Trọng Nghĩa – RFI
Đăng ngày 19-12-2016
Khi
còn là ứng cử viên, Donald Trump đã cho thấy là ông không coi các tập quán
trong chính giới Mỹ vào đâu : Từ ngôn từ, hành động, cho đến việc tuân thủ những
« cấm kỵ » như tránh đụng chạm đến tôn giáo hay báo chí. Nhiều nhà quan sát từng
cho rằng cung cách ông sẽ thay đổi sau khi trở thành « tổng thống tân cử » (từ
ngày 08/11/2016), chuẩn bị lên nhậm chức ngày 20/01/2017. Thế nhưng không !
Trong thân phận mới, ông Donald Trump vẫn tiếp tục làm điều có thể gọi là một
cuộc « cách mạng tập quán
» trong chính trường Mỹ, phá vỡ mọi thông lệ mà những người tiền nhiệm
luôn tôn trọng.
Hãng tin Pháp AFP ngày 18/12 đã điểm qua một số động
thái phá cách của ông Donald Trump trong tư cách tổng thống tân cử để dự báo một
nhiệm kỳ tổng thống rất mới lạ.
Chuyến
đi vòng quanh nước Mỹ để chào mừng thắng lợi
Động thái đầu tiên của tổng thống vừa đắc cử là tổ
chức « Chuyến đi chào mừng thắng lợi » vòng quanh nước Mỹ. Đây là một điều chưa
từng thấy.
Peter Kastor, giáo sư bộ môn lịch sử tại Đại học
Washington St Louis, ghi nhận : « Tất cả các tổng thống Mỹ (cho đến nay) đều
xem việc tiến về Washington như là một thời khắc mang tính biểu tượng, nhưng
Donald Trump thì không làm như bất kỳ người tiền nhiệm nào ».
Ông Donald Trump đã đi một vòng nước Mỹ để cảm ơn những
người ủng hộ ông với những cuộc mít tinh không khác gì lúc vận động tranh cử, với
cả nón mũ và các tấm biển ủng hộ Trump.
Trả lời AFP, giáo sư cho rằng động thái đó của ông
Trump tuy rất khác thường, nhưng lại rất phù hợp với phong cách vận động của
ông Trump.
Ngày 16/12, tại Mobile (bang Alabama ở miền nam nước
Mỹ), chặng cuối cùng trong vòng cảm tạ, ông Trump đã nói với đám đông : « Họ
nói rằng với tư cách là tổng thống, tôi không nên tổ chức mít tinh, nhưng tôi
nghĩ ngược lại là cần phải làm ».
Và ông nói thêm với một nụ cười tươi, trong tiếng vỗ
tay nhiệt liệt của cử tọa : « Chúng ta hoàn toàn làm khác họ ! »
Không
họp báo
Điểm khác lạ thứ hai là tổng thống tân cử Donald
Trump không hề tổ chức họp báo.
Cách đây 8 năm, khi tổng thống Obama còn mang thân
phận tân cử, ông đã tổ chức không dưới 11 cuộc họp báo, cho dù lúc ấy kinh tế Mỹ
đang khủng hoảng.
Còn Donald Trump thì sao. Cho đến giờ chưa thấy một
cuộc họp báo nào, mà chỉ có một vài cuộc phỏng vấn, trong đó ba cuộc phỏng vấn
dài – dành cho hai hãng truyền thông CBS và Fox News, cũng như cho nhật báo New
York Times.
Các tổng thống Clinton, Bush, Obama đều giới thiệu từng
người trong ê kíp chính phủ mà mình thành lập với báo chí. Donald Trump thì chỉ
công bố những thông báo, hay đưa ra những thông tin ngắn trên mạng Twitter vào
lúc sáng sớm hay vào buổi tối rất khuya.
Tệ hơn nữa, theo giới báo chí ở Nhà Trắng, ê kíp của
tổng thống tân cử còn nghĩ đến việc bãi bỏ truyền thống tiếp xúc với báo chí
hàng ngày của người phát ngôn ngành Hành Pháp Mỹ.
Màn
“trình diễn” chọn người
Điểm mới lạ thứ ba là ông Donald Trump đã dàn dựng
việc tuyển chọn thành viên chính phủ thành một sự kiện chẳng khác gì một cuộc
tuyển chọn diễn viên.
Việc chọn 15 thành viên ‘nội các’ diễn ra hầu như
trước dân chúng : các ứng viên đi đến chỗ hẹn như thể họ đến tham gia những buổi
diễn thử trong các cuộc tuyển chọn diễn viên. Nơi hẹn là Trump Tower hay tại một
trong những cơ sở của nhà tỷ phú ở New Jersey hoặc Florida.
Mitt Romney, cựu ứng viên đối thủ của ông Trump nay
trở thành người ngưỡng mộ hàng đầu, đã phải đi thử vận mệnh vào chiếc ghế ngoại
trưởng đến hai lần, nhưng rốt cuộc đã không được chọn, bị thua trước chủ tịch
ExxonMobil, Rex Tillerson… mà ông Donald Trump chỉ gặp lần đầu tiên vào ngày
6/12.
Chính
khách ‘chuyên nghiệp’ bị xếp xuống hàng thứ yếu
Một kiểu phá lệ khác của tổng thống tân cử Donald
Trump là ông không ưu tiên chọn cộng sự viên trong giới chính khách gọi là
“chuyên nghiêp”
Thông thường, các thống đốc, thượng nghị sĩ, những
người lão luyện với chính trường, quen thuộc với việc điều hành công việc nhà
nước, là thành phần trọng yếu trong các ê kíp chính phủ. Nhưng năm nay thì
không.
Ông Donald Trump như đã áp dụng câu nói « ngưu tầm ngưu,
mã tầm mã » và đã chọn những người giống ông : Ưu tiên cho giới đại chủ nhân,
và các nhà đầu tư lớn.
Nếu trong ê kíp của Obama có một giải Nobel Vật Lý,
thì trong nội các Donald Trump có nhiều nhà tỷ phú... và đến 3 vị tướng hồi
hưu.
Nam
nữ đồng đều ? Không đời nào !
Một cái mới khác với Doanald Trump là ông như đã phớt
lờ các nỗ lực nhằm tạo nên sự bình đẳng giới tính hay chủng tộc, vốn luôn luôn
là một thách thức ở Mỹ.
Vấn đề bình đẳng nam nữ chẳng hạn, rất được ông
Obama quan tâm. Cho dù chỉ có 6 phụ nữ trên tổng số 22 thành viên ê kíp của
Obama, nhưng họ đều ở vị trí đáng kể, nhân vật số hai của chính quyền từng là…
Hillary Clinton.
Còn Donald Trump cho đến nay đã chọn được 4 phụ nữ
vào chức bộ trưởng, nhưng chỉ là các bộ thứ yếu. Trong nội các Donald Trump, 11
vị trí đầu trong thứ tự kế nhiệm tổng thống toàn là đàn ông da trắng.
‘Nội các’ Trump chỉ có một người da đen và hoàn toàn không có người châu Mỹ La Tinh nào.
‘Nội các’ Trump chỉ có một người da đen và hoàn toàn không có người châu Mỹ La Tinh nào.
Đệ
nhất phu nhân Melania vẫn ở New York
Bà Melania Trump và đứa con trai 10 tuổi sẽ không
chuyển đến ở Nhà Trắng vào ngày 20/01/2017, mà tiếp tục ở lại New York trong
căn hộ thông 3 tầng. Theo giáo sư Kastor, đây là một điều chưa từng xẩy ra đối
với một gia đình tổng thống Mỹ.
Chuyên gia này ghi nhận: « Tiến trình chuyển giao
quyền hành tổng thống ở Mỹ thường là một thời khắc quan trong của quốc gia, và
thường khi là câu chuyện của một gia đình chuyển đến Washington… Từ một thế hệ
nay, người ta thường cho thấy cảnh những gia đình Mỹ trung lưu dời đến nhà mới,
người ta thường nói về những cái thùng các tông đựng vật dụng của họ, người ta
thường nói đến những cảm tưởng khi chuyển từ một ngôi nhà ở bình thường của cá
nhân đến dinh thự nhà nước to lớn này. »
Đối với giáo sư Kastor: « Lần này thì quả là chuyện chưa
từng thấy ! ».
No comments:
Post a Comment