Trung Quốc có khởi
chiến xác lập chủ quyền ở Biển Đông?
Trương
Nhân Tuấn
Nhà
nghiên cứu ở Pháp
3
tháng 1 2017
Bước
sang năm mới 2017, điều mà có lẽ nhiều người Việt quan tâm là những động thái
có thể của Trung Quốc ở Biển Đông sắp tới là gì và Việt Nam sẽ phải đối phó
như thế nào?
Câu trả lời dễ mà khó.
Điều dễ đoán, dĩ nhiên là Trung Quốc sẽ tiếp tục các
chiến dịch của họ (tạm cho thấy là thành công) từ nhiều năm nay, như đẩy mạnh
các chiến dịch tuyên truyền về pháp lý, siết chặt vòng vây về kinh tế và gia
tăng áp lực về quốc phòng.
Điểm khó đoán là thái độ của Việt Nam và chính sách
đối ngoại của chính phủ Trump ở Mỹ trong những ngày tới. Tùy theo thái độ của
Việt Nam và Mỹ, Trung Quốc có thể thực hiện được mục tiêu chiến lược của họ ở
Biển Đông hay là không.
Dầu vậy, điểm qua một số sự kiện trọng yếu về pháp
lý, về kinh tế và quốc phòng (ở các chiến dịch của Trung Quốc) ta có thể có một
kết luận (chủ quan) để tiên đoán những gì có thể xảy ra trong tương lai.
Chủ
quyền là vấn đề cốt lõi
Vấn đề chủ quyền đã được các chiến lược gia quốc tế
nhấn mạnh trong các tác phẩm của họ từ thập niên 60-70 của thế kỷ trước. Theo
đó ai nắm chủ quyền các đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ kiểm soát Biển Đông, ở tất
cả các mặt tài nguyên kinh tế và chiến lược biển (như mặt nước, cột nước, thềm
lục địa… chung quanh các đảo và nhất là vùng không gian ở trên và chung quanh
các đảo).
Một cách sơ lược, trên mặt biển, quốc gia có chủ quyền
các quần đảo sẽ có thể kiểm soát các hải lộ cực kỳ quan trọng (chiếm trên 50% tổng
số lượng hàng hóa thế giới), bao gồm hải lộ năng lượng nối các nước cung cấp
năng lượng Trung Đông với các nước tiêu thụ Đông Á (và Đông Nam Á), hay hải lộ
kinh tế nối Châu Âu với các nước Đông Á…
Quốc gia có chủ quyền các đảo cũng là quốc gia nắm
chìa khóa kinh tế. Họ có thể khai thác tài nguyên trên mặt nước hay trong cột
nước (tôm cá, các loại hải sản), trên mặt và dưới thềm lục địa như băng cháy,
gas, dầu khí…. Về chiến lược, quốc gia có thể kiểm soát tàu bè quân sự, các thiết
bị ngầm (như tàu ngầm) qua lại trong khu vực.
Quốc gia kiểm soát được hai quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa cũng là quốc gia kiểm soát vùng không gian bận rộn của thế giới, nối giữa
các quốc gia Đông Á, Nam Á với phần còn lại của thế giới...
Từ Đệ Nhị Thế chiến đến nay, khu vực Biển Đông tương
đối bình ổn, tạm gọi là trật tự "status quo ante", vì sau khi đế quốc
Nhật đầu hàng tháng 8/1945 đến nay thì chưa có nước nào có khả năng (kinh tế và
quốc phòng) để có thể chiếm hữu và khai thác kinh tế cũng như lợi ích chiến lược
của Hoàng Sa và Trường Sa.
Trật
tự "status quo" này bắt đầu thay đổi.
Với một Trung Quốc mạnh mẽ đang lên, khẩu hiệu tuyên
truyền thường nghe "Trung Quốc hòa bình phát triển", mà thực chất là
che đậy một Trung Quốc đang trên đường "quang phục" bằng mọi phương
cách. Trung Quốc đang trỗi dậy để tái lập lại thế lực của đế quốc Trung Hoa đã
thiết lập từ nhiều thế kỷ trước bằng các biện pháp hòa bình như tuyên truyền
pháp lý, áp lực kinh tế và đe dọa quốc phòng.
Nhưng để có thể áp đặt một "trật tự mới",
lãnh đạo Bắc Kinh có thể đang tính toán đến những biện pháp "không hòa
bình" trong những ngày sắp tới.
Thông điệp đầu năm 2017 của Tập Cận Bình ta không ngạc
nhiên khi đã nhấn mạnh đến vấn đề "chủ quyền". Việc này cũng đã xảy
ra tương tự từ nhiều thập niên nay. Nên biết, lúc lãnh đạo Bắc Kinh quyết định
ra chiến dịch xâm lăng Hoàng Sa tháng giêng năm 1974, thì bộ máy tuyên truyền của
họ ra rả những luận điệu "giải phóng các vùng lãnh thổ hiện đang bị địch
chiếm đóng trở về đất mẹ". Cốt lõi của việc tuyên truyền vẫn là "chủ
quyền" của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Tuyên
truyền pháp lý và bao vây kinh tế
Về mặt tuyên truyền pháp lý, đối với dư luận quốc tế,
mục tiêu trọng yếu là thuyết phục dư luận quốc tế về cái gọi là "chủ quyền
bất khả tranh nghị của Trung Quốc ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và vùng
biển chung quanh". Sau đó nhằm "hóa giải" phán quyết bất lợi
ngày 17/7/2016 của Tòa Trọng tài PCA.
Ta thấy trên phương diện này Trung Quốc đã thành
công.
Phán quyết của PCA hiển nhiên đã "hạ thấp"
giá trị của các "đảo" ở Trường Sa. Theo Tòa thì không có thực thể nào
ở Trường Sa có hiệu lực "đảo", theo điều 135 của Bộ Luật quốc tế về
Biển 1982 (UNCLOS) để có thể đòi hỏi hiệu lực vùng "kinh tế độc quyền -
EEZ" 200 hải lý. Kể cả đảo lớn nhất là Ba Bình (hiện do Đài Loan kiểm
soát) cũng không có hiệu lực "đảo".
"Quần đảo" Trường Sa từ nay phải đổi tên
là "quần thạch". Điều này khiến người ta hy vọng rằng cuộc chạy đua
"mở rộng hải phận" của các nước ở Biển Đông sẽ chấm dứt. Việc này sẽ
đem lại ổn định cho khu vực.
Nhưng hy vọng sớm tiêu tan.
Trung Quốc từ đầu đã biểu lộ lập trường không nhìn
nhận "thẩm quyền" của Tòa PCA và dĩ nhiên không tham gia vụ án. Theo
họ, nguyên nhân của mọi tranh chấp đến từ vấn đề "chủ quyền" và việc
"phân định biển", là hai điều mà Tòa PCA không có thẩm quyền phân xử.
Song song đó Trung Quốc dùng những biện pháp kinh tế
và ngoại giao để thuyết phục một số quốc gia ủng hộ cho lập trường về pháp lý của
họ.
Bằng các biện pháp kinh tế, đối với các nước trong
khu vực, Trung Quốc tiếp tục các chính sách ve vuốt và đầu tư, nhằm lệ thuộc
hóa nền kinh tế các quốc gia này vào các chính sách của Trung Quốc.
Như "dự án hai hành lang một vành đai" đối
với Việt Nam, những "củ cà rốt" đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng (đường
xá, cảng biển…) đối với Thái Lan, Malaysia, Philippines... để các nước này phụ
thuộc vào "Ngân hàng Xây dựng cơ sở hạ tầng" cũng như dự án "Con
đường tơ lụa trên biển" của Trung Quốc. Đối với Campuchia thì vừa mua chuộc
giới lãnh đạo vừa hứa hẹn đầu tư. Các chính sách phủ dụ bằng kinh tế của Trung
Quốc cho thấy có kết quả hết sức ngoạn mục.
Trung Quốc đã sử dụng Campuchia để "phân hóa nội
bộ" của ASEAN. Bằng việc mua chuộc các cấp lãnh đạo và hứa hẹn đầu tư,
Campuchia đã ngăn cản khối ASEAN, không ra tuyên bố chung về phán quyết của
Tòa. Điều này trái với thông lệ của khối. ASEAN luôn có chủ trương "trọng
luật", khuyến cáo các quốc gia thành viên "chấp hành phán quyết của
Tòa theo pháp luật của quốc gia".
Trung Quốc cũng thuyết phục được Malaysia, một bên
có tranh chấp phân định biển với Trung Quốc. Nước này cũng có khuynh hướng
"đông lạnh" phán quyết của Tòa PCA. Trung Quốc cũng dùng miếng mồi đầu
tư và viện trợ, có thể cả đe dọa quốc phòng, đối với Philippines để "hóa
giải" phán quyết của Tòa.
Áp lực
quân sự
Về áp lực quân sự trong khu vực, 7 đảo nhân tạo mà
Trung Quốc đã xây dựng (nhanh kỷ lục từ năm 2013) trên các bãi đá Chữ Thập, Su
bi, Gạc Ma, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven và Vành Khăn đã hoàn tất năm 2015. Các đảo
nhân tạo này được lần hồi "quân sự hóa" từ năm 2016. Hình ảnh từ các
vệ tinh gần đây đã cho thấy các đảo nhân tạo này đã trở thành những căn cứ
không quân, hải quân với những giàn ra đa, những phi trường (có cái dài trên
3.000 mét ở đá Chữ Thập) với bãi đậu máy bay và bến tàu. Vừa rồi báo chí cũng
đăng tin Trung Quốc đã đưa trên 400 hỏa tiễn địa không (tầm ngắn 40km và tầm
trung 400km) ra đặt ở các đảo. Việc "quân sự hóa" các đảo xem như
hoàn tất.
Song song, Trung Quốc liên tục gia tăng chi phí quốc
phòng, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các loại vũ khí thông minh ứng dụng
cho không gian cũng như trên mạng tin học. Trung Quốc thúc đẩy chế tạo và sản
xuất các loại khí tài mà trước đây phải mua của Nga như phi cơ chiến đấu, tàu
chiến, tàu ngầm, thậm chí hàng không mẫu hạm. Trung Quốc cũng huấn luyện và hiện
đại hóa các lực lượng hải quân, không quân cho phù hợp với các cuộc chiến cục bộ
(đổ bộ, chiếm đảo…), vừa chống lại sự tiếp cận (vào Biển Đông) của các lực lượng
hải, không quân thuộc các quốc gia thù nghịch.
Bằng lực lượng quân sự vừa được bố trí trên các đảo
nhân tạo ở Trường Sa, Trung Quốc có thể uy hiếp không chỉ bất kỳ tàu bè, phi cơ
của các quốc gia chung quanh, mà còn có thể đánh chiếm bất cứ đảo nào ở Trường
Sa, hiện do Việt Nam hay Philippines kiểm soát.
Động
thái có thể của Trung Quốc ở Biển Đông
Những vận động đã nói ở trên để làm gì, nếu không phải
là "khẳng định chủ quyền" để tiến tới việc thiết lập vùng "nhận
diện phòng không" (Air Defense Identification Zone - ADIZ) ở Biển Đông?
Về vùng ADIZ, câu hỏi đặt ra, trên phương diện công
pháp quốc tế, Trung Quốc có "quyền" làm vậy hay không ?
Câu trả lời sẽ tương tự như tuyên bố ngày 23/11/2013
vùng ADIZ khu vực Hoa Đông của Trung Quốc, bao trùm quần đảo Điếu Ngư, tức
Senkaku, đang trong tình trạng tranh chấp và hiện do Nhật kiểm soát.
Nếu vùng ADIZ khu vực Hoa Đông là "hợp
pháp" thì khó có thể kết luận rằng vùng ADIZ khu vực Hoa Nam (tức khu vực
Biển Đông) là "bất hợp pháp".
Tuyên bố vùng ADIZ ngày 23/11/2013 của Trung Quốc
mang hình thức một "tuyên bố đơn phương", liên quan đến nội dung của
các điều ước cũng như tập quán quốc tế (điều 1 Công ước Quốc tế về Hàng không
Dân sự - còn gọi là công ước Chicago 1944) và Công ước về Luật Biển 1982.
Theo tập quán quốc tế, có từ thời chiến tranh lạnh,
các quốc gia ven biển có thể mở rộng vùng trời của nước mình, gọi là "vùng
nhận dạng phòng không". Các nước Hoa Kỳ, Nhật, Pháp… đều có vùng nhận diện
phòng không mở ra ít nhứt là 200 hải lý. Mục tiêu của việc thiết lập vùng nhận
diện phòng không là nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.
Đến đây ta thấy rằng "chủ quyền" quần đảo
Trường Sa, ngay cả khi phán quyết của Tòa PCA có hiệu lực thi hành, vẫn hết sức
quan trọng về chiến lược. Trung Quốc có mở được vùng ADIZ khu vực này hay không
là dựa lên "chủ quyền" các đảo.
Các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Việt Nam... sẽ phải đối
phó ra sao nếu Trung Quốc tuyên bố vùng ADIZ ở Biển Hoa Nam (tức Biển Đông)?
Thử tưởng tượng, đối với Việt Nam, bất kỳ chiếc phi
cơ hay tàu bè nào đi vào vùng ADIZ của Trung Quốc đều có thể bị không quân hay
hải quân nước này khống chế, thậm chí bắn hạ. Lực lượng của Việt Nam không đủ
để chống chọi. Điều này đưa đến các đảo của Việt Nam ở sẽ mất về Trung Quốc.
Việt Nam cũng không thể trả đũa bằng cách ra tuyên
bố vùng ADIZ tương tự. Bởi vì Việt Nam không có khả năng để khiến các quốc gia
khác tuân thủ nội dung tuyên bố của mình.
Yếu
tố Đài Loan
Nhưng việc này không dễ đối với Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Đài Loan vừa rồi được tổng thống đắc cử Donald Trump
nhắc tới. Ta có thể xem như đây là một "cảnh cáo" của Hoa Kỳ đối với
Trung Quốc. Hoa Kỳ có thể sử dụng yếu tố Đài Loan, như ủng hộ Đài Loan độc lập,
để làm rối rắm các chính sách về kinh tế và quốc phòng của TQ.
Điều nên biết là từ năm 2005 Trung Quốc có bộ luật
"chống ly khai", theo đó Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực để cản trở bất kỳ âm mưu nào đưa tới việc ly khai.
Nếu Đài Loan tuyên bố độc lập, Hoa Kỳ và Nhật ủng hộ,
Trung Quốc có đủ khả năng phát động chiến tranh hay không ?
Từ lâu Trung Quốc đã có lý thuyết về một cuộc chiến
tranh với Mỹ và Nhật bao gồm ba mục tiêu: giải phóng Đài Loan, Điếu Ngư và các
đảo Trường Sa. Sở dĩ có lý thuyết này là vì Trung Quốc quan niệm không thể giải
phóng Đài Loan mà không có chiến tranh với Mỹ và Nhật. Cũng không thể giải
phóng Điếu Ngư mà không gây chiến tranh với Nhật và Mỹ (do ràng buộc của hai
bên từ các hiệp ước an ninh hỗ tương). Bất kỳ cuộc chiến xảy ra theo hình thức
nào, có Nga hay không có Nga là đồng minh, Trung Quốc cũng sẽ thua.
Chỉ có "giải phóng" Trường Sa là không đụng
độ với các cường quốc Mỹ và Nhật.
Thì bây giờ, nếu chiến dịch "giải phóng Trường
Sa", thông qua việc tuyên bố vùng ADIZ, lại bị Mỹ gắn liền với việc ủng hộ
Đài Loan độc lập. Cuộc chiến ở đây Trung Quốc vẫn có thể phải đối mặt với HK và
Nhât.
Rốt cục việc thiết lập vùng ADIZ của Trung Quốc có
thể như cái "gân gà" trong truyện Tam Quốc, nuốt vào không trôi mà nhả
ra thì lại tiếc.
Có
nên giao Hoàng Sa-Trường Sa cho Mỹ quản lý?
Những nét phác thảo về chiến lược của Trung Quốc,
qua những toan tính về pháp lý, kinh tế, quốc phòng của Trung Quốc cho thấy
Việt Nam không có phương pháp nào hữu hiệu để chống trả, ngoài biện pháp
"núp" dưới "cây dù" của Hoa Kỳ (và Nhật Bản). Điều khó đoán
là chính sách Châu Á của tân tổng thống Donald Trump sẽ ra sao ?
Nhưng dầu thế nào, Việt Nam là phía yếu, vì vậy phải
vận dụng pháp luật quốc tế để tự bảo vệ.
Phán quyết của Tòa PCA 12/7 là "giải
thích" Luật (UNCLOS), cho dầu Philippines chủ trương không thi hành phán
quyết, nhưng bản chất của phán quyết vẫn là "Luật".
Từ đầu những năm 2000, khi được vào WTO, ngay tại Hiến
pháp Trung Quốc đã cam kết "xây dựng một quốc gia trên pháp luật và cai trị
bằng pháp luật". Cho dầu đó là "nhà nước pháp trị" với cái đuôi
"xã hội chủ nghĩa", thì bản chất của các cam kết của Trung Quốc vẫn
là "tôn trọng pháp luật".
Vì vậy, theo tôi, Việt Nam không thể bỏ qua phán
quyết của Tòa, không chỉ vì đó là một "lợi thế" của Việt Nam , mà vì
đó là "luật" mà Trung Quốc phải tôn trọng.
Việt Nam cũng nên tính toán đến điều tệ hại nhất:
Giải pháp của sự "tận cùng", là phải "đông lạnh" yêu sách
chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Trên lý thuyết, sau Thế chiến thứ II, Hoàng Sa và
Trường Sa thuộc thẩm quyền "quản lý" của Hoa Kỳ. Một điều khoản của Hội
Quốc Liên thời đó, tất cả các đảo ở Thái Bình Dương do Nhật chiếm đóng sẽ thuộc
quyền "quản lý" của Hoa Kỳ. Phần lớn các đảo này hiện nay thuộc
"chủ quyền" của Hoa Kỳ, ngoại trừ quần đảo Nam Tây (quần đảo Nansei
trong tiếng Anh hay Ryukyu trong tiếng Nhật), bao gồm quần đảo Lưu Cầu,
Okinawa, trả lại cho Nhật Bản đầu thập niên 70 thế kỷ trước.
Không chừng Hoàng Sa và Trường Sa giao cho Hoa Kỳ
"quản lý", chủ quyền thuộc về Việt Nam tương tự Okinawa thuộc chủ
quyền của Nhật, thì tình hình lại tốt hơn cho Việt Nam và các nước chung
quanh.
*
Bài
phản ánh văn phong và quan điểm riêng của tác giả, nhà nghiên cứu sống ở Pháp.
No comments:
Post a Comment