minh. Trump không thể đánh Trung Quốc nếu Trump cùng lúc “xây dựng” đồng minh
cho kẻ thù của mình.
Các
động thái quyết liệt và nhanh chóng của Trump, từ việc kêu gọi xây bức tường
ngăn biên giới Mỹ-Mexico đến việc xóa sổ Obamacare lẫn TPP, cho thấy ông là con
người của hành động. Trump nói là làm nhưng vấn đề của ông không phải là làm
cái gì mà là cách ông làm. Trump đang
“make America ugly again” thay vì “great again”. Các cuộc biểu tình dữ dội
tại nhiều nước thế giới từ sau khi Trump nhậm chức đã cho thấy điều đó. Bức tường
Mỹ-Mexico chưa được xây nhưng bức tường nhân dân đang được dựng lên ngay trong
lòng nước Mỹ. Ngày 25-1, thị trưởng New York Bill de Blasio dọa sẽ kiện bộ máy
chính quyền Trump về việc Trump ký sắc lệnh tổng thống chỉ thị chính phủ liên
bang hạn chế ngân sách cho các “thành phố thánh địa” nơi “chứa chấp” dân nhập
cư không giấy tờ.
Trump
không thể đánh Trung Quốc hoặc thiết lập lại trật tự thế giới mới khi mà trật tự
nước Mỹ đang bị xáo trộn bởi chính mình. Không phải như lãnh đạo một quốc gia độc
tài, Trump cần thấy sự giới hạn của quyền lực mình. Loạt kế hoạch biểu tình
khác, trong đó có giới khoa học, sắp được tiến hành. Trump không thể “make
America great again” bằng cách va đầu vào bức tường nhân dân Mỹ, bằng cách
“make it ugly” dưới mắt cộng đồng thế giới và “make it funny” dưới mắt kẻ thù
Trung Quốc.
...
...
Biểu tình phản đối luật nhập cư tại Phi trường JFK (New York Times)
No comments:
Post a Comment