Tuesday, April 14, 2009

CHỦ QUYỀN CỦA VN TRÊN HOÀNG SA THEO TÀI LIỆU NGOẠI QUỐC

Chủ quyền đối với Hoàng Sa của Việt Nam trong tư liệu nước ngoài
NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN
16:49 12/04/2009
http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30692&cn_id=335276
(ĐCSVN)- Việc xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa qua các giai đoạn lịch sử, trong đó có thời nhà Nguyễn, đã được tiến hành liên tục, thường xuyên và Việt Nam có đủ cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền trước công luận trong nước và quốc tế.
Trong rất nhiều tư liệu của người nước ngoài đề cập quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, có một số tư liệu xuất hiện gần như cùng thời, hoặc muộn hơn vài ba chục năm, kể từ sự kiện nhà Nguyễn xác lập chủ quyền biển, đảo vào năm 1816. Đây là những tư liệu quý và rất khách quan, vì chúng ra đời vào thời điểm nước Pháp chưa nổ súng tấn công Đà Nẵng để mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam bằng vũ lực; và dĩ nhiên, chưa đồng nhất giữa chủ quyền của Việt Nam với quyền lợi của nước Pháp.

1- Tác giả A. Salles trong bài “Hồi ký về xứ Đàng Trong của Jean Baptiste Chaigneau” (viết vào những năm 1819-1820 dưới triều vua Gia Long), đăng ở “Tập san Đô thành Hiếu cổ Huế” số 2, tháng 4-6 năm 1923, trang 257, cho biết Jean Baptiste Chaigneau viết trong hồi ký rằng: “Xứ Đàng Trong, mà người đứng đầu ngày nay đã xưng đế hiệu, gồm có xứ Đàng Trong cũ, xứ Bắc Hà, một phần miền Nam, vài đảo gần bờ biển có dân cư, và quần đảo Hoàng Sa, gồm có nhiều đảo và mỏm đá không có dân cư. Vào năm 1816, vị đương kim Hoàng đế (Gia Long-NQTT) đã sở hữu quần đảo này”.

2- Theo bài viết của Giám mục Jean Louis Taberd trong quyển sách xuất bản định kỳ hằng năm là “Bức tranh Thế giới-Lịch sử và mô tả các dân tộc, tôn giáo, phong tục, tập quán của họ”, NXB Firmin-Didot Frères et Cie, xuất bản tại Paris năm 1833, thì: “Chúng tôi không rõ họ (ý nói người Việt-NQTT) có thiết lập một cơ sở nào tại đó không; nhưng có điều chúng tôi biết chắc là Hoàng đế Gia Long đã chủ tâm thêm cái đóa hoa kỳ lạ đó vào vương miện của Ngài; vì vậy mà Ngài xét thấy đúng lúc phải thân chinh vượt biển để tiếp thâu quần đảo Hoàng Sa, và chính là vào năm 1816, Ngài đã long trọng treo tại đó lá cờ của xứ Đàng Trong”.

3- Vài năm sau, cũng Giám mục Taberd, trong bài viết “Ghi chú về địa lý xứ Đàng Trong” đăng trên “Tập san Hội châu Á của xứ Bengal”, xuất bản tại Calcutta, Ấn Độ, tập VI, tháng 9 năm 1837, trang 737-745; và bài “Ghi chú thêm về địa lý xứ Đàng Trong” , tập VII, tháng 4 năm 1838, trang 317-324 tiếp tục xác định: “Pracel hoặc Paracels (được người Việt gọi) là Cồn Vàng (tức Hoàng Sa-NQTT). Tuy rằng quần đảo này không có gì ngoài những tảng đá và những cồn lớn hứa hẹn nhiều điều bất tiện hơn là lợi ích, nhưng vua Gia Long đã nghĩ đến việc mở rộng lãnh thổ bằng cách chiếm thêm mảnh đất buồn tẻ này. Năm 1816, nhà vua đã tới cắm cờ một cách long trọng và chính thức giữ chủ quyền các hòn đảo này, nơi hình như không một ai tranh giành với nhà vua”.

4- Đặc biệt, trong cuốn “Tự điển La tinh - Việt” cũng của Giám mục Jean Louis Taberd, xuất bản năm 1838, còn đính thêm một bản đồ với tên gọi là “An Nam Đại quốc Họa đồ”, trong đó ghi rõ tọa độ và khẳng định Paracels hay Cát Vàng (tức Hoàng Sa-NQTT) nằm trong lãnh hải của Việt Nam.
5- Tiếp theo, tác giả Gutzlaff trong bài viết “Địa lý Vương quốc xứ Đàng Trong” đăng trên “Tập san Hội Địa lý Luân Đôn” tập 19, xuất bản tại London ở Anh năm 1849, trang 93 cũng cho biết: “Ðáng ra chúng tôi không đề cập đến quần đảo Hoàng Sa (Cát Vàng) nằm gần bờ biển Việt Nam khoảng 15 đến 20 dặm, trải dài giữa các vĩ tuyến 15 và 170 Bắc và các kinh tuyến 111 và 1130 Ðông; nếu vua xứ Đàng Trong đã không đòi quyền sở hữu quần đảo này, với nhiều đảo và ghềnh rất nguy hiểm cho nghề hàng hải, về tay mình... Chính quyền Việt Nam nhìn thấy những lợi ích có thể mang lại nếu một ngạch thuế được đặt ra, bèn thiết lập những thuyền quan và một trại quân nhỏ ở đây để đánh thuế tất cả người nước ngoài và bảo trợ ngư dân bản quốc”.

6- Tương tự như các tài liệu của phương Tây ở nửa đầu thế kỷ XIX, Dubois de Jaucigny có bài viết đăng trong sách “Bức tranh Thế giới-Lịch sử và sự mô tả các dân tộc, tôn giáo, phong tục, tập quán của họ: Nhật Bản, Đông Dương, Tích Lan” , nhà xuất bản Firmin-Didot Frères et Cie, xuất bản tại Paris năm 1850, cũng nhắc đến sự kiện năm 1816: “...Chúng tôi chỉ xin lưu ý rằng từ hơn 34 năm nay (ý nói vào năm 1816-NQTT), quần đảo Paracels mà người Việt gọi là Cát Vàng hoặc Hoàng Sa, gồm rất nhiều hòn đảo đan chằng chịt vào nhau, lởm chởm những đá nhô lên giữa những bãi cát, làm cho những người đi biển rất e ngại - đã được chiếm cứ bởi người xứ Đàng Trong”.
Qua những dẫn liệu giới hạn trong nửa đầu thế kỷ XIX kể trên, có thể thấy sự kiện xác lập chủ quyền của nhà Nguyễn ở quần đảo Hoàng Sa năm 1816 rất được phương Tây lưu tâm thừa nhận, với nhiều chứng lý khá thuyết phục. Thậm chí, Giám mục Jean Louis Taberd trong hai tài liệu khác nhau, hai thứ tiếng khác nhau, hai thời điểm khác nhau còn khẳng định vua Gia Long đã “thân chinh vượt biển”, “tới cắm cờ một cách long trọng” trên quần đảo Hoàng Sa.

... Đến nhận thức của chúng ta

Tại sao chỉ trong vòng 30 năm (1820-1850), liên tiếp xuất hiện nhiều tài liệu do người phương Tây viết, đề cập đến sự kiện vua Gia Long xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa năm 1816?

1- Trước hết, cần khẳng định sự kiện vua Gia Long chính thức xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa năm 1816 là hoàn toàn có thật; bởi không chỉ tư liệu từ phía nước ngoài, mà trước hết và quan trọng nhất, là tư liệu của chính triều Nguyễn để lại đã chứng minh điều đó.
Trong cuốn sử biên niên “Đại Nam thực lục Chính biên”, đệ nhị kỷ, quyển 52 của Quốc sử quán triều Nguyễn (tập I, NXB Giáo Dục, Hà Nội, năm 2002, trang 922) ghi rõ: Vào tháng 3 năm Bính Tý (1816), vua “sai thủy quân và đội Hoàng Sa” cùng phối hợp đi thuyền ra quần đảo Hoàng Sa để xem xét, đo đạc thủy trình.
Cũng ngay trong tháng 3 năm Bính Tý (1816), vua Gia Long ra lệnh cho các dinh, trấn đo đạc đường biển, vẽ bản đồ vùng biển của từng địa phương để gửi về triều đình, nhằm xác định chủ quyền biển. Chính sự dấy động quân đội và bộ máy hành chính tiến hành đo đạc lãnh hải ở Hoàng Sa cũng như trên phạm vi toàn quốc năm 1816, đã làm thay đổi nhận thức của nhân dân về chủ quyền trên biển của quốc gia; đồng thời khiến người nước ngoài xem đó là sự tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa thời Gia Long.
Sở dĩ người phương Tây nhìn nhận nhà Nguyễn chính thức xác lập chủ quyền Hoàng Sa năm 1816, vì kể từ thời các chúa Nguyễn cho đến năm 1815, các đội Hoàng Sa có trách nhiệm khai thác, thăm dò thủy trình được cử đi đều lấy từ dân phu/hay dân binh theo dạng nghĩa vụ; không phải là quân đội thường trực của Nhà nước, cũng không làm việc kiểm soát tàu thuyền qua lại ở Hoàng Sa. Năm 1816, lần đầu tiên thủy quân (chính quy) của Nhà nước được cử đi phối hợp với đội Hoàng Sa ra quần đảo Hoàng Sa để xem xét và đo đạc thủy trình, dựng mốc, cắm cờ. Hành động này biểu thị cho việc vua Gia Long chính thức khẳng định chủ quyền về tay mình, với việc nhà vua bắt đầu quản lý Hoàng Sa bằng lực lượng quân sự chính quy của Nhà nước.
Từ thời vua Minh Mạng, công việc đo đạc hải trình ra Hoàng Sa đều giao trách nhiệm cho thủy quân và thuê thuyền dân ở Quảng Ngãi, Bình Định. Việc đo đạc hải trình, vẽ bản đồ Hoàng Sa do Bộ Công cùng với thủy quân phối hợp quan giám thành, địa phương Quảng Ngãi và đội dân binh Hoàng Sa được thực hiện hằng năm khá đều đặn. Năm 1837, thủy quân đi Hoàng Sa vẽ được đồ bản 11 nơi. Đến năm 1838, Bộ Công triều Nguyễn cho biết thủy quân đệ trình việc đo đạc 3 nơi với 12 hòn đảo, vẽ được 3 bức đồ bản riêng và 1 bức đồ bản vẽ chung về Hoàng Sa...
Những khẳng định liên tục về chủ quyền Hoàng Sa thông qua việc đo đạc, kiểm soát của thủy quân triều Nguyễn từ năm 1816, đã được tàu thuyền nước ngoài khi đi qua vùng biển Hoàng Sa thừa nhận, và dường như họ đều tuân thủ quyền kiểm soát của thuyền quan triều Nguyễn. Bằng chứng là vào tháng 6 năm Đinh Sửu (1817), thương thuyền từ Ma Cao đến đậu Đà Nẵng, đem địa đồ quần đảo Hoàng Sa dâng lên triều đình, vua Gia Long đã thưởng 20 lạng bạc (“Đại Nam thực lục Chính biên”, tập I, sách đã dẫn, trang 950). Không thừa nhận chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam thì không thể có những chuyện như vậy!

2- Một nhân chứng trực tiếp hết sức quan trọng, rất đáng tin cậy, có sự hiểu biết sâu sắc các hoạt động trên biển của đội Hoàng Sa và biết rõ việc xác lập chủ quyền Hoàng Sa của triều Gia Long năm 1816, là Jean Baptiste Chaigneau.
Ông sinh năm 1769 tại Lorient ở Pháp, tình nguyện theo giúp chúa Nguyễn Ánh từ năm 1794. Khi triều Nguyễn thành lập, Chaigneau là một trong hai võ quan Pháp ở lại làm quan lâu dài dưới triều Gia Long. Ông được vua Gia Long cho lấy tên Việt là Nguyễn Văn Thắng, được phong làm Khâm sai thuộc nội Chưởng cơ, tước Thắng Toán Hầu, cưới vợ Việt Nam là Benette Hồ Thị Huề năm 1802. Mãi đến năm 1819, Chaigneau mới thôi chức về Pháp thăm quê, nhưng đến 1821 lại rời Pháp sang Việt Nam lần nữa, với tư cách Lãnh sự của vua Louis 18 sang giao thiệp với vua Minh Mạng. Năm 1824 Chaigneau rời Huế đem gia quyến về sinh sống ở Pháp, đến 1832 thì mất.
Trong khoảng những năm 1819-1820 (có lẽ lúc về Pháp thăm quê), Chaigneau đã viết “Hồi ký về xứ Đàng Trong”, ghi lại chặng đường 25 năm cống hiến cho họ Nguyễn (1794-1819), trong đó khẳng định: “Vào năm 1816, vị đương kim Hoàng đế (Gia Long) đã sở hữu quần đảo này”. Sự khẳng định chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam từ một người phương Tây trực tiếp tham gia chính sự triều Gia Long rõ ràng hoàn toàn đồng nhất với sự ghi chép của sử quan triều Nguyễn thời đó.

3- Một nhân chứng khác không kém phần quan trọng, nhờ sống và hoạt động truyền giáo tại Việt Nam gần như cùng thời gian nhà Nguyễn tăng cường dùng quân đội và bộ máy Nhà nước để đo đạc, quản lý Hoàng Sa, đó là Giám mục Jean Louis Taberd.
Ông sinh tại Saint Étienne ở Pháp năm 1794, gia nhập Hội Truyền giáo Nước ngoài ở Paris và thụ phong linh mục năm 1817; đến năm 1820 rời Pháp sang Việt Nam truyền giáo, có thêm tên Việt là cha Từ. Năm 1830, linh mục Taberd được tấn phong giám mục, lãnh trách nhiệm coi sóc địa phận Đàng Trong, hoạt động chủ yếu ở Gia Định.
Đầu năm 1833, để tránh bị nhà Nguyễn bắt giam do chủ trương cấm đạo của vua Minh Mạng, Giám mục cùng với 3 giáo sĩ Pháp và 15 chủng sinh ở Lái Thiêu đi về ngả Châu Đốc, Hà Tiên, qua Campuchia, Xiêm (sau gọi là Thái Lan), Penang (thuộc Malaysia), Singapore, rồi sang xứ Bengale thuộc Ấn Độ. Năm 1835, Giám mục Taberd thôi nhiệm vụ cai quản giáo phận Đàng Trong. Ông mất tại Calcutta ở Ấn Độ năm 1840.
Như vậy, vị Giám mục này đã có mặt ở Việt Nam trong khoảng 13 năm (1820-1833), biết rất nhiều về chủ trương, hoạt động của triều Nguyễn, trong đó có chủ trương quản lý biển, đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. Đến Việt Nam sau sự kiện vua Gia Long xác lập chủ quyền ở Hoàng Sa (năm 1816) gần 4 năm, lại ở miền Nam chứ chưa ra Huế lần nào, chỉ nghe kể về sự kiện đó chứ không phải trực tiếp chứng kiến; nhưng đối với những hoạt động liên tục của triều Nguyễn nhằm đo đạc hải trình và kiểm soát Hoàng Sa kể từ năm 1816 trở đi, thì Giám mục Taberd đều có nghe nói đến, hoặc trực tiếp nghe và biết. Chính Giám mục đã khẳng định trong bài viết nêu trên: “...Hoàng đế Gia Long đã chủ tâm thêm cái đóa hoa kỳ lạ đó vào vương miện của Ngài”.
Còn tại sao Giám mục Taberd lại viết vua Gia Long đã “thân chinh vượt biển” vào năm 1816 và “đã long trọng treo tại đó lá cờ của xứ Đàng Trong”? Điều này có thể do Giám mục Taberd đã nghe người khác kể lại, và hiểu nhầm giữa sự “nhân danh Hoàng đế” với Hoàng đế “đích thân/thân chinh” ra đảo. Nên nhớ rằng, bộ sử biên niên “Đại Nam thực lục” của triều Nguyễn đã chép “vua sai thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa”; còn Jean Baptiste Chaigneau ở ngay tại Huế, làm quan trong triều, mọi việc gần như đều thấy và biết, cũng khẳng định vua Gia Long “đã sở hữu quần đảo này”, chứ không viết vua đích thân đi Hoàng Sa như Giám mục Taberd.
Trong thực tế, vào năm 1816, lần đầu tiên đội thủy quân của triều Nguyễn được vua Gia Long chính thức cử đi Hoàng Sa (dưới sự hướng dẫn của các dân binh trong đội Hoàng Sa) để xem xét, đo đạc thủy trình nhằm xác lập chủ quyền của vương triều. Đội thủy quân của triều đình đã thay mặt vua Gia Long cắm cờ trên đảo Hoàng Sa, chứ không phải nhà vua đích thân đi cắm cờ.
Giám mục Taberd là người bị triều Minh Mạng cấm truyền đạo và phải trốn chạy ra nước ngoài để tránh sự bắt bớ, nhưng trong thời gian ở nước ngoài, những bài viết và bản đồ mà ông là tác giả vẫn khẳng định việc xác lập chủ quyền của nhà Nguyễn đối với quần đảo Hoàng Sa từ năm 1816. Điều đó càng tăng tính khách quan trong tài liệu của ông để lại.

4- Đối với những tài liệu của Gutzlaff và Dubois de Jaucigni, những ghi chép của họ công bố năm
1849 và 1850 rất có ý nghĩa; bởi đó là những ghi nhận quan trọng về sự việc thủy quân triều Nguyễn thực tế đã kiểm soát thường xuyên vùng biển Hoàng Sa. Điều đó cho thấy quyền kiểm soát Hoàng Sa đã được triều Nguyễn thực thi và được các nhà hàng hải nước ngoài thừa nhận.

Từ sử liệu nhà Nguyễn đến các nhân chứng người phương Tây trong nửa đầu thế kỷ XIX, tuy nhìn nhận sự kiện năm 1816 ở vị thế khác nhau, nhưng đều thống nhất về thời điểm vua Gia Long chính thức khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa bằng những đơn vị quân đội và cơ quan Nhà nước. Giá trị của những tư liệu đề cập sự kiện rất đáng tin cậy, bởi thể hiện tính chính xác và khách quan. Chỉ duy nhất Giám mục Jean Louis Taberd viết vua Gia Long “thân chinh vượt biển” ra treo cờ trên đảo Hoàng Sa, song nên hiểu đó là sự nhầm lẫn ngôn từ giữa “đích thân” nhà vua khác với “nhân danh” nhà vua.

Nhưng dù là đích thân vua Gia Long cắm cờ, hay quân đội do vua Gia Long cử đi đã thay mặt nhà vua cắm cờ trên đảo, thì giá trị lịch sử vẫn không thay đổi; bởi hành động đó đã cất lên tiếng nói có cơ sở pháp lý chính thức xác lập chủ quyền Hoàng Sa trước công luận quốc tế của vua Gia Long/Triều Nguyễn/Việt Nam vào năm 1816.

Các từ khóa theo tin:
NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN


No comments: