19.12.2016
“Hoà bình và sự sinh tồn trên trái đất như chúng ta
vẫn biết đang bị đe doạ bởi hoạt động của con người thiếu gắn bó với các giá trị
nhân bản. Sự tàn phá thiên nhiên và nhiên liệu là kết quả của sự ngu dốt, tham
lam và thiếu tôn trọng đối với các sinh vật của trái đất. Sự thiếu tôn trọng
này ảnh hưởng tới các thế hệ tương lai của nhân loại, là những người sẽ thừa hưởng
trái đất đang bị suy thoái nếu hoà bình không trở thành hiện thực và sự tàn phá
môi trường thiên nhiên tiếp tục với vận tốc hịện nay.”
— Đức Dalai Lama
http://www.dalailama.com/messages/environment/an-ethical-approach
— Đức Dalai Lama
http://www.dalailama.com/messages/environment/an-ethical-approach
*
“Bất cứ tổn hại nào tới môi trường là tổn hại tới
nhân loại. Khủng hoảng môi sinh và sự tàn phá ở mức độ lớn lao tới hệ sinh hoá
đa dạng có thể đe doạ tới sự hiện hữu của chính loài người vậy.”
— Pope Francis
Diễn văn tại Liên Hiệp Quốc ngày 25 tháng 9, 2015
— Pope Francis
Diễn văn tại Liên Hiệp Quốc ngày 25 tháng 9, 2015
*
Pháo bông tỏa sáng trên bầu trời phía trên trại
tọa kháng Oceti Sakowin Camp ở Standing Rock, North Dakota khi các nhà hoạt động
chào mừng tin giấy phép đặt đoạn ống dẫn dầu ngang mép phía đông bắc của
Standing Rock thuộc cộng đồng thổ dân Sioux đã bị bác vào ngày 4 tháng 12, hai
ngày trước khi Công binh Hoa Kỳ tới giải tán trại. (Ảnh Scott Olson/Getty Images)
Trưa Chủ nhật vừa qua lúc tôi đang bỏ đồ giặt vào
máy xấy, trên màn ảnh cái mini iPad của tôi xuất hiện hàng chữ từ “Breaking
News” của tờ The New York Times: “Một chiến thắng cho những người tọa kháng,
Công binh Hoa Kỳ (Army of Engineers) cho biết sẽ tìm các ngã khác cho hệ thống ống
dẫn dầu Dakota Access Pipeline.”
Là một người quan tâm tới môi trường và vốn có cảm
tình với lịch sử chống nạn diệt chủng của thổ dân Da Đỏ, giống dân mà tổ tiên của
họ đã có mặt trên đất Mỹ đã từ ngàn xưa, tôi nghe trong tôi có tiếng reo vui —
niềm vui thực sự đầu tiên mà tôi có được từ sau ngày bầu cử đầy độc tố, chia rẽ,
hoang mang, bất ổn vừa qua.
Mới đêm hôm trước, thứ Bẩy, trước lệnh ban ra của
Công binh Hoa Kỳ là, vào ngày thứ Hai mồng 5 tháng 12, sẽ dẹp trại của hàng
ngàn người tới đó cắm trại để phản đối hệ thống dẫn dầu Dakota Access Pipeline
(DAP) qua vùng Standing Rock nằm trong tiểu bang North Dakota song thuộc quyền
sở hữu của thổ dân Sioux. Tại trại tọa kháng này không chỉ gồm thổ dân Sioux và
nhiều sắc tộc Da Đỏ khác tới hỗ trợ tỏ tình liên đới, mà còn gồm nhiều người
thuộc các sắc dân khác không phải thổ dân, trong đó có cả cô con gái của một chị
bạn gốc Việt của tôi, cũng tới hỗ trợ, tỏ tình liên đới nữa.
Không ai đã quên được hình ảnh còn sống động của cuộc
đàn áp man rợ cách đây không lâu của lực lượng cảnh sát địa phương bằng những
vòi rồng phun nước lạnh vào đám người biểu tình đã lạnh sẵn vì mùa đông đang về
ở vùng hoang dã Standing Rock. Cuộc đàn áp này là một trong những cuộc đàn áp của
chính quyền địa phương đối với những người chỉ mong bảo vệ phần đất của tổ tiên
họ và môi trường còn trinh nguyên này. Cuộc đàn áp đã khiến nhiều người bị bắt,
hàng trăm người bị thương, nhiều người phải đưa vô bệnh viện cấp cứu. Trong số
đó nặng nhất là trường hợp của cô Sophia Wilansky, 21 tuổi, đến từ New York, bị
trúng lựu đạn ép (concussion grenade) nơi cánh tay mặt, phải chở bằng trực
thăng đi nhà thương.
Và nhiều người khắp thế giới theo dõi tin tức trên
Internet đã tự hỏi họ có thực đang thấy cảnh đó xẩy ra tại một đất nước mệnh
danh là văn minh và tiến bộ nhất hoàn cầu? Có người bạn tôi buột miệng: Đâu có
thua gì các cuộc tấn công dành đất ở các giáo xứ Đông Yên, Kỳ Lợi, Kỳ Anh ở Hà
Tĩnh đầu năm 2015 để thu hồi đất đai sang nhượng lại cho tập đoàn đầu tư nước
ngoài Vũng Áng? Và đâu có thua gì những đàn áp các cuộc biểu tình cho môi trường
biển sạch ở Miền Trung gần đây đâu nhỉ?! Thực ra có khác, mà tôi sẽ đề cập tới ở
dưới.
Cuộc cắm trại phản đối đã diễn ra từ tháng 8, nhằm
chống lại dự án xây ống dẫn dầu dài 1,172 miles, mà một phần của hệ thống này sẽ
đi qua Standing Rock và sẽ được xây luồn bên dưới lòng sông Missouri River có
thể ảnh hưởng tới nguồn cung cấp nước uống của cộng đồng Sioux và xâm phạm vào
những nơi chôn cất có tính cách lịch sử và thiêng liêng của tổ tiên họ. Thực ra
thì dài theo 1,172 dặm xuyên qua bốn tiểu bang này đã có những cuộc chống đối
khi người địa phương cảm thấy hệ thống dẫn dầu này có thể ảnh hưởng tới đất
đai, nguồn nước uống của họ. Họ chưa quên vụ dầu rò kinh hoàng và ảnh hưởng khủng
khiếp của nó tới môi trường và kinh tế địa phương ở Vịnh Mexico năm 2010.
Từ nhiều tuần nay, trong khi theo dõi các tin tức hậu
bầu cử, tôi cũng đồng thời đọc không bỏ sót tin nào về vụ toạ kháng ôn hoà ở
Standing Rock.
Được biết hàng ngàn người từ mấy tháng nay đã kéo tới
cùng cắm trại tọa kháng ôn hoà với cộng đồng Sioux để hỗ trợ cuộc tranh đấu của
thổ dân Sioux. Nhiều người tới tham gia cũng vì mối quan tâm tới môi trường và
hiện tượng khí hậu thay đổi gây ra bởi nạn nhiệt hoá toàn cầu (global warming)
đang đe doạ tới sự tồn vong của trái đất, một hiện tượng mà chính phủ tương lai
của ông Donald Trump đã phủ nhận, coi là không hiện hữu.
Sự đắc cử của ông Trump và đe doạ của ông trong thời
kỳ tranh cử là sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi Thoả hiệp Paris, ký kết năm ngoái giữa 193
trên 196 quốc gia trên thế giới để cứu vãn trái đất khỏi nạn khí hậu thay đổi
(mà tôi sẽ bàn tới trong một bài kế, cùng với hiện tương nhiệt hoá toàn cầu và
khí hậu thay đổi), có lẽ cũng đã phần nào đóng góp vào việc làm gia tăng số người
từ khắp nơi tới hỗ trợ cuộc tranh đấu nhằm bảo vệ đất đai và môi trường sạch của
Quốc gia Sioux – vâng, đúng thế, vùng đất thuộc thổ dân Sioux hay các bộ lạc Đa
đỏ trên đất Mỹ được gọi là quốc gia – nói riêng và môi trường trái đất nói
chung. Được biết trên 2,000 cựu chiến binh Mỹ cũng đã hoặc đang trên đường tới
Standing Rock băng tuyết giá lạnh để lập hàng rào người bảo vệ những người đang
toạ kháng tại đây.
Thú thực là chính tôi cũng đã tìm xem ở thành phố
tôi ở có nhóm nào đang dự tính đi Standing Rock. Nhưng rồi phải bỏ ý định xin
đi theo sau khi đọc thư ngỏ của người trưởng nhóm nêu lên những vấn đề mà mỗi
người muốn tham gia nên tự hỏi để không, thay vì hỗ trợ, lại trở thành gánh nặng
cho ban tổ chức, đặc biệt trong tình trạng đông giá và có thể có bạo lực như vụ
vòi rồng tấn công hồi cuối tháng 10.
Tôi thở ra khi đọc tin sẽ không có đàn áp ở Standing
Rock, rằng Công binh Kỹ sư Mỹ sẽ nghiên cứu đường cho phần ống dẫn dầu ngang
qua đất Sioux ở nơi khác thay vì qua vùng Standing Rock. Dù đây chưa phải là
chiến thắng cuối cùng cho thổ dân Sioux, nhưng là một chiến thắng đáng kể, dù
có thể cũng chỉ là tạm thời, không chỉ riêng cho họ mà còn cho những người quan
tâm tới môi trường và hiện tượng nhiệt hoá toàn cầu đưa tới tình trạng khí hậu
thay đổi. Đặc biệt trước tin ông Tổng thống đắc cử Trump đã chọn một người
không tin vào hiện tượng nhiệt hoá toàn cầu và khí hậu thay đổi, có thành tích
chống lại những biện pháp bảo vệ môi trường và liên hệ mật thiết với kỹ nghệ
khai thác dầu hoả, đó là Luật sư trưởng Tiểu bang Oklahoma Scott Pruit. Ông Pruit,
nếu được Thượng viện phê thuận, sẽ là người đứng đầu cơ quan Bảo vệ Môi trường
(Environment Protection Agency) mà chính ông đã từng kiện cơ quan này.
Tưởng cũng nên tìm hiểu qua lịch sử của vụ toạ kháng
ở Standing Rock, rồi so sánh với thảm hoạ Formosa ở Việt Nam từ mùa xuân rồi tới
nay.
Dự án Dakota Access Pipeline, tắt là DAP, do công ty
Energy Transfer Partners ở Texas khởi xuất từ năm 2014, được Công binh Mỹ chấp
thuận, nhằm dẫn dầu rút ra từ lớp đá sâu dưới lòng đất bằng kỹ thuật
“fracking”, tắt của “hydraulic fracturing” (dồn nước thải – waste water – dưới
áp xuất cực cao xuống sâu trong lòng đất để phá các lớp đá hầu rút dầu và khí
thiên nhiên tích tụ trong đó) tại mỏ Bakken Shale ở tiểu bang North Dakota. Kỹ
thuật này đã có từ vài chục năm nay.
Trong khi phe ủng hộ “fracking” cho rằng kỹ thuật
này an toàn, giúp cho nước Mỹ độc lập về dầu nhớt và tạo công ăn việc làm cho
nhiều ngàn người, phe bảo vệ môi trường sạch nêu lên quan tâm về những ảnh hưởng
đối với sức khoẻ và môi trường. Những quan tâm này gồm có việc các nguồn nước
ngầm bị ô nhiễm, ảnh hưởng của kỹ thuật này đối với hoạt động địa chấn do việc
dồn nước thải xuống sâu trong lòng đất khiến gây ra động đất; việc gia tăng sản
xuất dầu hoả tác động ngược lên các chương trình khai thác các nguồn nhiên liệu
tự nhiên, hay xanh không bao giờ cạn (green, rewable energy), như gió và hơi
nóng mặt trời; gia tăng hiện tượng nhiệt hoá toàn cầu do việc xử dụng dầu và
than nhả khí độc vào khí quyển đưa tới băng rã, nước biển dâng cao đe doạ các
quốc gia hải đảo (island states) và các vùng ven biển, trong đó trong tương lai
có cả vùng quanh Sài Gòn; và hiện tượng khí hậu thay đổi dẫn tới những trận bão
lớn bất thường và hạn hán.
Hệ thống ống dẫn dầu DAL, như đã nói ở trên, dài
1,712 dặm/miles, trị giá $3.8 tỉ, hiện đã hoàn tất 75 phần trăm, chạy xuyên qua
bốn tiểu bang và ngang qua hàng trăm khúc sông với ít nhất 22 đoạn phải chôn
sâu dưới lòng sông, và kết thúc ở tiểu bang Illinois. Một trong những khúc luồn
dưới lòng sông là khúc ngang qua Sông Missouri ở North Dakota dọc theo phần đất
của Quốc gia Sioux. (*)
Người Sioux chống lại DAP cho rằng dự án có thể tạo
nên những tai hại lâu dài ảnh hưởng đến cuộc sinh sống của họ, như sự đe dọa đến
nguồn nước uống của họ. Mặc dù phe hỗ trợ DAP nói rằng họ đã làm hơn cả những
gì luật đòi hỏi để bảo đảm không thể có rì rỏ dầu từ hệ thống ống đẫn dầu,
nhưng dân Sioux dẫn chứng đã có hàng ngàn vụ dầu rò từ năm 2010 ở khắp nơi trên
đất Mỹ.
Trái, hệ thống ống dẫn dầu Dakota Access
Pipeline (DAP) dài 1,172 miles, chạy từ phía bắc Tiểu bang North Dakota, xuyên
qua South Dakota, Minnesota, và kết thúc ở nam Illinois (Bản đồ Energy Transfer
Partners). Giữa, bản đồ chi tiết khúc xuyên qua đất của Quốc gia Sioux,
nguyên thủy là những đường rời bên tay mặt xuyên qua vùng gần các cộng đồng người
da trắng nhưng bị phản đối, nên đã đổi hướng đi qua phần đất của thổ dân Sioux
(đã được chính phủ liên bang công nhận qua thỏa ước 1851 nhưng lại bị cưỡng chiếm
lại sau đó, song thỏa ước vẫn còn tồn tại trong hồ sơ liên bang), với một khúc
luồn dưới lòng sông Missouri, nguồn cung cấp nước của cộng đồng Sioux, do đấy
mà dân Sioux đã phản đối một cách chính đáng. (Bản đồ Carl Sack, phổ
biến trên Web site của The Huffington Post) Phải, bản đồ ghi những vụ dầu
rò từ năm 2010, là năm xẩy ra vụ dầu rò kinh hoàng ở Vịnh Mexico. Biến cố dầu
rò trong Vịnh Mexico do vụ nổ của dàn khoan dầu của hãng dầu hoả BP, kéo dài 87
ngày, xả 200 triệu gallons dầu gây thiệt hại cho môi trường biển và kinh tế của
năm tiểu bang gồm Texas, Louisiana, Mississippi, Alabama và Florida, làm 11 người
bị thiệt mạng, và tốn cả thẩy 20 tỉ Mỹ kim để giải quyết, tới nay vẫn còn ảnh
hưởng. Vụ dầu rò lớn thứ hai là vụ xẩy ra ở North Dakota năm 2013 khi sét đánh
vào một ống dẫn dầu làm rò 840,000 gallons dầu thô vào một vùng trồng lúa mì. (Ảnh Center for Effective Government)
Ngoài ra, bộ lạc Sioux còn cảnh báo là hệ thống ống
dẫn dầu có thể ảnh hưởng tới nơi chôn cất tổ tiên họ, buộc tội Công binh Mỹ đã
không tham khảo với họ trước khi chấp thuận dự án DAP.
Cuộc tọa kháng của thổ dân Sioux và những người hỗ
trọ họ, bên cạnh sự xuất hiện ồ ạt của giới truyền thông khắp nước và quốc tế
trước tin trại tọa kháng Standing Rock có thể bị thẳng tay giải tỏa vào thứ Hai
vừa qua, đã đạt thắng lợi. Thắng lợi này sẽ không phải là cuối cùng, vì chính
quyền của ông Trump có thể xoay ngược lại tình hình một khi chính thức cầm quyền
vào ngày 20 tháng Giêng năm tới.
Mặc dù đắc cử nhờ một phần không nhỏ vào những lá
phiếu của giới thợ thuyền đã mất việc hoặc đang đe dọa bị mất việc vì việc làm
của họ bị các chủ nhân hãng xưởng chuyển ra các nước đang phát triển, như đã diễn
ra từ vài chục năm nay, nhưng chính quyền tương lai của ông Trump, căn cứ vào
các nhân vật đã được ông tuyển vào cơ chế chính quyền tương lai của ông, lại
cũng sẽ gồm những người ít nhiều có liên hệ tới giới chủ nhân các hãng xưởng nọ,
trong đó có cả hãng đã khởi xướng việc khai thác dầu thô ở North Dakota và công
ty thiết lập DAL trụ sở đặt tại Texas. Hãng tin AP có một bản tin nhỏ về việc
chính ông Trump cũng có phần đầu tư trong DAL, tuy không nhiều.
Tóm lại, tình hình sẽ còn nhiều biến chuyển. Hay nói
theo cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện: Cuộc chiến đấu này chưa phân thắng phụ…
Dù vậy, chiến thắng Standing Rock đã nói lên tinh thần
liên đới giữa những các thổ dân Da Đỏ và những người yểm trợ cuộc toạ kháng
trong mục đích bảo vệ quyền lợi chính đáng của những người vốn xưa là chủ nhân
của lục địa này, và đồng thời mở màn cho cuộc vận động đấu tranh cho môi trường
và trái đất của tất cả chúng ta.
Viết đến đây tôi lại không khỏi ngậm ngùi nhớ tới cuộc
đấu tranh của dân tôi ở quê hương thứ nhất cho đất đai từ lâu đời thuộc gia
đình dòng họ của họ, cho môi trường biển nguồn sống duy nhất của họ trước một
thảm hoạ ô nhiễm không biết khi nào mới hết được. Thảm họa môi trường không chỉ
diễn ra ở Miền Trung, mà còn trên khắp nước Việt Nam do việc các quan lại Việt
Cộng không ngừng mở rộng cửa và còn bao che cho các hãng ngoại quốc đem vào Việt
Nam những hãng xưởng xả chất độc làm ô nhiễm sông ngòi, đất đai và biển cả nữa.
Khác với Standing Rock, họ không có những đội ngũ
truyền thông tư nhân tràn tới sẵn sàng quay phim, thu hình và tường thuật những
đàn áp từ chính quyền. Họ cũng không có những người không phải dân địa phương đổ
về từ các nơi cùng tọa kháng ôn hoà với họ để bảo vệ môi trường. Và chắc chắn
là họ cũng không thể có một đội ngũ đông đảo các cựu chiến binh đổ tới sẵn sàng
làm bình phong che chắn giữa họ và những quyền lực đàn áp họ.
Thay vào đó, họ chỉ có sự đàn áp, hay im lặng hoặc
áp dụng chiến thuật giải quyết tắc trách, chiếu lệ, nửa vời của chính quyền.
Cái chính quyền quan lại phong kiến từ trung ương tới địa phương ấy có lẽ hy vọng
rằng lâu dần rồi bụi bặm sẽ lắng xuống, hay chính các nạn nhân môi trường nản,
và đói (vì nhiều gia đình cho tới nay vẫn chưa nhận được tiền trong số 500 triệu
Mỹ kim Formosa bồi thường), phải bỏ cuộc đấu tranh cho quyền sinh sống tối thiểu
của gia đình mình, và cho môi trường, và nhiều người đã phải tha phương cầu thực,
để những kẻ đàn áp họ được yên thân hưởng lợi nhuận từ những giấy phép cho lập
hãng xưởng độc hại, kệ ai chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi.
Để kết thúc bài viết này, mời bạn đọc xem vài hình ảnh
để cùng suy ngẫm và ngậm ngùi với, và cùng cầu nguyện cho dân Việt:
Ngày 7 tháng 12, hơn 2,000 ngư dân xã Quảng
Xuân, Quảng Bình, biểu tình yêu cầu bồi thường sau thảm hoạ Formosa. (Ảnh https://www.youtube.com/watch?v=wtMDrBYWCOc)
“Những
con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa” – Thơ
Trần thị Lam. Sau hơn nửa năm, do biển bị nhiễm độc, ngư dân phủ bạt ghe thuyền,
nằm bờ không ra khơi. Theo đài RFA, tính tới đầu tháng 12, ngư dân Kỳ Anh vẫn
chưa nhận được tiền đền bù của Formosa. Hình chụp hôm 21/08/2016 tại thôn Đông
Yên, xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh. (RFA photo)
Chú
thích:
(*) Tờ The New York Times có một bản đồ đầy đủ về
con đường hệ thống DAP đi qua và những xung đột, tại http://www.nytimes.com/interactive/2016/11/23/us/dakota-access-pipeline-protest-map.html.
(Bài này được phổ biến lần đầu trên trang Web của Tuần
báo Sàigòn Nhỏ, tại http://saigonnho.info/2016/12/08/thong-diep-standing-rock/.
Đăng lại ở đây sau khi đã được tác giả bổ sung thêm. – TD)
[TD, 12/2016]
No comments:
Post a Comment