Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2017
GÀ NUỐT DÂY THUN
Thuở
còn sinh thời, cha tôi là một người nghiêm nghị, mực thước, đúng khuôn mẫu như
những người cha vào thế hệ đó, cách đây cả nửa thế kỷ. Sáng vác ô đi, tối vác ô
về, công chức gương mẫu của nhà nước. Ông chẳng nhúng tay vào việc gì trong
nhà, tất cả đã có bàn tay tần tảo của mẹ tôi. Thú giải trí của ông là uống trà
tầu, chơi cờ, chăm sóc cây kiểng. Anh em chúng tôi sợ ông một phép, vì ông rất
dữ đòn, roi mây quất vun vút, mấy ngày sau mông đít còn sưng vù, chỉ dám ngồi
gượng nhẹ. Đó là những lần phạm lỗi nặng, còn lỗi nhẹ thì nghe giảng moral lòng
thòng, nhức óc. Trong bữa cơm, anh em tôi lỡ đánh rơi vài hột cơm, thấy ông trừng
mắt nhìn là biết có chuyện. Sau bữa cơm, bọn chúng tôi phải lên nhà trên, ngồi
ngay ngắn nghiêm chỉnh nghe cha tôi giảng thuyết, nào là hạt cơm là hạt ngọc trời
cho, không được phí phạm, nào là công lao cầy cấy khó nhọc, một sương hai nắng
mới có được hột gạo mà ăn, chuyện này miên man sang chuyện kia, đến cả thuyết
nhân duyên sinh của nhà Phật, nào là hột lúa mọc thành cây là nhờ các trợ duyên
gió, nước, mặt trời, độ ẩm, lại phải nhờ sức người chăm bón, vun trồng, gặt
hái. Mỗi hạt lúa mang đủ hình ảnh đất nước, trăng sao, tiếng hò câu hát. Trong
hạt lúa đã có sẵn cành lá hoa trái của cây tương lai. Hạt lúa không hề hủy diệt,
mà chỉ biến đổi hình thể, trạng thái.
Cứ
thế ông kéo dài cả giờ, riết rồi bọn tôi nghe tai nọ, lọt sang tai kia, chán ngấy.
Ngược lại mẹ tôi là người đàn bà nhà quê ít học, nên thực tế hơn: “Đứa
nào hay làm vãi cơm, kiếp sau phải làm con gà, nhặt từng hột ở dưới đất mà ăn
đó nghe.” Một hình ảnh bằng ngàn lời nói. Con gà ở xứ ta, suốt ngày bới
đất nhặt cỏ, mổ từng hột cơm rơi vãi trên đất, trong cống rãnh, đôi khi còn
tranh giành, nuốt sống cả con giun đất dài thoòng, thấy mà gớm. Câu dọa của mẹ
tôi có hiệu quả ngay. Tôi nhớ suốt đời, được dịp là áp dụng liền. “Linda,
con ăn cho cẩn thận, đừng đánh đổ. Coi chừng kiếp sau phải làm con gà nhặt từng
hột cơm dưới đất mà ăn đó nghe không.” Con gái tôi cười khúc khích, diễu
cợt. Dĩ nhiên là lần đầu, nó ngơ ngác, tôi phải giải thích một lúc, nó mới hiểu
tôi muốn nói gì. Những lần sau thì nó cười, vì hình ảnh tôi đem ra dọa chẳng
liên quan gì đến con gà nó biết cả. Con gà nó nhìn thấy hàng ngày là những đùi,
những lườn, những cánh, nằm trên vỉ sốp bọc giấy bóng kính trong siêu thị
mát lạnh. Quả tình là uy quyền làm cha đã suy giảm thê thảm theo thời gian.
Ngày trước, cha tôi giảng moral, bọn tôi hơi tỏ vẻ lơ đễnh một chút là ăn đòn
nát đít, bây giờ con gái tôi cười tự do.
Còn thằng
con trai, mỗi lần phải chào các chú, các bác, nó ngọng nghịu, ấp úng, tôi nạt “Đồ
gà nuốt dây thun.” Nó ngẩn người ra như Mán rừng, chẳng hiểu gì cả.
Còn hỏi lại: “Cái gì hả bố?” Tôi tức mình, nhưng biết là nó bị
oan. Suốt 19 năm qua đây, tôi chưa hề lượm được sợi dây thun rơi trên vỉa hè,
trên đường phố. Và cũng 19 năm nay lũ con tôi trông thấy tận mắt con gà bằng
xương bằng thịt có độc một lần.
CON GÀ MẸ ĐIỆN, THẢM THAY
Lần đó,
hình như vào ngày Phục Sinh, ngay giữa một shopping mall sang trọng, tôi trông
thấy một ổ gà con đang nở. Dĩ nhiên không phải tình cờ có con gà làm tổ trong
góc kẹt đâu, mà là triển lãm trong lồng kính, bầy trên một bục gỗ cao nơi khách
hàng qua lại nườm nượp. Tôi mừng quá, vẫy mấy đứa con đến gần, cốt cho chúng nó
được chứng kiến tận mắt sự kỳ diệu của thiên nhiên, tạo vật. Lồng kính giống
như một hồ lớn dùng nuôi cá kiểng, sàn trải rơm, ở mỗi góc có một bóng đèn thắp
sáng, bọc lưới sắt. Chính giữa là ổ trứng có khoảng 15 quả. Trứng lựa đúng
ngày, nên đã có một số con vừa nở, vỏ trứng ngổn ngang. Tôi chỉ các con tôi chú
ý vào một quả trứng đang nứt, có gì ngọ ngoạy trong đó. Ít phút sau một chú gà
con lông còn ướt nhẹp yết ớt chui ra. Nó nằm thở dốc, mắt ngó nghiêng, hấp háy
nhìn ánh sáng cuộc đời. Một lúc sau, nó duỗi dài đôi chân, cố gắng đứng dậy, bước
đi dò dẫm. Trong chốc lát lông nó khô dần, nõn như một mớ tơ vàng óng ánh. Đôi
chân nhỏ xíu, hồng hồng, cái mỏ xinh xắn.
Các con
tôi reo lên, trầm trồ. Nhưng chẳng được bao lâu, chúng nó cũng chán, con gái
thì theo mẹ vào tiệm bán quần áo, thằng con trai chui vào gian hàng trò chơi điện
tử. Tôi đứng xem đến lúc đàn gà nở hết. Chúng đi dạo quanh lồng, nhìn cái này,
ngó cái kia, mổ nhè nhẹ vào những sợi rơm, vào mảnh vỏ trứng, chen chúc nhau dứng
gần ngọn đèn điện, miệng kêu chip chip nho nhỏ, mắt ngơ ngơ ngác ngác. Tự nhiên
tôi thấy thương tâm vô hạn. Đàn gà vừa mở mắt đã bị mồ côi, chắc chúng tưởng ngọn
đèn điện đang tỏa hơi ấm là mẹ chúng. Mấy đứa con tôi có nán lại coi,
cũng không bao giờ thấy được cảnh gà mẹ, gà con ríu rít bên nhau. Mẹ bới đất kiếm
được chút thức ăn, cũng gọi con lại nhường cho ăn. Đứa nào chạy chơi một lúc, mệt
và lạnh thì chui vào cánh mẹ sưởi ấm. Có con mỏi chân nhảy tót lên lưng mẹ đòi
cõng đi, trông thật dễ thương. Gặp điều gì nguy hiểm, đàn gà con chạy vội về nấp
dưới cánh mẹ, trong khi bà mẹ bình thường, hiền lành, nay phùng lông xù cánh
trông thật dữ tợn, sẵn sàng xông tới, quyết sống chết với kẻ thù. Đàn gà con tội
nghiệp trong lồng kính, chẳng được hưởng những diễm phúc đó, túm tụm bên nhau
dưới ngọn đèn ấm áp vô tri giác. Chúng kêu líp nhíp buồn thảm,“ngơ ngác như
gà con lạc mẹ.”
GÀ CÙNG MỘT MẸ CHỚ HOÀI ĐÁ NHAU
Ở trại
gà, còn thảm hơn. Cả chục ngàn con sống trong một chuồng lớn, rộng mênh mông.
Cùng một lứa tuổi. Cùng mồ côi như nhau. Nở cùng một loạt trong máy ấp. Ngờ nghệch,
mất thần như những đứa trẻ trong cô nhi viện. Quanh quẩn đi lại trong một diện
tích chật hẹp, đèn sáng suốt ngày đêm. Ăn. Đi vài bước, không biết làm gì, lại
ghé máng thức ăn, mổ vài cái… ngày này qua ngày khác thẩn thờ ngơ ngẩn như một
đoàn xác ướp Jombie. Buồn tình thì cắn đá lẫn nhau. Làm sao biết đứa nào là anh
em cùng một mẹ. Mới đầu thì mổ chơi tựa như ngứa mỏ. Sau như mê đi. Mổ như
điên. Lủng lưng, chảy máu. Làn sóng bạo động như được khuyếch đại. Lan mãi ra.
Cả đoàn xúm lại cắn mổ nạn nhân tới chết, rút ruột ra ăn.
Không
phải chỉ ở Mỹ mới có cảnh đó. Cách đây 20 năm, tôi ghé thăm nhà anh bạn quen tại
Sài Gòn, lúc đó phong trào nuôi gà Mỹ lên tới cực điểm, gia đình nào cũng nuôi
tối thiểu vài chục con, kiểu kinh tế tự túc, hoặc lớn hơn nữa thì để dành
nguyên một tầng lầu làm phòng nuôi gà sinh lợi. Anh bạn đón tôi ngoài cửa, hý hửng
khoe: “’Moi’ mới tìm ra biện pháp thần sầu để ngừa vụ gà cắn mổ nhau. Cậu
biết không, ‘moi’ với bà xã vừa lấy kìm cắt hết mỏ lũ gà.” Tôi thán phục
quá. Gà bị cắt mỏ không cắn nhau được nữa, nhưng đau quá, làm reo không ăn. Có
con bị làm độc, lăn quay ra chết. Chuyện này có thật, tác giả không bịa một lời
(1). Còn ở Mỹ thì sao? Cách đây mấy năm, có một nhà khoa học ngành chăn nuôi
nghiệm ra rằng ánh sáng đỏ làm gà ít bị stress, bớt hung tợn cắn mổ nhau. Nhưng
nhân viên cần đèn sáng để quét dọn làm vệ sinh. Nhà khoa học bèn đưa biện pháp
dung hòa: cho gà đeo contact lens mầu đỏ. Tốn kém 10 xu một cặp kể cả công lắp.
GÀ ĐI BỘ
Gà Mỹ
suốt đời ở trong lồng (có nghĩa là mấy tháng đối với loại gà nuôi để ăn thịt,
hay chính xác hơn là 47 ngày) không được vận động nên thịt bở bùng bục, nhão nhẹt.
Người Việt chê, nhưng người Mỹ thích. Đây là điểm nhà chăn nuôi muốn, vì dân Mỹ
ăn gà dùng dao nĩa, tách rời thịt ra khỏi xương, chứ không chặt ra từng miếng
hoặc cầm cái tỏi gà mà gặm như dân Việt, thành thử nếu thịt dai, gân xương dính
nhằng nhịt, bán không ai mua.
Dân tị
nạn hồi mới qua, bắt buộc phải ăn gà Mỹ bán tại siêu thị, dần dần tinh khôn hơn
thấy dân Tầu cùng “gu” như mình, nuôi theo kiểu thiên nhiên, thả chạy ngoài vườn,
ngoài thức ăn chính, còn bới đất, nhặt cỏ, bắt sâu bọ mà ăn, nên thịt thơm và
chắc, do đó mua gà Tầu dù giá đắt gấp đôi. Tại tiệm gà nhốt cả lồng, chỉ con
nào chủ tiệm tính tiền bán theo ký, cắt tiết, vặt lông, mười phút sau giao cho
khách hàng, thịt còn nóng hổi, đem về pha chế, nấu nướng tùy khẩu vị. Bà xã đem
về luộc lên, xé phay, trộn gỏi, mời bạn bè tới lai rai. Cắn miếng thịt gà
đi bộ, lâu lâu nhai nhằm cái xương cứng ngắc, mừng như tha hương ngộ cố
tri. Rượu ngà ngà say, tán dóc về những giai đoạn huy hoàng trong dĩ vãng,
rỉ rả gặm chiếc cẳng gà, cánh gà, sao thấy đời đáng sống quá. Cũng có bán cả vịt,
vịt ta lẫn vịt Xiêm. Vị nào thích ăn tiết canh, mua vịt về cắt tiết, xong đem lại
nhà hàng nhờ vặt lông dùm. Gọi là vặt lông, nhưng không phải bằng tay, mà bằng
một loại máy thô sơ, vặt từng con một. Gà được nhúng nước sôi, sau đó nhúng vào
một loại nước có chất keo, xong bỏ vào thùng thiếc. Thùng này hình tròn, có tay
quay. Thành thùng có các sợi thép tua ra như lông nhím. Gà được bỏ vào thùng,
nhân viên quay tay, vì có chất keo nên lông tuột ra dính vào thành lồng. Chỗ
nào lông còn sót, nhặt thêm bằng tay. Tác giả chưa được thấy máy vặt lông theo
kiểu kỹ nghệ (1 phút 90 con), nhưng chắc nguyên tắc cũng tương tự.
Các tiệm
phở gà tại Mỹ, biết ý khách Việt khó tính nên quảng cáo rõ là phở hoàn toàn làm
bằng gà đi bộ.
NHẤT BÌ NHÌ THỦ
Các cụ
sành ăn, chê món thịt lườn (thịt trắng –white meat). Các cụ nói thịt nạc quá,
ăn bã và khô. Các cụ khoái thịt đùi (thịt xám –dark meat). Bên Mỹ, lườn hay đùi
đều có, nhưng còn đầu thi tuyệt nhiên không thấy. Phao câu đôi khi thấy ở loại
gà bán nguyên con. Da gà cũng xuống giá. Hồi tôi mới qua tị nạn, ở nhờ nhà bảo
trợ, thấy chủ nhà liệng bỏ da, trong bụng tiếc hùi hụi, chép miệng như thạch
sùng tắc lưỡi. Khi ra ở riêng, bèn bảo bà xã đi mua mấy vỉ lưng gà về luộc ăn
cho bõ thèm. Lưng gà béo ngậy, da vàng ươm, ăn đã đời mà giá lại rẻ. Gặm một
lúc năm bẩy cái, thống khoái như được lên Niết Bàn (chả thế mà các cụ gọi là
Tây phương cực lạc).
Được ít
lâu thì ớn dần, bây giờ thì sợ quá xá quà xa. Ở Việt Nam ăn phở phải gọi thêm
nước béo, óng ánh những sao mỡ, bây giờ bà xã hớt từng muỗng mỡ gà luộc đổ xuống
cống. Mới đầu tiếc thót ruột, ngoảnh mặt đi không dám nhìn. Riết rồi cũng quen.
TRỐNG CẮT TAI, MÁI CẮT CỔ
Bên Mỹ
người ta giết gà hàng loạt, toàn bằng máy. Cái đầu được chặt phăng, rồi đưa qua
máy. Nhúng nước sôi, vặt lông, mổ bụng, làm lông với tốc độ 90 con một phút. Khủng
khiếp chưa. Chẳng ai rỗi hơi mà đọc cho chúng bài kinh cầu siêu để linh hồn
chúng sớm siêu thoát đầu thai kiếp khác. Mẹ tôi ngày xưa mỗi khi nhà có giỗ cần
cắt cổ gà, là phải gọi đến tôi, vì không hiểu sao cả nhà chỉ có tôi cắt tiết gà
là chết. Mấy ông anh tôi cũng cắt như vậy mà thả ra, gà còn chạy cà nhỏng, cái
đầu lủng lẳng thấy mà ghê. Trước khi cắt mẹ tôi lẩm nhẩm đọc bài chú: “Trống
cắt tai, mái cắt cổ. Hóa kiếp cho mày theo Phật Thích Ca. Đừng làm kiếp gà, người
ta cắt cổ.” Tôi vặt trụi lông ở cổ gà, đưa lưỡi dao sắc cắt đúng ngay
mạch máu. Kể cũng lạ. Con gà chẳng tỏ vẻ đau đớn gì cả. Nó lặng im, mắt mở nhìn
ngang, nhìn dọc, bình thản. Chả bù với con bò, tôi còn nhớ hồi nhỏ, nghe anh đồ
tể ở gần nhà kể chuyện, bò bị dắt đến lò sát sinh, linh tính biết là sắp bị giết,
nó chùn lại không chịu đi, sợ sệt, đôi mắt khóc ướt đẫm.
Tiết được
hứng vào chiếc bát nhỏ. Độ lưng chừng bát tiết, gà dẫy nhẹ vài cái rồi chết.
Bây giờ có thuê tiền các con tôi cũng chẳng dám cắt tiết, thế mà dạo đó tôi làm
tỉnh bơ.
BÓI CẲNG GÀ
Gà được
nhúng vào nồi nước sôi để dễ vặt lông. Đôi chân được rửa sạch sẽ, trần nước
sôi, để trên bàn thờ cúng cùng con gà. Khi hạ lễ tôi có phận sự đem lên để cha
tôi bói. Vào những ngày giỗ chạp như vậy, cha tôi luôn ăn mặc chỉnh tề, hoặc áo
the khăn đóng, hoặc áo vét quần tây, vì ông là trưởng tộc, cả họ về ăn giỗ. Tôi
đặt chiếc đĩa có đôi cẳng gà trước mặt ông. Ông trịnh trọng hoặc nhấp ly trà tầu,
hoặc đốt một điếu thuốc, thong thả đeo chiếc kính trắng, cầm chiếc cẳng gà lên
coi, chăm chú hết sức. Lâu lâu lại hý hoáy biên chép. Tôi đứng ngấp nghé một
bên, chờ đợi. Có bữa cao hứng cha tôi gọi tôi lại gần, giảng giải: “Sở
dĩ đem trấn nước sôi, vì nếu luộc chín quá thì nứt ra, gọi là phá quản, không
xem được. Chân gà có bốn ngón, ngón sau được gọi là ngón nhỏ. Khi luộc các ngón
chân quắp lại, hễ ngón nhỏ chỉ vào ngón nào thì ứng theo đó mà coi. Chỉ vào
ngón trong, thì thuộc về việc trong nhà, chỉ vào ngón giữa thuộc về chủ thần,
chỉ về ngón ngoài thuộc về người ngoài; nếu chỉ vào khe các ngón
thì gọi là chỉ không, không ứng nghiệm việc gì cả. Trong giữa bàn chân nó gọi
là trung cung, hễ chỗ trung cung được đầy đặn thì cửa nhà phong vận, lõm xưống
thì tất bị khổ sở.
Lại phải
xem huyết điểm, đỏ hồng hào là tốt, xám là xấu. Trong ba ngón tám đốt xung
quanh chia làm tám cung: kiến, khảm, càn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài theo phương
vị trong Dịch, mỗi cung chỉ một việc, hễ huyết điểm đóng vào cung nào thì việc
hay dở nghiệm về cung ấy.” (3)
Tôi
nghe như vịt nghe sấm, chỉ thèm được gặm chân gà. Gặm một lúc cả hai chiếc cho
đã đời. Thèm nhưng không dám đụng tới. Sở dĩ vậy vì mẹ tôi cấm bọn tôi ăn chân
gà, sợ run tay, viết chữ “nguyệch ngoạc như gà bới.”
Cha tôi
coi xong, tôi đem chân gà xuống bếp, luộc cho chín hẳn. Có khi cha tôi nhắm rượu
với đôi cẳng gà (chắc cẳng xấu). Có khi treo chúng lên, bên cạnh bàn thờ (chắc
cẳng tốt). Lâu dần đám cẳng gà khô quắt queo, gân guốc, như những ngón tay cụ đồ
nho.
Cha tôi
còn coi tướng đầu gà, đại để cũng xem huyết đỏ thì tốt, đen thì xấu và xem huyết
đọng ở tai hoặc mắt rồi hợp với lẽ ngũ hành sinh vượng mà đoán. Thường thì cứ mỏ
há, mắt nhắm là tốt, mỏ ngậm, mắt mở là xấu.
Những
ngày giỗ lớn, thế nào trên bàn thờ cũng phải có một mâm xôi to, trên mâm xôi là
con gà luộc nằm ngay ngắn, mỏ ngậm một bông hồng. Con gà trống thiến mập tròn,
da vàng ươm những mỡ khiến lũ trẻ con chúng tôi trông bắt thèm nhỏ dãi.
Sau này
đi lính, mỗi bữa nhậu đều có quay đầu gà. Bữa nào số mạt, mỏ gà chỉ mình hoài,
uống rượu say khướt. Anh nào uống nhiều mà vẫn chì, tỉnh táo đến giờ phút chót,
được hưởng cái đầu gà. Nhưng lúc đó thường là đã ngất ngư, nhiều khi không đủ sức
gặm nổi cái phần thưởng vinh dự đó.
NGƯỜI MÁY ĂN THỊT GÀ MÁY
Ở Việt Nam,
vài tháng trước ngày giỗ, tết, mẹ tôi đi chợ mua về vài con gà con, nuôi ở sân
sau “cho nó nhặt hột cơm rơi, cơm vãi, vài tháng béo tốt làm thịt là vừa.
Hột cơm để rơi rụng xuống cống rãnh, phải tội chết.” Tôi có phận sự rắc
thóc cho chúng ăn mỗi buổi chiều, trước khi gà lên chuồng. Biết hiệu, vừa thấy
tôi ra vườn là cả lũ gà vịt, ngan ngỗng chạy xúm lại chờ ăn. Thích con nào, tôi
năn nỉ xin mẹ tôi đừng giết, cho tôi nuôi để nó đẻ trứng gầy lứa khác.
Tôi
nuôi nấng con gà từ ngày nó còn nhỏ xíu, rồi lớn dần thành con gà mái tơ óng ả,
bắt đầu làm tổ đẻ trứng. Thich lắm. Mỗi lần đẻ xong nó kêu cục tác ầm ĩ là tôi
chạy ra vườn, thăm ổ gà, nâng niu quả trứng nóng hổi trong tay, rồi cất đi cho
đủ số, chờ ngày gà ấp. Trứng nở ra đàn gà con nhỏ nhắn xinh xinh lông mềm như
tơ nõn, làm tôi sung sướng hãnh diện lắm. Lâu lâu tôi xin mẹ tôi giữ lại một
con gà trống, tập luyện nó thành gà chọi, rồi cũng bắt chước người lớn ôm đi đá
độ cùng lũ bạn hàng xóm. Cũng bày đặt đếm lông, đếm cánh, xem vẩy chân, coi tướng
gà. Nhiều khi đánh nhau cũng chỉ vì đá gà thua, còn bị chọc ghẹo. “Chúng
mày ơi, vẩy của gà thằng Tèo là loại vẩy ‘hường tâm’.” (2).
Bây giờ
nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu, tôi thấy tôi có nhiều dịp sống gần gũi với
thiên nhiên. Đi học về, bỏ cặp vào nhà là theo chúng bạn cầm giàn thun đi bắn
chim, đào giun câu cá, bắt dế mèn, chọi dế đá. Nhiều kỳ nghỉ hè được về quê ngoại
chơi mấy tháng, hưởng thú vui đồng quê, xem người ta tát mương bắt cá, gặt lúa
tát nước. Ra đồng bắt cào cào, châu chấu về nuôi chim sáo… Muốn biết bơi thì
cho chuồn chuồn cắn rốn.
Tôi còn
nhớ mãi kỷ niệm này. Thuở đó còn ngu ngơ, nghe lời mấy thằng bạn lớn tuổi tinh
quái hơn, bắt ngay con chuồn chuồn ngô là loại lớn nhất, hàm răng như đôi bản kẹp
khổng lồ. Vừa tụt áo may ô, rón rén kê nó gần rốn, vừa sợ đau, vừa nghi ngờ
không biết có linh nghiệm không, thằng bạn bên cạnh dúi tay vào. Con chuồn chuồn
nghiến hàm răng lại, đau thấu trời xanh. Tôi la thất thanh cứ để nguyên con chuồn
chuồn còn dính tòng teng ở rốn nhảy đại xuống hồ. Ai ngờ chìm như cục đá, chân
tay đập loạn xạ, uống một bụng nước no, may nhờ bọn bạn vớt lên dùm, nếu không
cũng chết đuối. Khi hoàn hồn, nhìn xuống rốn, con chuồn chuồn ngô còn dính tòn
teng, hai hàm răng vẫn nghiến chặt. Hóa ra cu cậu cũng chết đuối. Thế mà
đòi làm thầy dậy bơi, không biết xấu hổ.
Nhìn lũ
con tôi, tôi thấy đời sống chúng thật nghèo nàn. Không có một thú vui thiên
nhiên nào cả. Hết movie, TV, lại chơi game, ngày cuối tuần thì đi shopping
mall, chơi trò chơi điện tử, thấy con sâu, cái kiến là dẫy nẩy, chu môi, nhóng
mỏ kêu yuck yuck tùm lum, vừa sợ, vừa gớm, tôi gọi đùa chúng
là người máy, cũng như những con gà Mỹ ngây ngô nuôi trong trại, suốt đời chân
không chấm đất là những con gà máy. Người máy ăn thịt gà máy, không hiểu thế hệ
loài người được nuôi dưỡng trong thành phố vài chục năm nữa sẽ đi về đâu?
BẢN LAI DIỆN MỤC
Trên đường
đi săn về, một người da đỏ tình cờ lượm được quả trứng trên bãi cỏ. Đến nhà, đi
ngang ổ gà đang ấp, tiện tay anh ta bỏ quả trứng vào, rồi quên bẵng đi. Ít lâu
sau, gà nở. Cái trứng kia nở ra một loài chim xấu xí, chân cẳng co quắp, vụng về.
Đàn gà con chế diễu, tẩy chay nó. Hàng ngày nó lủi thủi theo đàn gà kiếm ăn, rất
buồn cho thân phận xấu xa. Một hôm đàn gà ra ngoài đồng trống. Trên trời xanh
có đàn chim ưng bay lượn. Con chim xấu xí ước ao nó có thể bay lượn như loài
chim kia. Đột nhiên một con trong đàn tách ra, xà xuống đậu dưới đất, dáng điệu
oai vệ dũng mãnh. Đàn gà chạy tán loạn sợ hãi vô cùng. Riêng con chim xấu xí
không một chút sợ hãi, và đột nhiên nó biết nó thuộc về giòng giống chim ưng. Kể
từ đó, nó không buồn cho số phận nữa. Lúc vắng vẻ nó tập bay. Và một ngày kia
nương theo trận gió lớn, nó bay bổng lên trời cao, vùng vẫy trong khoảng gian
cao rộng.
Chắc
quí vị Phật tử từng đọc nhiều kinh điển, thấy chuyện này cũng tương tự chuyện
con sư tử mồ côi được đoàn cừu nuôi dưỡng. Nó cứ tưởng nó là cừu, cho đến một
hôm nó ra bờ suối, nhìn bóng mình dưới nước, mới biết mình là sư tử, chúa tể
sơn lâm. Chuyện này ẩn dụ rằng ai cũng có Phật tánh, chỉ cần tìm biết về bản lai
diện mục của mình, tu hành tinh tấn là một ngày kia sẽ đạt thành đạo quả.
Phượng
Hoàng đậu chốn cheo leo
Sa chân
lỡ bước phải theo đàn gà
Tan rồi
sóng gió can qua
Thay
lông đổi cánh lại ra Phượng Hoàng
Viết đến
đây tưởng cũng tạm đủ mua vui cho quí độc giả nhân ngày Xuân năm Dậu, tác giả
xin ngừng bút, kính chúc bạn đọc một năm an lành thịnh vượng và xin hẹn năm
sau.
Trần
Quán Niệm
Chú thích:
(1) Gà
Mỹ cũng bị cắt mỏ, nhưng ngay khi vừa nở. Lưỡi dao nóng, tác dụng như mỏ hàn, đốt
cháy chất sừng nơi mỏ gà. Vì còn non, thêm nữa 48 giờ sau khi mổ, con gà không
cần ăn uống, nên dù mỏ bị đốt cũng không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của gà
như khi gà đã lớn.
(2) Hầm
tương
(3) Phong
tục Việt Nam (Phan Kế Bính)
No comments:
Post a Comment