Antony Blinken - The
New York Times
Biên
dịch: Lê Hoa | Hiệu đính: Đỗ Thiện
Posted on 04/01/2017
Tháng 2 năm 1945, vào giai đoạn cuối Thế chiến II,
Franklin D. Roosevelt, Joseph Stalin và Winston Churchill đã họp tại Yalta, một
thị trấn nghỉ mát của người Nga ở Crimea, để bàn cụ thể về tương lai của cuộc
chiến và nền hòa bình sau đó. Các nhà lãnh đạo đồng ý với Roosevelt về một trật
tự thời hậu chiến được thống trị bởi “Bốn trụ cột”– Mỹ, Anh, Nga và Trung Quốc.
Từ trái qua: Winston Churchill, Franklin Roosevelt,
and Josef Stalin tại Yalta năm 1945
Roosevelt chắc chắn rằng mình có thể thuyết phục được
Stalin thực hiện cam kết Yalta về duy trì an ninh khu vực và một châu Âu thống
nhất. Stalin lại có một tầm nhìn hoàn toàn khác: thế giới được phân chia theo
phạm vi ảnh hưởng của các nước mạnh nhất. Dưới sự thống trị của Liên Xô, bóng tối
đã nhấn chìm Đông Âu trong suốt 45 năm.
Tổng thống Harry Truman phải gánh trách nhiệm đối
phó với chủ nghĩa bành trướng Liên Xô. Ông đã xây dựng các liên minh thời bình
đầu tiên của Mỹ, bắt đầu ở Tây Âu, sau đó ở châu Á. Mỹ đã dẫn đầu trong việc
thiết lập các chuẩn mực, quy tắc và các thể chế đại diện cho trật tự quốc tế tự
do, bao gồm Liên Hợp Quốc, các thể chế tài chính quốc tế và Kế hoạch Marshall.
Trật tự tự do mà Mỹ dẫn đầu ủng hộ một thế giới mở,
kết nối bằng dòng chảy tự do của con người, hàng hóa, ý tưởng và nguồn vốn; một
thế giới được căn cứ vào các nguyên tắc về quyền tự quyết, chủ quyền của các quốc
gia và các quyền cơ bản cho công dân của họ. Tư tưởng này thường không thành
công ở Mỹ Latinh và Đông Nam Á. Tuy nhiên, trật tự tự do mà Mỹ thiết lập đã tạo
nên sự thịnh vượng và duy trì hòa bình giữa các cường quốc trong nhiều thập
niên bất chấp những căng thẳng dữ dội của Chiến tranh Lạnh.
Trật tự thời hậu chiến mà Mỹ xây dựng hiện đang phải
đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, bao gồm cả thách thức từ các đối thủ
trước đây. Tổng thống Nga, Vladimir Putin, không phải là Stalin và Nga cũng
không còn là Liên Xô. Tuy nhiên ông Putin luôn tìm cách lấy lại sức ảnh hưởng của
Nga, đồng thời không tuân theo trật tự quốc tế tự do dù nó thịnh hành trong suốt
giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Trung Quốc vẫn tập trung vào sự ổn định bên trong
quốc gia, nhưng trong bản đề xuất “Mô hình mới về quan hệ giữa các cường quốc”,
nước này kiến nghị với Mỹ rằng Mỹ nên tập trung vào phần phía Đông Thái Bình
Dương và nên để cho Trung Quốc đóng vai trò nổi trội trong nửa phía Tây của đại
dương này.
Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á đang dồn sự
chú ý đến việc liệu chính quyền Donald Trump sẽ bác bỏ hay ủng hộ sự tái xuất
hiện của các khu vực ảnh hưởng. Họ lo lắng vì trong chiến dịch tranh cử của
mình, ông Trump dường như đã ủng hộ sự thống trị của các lãnh đạo độc tài và
mong muốn hợp tác với Putin. Ông Trump hầu như không lo ngại về việc tin tặc
Nga tấn công cuộc bầu cử hay việc Nga tấn công Ukraine. Trump cho rằng NATO đã
“lỗi thời” và Mỹ nên từ chối nhiệm vụ “bảo vệ thế giới”. Ông Trump ví Nhật Bản
và Hàn Quốc (là những đồng minh lâu năm của Mỹ – NBT) như những quốc gia dựa dẫm
ngồi không hưởng lợi và cho rằng những nước này nên tự chịu gánh nặng kinh phí
về quốc phòng và răn đe hạt nhân.
Trump đã hứa
sẽ rút khỏi hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhường
cho Trung Quốc quyền lãnh đạo kinh tế và ảnh hưởng chiến lược ở châu Á. Đối với nhiều người châu Âu và châu Á, những lời tuyên bố này sẽ khiến
thế giới trở thành nơi bị thống trị bởi Nga và Trung Quốc cả về kinh tế lẫn
chính trị, trong khi Mỹ lui về tổ kén của mình.
Mỹ không nên nhìn Nga và Trung Quốc qua lăng kính
trò chơi có tổng bằng không (nghĩa là lợi ích Trung Quốc hay Nga đạt được sẽ bằng
với thiệt hại của Mỹ phải gánh chịu – NBT). Điều này có thể thấy thông qua việc
chính quyền Obama đã khôn khéo mở rộng các lĩnh vực hợp tác với Bắc Kinh, từ Hiệp
định Paris về biến đổi khí hậu, việc đối phó với dịch bệnh Ebola, thỏa thuận hạt
nhân của Iran và vấn đề Triều Tiên tới các dự án chung ở các nước đang phát triển.
Mỹ cũng đã đàm phán Hiệp ước START mới về cắt giảm vũ khí hạt nhân và ủng hộ việc
Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tuy nhiên, khi Nga hoặc Trung Quốc thách thức các
nguyên tắc của trật tự quốc tế tự do, Mỹ cần phải cứng rắn với họ. Ở Ukraine,
ông Putin đã tìm cách thay đổi biên giới của nước láng giềng bằng vũ lực, đồng
thời từ chối quyền quyết định của công dân (Ukraine – NBT) trong việc lựa chọn
các quốc gia, các tổ chức hoặc liên minh mà họ muốn liên kết. Đó là lý do vì
sao sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine lại quan trọng.
Tương tự như vậy, Mỹ cần cương quyết bảo vệ luật
pháp quốc tế ở Biển Đông. Tại đây, việc Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với
các vùng lãnh hải rộng lớn cùng với việc xây dựng các căn quân sự trên các đảo
nhân tạo có nguy cơ phá hoại tự do hàng hải và tự do thương mại, gây ảnh hưởng
đến sự thịnh vượng của Mỹ, đến hòa bình ổn định trong khu vực và quyền lợi của
các đồng minh mà Mỹ đã hứa che chở.
Một thế giới bị phân chia vùng ảnh hưởng sẽ không thể
có hòa bình, ổn định và Mỹ cũng sẽ khó tránh khỏi các tình huống xung đột. Những
kẻ bá chủ ít khi bằng lòng với những gì họ đã có. Mong muốn mở rộng các vùng ảnh
hưởng cũng như sự nổi loạn và đàn áp nổi loạn trong các vùng đó sẽ dẫn đến xung
đột buộc Mỹ phải vào cuộc. Mỹ sẽ phải vĩnh viễn chấp nhận các bất lợi về thương
mại vì các khu vực ảnh hưởng về kinh tế sẽ ngăn chúng ta không được can thiệp,
và thúc đẩy một cuộc đua xuống đáy về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ và sự
minh bạch.
Đóng góp to lớn của Mỹ cho hòa bình và tiến bộ đã đặt
nền móng cho một thế giới mở, thượng tôn pháp luật và có tính kết nối. Bây giờ
Mỹ cần phải quyết định xem có nên tiếp tục bảo vệ, sửa đổi và xây dựng dựa trên
nền tảng đó hay trở thành đồng lõa với những kẻ đang cố phá vỡ nó.
Antony J. Blinken là Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ.
-----------------------------
XEM THÊM :
TS.
Vũ Lê Thái Hoàng
Posted on 18/06/2014
Jennifer
Lind -
Foreign
Affairs
Biên dịch: Trần Anh Phúc
Posted on 30/06/2014
No comments:
Post a Comment