Minh Anh – RFI
Đăng ngày 17-12-2016
Chủ
đề Donald Trump và quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục thu hút sự chú ý của làng báo
Pháp. RFI điểm lại một số bài.
Báo Le Monde số ra ngày 16/12/2016, đề cập đến những
phát biểu « phá lệ » của tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump qua
bài « Quy chế tế nhị của Đài Loan trước thử thách của yếu tố Trump ».
Chỉ với một vài tuyên bố về Đài Loan, Donald Trump
đã thu hút mọi sự chú ý vào một vấn đề tưởng đã được giải quyết : đó là quy chế
mập mờ, không rõ ràng của Trung Hoa Dân Quốc – tức Đài Loan, ở châu Á, nơi mà
Trung Hoa lục địa luôn luôn tìm cách tăng cường sự thống trị của mình. Chủ
nghĩa biệt lập mà Donald Trump chủ trương dường như làm lung lay lời cam kết của
Washington luôn luôn bảo vệ Đài Bắc.
Quy
chế mập mờ
Quả thực là mọi việc không hề đơn giản đối với Đài
Loan, bởi vì tất cả các nước lớn trên thế giới đều không thừa nhận hòn đảo tự
trị này là một quốc gia. Hiện nay, Đài Bắc chỉ có quan hệ ngoại giao với khoảng
hai chục quốc gia nhỏ bé. Mặc dù có tới 23 triệu dân, nền kinh tế đứng hàng thứ
21 trên thế giới, Đài Loan không có mặt trong các tổ chức của Liên Hiệp Quốc và
Bắc Kinh, với các đạo luật chống ly khai, luôn nhắc nhở là sẽ có ngày sáp nhập
hòn đảo này vào lãnh thổ Trung Quốc.
Trong khi đó, Đài Loan, hay đúng ra người dân trên
hòn đảo này, do không còn cách nào khác, vừa mong muốn duy trì nguyên trạng – tức
là không độc lập, không sáp nhập với Trung Quốc- vừa khao khát có được một quy
chế « bình thường » trong cộng đồng quốc tế. Theo nhận định của
ông Mathieu Duchatel, thuộc Hội đồng quan hệ quốc tế châu Âu, thì tình trạng hiện
nay là hệ quả của việc không có công nhận kép (công nhận cả Trung Quốc lẫn Đài
Loan) và tạo ra tương quan lực lượng với sự thống trị của Trung Quốc.
Thế nhưng, theo báo Le Monde, cú điện đàm giữa
Donald Trump và tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, ngày 02/12/2016 vừa qua, đã
xóa bỏ đi cái « ảo tưởng về sự thuận tiện » vốn đã tồn tại từ
lâu nay. Ngày 11/12/2016, trên đài truyền hình Fox News, ông Trump tuyên bố
không hiểu vì sao Hoa Kỳ lại bị ràng buộc vào chính sách một nước Trung Hoa, trừ
phi Bắc Kinh có một sự trao đổi nào đó đối với Washington, ví dụ trong lĩnh vực
thương mại.
Phát biểu này đã nhắc nhở Bắc Kinh rằng nguyên tắc một
nước Trung Hoa chỉ liên quan và có giá trị đối với họ mà thôi. Bởi vì, ngoài nội
dung mập mờ trong thông cáo chung Thượng Hải năm 1972 trong đó, Hoa Kỳ « ghi
nhận » lập trường của Trung Quốc, thì Mỹ là nước bảo đảm về « quyết
tâm duy trì một cách hòa bình » quy chế Đài Loan, thông qua Đạo Luật về
quan hệ với Đài Loan, được Quốc Hội Mỹ thông qua năm 1979 cũng như « Sáu Bảo Đảm
» dưới thời Ronald Reagan năm 1982. Các văn bản pháp lý này cho phép Washington
bán vũ khí cho Đài Bắc và duy trì quan hệ ngoại giao trên thực tế giữa Hoa Kỳ
và Đài Loan.
Đài
Loan : Một phương tiện để mặc cả
Trong con mắt của Đài Bắc, các phát biểu của ông
Trump đã xóa bỏ nhiều điều kiêng kỵ. Thậm chí, tổng thống đắc cử Mỹ còn được
khuyến khích áp dụng chính sách « một nước Trung Hoa, một Đài Loan »
và tiến tới « bình thường hóa » quan hệ ngoại giao với hòn đảo
có thể chế dân chủ này.
Tuy nhiên, Le Monde lưu ý, kịch bản tồi tệ nhất là
Donald Trump có thể làm nẩy sinh nguy cơ biến Đài Loan thành một phương tiện để
mặc cả, nhất là khi các hồ sơ khác như Iran, Bắc Triều Tiên, buộc Hoa Kỳ phải
thỏa hiệp với các đòi hỏi của Trung Quốc. Chuyên gia về Trung Quốc Jean-Pierre
Cabestan nhận định : mối rủi ro là Đài Loan trở thành một đòn bẩy thuần túy khi
Donald Trump buộc phải tính tới các thực tế khác. Và trong lĩnh vực bảo vệ dân
chủ, thì phe Cộng Hòa có truyền thống nhẫn tâm hơn ; đối với họ, chỉ có các lợi
ích của Hoa Kỳ là đáng quan tâm.
Điều trớ trêu đối với Đài Loan là các mối quan hệ không chính thức của Đài Loan với các nước có ảnh hưởng, như Hoa Kỳ, Nhật Bản và các cường quốc châu Âu, lại giúp bảo vệ Đài Bắc tốt hơn chống lại chủ nghĩa nước lớn ham muốn lãnh thổ của Trung Quốc, chứ không phải là các mối quan hệ ngoại giao chính thức với khoảng hai chục nước nhỏ.
Chính mối lo ngại nguy cơ mặc cả với Trung Quốc về
Đài Loan đã thúc đẩy chính quyền Obama phải tái khẳng định hôm 12/12 rằng « Đài
Loan không phải là một đòn bẩy, mà là một đối tác gần gũi của Hoa Kỳ ».
Barack Obama dường như sẽ ký công bố một đạo luật đã được Quốc Hội Mỹ thông
qua, cho phép các quan chức bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, ở một cấp nào đó, công du Đài
Loan.
Le Monde cho biết là hiện có nhiều đề xuất được đưa
ra để tăng cường quan hệ với Đài Bắc, như cho phép tổng thống Đài Loan công du
Mỹ và tổ chức các cuộc gặp cấp cao. Trừ phi ông Trump sẽ thúc đẩy nhanh vấn đề
này trước khi nhậm chức vào ngày 20/01/2017 nhân sự kiện tổng thống Đài Loan
Thái Anh Văn vào đầu năm tới, sẽ quá cảnh New York trên đường đi thăm chính thức
Guatemala.
Trung
Quốc – Hoa Kỳ : Cuộc chiến thương mại đã bắt đầu ?
Những phát biểu « phá lệ » của tổng
thống Mỹ tân cử có lẽ đang gây ra nạn nhân đầu tiên. Chính quyền Trung Quốc mở
một điều tra nhắm vào một hãng sản xuất xe ô tô Mỹ.
Theo báo Les Echos, 16/12/2016, « General Motors bị
vạ lây vì những lời khiêu khích của Trump nhắm vào Bắc Kinh. Ngoại trưởng Trung
Quốc Vương Nghị đã tuyên bố rằng nếu ông Trump cố tình chạm đến « những
lợi ích cốt lõi của Trung Quốc », thì không khác gì ông ấy đang cố « nhấc
một tảng đá để rồi đá rơi xuống dập chân mình ».
Lời cảnh báo lạnh lùng trên được đưa ra vào lúc tổng
thống tân cử Hoa Kỳ liên tiếp có những lời lẽ khiêu khích nhắm vào Trung Quốc,
nhất là về một hồ sơ cực kỳ nhạy cảm liên quan đến vấn đề độc lập cho Đài Loan.
Quả thật, tập đoàn sản xuất xe ô tô lớn của Mỹ hiện
đang trong tầm ngắm của chính quyền Bắc Kinh, bị điều tra về « lợi dụng
thế độc quyền » theo như tiết lộ của nguồn thạo tin. Trước các cáo buộc
thông đồng giá bán với các đại lý, hãng xe này khẳng định « hoàn toàn
tuân thủ luật pháp nước sở tại ».
Với việc tấn công vào hãng xe số một của Hoa Kỳ, cường
quốc số hai thế giới như muốn bắn đi một thông điệp rằng Trung Quốc có đầy đủ
các biện pháp đáp trả hiệu quả. Đương nhiên, GM khó có thể cho phép mình chấp
nhận một cú đánh đau đến thế tại Trung Quốc : quốc gia này là đầu ra hàng đầu –
có số xe bán ra trong năm 2015 là 3,6 triệu chiếc.
Biển
Đông : Một mặt trận khác của Trump với Trung Quốc ?
Liên quan đến Biển Đông, Les Echos cho biết « Hoa
Kỳ trưng bằng chứng có vũ khí của Trung Quốc tại Biển Đông ». Các hình
ảnh vệ tinh cho thấy nhiều tên lửa phòng không đã được thiết lập tại đây. Nguy
cơ leo thang với Washington là có thật.
Tờ báo trích nhận định của Sáng Kiến Minh Bạch Hàng
Hải Châu Á (l'Asia Maritime Transparency Initiative - AMTI) cho rằng như vậy là
Trung Quốc đi thêm một bước mới, từ tháng 6 tới nay. Các hình ảnh vệ tinh cho
thấy nhiều tòa nhà có hình lục giá, giống nhau nằm rải rác trên các đảo nhỏ,
dùng để che giấu các hệ thống vũ khí.
Theo AMTI, những tòa nhà đó rất có thể là dàn tên lửa
phòng không. Điều đó cho thấy là «Bắc Kinh kiên quyết bảo vệ các đảo do Bắc
Kinh cải tạo trong trường hợp có leo thang vũ trang tại Biển Đông ».
Chính sách « sự đã rồi » này của Trung Quốc đã gây ra những
căng thẳng với nhiều nước láng giềng (Philippines, Việt Nam, Brunei và
Malaysia).
Hoa Kỳ công bố những hình ảnh này khi chỉ còn có một
tháng nữa là ông Donald Trump chính thức nhậm chức. Nhiều lần và nhất là bằng
cú điện đàm với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, ông Donald Trump muốn cho thấy
sẽ có những đường lối cứng rắn với Trung Quốc.
Vì thế trong nhiều ngày qua, ông Trump liên tục có
các cuộc trao đổi với lãnh đạo các nước trong vùng Biển Đông. Ông đã có buổi điện
đàm trực tiếp với thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, thông báo thiện chí củng
cố quan hệ với Hà Nội.
Cuối cùng, Les Echos cho rằng, một cách hiển nhiên,
việc thiết lập những gì mà Washington xem như là những tiền đồn quân sự Trung
Quốc tại Biển Đông, có thể nhanh chóng trở thành một yếu tố nữa tạo nên căng thẳng
giữa các đối thủ. Hoa Kỳ có thể quyết định gởi thêm nhiều tầu chiến hơn để bảo
đảm tự do lưu thông hàng hải.
No comments:
Post a Comment