Monday, April 13, 2009

LỜI TỰA "HỒI KÝ CỦA MỘT THẰNG HÈN"

Lời tựa “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn”
Lê Phú Khải (*)
13-04-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6207

Đọc Hồi Ký Của Một Thằng Hèn của nhạc sĩ Tô Hải, tôi bất giác nhớ đến bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Ông là một trí thức Việt kiều, rất hăng hái hoạt động trong phong trào mác-xít, đảng viên Đảng cộng sản Pháp, đã tình nguyện về nước để tham gia kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hăng hái là thế, mà ở tuổi ngoài tám mươi, khi làm bản tổng kết đời mình, ông đã phải thốt lên: “Đời tôi là đời một thằng ngây thơ”. Trong hai chữ “thơ” và chữ “ngây”, tôi xin giữ lại cho mình chữ “thơ” vì đã đi theo kháng chiến, còn cái chữ “ngây” để chỉ cái sự đi theo chủ nghĩa xã hội thì xin… vứt nó đi!”

Bộ đội Tô Đình Hải. Nguồn: luyenkim.net
http://www.dcvonline.net/php/images/042009/tohai3.jpg

Nguyễn Khắc Viện tự đánh giá như thế là khách quan, là công bằng. Cần phải tách bạch hai chuyện ‒cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cái gọi là xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Một đàng là hành động theo lương tâm, một đàng là hành động theo lý thuyết được người khác khuyến dụ, và cả ép buộc nữa.
Tô Hải và Nguyễn Khắc Viện ‒ hai con người, hai số phận, cả hai đều được Nhà Nước Cộng Sản tặng nhiều huân chương “cao quý”, nhưng cái tương đồng giữa hai người là ở chỗ họ đều thiết tha yêu nước, nhưng không thể yêu xã hội chủ nghĩa.

Cậu học trò Tô Hải gia nhập Vệ Quốc Đoàn ngay từ những ngày đầu cách mạng. Là người yêu nhạc bẩm sinh, Tô Hải khởi đầu cuộc đời nghệ thuật của mình bằng các ca khúc vui nhộn theo các điệu swing, rumba ‒ thứ nhạc bị coi là phi vô sản ‒ để giúp đồng đội quên đi những thiếu thốn, gian khổ trong cuộc chiến đấu không cân sức với quân xâm lược. Lúc ấy người ta rộng lượng tha cho Tô Hải cái tội làm nhạc theo cách của bọn đế quốc, tội ấy để đấy cái đã, tính sau. Cuộc đời binh nghiệp của Tô Hải có đủ niềm vui và nỗi buồn, vinh quang và tủi nhục, được ông trung thực ghi lại trong cuốn sách mà bạn đang cầm trong tay. Nó là cuốn sách cần cho những ai muốn biết về chủ nghĩa cộng sản trong hiện thực. Nó cần cho những ai chưa tỉnh giấc nồng của những mộng mị được sơn phết vàng son.

Tôi có cái duyên được làm bạn với tác giả cuốn sách. Là người hâm mộ nhạc sĩ Tô Hải, lại là học trò của ông (ông là thầy dạy tôi tiếng Pháp), nên mỗi lần có hội hè, tết nhất, bạn bè, đồng ngũ, đồng khóa Lục Quân Trần Quốc Tuấn tụ tập ở nhà ông, tôi thường được hân hạnh cùng dự. Những cuộc gặp mặt như thế thật cảm động. Những người lính của một thời kháng chiến đã trôi xa vui mừng gặp lại nhau, cùng nhau ôn lại các kỷ niệm chung. Tô Hải và các bạn ông đã là những ông lão, nhưng nhìn họ ngồi bên nhau, say sưa hát vang những bài ca chiến đấu cũ, những bản tình ca không thể nào quên của Tô Hải, tôi vẫn thấy trong họ bóng dáng của những chàng trai một thuở “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”.
Không khí trầm hẳn xuống khi những chiến sĩ năm xưa đụng đến thời cuộc hôm nay. Đâu rồi, cái thời những con người hết lòng xả thân vì nghĩa lớn? Đâu rồi tình đồng chí, đồng đội tử sinh không rời? Tất cả những cái đó đã có, nhưng tưởng chừng không có. Như thể một giấc mơ.

Cái “chủ nghĩa xã hội đáng phải vứt đi” như Nguyễn Khắc Viện nói, đã dần dần, từng chút một để không ai nhận thấy, được bàn tay phù thuỷ dựng lên thành bức bình phong che giấu những gì bẩn thỉu nhất mà lịch sử từng biết, trong sự tước đoạt tất cả thành quả máu xương của bao chiến sĩ, đồng bào đã đổ ra. Những người ngồi đây, trước mắt tôi, là chứng nhân cuối cùng còn sống. Một trong những chứng nhân ấy là Nguyễn Khải, đại tá nhà văn, giải thưởng Hồ Chí Minh. Trước khi chết ông đã gửi lại lời trối của kẻ lạc đường trong mấy câu: “Quả thật dân tộc Việt Nam đã thắng lớn trong phong trào đấu tranh giải phóng nhưng lại thua đậm trong công cuộc xây dựng một xã hội tự do, công bằng và dân chủ. Thoát ách nô lệ của thực dân lại tự nguyện tròng vào cổ cái ách của một học thuyết đã mất hết sức sống. Dân mình sao lại phải chịu một số phận nghiệt ngã đến thế!”

Có thể nói không ngoa rằng Hồi Ký Của Một Thằng Hèn là cuốn biên niên sử ghi lại quá trình từng bước, từng bước, nhân dân Việt Nam, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ bị tước đoạt đi cái quý giá nhất đối với con người là Tự Do. Là chứng nhân của lịch sử, Tô Hải ghi lại trung thực, sống động cả một quá trình nhào nặn, đấu tố, cưỡng bức tư tưởng để biến văn học nghệ thuật thành “vũ khí đấu tranh” của Đảng, cho Đảng, vì Đảng. Hồi Ký Của Một Thằng Hèn là những trang viết bằng máu và nước mắt ghi lại tỉ mỉ tấn bi kịch của chính tác giả và bạn bè ông, nay kẻ còn, người mất, để mọi người được biết họ đã phải sống như thế nào, phải… “hèn nhát” ra sao chỉ cốt để tồn tại.

Trong hồi ký của ông có biết bao gương mặt tiêu biểu cho một nền văn nghệ cổ vũ cho bạo lực, cho chém giết. Ông đau lòng kêu lên: “Biến cả dân tộc vốn hiền hòa thành một sa mạc vô cảm. Một đất nước mà tất cả đàn ông trai tráng đều đi làm nghĩa vụ quân sự không những trong nước mà còn ở…cả quốc tế vì…“lịch sử đã chọn ta làm điểm tựa”! (Tố Hữu ‒ [sic!]) Ở hậu phương chỉ còn những em bé mà mới lên năm đã bình thản…cắt tiết gà, và phụ nữ “ba đảm đang” phải sắn quần lợp mái nhà, chọc tiết lợn…

Ông không ngu để không nhận thấy ông và những người như ông, nói rộng ra là tất cả văn nghệ sĩ thuộc mọi ngành, muốn tồn tại đều bắt buộc phải làm nô bộc cho đảng cầm quyền. Là người được kết nạp vào đảng cộng sản rất sớm (1949), ông đã nhận ra rằng “Chưa bao giờ ở nước này có chủ nghĩa cộng sản cả!”, kể cả chủ nghĩa cộng sản trong lý thuyết kinh điển. Tất cả đều chỉ là sự lợi dụng lòng yêu nước của toàn dân để củng cố địa vị ăn trên ngồi trốc cho một nhóm người thậm chí chẳng đọc nổi và cũng chẳng hiểu nổi những lý luận xét cho cùng là rất tào lao của mấy ông Tây cuối thế kỷ thứ 19. Và, trải qua những đại bi kịch được đảng cộng sản luôn say máu đấu tranh tạo ra như Cải Cách Ruộng Đất, Chỉnh Đảng Chỉnh Quân, Nhân Văn Giai Phẩm, Xét Lại Chống Đảng, Cải Tạo Tư Sản, Cải Tạo Công Thương Nghiệp… Tô Hải đã thấy đàng sau nó thực sự là cái gì. Nó chẳng phải cái gì khác ngoài mưu đồ của một lũ cơ hội chuyên nghề lừa bịp, trấn áp nhằm chiếm bằng được quyền cai trị đất nước. Tất cả những thủ đoạn đó được lôi ra ánh sáng bằng ngòi bút trung thực. Ông không che giấu những việc đáng xấu hổ khi tả lại cảnh phải đóng vai “đại hèn” để vợ con có miếng ăn, không bị cắt sổ gạo, bị đuổi khỏi biên chế hay tệ hại hơn nữa, bị đi cải tạo, vào tù. Ông thẳng thắn chỉ ra những bộ mặt cơ hội trong giới văn nghệ sĩ đã nhẫn tâm bước qua xác đồng nghiệp để kiếm chút đỉnh chung.

Ông không ngần ngại nói về những công việc được gọi là “văn nghệ phục vụ giai cấp vô sản”, trong đó có ông tham gia, cho thấy những tác phẩm được tạo ra trong một nền văn nghệ như thế chỉ là “một mớ táp nham không có một chút giá trị nghệ thuật”.

Nhìn thấu tâm can của những tên cơ hội cách mạng, và cả tính phi nhân của chính cuộc cách mạng gọi là xã hội chủ nghĩa nữa, Tô Hải quyết tìm cách thoát khỏi mọi ràng buộc với cái Đảng quyền lực vô song, quyết không chịu ép mình “sáng tác theo yêu cầu của Đảng” thêm nữa.

Giữa lúc những “cán bộ cách mạng” lăn xả vào cuộc đại kiếm chác sau ngày đất nước thống nhất, ông bỏ về hưu non, sống cuộc sống nghèo nàn, thiếu thốn, nhưng giữ lương tâm trong sạch.

Vì hai tiếng TỰ DO, tác giả Nụ Cười Sơn Cước, giao hưởng hợp xướng Tiếng Hát Biên Thùy sẵn sàng đánh đổi tất cả. Thế hệ sinh viên Hà Nội chúng tôi vào thập niên 1960, những Nguyễn Xuân Tụ (Hà Sĩ Phu), Bùi Minh Quốc, Trần Mạnh Hảo, Lê Phú Khải... đều biết Tô Hải. Chúng tôi từng đứng trong các dàn hợp xướng sinh viên, cất cao lời ca gìn giữ biên cương của tổ quốc với niềm vui và niềm phấn khởi vô bờ. Tiếng Hát Biên Thuỳ và Trở Lại Đô Thành (từng bị cấm) và nhiều tác phẩm khác của Tô Hải ngày nay ít người biết đến, chúng chỉ còn lại như những kỷ niệm nằm chung với rất nhiều tác phẩm sáng tác sau này của Tô Hải, mà ông cay đắng gọi chúng là những sáng tác “bỏ tủ lạnh”. Mà đâu phải chỉ có mình Tô Hải. Còn biết bao nhiêu nhân tài của đất nước cũng đã bị vùi dập như thế?

Khi gặp ông ở một xóm nhỏ Nha Trang, tôi mới biết ông đang làm gì. Thì ra ông dành toàn bộ thời gian cho cuốn hồi ký mà ông ấp ủ nhiều năm. Ông viết trong tình trạng sức khoẻ tồi tệ, phải chống nạng đi trong nhà, cuộc sống của cả gia đình trông vào chiếc xe bánh mì ở đầu đường của người vợ rất mực thương yêu chồng, chia sẻ hoài bão của chồng… Ông kì cạch viết mỗi ngày một vài trang, viết rồi xóa, xóa rồi lại viết vì… như ông thú nhận: cái nỗi Hèn vẫn cứ ám ảnh ông không thôi! Là người cũng sống nhiều năm trong xã hội chuyên chế, tôi hiểu: vượt qua nỗi Hèn chẳng hề là chuyện dễ.

Đại hợp xướng Tiếng hát biên thuỳ của Tô Hải. Đây là bản hợp xướng bị “bỏ tủ lạnh” cả nửa thế kỷ, khi mà biên cương giữa hai nước Việt Nam-Trung Hoa đang được người ta ca ngợi là... “núi liền núi sông liền sông ..chung một biển Đông. Mối tình hữu nghị sáng như rạng đông...” hoặc “Bác Mao nào ở đâu xa/Bác Hồ ta đó chính là...Bác Mao”. Nguồn: luyenkim.net
http://www.dcvonline.net/php/images/042009/tohai4.jpg

Mười năm ròng, mỗi ngày một ít, vừa viết vừa phải đấu tranh kịch liệt cái Sợ, cái Hèn để có thể viết đúng, viết thực, không nhân nhượng với cái gì, kể cả bản thân, cuối cùng ông đã hoàn thành cuốn hồi ký chỉ với mục đích “để lại cho con cháu và đời sau biết về nhiều sự thật bị giấu kín, mà điều cay đắng nhất là để mọi người hiểu được Vì Đâu? Vì Ai? Vì Cái Gì?”

Tô Hải không đặt cho mình mục đích lên án cái chủ nghĩa Mác-Lê đã bị lịch sử chôn vùi, đã bị toàn thế giới lên án, và cái đảng đã đưa đất nước tới tình trạng hôm nay ‒ một nước chậm tiến, nghèo khổ, lạc hậu hơn các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Ông viết ra những suy ngẫm của mình, kêu gọi mọi người cùng suy ngẫm với ông, về hiện tình đất nước, về một nền văn nghệ không còn bản sắc, đến nỗi một nửa thế kỷ qua chẳng có một tác phẩm xứng đáng được xếp vào di sản văn hoá dân tộc, xứng đáng để đời sau con cháu tự hào. Ông không chối bỏ tư cách “vừa là nạn nhân, vừa là tội đồ”, ông nhận ông là kẻ có tội vì chính ông cũng đã tham gia vào cuộc lừa bịp vĩ đại. Qua hồi ký của ông, ta thấy quả thật, đời ông quá nhiều cay đắng. Nhưng, cũng với cuốn hồi ký này ông sẽ được đền bù ‒ những người đọc ông sẽ hiểu ông và yêu mến ông. Mà có hạnh phúc nào lớn hơn thế đối với một con người đau khổ.

Ông là trí thức đúng nghĩa vì đã vượt qua chính mình, cái mình bị nhào nặn bởi bàn tay kẻ khác, để công bố tất cả, không phải chỉ những gì là Tội Ác của kẻ khác mà cả cái Hèn của chính mình. Việc làm đó, ngay khi ông còn sống trong lòng chế độ chuyên chế, là việc làm dũng cảm, nếu không muốn gọi là anh hùng. Bằng việc làm này, ông đã vượt xa những kẻ cũng mang danh trí thức, cũng gọi là nhà văn, nhưng suốt đời chẳng dám viết một cái gì theo tiếng gọi của trái tim mình. Gần đây, tôi lại càng ngạc nhiên khi biết Tô Hải trở thành blogger ở tuổi 80 với những bài viết được lớp trẻ đón nhận chưa từng thấy (200.000 người đọc trong vòng 18 tháng). Tôi càng khâm phục khi ở tuổi 81, ông đã cùng sinh viên, thanh niên xuống đường đi biểu tình phản đối bọn xâm lược Trung Quốc, khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của tổ quốc Việt Nam. Đi biểu tình về đến nhà, ông ngồi xuống viết ngay một entry “Tớ đi tụ tập đông người không có phép” được hơn 20 báo điện tử và đài phát thanh nước ngoài phát lại.

Nhạc sĩ Tô Hải và những phút biểu tình ngắn.. 16/12/2007 tại Sài Gòn
http://www.youtube.com/watch?v=NJ_XcKqjh9A&eurl

Tập hồi ký này không phải chỉ để cho các thế hệ sau này, mà cho cả chúng ta nữa, hiểu rõ thêm những trang lịch sử đau buồn đã nhiều năm bị che giấu. Hi vọng trong một tương lai gần, nền văn nghệ Việt Nam sẽ vứt bỏ được cái quá khứ đáng nguyền rủa ở thế kỷ trước để bước vào con đường sáng sủa, con đường của Chân, Thiện, Mỹ, con đường của Tự Do, như Tô Hải hằng mơ ước.

----------------------------------------------

DCVOnline: Bạn đọc có thể liên lạc mua sách tại Tủ sách Tiếng Quê Hương

P.O. Box 4653Falls Church – VA 22044 ‒ E-mail: uyenthao1@juno.com

(*) Lê Phú Khải sinh năm 1942 tại Hà Nội, Ông được độc giả trong nước biết đến qua những trang viết về đồng bằng sông Cửu Long. Tác phẩm chính: Đồng Tháp Mười hôm nay, Viết từ đồng bằng Sông Cửu Long, Rắn độc trong tay người, Hồ sơ đồng bằng sông Cửu Long. Ngày 18/3/2009 Lê Phú khải viết
Thư ngỏ của một công dân ngoài Đảng



Blog của nhạc sĩ Tô Hải:
http://360.yahoo.com/toohair007


Tô Hải
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
http://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%B4_H%E1%BA%A3i

No comments: