Sunday, May 22, 2016

KHI "ĐỒNG MINH" GẶP "CỰU THÙ" (Lữ Giang)





Lữ Giang
Chi tiết
Được đăng ngày Thứ sáu, 20 Tháng 5 2016 12:09

Thông báo của Tòa Bạch Ốc đưa ra ngày 10/5/2016 cho biết Tổng thống Barack Obama sẽ lên đường thăm Việt Nam và Nhật Bản kể từ ngày 21 đến 28/5/2016, nhân chuyến công du lần thứ 10 của ông tại Châu Á. Thông báo nói chuyến đi này sẽ làm nổi bật nỗ lực của Tổng thống Obama trong chiến lược "xoay trục" tại Châu Á - Thái Bình Dương, cam kết hợp tác ngoại giao, kinh tế và an ninh với các nước và nhân dân trong vùng. 

Tổng thống sẽ viếng thăm Việt Nam từ 22 đến 25/5/2016 và sẽ thảo luận với các lãnh đạo Việt Nam phương án giúp cho "Quan hệ Đối tác Toàn diện" mà hai nước đã ký kết, tiến đến hợp tác trên nhiều lãnh vực khác nhau, bao gồm cả "kinh tế, quan hệ nhân dân, an ninh, nhân quyền, và các vấn đề quan tâm của khu vực và thế giới". Tổng thống sẽ thảo luận vềtầm quan trọng của việc cần thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm nay. Tổng thống cũng sẽ gặp các thành viên của Tổ chức Dân sự, sáng kiến về những nhà lãnh đạo trẻ Á Châu, các doanh nhân và cộng đồng thương mại.

Ông Daniel Russel, trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á - Thái Bình Dương, đã đến Hà Nội hôm 10/5/2016 để sắp xếp chương trình viếng thăm. Ngay hôm đó, thông báo của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cho biết "thương mại, an ninh, và nhân quyền là ba vấn đề quan trọng sẽ được Tổng thống Mỹ Obama nêu ra trong chuyến thăm Việt Nam bắt đầu vào ngày 22 tháng 5 tới đây".

Tuy nói là "sẽ thảo luận" nhưng trong thực tế, những gì cần phải bàn luận và thỏa thuận đều đã làm xong hết rồi. Ông Obama chỉ đến thăm xã giao và ra thông cáo chung. Liệu rồi người Việt đấu tranh có gỡ gạc được gì trong chuyến đi này của ông Obama hay không ?

Nhìn một cách tổng quát

Nhìn chung, mục tiêu chuyến đi Việt Nam và Nhật Bản của ông Obama trong lần này sẽ chú tâm đến hai vấn đế chính : Vấn đề thứ nhất là sự "xoay trục" của Mỹ và vấn đề thứ hai là thông qua Hiệp Định TPP. Cả hai vấn đề đều nhắm chận đứng sự phát triển của Trung Quốc cả về quân sự lẫn kinh tế. Các vấn đề khác chỉ là hoa lá cành.

1. Vấn đề "xoay trục" : Như chúng tôi đã nói nhiều lần, xoay trục đối với Mỹ không có nghĩa là Mỹ sẽ quay về Đông Nam Á để thiết lập căn cứ quân sự chống lại Trung Quốc như nhiều người lầm tưởng. Xoay trục mà Obama đang làm chỉ có nghĩa là áp dụng "chiến lược chiến tranh ủy nhiệm" (proxy war stratery), tức liên kết một số nước trong vùng lại, đặc biệt là Nhật, Úc, Việt Nam và Philippines, làm thành một lực lượng khu vực để chống lại Trung Quốc, còn Mỹ chỉ đứng ngoài yểm trợ và bán vũ khí.

Để chiêu dụ Việt Nam, một nước luôn cậy nhờ vào Trung Quốc, trước khi lên đường đi Việt Nam, Tổng thống Obama đã phải cho vẽ lại lịch sử chiến tranh Việt Nam, đưa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào thay chỗ của Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy còn lâu các nước trong vùng mới chấp nhận chiến lược này của Mỹ, trừ khi Mỹ đóng vai trò chủ chốt.

2. Vấn đề Hiệp Ước TTP : Đây là một hiệp ước thương mại được chính trị hóa bằng những thủ đoạn chính trị nhằm bảo vệ các sản phẩm của Mỹ, nhất là các sản phẩm trí tuệ ; nâng giá thành sản phẩm của các nước lên để Mỹ có thể cạnh tranh ; đưa ra một hàng rào bảo vệ mậu dịch mới nhằm giảm bớt số lượng sản phẩm ngoại quốc tràn vào Mỹ ngày càng gia tăng… Nói rõ hơn, Obama đã đưa ra một mô thức mậu dịch quốc tế mới để bảo vệ mậu dịch của Mỹ. Mục tiêu chính là chặn đứng đà phát triển mậu dịch ngày càng tăng của Trung Quốc.

Hiệp ước đã được 12 nước ký kết nhưng việc phê chuẩn đang gặp khó khăn, ngay cả tại nước Mỹ, vì các nước ký kết chưa lường được kết quả của nó như thế nào. TPP cũng sẽ gặp khó khăn khi áp dụng vì 3 quốc gia lớn trong vùng là Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia nằm ngoài vòng cương tỏa của TPP và nhiều nước đang chọn lựa giữa Trung Quốc và Mỹ. Obama sẽ thuyết phục Việt Nam và Nhật tiến hành nhanh chóng việc phê chuẩn hiệp ước này.

Người Việt đấu tranh cũng đang chuẩn bị các chưởng pháp đề xuất chiêu khi Tổng thống Obama đến Việt Nam. Trong chuyện Kim Dung, Kiều Phong đã luyện được "Hàn long thập bát chưởng" (18 chiêu) cực độc khiến Kiều Phong trở thành nhân vật đứng đầu võ lâm Trung Nguyên, chưa bao giờ gặp đối thủ. Còn người Việt đấu tranh chưa luyện được chưởng pháp nào cực độc, nên đành sử dụng hai chưởng pháp phổ thông, ai cũng ra chiêu được, đó là chưởng pháp cá chết và chưởng pháp nhân quyền.

Chưởng pháp cá chết

Hôm 26/4/2016 một nhóm người Việt đã gởi đến Tòa Bạch Ốc một thỉnh nguyện thư viết rằng "chúng tôi - người dân, đề nghị chính phủ Liên bang Mỹ hỗ trợ người dân Việt Nam bằng cách cung cấp đánh giá độc lập về tác động môi trường của nhà máy thép [Formosa]. Chúng tôi cũng đề nghị Tổng thốngObama nêu vấn đề này với chính phủ Việt Nam trong chuyến thăm vào tháng Năm".

Đến nay, số người tham gia ký tên đã trên 100.000 nên Tòa Bạch Ốc phải lên tiếng. Hôm 17/5/2016, Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes và đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã gặp những người đưa thỉnh nguyện thư. 

Thỉnh nguyện thư đã đưa ra hai vấn đề : Vấn đề điều tra độc lập vụ cá chết và vấn đề lên tiếng với chỉnh phủ Việt Nam về vụ này.

1. Chuyện điều tra độc lập : Có hai chuyện cần điều tra : Chất độc gây ra cá chết là chất độc gì và chất độc đó phát xuất từ đâu.

Về chất độc gây ra cá chết: Đây là chuyện khá dễ dàng. Nhiều tổ chức cũng như chuyên gia đã làm rồi. Nhà cầm quyền VN chắc chắn cũng đã làm.

Về việc quy trách nhiệm: Tố cáo là chuyện dễ. Nhiều người đã tố cáo Công ty Formosa, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Trung Quốc... là thủ phạm gây ra cá chết. Nhưng khi phải đối đầu với khoa học và pháp lý, rất khó chứng minh. Trong vụ chất độc da cam, Việt Nam đã kiện Mỹ trên 10 năm mà chẳng đi tới đâu vì bị cho rằng không chứng minh được tương quan nhân quả. Vụ án cá chết là một vụ án đang được chính trị hóa nên khó khăn tăng lên :

Khó khăn thứ nhất là các chuyên viên trong nước không đủ dụng cụ chuyên môn và đảm lược để xác định về phương diện khoa học, cơ quan nào có trách nhiêm.

Khó khăn thứ hai là kết quả điều tra : Vì bản án của vụ cá chết đã được công luận tuyên bố trước rồi : Công Ty Gang Thép Formosa là thủ phạm. Vậy phải điều tra và công bố kết quả như thế nào ?

Nếu cơ quan điều tra không tìm ra được bằng chứng theo khoa học để quy trách Công Ty Gang Thép Formosa là thủ phạm, cơ quan đó sẽ bị công luận ném phân vào mặt. Do đó, chẳng ai muốn dính líu vào vụ này.

Nếu tìm ra được một số bằng chứng có thể quy trách, sẽ còn phải đối phó với các phản chứng do bên bị quy trách sẽ đưa ra. Nếu không chống lại được các phản chứng đó, cũng sẽ bị công luận ném phân vào mặt.

Vì những khó khăn trên, chẳng chuyên gia nào muốn nhập cuộc. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang tìm cách bán cái. Ngày 2/5/2016, Bộ trưởng Tài nguyên và mMôi trường Trần Hồng Hà đã làm việc với các chuyên gia Đức, Mỹ, Israel nhờ họ tham gia điều tra. Khi Việt Nam đã mời các chuyên gia ngoại quốc điều tra thì chuyện đề nghị mời các chuyên gia độc lập không còn là vấn đề nữa. 

Nhiều chuyên gia đã cảnh giác rằng dù giao phó cho các chuyên viên độc lập ngoại quốc điều tra, chưa ai dám nói kết quả cuộc điều tra sẽ như thế nào.

2. Chuyện nhờ Mỹ lên tiếng: Nếu Mỹ phải lên tiếng về vụ cá chết thì lên tiếng như thế nào khi chưa có kết quả của cuộc điều tra ? Kinh nghiệm cho thấy Mỹ chẳng bao giờ can thiệp vào những vấn đề không liên hệ đến quyền lợi của Mỹ. Không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ đang lợi dụng vụ cá chết để gây áp lực chính trị với Đảng Cộng sản Việt Nam, trái lại Mỹ đang sử dụng còn bài Việt Nam để chống Trung Quốc.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang có một hướng đi khác. Cái khó vẫn là giải quyết những nguy hại lâu dài về môi trường do biến cố này đã gây ra. Gần như chưa thấy có giải pháp nào khả thi nào cả, nó giống như một thiên tai lớn !

Chưởng pháp nhân quyền

Ông John Sifton, Giám đốc đặc trách Châu Á của Human Rights Watch nói : "Gỡ bỏ cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam vào lúc này là quá sớm và không xứng đáng, trừ khi Hà Nội thực hiện những bước cần thiết để giải quyết hồ sơ nhân quyền". Nhưng hãng thông tấn Reuter lại bật mí rằng cho dù có những dấu hiệu cho thấy là Hà Nội sẳn sàng mua vũ khí của Mỹ, nhưng Washington muốn có những cam kết chắc chắn hơn từ phía Việt Nam về việc cung cấp vũ khí của Nga.

Nói một cách rõ ràng hơn, việc kèn cựa giữa Mỹ và Việt Nam về mua bán "vũ khí sát thương" không phải là vấn đề nhân quyền mà là vấn đề mua vũ khí của Nga hay của Mỹ : Nếu được Mỹ bán vũ khí, Việt Nam có còn tiếp tục mua vũ khí của Nga nữa hay không và nếu còn mua, sẽ mua ở mức nào ? Nói tóm lại, Mỹ đang gạ gẫm Việt Nam đừng cho Nga tái lập căn cứ quân sự ở Cam Ranh và giới hạn việc mua vũ khí của Nga.

Thật ra, để đối đầu với Trung Quốc, Việt Nam chỉ cầm mua vũ khí của Nga là đủ. Nhưng để tạo thêm sức mạnh liên kết, Việt Nam muốn bắt cá hai tay. Dĩ nhiên, Việt Nam không dại gì dứt khoát với Nga và Trung Quốc, vì nếu một buổi không đẹp trời nào đó, Mỹ lại đem Biển Đông bán cho Trung Quốc như đã bán Việt Nam Cộng Hòa trước 1975, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ chạy đi đâu ? Do đó, chúng ta có thể tiên đoán rằng Việt Nam sẽ chấp nhận có giới hạn. Ngoài ra, vấn đề này còn phải có sự thỏa thuận của Quốc hội Hoa Kỳ.

Hôm 17/5/2016, có 20 dân biểu Hoa Kỳ đã gởi thư cho Tổng thống Obama yêu cầu nêu vấn đề nhân quyền với Hà Nội khi đến thăm Việt Nam. Nhưng chúng ta nhớ lại, trong thời gian thương thảo với Việt Nam để bãi bỏ lệnh cấm vận, thiết lập bang giao, ký kết hiệp ước tự do thương mại, ký tuyên bố đối tác toàn diện với cộng sản Việt Nam... Mỹ đã mạnh miệng đòi hỏi Việt Nam phải tôn trọng dân chủ và nhân quyền. Tuy nhiên, sau khi có sự thỏa thuận rồi, Mỹ đã đặt bản Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền xuống dưới dít ngồi. Nay bán "vũ khí sát thương" cho Việt Nam, Mỹ cũng sẽ làm như thế. Nhân quyền bao giờ cũng chỉ là một chiêu bài.

Hiện Mỹ đang đứng trên cùng chiến tuyến với Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng người Việt đấu tranh chẳng ai dám tố cáo Mỹ "đồng lõa với tội ác" hay "tay sai cộng sản" như họ thường tố cáo và kết án nhau.

Vụ cá chết sẽ đi về đâu ?

Nhiều yếu tố cho thấy vụ thành lập Công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh là một chuyện hoàn toàn bất thường, nó là sản phẩm của tập đoàn tham nhũng Nguyễn Tấn Dũng và Hoàng Trung Hải. Nhà máy này đã được giao cho một công ty không có kinh nghiệm gì về sản xuất gang thép đầu tư và điều hành, được đặt tại một vị trí nhạy cảm về an ninh, khó tránh khỏi gây ô nhiễm môi trường, giá trị kinh doanh không có gì bảo đảm... nên nó không có lý do gì để tồn tại.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang khai thác áp lực quần chúng để cho Công ty gang thép Formosa Hà Tĩnh thấy rằng nhà máy của họ khó có thể tiếp tục hoạt động ở Việt Nam và tự động rút lui để không phải bồi thường cho Việt Nam. Tuy nhiên, khi sử dụng "chưởng pháp" này nhà cầm quyền cũng phải điều động như thế nào để các phong trào quần chúng không trở thành một mối nguy hại về chính trị.

Hai người bao che cho Công ty Formosa Hà Tĩnh là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hãi đã bị bãi nhiệm, còn những gì sẽ xảy ra tiếp theo ? Đây là vấn đề chúng tôi sẽ bàn trong một bài khác.

Ngày 19/5/2016
Lữ Giang





No comments: