Thứ Năm, 12/15/2016 - 21:02 — nguyentuongthuy
Từ khoảng 100 nghìn người vào năm 1970, đến nay, con
số người Việt ở nước ngoài đã lên tới khoảng 4 triệu, trong đó gần một nửa
định cư ở Mỹ. Khác với người Việt sống ở khu vực khác, sự có mặt của người
Việt ở Mỹ (hay Canada, Úc) là do tỵ nạn cộng sản. Trong cuộc trốn chạy này, có
hàng trăm nghìn người bỏ mạng trên đường đi vì nhiều lý do. Nhưng thôi, không
nhắc đến chuyện đau lòng này nữa.
Người Việt tỵ nan trước khi rời quê hương, đất nước
họ sống trong chế độ Việt Nam Cộng hòa. Sang Mỹ họ lại được hưởng nền dân chủ Mỹ,
chịu ảnh hưởng bởi các giá trị Mỹ. Vì vậy, họ giàu chất nhân bản hơn. Họ mang
trong lòng một mối hận khôn nguôi nhưng vẫn đau đáu nghĩ về quê hương đất nước.
Họ thương anh em, họ mạc đã đành nhưng thương cả những người cùng khổ khác, đặc
biệt là họ quan tâm đến những người là nạn nhân của chế độ như tù nhân lương
tâm, dân oan, thương phế binh Việt Nam Cộng hòa. Hàng năm, số tiền của người Việt
ở hải ngoại gửi về chiếm khoảng 8% GDP. Năm 2011 con số đó là 9 tỷ Mỹ kim,
trong đó, phần lớn số kiều hối này đến từ Mỹ.
Không chỉ thế, họ quan tâm cả đến những nạn nhân của
thiên tai, lũ lụt, những hoàn cảnh vất vưởng… Gần đây nhất, riêng Chương
trình gây quỹ ủng hộ nạn nhân của lũ lụt miền Trung do Đài SBTN phối hợp với
BEĐCT Foundation tổ chức vào ngày Chủ nhật, 23 tháng 10 năm 2016, tính đến
3 tháng 12 năm 2016 đã tiếp nhận 620 nghìn đô la Mỹ. Ngoài ra, đồng bào còn gửi
thông qua các hội nhóm xã hội dân sự khác.
Điều đó không có nghĩa là kiếm tiền ở Mỹ dễ dàng. Có
khác chăng là giá trị ngày công của họ cao hơn. Họ phải lao động cật lực, ngoài
giờ làm việc chính còn phải lao động kiếm thêm, sinh hoạt cũng đơn giản, chắt
chiu từng đồng gửi về nước. Cường độ lao động của họ khác hẳn với lối làm việc
nhởn nhơ, bớt xén thời gian (lãn công) như ở Việt Nam.
Một facebooker ở Mỹ chia sẻ: “Đó là những đồng
tiền đầy mồ hôi và nước mắt. Chúng tôi chịu khó chịu thương để đi làm. Chúng
tôi tranh thủ từng phút từng giờ, không có thời gian rảnh rổi để cà phê…. Nhiều
khi cũng quên ăn sáng hay quên ăn khuya luôn”
Facebooker khác cho biết: “Chúng tôi đã bớt
ăn, bớt tiêu, làm thêm giờ, thêm công việc, thậm chí còn lượm lặt thêm cả ve
chai gom góp từng đồng để gửi về với mong muốn từ tận sâu đáy lòng là giúp cho
bà con đỡ đói khổ, được phần nào hay phần ấy”.
Với sự giúp đỡ của đồng bào hải ngoại, nhiều người
đã đỡ đi một phần khó khăn. Một số học bổng được tài trợ cho các cháu học sinh
trong hoàn cảnh đặc biệt. Nhiều gia đình tù nhân lương tâm được hỗ trợ một phần
thăm nuôi. Nhiều dân oan được tiếp sức trong hành trình đi đòi công lý.
Tiếc rằng, những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi và nước mắt
của đồng bào Hải ngoại nhiều khi không được trân trọng. Việc phân phối thiên lệch
đã gây ra nỗi nghi ngờ trong dân oan. Nhiều người được giúp đỡ không cần biết từ
đâu tới, không cần biết trước khi đến tay mình thất thoát bao nhiêu. Nghiêm trọng
hơn, hiện tượng ăn chặn tiền của dân oan, tiêu xài xa hoa đã xuất hiện và bị
phanh phui, dù mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Con số đưa ra làm người ta sửng
sốt, không thể tin được số tiền bị bớt xén lại lớn đến thế.
Đáng trách thay, một số người lại ra sức bao biện
cho việc này, rằng chúng tôi chỉ cần biết đồng tiền đến tay là bao nhiêu, không
cần biết ai đã ăn chặn, thậm chí mất đi 30, 50%, chúng tôi vẫn chấp nhận. Có
dân oan còn chỉ trích những người vạch mặt “nhà từ thiện” kia bằng những lời lẽ
cay độc.
Lại có người lo, rồi đây, ai giúp đỡ chúng tôi. Thực
ra, các nhà hảo tâm chỉ cảnh giác hơn đối với những đầu mối không đáng tin cậy
chứ không có ý ngừng giúp bà con khó khăn trong nước vì họ còn nhiều địa chỉ có
thể nhờ cậy. Có điều họ sẽ thận trọng hơn trong việc “chọn mặt gửi vàng” để
không lâm vào tình cảnh “gửi trứng cho ác”.
Điều chưa đến mức phải báo động là nhà “từ thiện”
bị phanh phui như vừa nhắc tới mới chỉ là một vì đây là trường hợp quá đặc biệt,
còn dân oan có quan điểm trên cũng chỉ một vài. Hôm 12/12 vừa rồi, chúng tôi đến
đến Dương Nội gặp nhiều dân oan 3 miền được mời tới. Tiếp xúc với bà con dân
oan khá nhiều, thấy họ nhận thức rất đúng mực. Họ nói đã bao năm chúng tôi đi
khiếu kiện, lúc không có tiền giúp đỡ chúng tôi vẫn đòi công lý. Nếu có sụ giúp
đỡ chúng tôi thì sẽ tốt hơn nhưng chúng tôi không ỷ lại.
Mặc dù số kêu ca, chỉ trích dù không phải là phổ biến
nhưng cũng làm đau lòng đồng bào hải ngoại vốn nặng tình với quê hương, đất nước.
Facebooker trên chia sẻ tiếp: “Chúng tôi
cũng chỉ là con người bằng xương bằng thịt, thậm chí còn đáng thương hơn nhiều
so với người quốc nội, vì trốn chạy cộng sản mà bỏ cả quê hương, bỏ cả cha mẹ,
bạn bè... để xa xứ”.
Liệu có ai thấy lòng quặn thắt lại khi đọc đến câu “thậm
chí còn đáng thương hơn nhiều so với người quốc nội”. Điều này quá đúng. Mỗi
khi nhìn vào cuộc sống của họ hiện nay, cần nghĩ đến những gì họ phải đánh đổi,
những tổn thất đau đớn mà họ đã trải qua còn ám ảnh đến tận bây giờ.
Mất mát là thế nhưng điều gì khiến họ vẫn nghĩ đến
những người ở quốc nội:
“Chúng tôi làm là vì tiếng nói lương tâm, vì con
người với con người, và vì chúng tôi vẫn còn mang trong người dòng máu Việt”.
Khi dân oan nói trên kêu rằng, “chính các vị đã
giết dân oan chúng tôi lần nữa để chúng tôi hết đường sống”, một nhà hảo
tâm khác ở hải ngoại nhắn gửi:
“Chúng tôi cũng còn có gia đình riêng, còn có thân
nhân bên Việt Nam nữa. Nhưng chúng tôi vẫn không quên quý vị. Chúng tôi cố gắng
chia sẻ nỗi thương đau cùng quý vị”.
“Chúng tôi đã nghĩ đến quý vị, nhưng ngược lại, quý
vị có nghĩ về chúng tôi không? Mà cũng không cần quý vị nghĩ về chúng tôi, chỉ
cần quý vị hãy cố gắng yêu thương nhau, đùm bọc nhau vượt qua những khó khăn để
tranh đấu giành lại những gì đã mất. Quý vị cũng phải biết rằng, đừng bao giờ để
bất cứ một kẻ tiểu nhân nào, lợi dụng danh nghĩa của quý vị để trục lợi bản
thân”.
“Cách tốt nhất, quý vị hãy tự vươn lên bằng chính sức
lực của mình. Tôi hiểu điều đó rất khó. Nhưng không ai giúp chúng ta bằng chính
bản thân mình cả”.
Cần hiểu rằng, đấy là những lời nhắn gửi tới số rất
ít không thấu hiểu cho đồng bào ở hải ngoại chứ không phải là với dân oan nói
chung.
Những đồng tiền thấm mồ hôi và nước mắt của những
người xa xứ, luôn đau đáu nghĩ về quê hương đất nước, về đồng bào của mình còn
đau khổ cần phải trân trọng, phải được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Những
người nhận trách nhiệm phân phối hoặc chuyển đến những địa chỉ mà bà con hải
ngoại nhờ cậy, đừng coi đó là của trên trời rơi xuống mà bớt xén dùng cho nhu cầu
ăn tiêu hoang phí của bản thân. Những người nhận được sự giúp đỡ cũng cần biết
những đồng tiền ấy từ đâu mà ra, chứ không phải là “ơn Đảng và Nhà nước” như
nhiều trường hợp đã nhầm.
15/12/2016
No comments:
Post a Comment