Sunday, May 22, 2016

VŨ KHÍ : VIỆT NAM "MỞ" TỚI ĐÂU, MỸ MỚI "HÉ" TỚI ĐÓ (Phạm Chí Dũng)





Phạm Chí Dũng
Sunday, May 22, 2016 5:33:04 PM 

Chưa bao giờ “đói” như lúc này

Trong lịch sử “bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ” từ năm 1995 cho đến nay, chưa bao giờ nhu cầu“được dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương” của giới cầm quyền Việt Nam lại “đói” như lúc này.

Cảnh đói kém trên hiện hình vào lúc những giàn khoan cá mập của Trung Quốc luôn chực chờ vỗ mặt Biển Đông và cả mặt giới lãnh đạo Hà Nội, nguy cơ một cuộc tấn công quân sự của đế chế Tập Cận Bình là chẳng mấy xa xôi.

“Lần đầu tiên từ khi bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ vào năm 1995, Mỹ sẽ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam” - trước chuyến công du Việt Nam của Tổng Thống Obama vào Tháng Năm năm 2016, giới ngoại giao và một số tờ báo đảng Việt Nam ồn ào tuyên truyền. Năm 2015, khi Tổng Bí Thư Trọng đi Mỹ, tuyên giáo đảng cũng phấn khích đầy bất thường như thế.

Thậm chí trước chuyến công du của Obama khoảng hai tuần, Bộ Quốc Phòng Việt Nam còn“mạnh dạn” tổ chức một hội nghị quốc phòng với sự tham dự của các nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Mỹ như Boeing, Lockheed Martin. Thế nhưng hội nghị này đã diễn ra trong vòng bí mật. Truyền thông nhà nước không được phép đề cập đến sự kiện này, còn các phóng viên quốc phòng lại bị cách ly với câu chuyện bí mật trên.

Lối tuyên truyền một chiều “dỡ bỏ hoàn toàn...” càng trở nên xúc cảm thái quá khi trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương - ông Daniel Russel - đến Hà Nội.

Thậm chí vài chuyên gia nhà nước đã trở nên lộng ngôn trên mặt báo chí: “Nếu Mỹ không dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương, tức quan hệ Việt - Mỹ vẫn chưa hoàn toàn bình thường hóa,” bất chấp thực tế nhà nước “luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người” cho tới nay vẫn hoàn toàn thành tâm trong các cuộc đàn áp giới đấu tranh nhân quyền và người dân biểu tình vì môi trường môi sinh.

Nhân quyền, nhân quyền và nhân quyền!

“Lòng tin chiến lược” - cụm từ mà cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng mở màn đầy sáo rỗng tại Hội Nghị Quốc Phòng Shangri-la - lại được giới quan chức ngoại giao ra rả lặp lại mà bất cần hiểu chính quyền Việt Nam đã làm được gì để quốc tế “thấy mới tin.”

Tuy thế, đã qua hẳn cái thời chính thể Việt Nam chỉ muốn nhận không muốn cho. Tại cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 10 Tháng Năm, 2016, Trợ Lý Ngoại Trưởng Mỹ Daniel Russel đã bắn một tín hiệu đủ rõ khi nói rằng “chưa có quyết định nào” về lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Ngay trước đó, vị trợ lý chuyên về quân sự này cũng đã phải đặt thẳng vấn đề cải thiện nhân quyền với giới lãnh đạo Việt Nam, khẳng định rằng nhân quyền là một phần quan trọng trong những nội dung của chuyến đến Việt Nam của Tổng Thống Obama.

Ông Russel còn lưu ý rằng Mỹ đã nói rõ hồi năm 2014 và hiện nay vẫn duy trì quan điểm rằng để đưa ra quyết định về lệnh cấm bán vũ khí, Mỹ xem xét các tiến bộ Việt Nam đạt được trong các vấn đề nhân quyền quan trọng: “Chúng tôi đã nói rõ ở thời điểm đó và điều đó vẫn đúng ở thời điểm này, đó là một trong những yếu tố quan trọng có thể dẫn đến dỡ bỏ lệnh cấm là tiếp tục đà tiến trong việc Việt Nam đạt các tiêu chuẩn nhân quyền phổ quát cũng như đạt tiến bộ trong các cải cách tư pháp quan trọng. Với sự phát triển của quan hệ đối tác chiến lược, chúng tôi sẽ xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc.”

Những tin tức cập nhật từ Quốc Hội Mỹ càng cho thấy phần lớn giới nghị sĩ Mỹ đang quyết liệt yêu cầu Obama phải tỏ thái độ với Hà Nội, và Mỹ sẽ không thể có nhân nhượng nào nếu Việt Nam vẫn tiếp tục bắt bớ bất đồng, sách nhiễu các nhà hoạt động nhân quyền và gần đây đánh đập dã man nhiều người dân đi biểu tình vì môi trường.

11 Tháng Năm, 2016 - Ngày Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 22, Phó Trợ Lý Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Scott Busby đã khẳng định trước cộng đồng người Việt tại Washington: “Trong khi xây dựng mối liên hệ mạnh mẽ hơn với Việt Nam, tôi xin cam đoan với quý vị rằng nhân quyền vẫn là hàng đầu trong lịch trình của chúng tôi.”

Năm 2014, Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam để Việt Nam mua một số mặt hàng quốc phòng giúp bảo vệ vùng ven biển và mặt biển. Động tác này đã khiến chính thể Việt Nam mong ngóng hy vọng rằng Mỹ sẽ “có hành động” nếu Trung Quốc đánh vào Hà Nội.

Thế nhưng lấy gì bảo đảm là sau khi được dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương, nhà cầm quyền Việt Nam sẽ thực hiện đúng những cam kết về nhân quyền như đã hứa hẹn trong rất nhiều lần nhưng vẫn chỉ là đầu môi chót lưỡi?

Làm những gì Quốc Hội Mỹ muốn

Từ khi trở thành thành viên của hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc và mặc dù vẫn phải báo cáo định kỳ phổ quát về nhân quyền, Việt Nam vẫn đều đặn vi phạm. Chỉ trong tháng đầu tiên của năm 2016 và là lúc “Bộ Ngoại Giao Việt Nam đang chuẩn bị tích cực cho chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thống Obama,” có đến 7 người là các nhà vận động ôn hòa, blogger và chống tham nhũng đã bị kết tội và lãnh án tù, kể cả blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh, cũng được biết tới qua bút hiệu Anh Ba Sàm.

Với chính thể Việt Nam, luôn là những bài học “kinh điển”: như một quy luật từ nhiều năm qua và ngay cả sau chuyến công du Washington Tháng Bảy, 2013 của chủ tịch nước khi đó là ông Trương Tấn Sang, Việt Nam rất thường chủ ý làm lắng dịu hành động đàn áp nhân quyền trước các cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ và những sự kiện liên quan đến TPP; để rồi tiến hành “hồi tố” sau đó từ 1 - 2 tháng. Nhiều nhà hoạt động nhân quyền rất thường bị bắt đúng vào thời gian quan hệ Việt - Mỹ trở nên “lạnh.”

Một trong những bằng chứng hùng hồn nhất cho lòng dạ giới lãnh đạo Việt Nam chính là việc gần trọn năm sau thời điểm ông Trọng hiện diện ở Washington với cam kết triển khai công đoàn độc lập cho công nhân, cơ quan tuyên giáo đảng vẫn cấm ngặt báo chí nhà nước không được phổ biến cụm từ “công đoàn độc lập.” Những nhà hoạt động công đoàn tự do còn bị công an đánh đập tàn nhẫn.

Nhưng những biểu hiện trong mấy năm qua cho thấy người Mỹ chắc chắn đã rút ra bài học chua chát cách đây 10 năm: vào năm 2006, sau khi được Mỹ nhấc khỏi Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC) và còn được trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức thương mại thế giới (WTO), chính quyền Việt Nam đã trở lại bản chất nguyên thủy khi tổ chức bắt bớ rất nhiều người bất đồng chính kiến, đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2012.

Vào lần này, vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Ông Murray Hiebert, chuyên gia về khu vực thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến Lược và Quốc Tế, khẳng định rằng ngay cả khi lệnh cấm vũ khí sát thương được dỡ bỏ thì “điều đó không có nghĩa là Việt Nam có thể thực sự và sẽ được cho phép mua những mặt hàng cụ thể.” Ông nói Mỹ vẫn có thể từ chối các hồ sơ mua những vũ khí cụ thể nếu có những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Chưa kể đến việc nếu được dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương, chính quyền Việt Nam sẽ lấy đâu ra tiền để mua, trong lúc còn không đủ tiền trả nợ vay nước ngoài và đến cả tiền cho đầu tư phát triển cũng rỗng ruột? Hay động tác nài níu Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm vận chỉ mang ý nghĩa như một đòn tâm lý “hù” Trung Quốc rằng Việt Nam đã có Mỹ “chống lưng?”

Thực tế nhân quyền và nhiều lý do quá đủ “nhạy cảm” khác đang khiến cho lộ trình được mua vũ khí sát thương của Việt Nam trở nên vô định. Ngay trước mắt trong chuyến thăm Việt Nam lần này, nhiều khả năng tổng thống Mỹ sẽ làm những gì mà Quốc Hội Mỹ muốn: Nhân quyền.

Có lẽ khả năng rõ nhất là Mỹ sẽ chỉ gỡ bỏ thêm một phần lệnh cấm vận, nhưng kèm theo những điều kiện cụ thể, rất cụ thể, về nhân quyền.

Nếu kịch bản “dỡ bỏ hoàn toàn” diễn ra vào cuối năm 2016 hoặc sang năm 2017, điều đó cũng phải tương ứng với một lộ trình rất chi tiết về cải thiện nhân quyền mà chính thể ưa nuốt lời phải cam kết trước người Mỹ.

Như một quy luật, Việt Nam “mở” tới đâu thì Mỹ mới “hé” tới đó.





No comments: