Tuesday, April 14, 2009

ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC, company Ltd.

M. Kuźmicz: Đảng Cộng sản Trung Quốc, company Ltd.
Lê Diễn Đức dịch
14/04/2009 2:00 chiều
http://www.talawas.org/?p=2805
Lời người dịch: Vì mưu giữ độc quyền và lợi ích riêng kếch sù, tập đoàn lãnh đạo Ba Đình đang cam phận làm kiếp chư hầu cho Trung Nam Hải. Sự đàn áp, dập tắt tiếng nói yêu nước của quần chúng qua các sự kiện Hoàng Sa, Trường Sa, rước đuốc Olimpic Bắc Kinh 2008, khai thác quặng bauxite ở Tây Nguyên, v.v… chứng minh hùng hồn cho kết luận này. Vì thế, những gì đang xảy ra tại Trung Quốc luôn có thể làm hệ quy chiếu cho bản photocopy thu nhỏ của nó là Việt Nam dưới thời cai quản bởi đảng cộng sản Việt Nam.

Maciej Kuźmicz - Nguồn: Interia.pl
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/04/maciejkuamicz1.jpg

Tác giả bài viết là Maciej Kuźmicz, tốt nghiệp khoa chính trị-kinh tế quốc tế trường đại học thương mại Ba Lan SGH, Columnist của nhật báo lớn nhất Ba Lan Gazeta Wyborcza và Reporter của tuần báo tài chính Ba Lan Gazeta Finansowa.
Bài được dịch từ tiếng Ba Lan, đăng trên Polityka, tuần báo uy tín và có số lượng phát hành đứng đầu Ba Lan, số 14 (2699), ngày 04/04/2009.

*

Gao Zhimou [1], 40 tuổi, với đôi tay làm việc mệt mỏi, nói một cách thuyết phục: “Đảng là chỗ dựa. Đảng giúp đỡ và quan tâm tới chúng tôi. Nhờ đảng mà hôm nay tôi có chỗ để ở, có cái để ăn”. Zhimou là một nông dân mộc mạc từ vùng Tứ Xuyên (Sichuan), chỉ mới tốt nghiệp tiểu học trường làng. Hôm nay ông ngồi trên chiếc ghế nhựa trước đống bê-tông ngổn ngang thay cho nhà ở. Trong vụ động đất năm ngoái, ông ta và cả gia đình đã mất tất cả. Giờ đây họ đang sống trong khu vực đang được xây dựng với tốc độ kỷ lục cho hàng ngàn cư dân.
Trên đống bê-tông nổi bật hàng chữ: “Mỗi người tự dựng lại ngôi nhà của mình, Đảng cộng sản Trung Quốc định hướng tái thiết”. Bên cạnh treo chân dung Mao Trạch Đông. Những đống bê-tông như thế trong trại cư dân ngoài thị trấn Dujiangyan [2] ở Tứ Xuyên có tới hàng ngàn. Trên mỗi đống đều cắm cọc. Trên mỗi cái cọc là cờ Trung Quốc và cờ đảng: búa liềm vàng, nền đỏ. “Tôi là người cộng sản. Ở chỗ chúng tôi, đảng là sự tiến bộ. Anh hãy nhìn họ xây dựng nhà tạm thế nhanh như thế nào. Chủ tịch Mao chắc hẳn mãn nguyện với chúng tôi” – Gao Zhimou nói.

Bộ veston và cặp da
Có thể ông ta hài lòng ở Tứ Xuyên nhưng không nhất thiết ở Bắc Kinh, cụ thể là trong ngày 12 tháng 10 năm ngoái. Gao Zhimou có thể sẽ không thích cái hướng mà cuộc cách mạng của ông nhắm tới. Ngày hôm ấy, những vị lãnh đạo của đảng trong những bộ veston cắt may không thể chê được, đã ra quyết định thay đổi luật đất đai. Họ phán quyết rằng, sau bao năm phụ thuộc hoàn toàn vào nhà nước, nông dân Trung Quốc có thể thuê lại đất - nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế. Đảng cộng sản (ĐCS) Trung Quốc mà Mao đã đưa lên đài quyền lực bằng họng súng, từ bỏ thành luỹ tiếp theo của chủ nghĩa cộng sản.
Những người đang kéo co hôm nay ở Bắc Kinh trông khác hẳn với những người đã tham dự cuộc Vạn lý Trường chinh và xây dựng thiên đường của chủ nghĩa cộng sản trên sông Yangzi [3]. Mới đây thôi, thời gian khởi đầu cải cách trong thập niên 80, lãnh tụ đảng Đặng Tiểu Bình vẫn còn mặc đại cán truyền thống có nút cài sát cổ và đội mũ giải phóng quân, vậy mà giờ đây không một công chức trung thành nào của bộ máy xuất hiện trước công chúng lại ăn vận khác với thời trang của veston sang trọng và cặp da đắt tiền. Người ta không còn đi họp bằng xe đạp. Veston và xe hơi mới chỉ là thay đổi bề mặt của một đảng phái lớn nhất thế giới.
ĐCS Trung Quốc đang tiến hoá, từ chủ nghĩa cộng sản không còn lại bao nhiêu. Thực tế chỉ nhìn thấy trên quảng cáo - những nhà nghiên cứu Hán học nghiên cứu về chính trị Trung Quốc nhận định như vậy. Khó có thể đưa ra luận điểm khác, chỉ cần lướt qua đường phố của bất cứ thành phố Trung Quốc nào. Những ngôi nhà cao tầng ngợp mắt và những cửa hàng với thương hiệu đắt tiền đứng bên cạnh các cơ quan của đảng mà trước mặt tiền của nó lá cờ búa liềm bình thản tung bay. Đây là kết quả của cách mạng Trung Quốc. Và của sự tiến hoá của đảng.

Holland Village do một thương gia Trung Quốc xây dựng - Nguồn Google
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/04/theholandvillagechina2-300x225.jpg

Nếu trong năm 2001, Mao Trạch Đông nghe Giang Trạch Dân, chủ tịch Ban chấp hành Trung ương ĐCS Trung Quốc, khen ngợi những nhà tư bản - có lẽ ông ta không tin vào chính tai mình. Không có điều gì cản trở Giang khi ông tuyên bố trước công luận về thuyết Ba Thành Phần. Trong những lời nói hoa mỹ có một điều rõ ràng: những nhà tư bản cũng có thể là những viên chức ủng hộ xã hội chủ nghĩa mang đặc tính Trung Quốc. Và họ có thể gia nhập đảng. Giang không nói thẳng thừng nhưng các đại biểu hiểu ông đang nghĩ gì.
- “Đảng biết rất rõ rằng, sự tăng trưởng nhịp nhàng sẽ không khả thi nếu không hội nhập vào tiến trình này của kinh doanh. Ngày hôm nay, giới trung lưu, sáng kiến cá nhân và các nhà chuyên môn là một trong những nguồn động lực to lớn, thúc đẩy nhà nước Trung Nam Hải tiến tới” - giáo sư Jan Rowinski của Viện nghiên cứu Quốc tế, Warsaw University, nói. Cho nên, việc thâu nạp thêm doanh nghiệp cá thể không có gì ngạc nhiên. Đây là một quyết định thực dụng, một bước tiếp của chặng đường phát triển. Nó là yếu tố cần thiết và đảng thực hiện chẳng cần phải ngó ngàng tới tên gọi của nó là “cộng sản” hay không.

Cần cù như trâu
Khi Giang Trạch Dân đọc diễn văn, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng suốt hơn một thập niên. Tổng thu nhập quốc dân mỗi năm tăng bình quân 10%, những nhà máy mọc lên trong các đặc khu kinh tế, nơi cung cấp cho thế giới tất cả những gì họ muốn đặt hàng. Công bố của Giang sẽ không hiện thực nếu không có bước ngoặt mà Trung Quốc đã trải qua dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình. Chính Đặng, sau nhiều năm cách mạng, đã mở cửa cho đất nước hơn một tỷ người đi ra với thế giới và nền sản xuất. Một con người được đào tạo tại nước Pháp đã vứt bỏ những tín điều của đảng.
Nhờ điều này mà ông ta đã có thể thuyết phục về một chủ nghĩa xã hội với đặc tính Trung Quốc và đưa vào chương trình cộng sản bốn hiện đại hoá: nông nghiệp, công nghiệp, khoa học và quân đội. Cũng vì thế vốn kéo đến từ Đài Loan (Taiwan), Hương Cảng (Hongkong) - chính sách thực dụng đã kết trái với hơn 700 tỷ đôla đầu tư nước ngoài đối với nhà nước Trung Nam Hải. “Không quan trọng mèo trắng hay mèo đen, con nào cũng tốt nếu bắt được chuột”, Đặng đã nói như vậy, và ra lệnh đối mặt với sự phát triển, chứ không phải ý thức hệ.
- “Nhờ đảng mà chúng tôi có trường học mới, đường đi mới vào làng. Từ 20 năm nay, mỗi năm mỗi khá hơn. Khi nào thích tôi có thể mua xe gắn máy. Giống như khi cần, tôi có thể mua nồi niêu vậy. Con gái tôi đã đi học ở Thành Đô (Chéngdu)” - Gao Zhinzou từ Tứ Xuyên giải thích. Đây là bí quyết của sự ủng hộ không thay đổi với đảng từ nhiều năm qua: sự tăng trưởng kinh tế không ngừng. Chính vì vậy, những cái đầu cả quyết của đảng hôm nay đang làm việc trên vấn đề làm sao giữ được mức hơn 8%. Thấp hơn có thể gây nên những xáo trộn cho an ninh xã hội.
Ôn Gia Bảo đã từng nói rằng, gói ứng cứu cho giai đoạn khủng hoảng sẽ là 585 tỷ đôla cho hai năm gần nhất. Số tiền này sẽ sử dụng cho xây dựng đường xá, sân bay, các công viên công nghệ. Chính phủ, tức là đảng, muốn tạo ra 9 triệu việc làm mới trong năm nay. Đảng đã cũng thay đổi lối khoa trương - từ những lời nói hoan hỉ sau olimpic chẳng còn lại bao nhiêu - trong các tờ báo quốc doanh người ta kêu gọi làm việc nỗ lực và miệt mài trong năm Sửu.
ĐCS Trung Quốc nhìn thấy cơ hội cho sự phát triển quay lại: ĐCS muốn tận dụng cuộc khủng hoảng toàn cầu, nướng hai con mồi trên một ngọn lửa. Thứ nhất, đảng hy vọng rằng, có thể thành công trong việc được nói đến từ lâu: chuyển một phần nhà máy từ khu vực giàu có vùng ven biển đến vùng khá nghèo khó nằm sâu trong Trung Quốc, nơi có nhân công rẻ hơn. Các giới chức địa phương còn quyến rũ thêm bằng nhân công rẻ và hỗ trợ tài chính. Intel đã quyết định chuyển các nhà máy của mình từ Thiên Tân (Tianjin)) và Thượng Hải (Shanghai) đến thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên. Sau họ là những người kế tiếp.
Mục đích thứ hai nhằm tạo thuận lợi hơn để đạt được những kết quả trong cuộc khủng hoảng là hiện đại hoá các nhà máy vùng ven biển. Chúng tôi không chỉ muốn rẻ nhất mà còn tân tiến nhất - các chính quyền địa phương vùng ven biển như Thâm Quyến (Shezen), Thượng Hải nói như vậy. Khẩu hiệu của đảng trong cuộc khủng hoảng là “Rửa lồng, thay chim”. Chúng ta hãy chuyển sang công nghệ mới và nền sản xuất với chất lượng cao.
Đảng hiểu rõ rằng, kế hoạch phải thành công. Bởi vì nó là điều kiện để giữ quyền lực. Chính vì thế, những nhà lãnh đạo cộng sản lo ngại nhất sự bất bình đẳng, là cái điều đồng hành với sự tăng trưởng nhanh. Tài liệu nội bộ của đảng được công bố trong các bản tường trình của Trường Đảng báo động: Tại Trung Quốc đang có sự phân hoá mạnh mẽ về quyền sở hữu.

Liu Jun với gia tài trên vai di tản khỏi vùng Đập Tam Hiệp - Ảnh: NYT
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/04/threegorgesdam-300x168.jpg

Các tỉnh ven biển và các thành phố lớn vươn lên, trong khi các tỉnh bên trong và nông thôn tiếp tục nghèo đói. Cách biệt này như thùng thuốc nổ cung cấp cho những người chống đối chính sách thị trường của đảng. Trong đại hội đảng lần thứ XVII, sau phát biểu của chủ tịch Hồ cẩm Đào, trên Internet ngày càng xuất hiện dư luận rằng, đảng của hôm nay giống như một tập đoàn kinh doanh, còn hội nghị Ban chấp hành Trung ương ĐCS Trung Quốc là cuộc họp của Hội đồng quản trị. “Với họ chỉ làm sao để giữ ổn định phát triển, phần còn lại tự nó sẽ lo liệu lấy! Thế còn chủ nghĩa cộng sản với tư tưởng của Chủ tịch Mao ở đâu?” - các bloger đặt câu hỏi.

Thể chế chính trị - vâng, tha hoá – không
Mặt khác, thậm chí nếu đã thay đổi cách nhìn đối với kinh doanh, thì trong các cuộc họp đảng, đa số các quyết định được đưa ra trong phòng kín và các chỉ dẫn đều được ban từ trên xuống. ĐCS Trung Quốc tiếp tục tin vào sự kiểm soát và vì vậy cương quyết bảo vệ độc quyền lãnh đạo, định hướng văn hóa, kiểm duyệt truyền thông cùng với Internet và sẵn sàng dùng cánh tay thép đè bẹp mọi phản kháng.
Điều này chính nhân vật tiến bộ Đặng Tiểu Bình đã không hề do dự cách đây 20 năm khi tung quân đội ra quảng trường Thiên An Môn chống lại sinh viên đòi dân chủ hoá. Không ai biết cụ thể bao nhiêu người ở lứa tuổi đôi mươi đã chết dưới xích xe tăng. Cũng chính đảng này đã kiến tạo vành đai thị trường tự do trên vùng ven biển và cùng lúc đàn áp và bỏ tù các thành viên của tổ chức nguy hiểm Pháp Luân Công và tất cả những ai đòi hỏi nhân quyền tại Tây Tạng hay Nội Mông (Inner Mongolia).
Vì muốn kiểm soát nên đảng mở từ từ. Mặc dù người ta nói rất nhiều đến việc sử dụng những người có tài nhất trong bộ máy nhà nước, chỉ từ hai năm nay mới có các bộ trưởng không phải là đảng viên. Giáo sư Chen Zhu [4] giữ chức bộ trưởng y tế, đã học ở Pháp, còn Wan Gang [5] giữ chức bộ trưởng khoa học và công nghệ, đã tốt nghiệp đại học tại Đức và từng làm việc cho Ấn Độ. Đảng CS Trung Quốc vẫn tuyệt đối độc quyền: kiểm soát quân đội, một quốc hội trưng diễn, chính phủ và toà án bù nhìn. Qua các bộ, đảng cũng chỉ đạo chặt chẽ các công ty quốc doanh chiến lược.
Toàn đảng được lãnh đạo bởi một nhóm 9 người, đó là Thường trực Bộ chính trị với chủ tịch Hồ Cẩm Đào, người kiêm chức chủ tịch Hội đồng quân uỷ Trung ương. Chính nhóm các nhà kỹ trị tinh tuý hàng đầu này quyết định điều chỉnh mọi hướng đi mà Trung Quốc và đảng tiến tới. Ít nhất như vậy về mặt lý thuyết. Càng xa Bắc Kinh bao nhiêu, các bí thư đảng địa phương càng ít lệ thuộc. Công việc kinh doanh cũng như công chúng địa phương biết đòi hỏi quyết liệt quyền lợi cho mình, càng có ảnh hưởng lớn hơn với họ. Nhất là hiện nay, trong bối cảnh khủng hoảng, mỗi ngày trên đất Trung Quốc bùng nổ hàng trăm cuộc nổi loạn.

Giàu, nghèo Trung Quốc - Ảnh: The dailybanter.com
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/04/richandpoorchina1-300x188.jpg

Hiện thời đảng chưa lo sợ lắm: những cuộc nổi loạn, thậm chí có tới mười mấy ngàn người, chưa vượt ra ngoài một thành phố hay cao nhất, một khu vực. Nhà cầm quyền trước hết tìm thoả hiệp, nhưng nếu không có hiệu quả, các cuộc chống đối sẽ bị lập lại trật tự. Đây là vấn đề của chính quyền địa phương, còn những người Trung Quốc chống đối không muốn tổ chức lan rộng ra ở mức độ lớn hơn. Lý do? Họ nổi giận với các bí thư đảng địa phương tham nhũng, nhét tiền vào túi riêng và những doanh nghiệp móc ngoặc với quan chức nhà nước lừa gạt họ. Còn với thể chế chính trị nói chung thì họ hài lòng. Cái thể chế này nói cho cùng đang cho phép họ làm giàu.
Chính vì thế, chủ tịch Hồ Cẩm Đào rất lưu tâm theo sát vấn đề: trừng phạt sự tha hoá, nhưng không thay đổi thể chế chính trị. Các nhà lãnh đạo hiểu rõ rằng, chẳng thể nào mang lại cân bằng cho người nghèo trong ngữ cảnh giàu có của giới cầm quyền. Cho nên có thể chờ đợi rằng, ngày càng khó khăn làm ăn tay trái và kỷ luật sẽ nghiêm khắc hơn. Vì vậy, các đồng chí đảng viên sẽ sợ hãi khi nhận các bao thơ đầy tiền.

Bao thơ khốn nạn

Theo tính toán của tiến sĩ Minxin Pei của Carnegie Endowment for Internationl Peace, tham nhũng là một trong những cái phanh kìm hãm phát triển của Trung Nam Hải: rút ruột tổng thu nhập thậm chí 5%. Các vụ tham nhũng được nói tới nhiều nhất trong những năm gần đây chính là các bí thư đảng móc ngoặc với giới kinh doanh - giải quyết giấy phép xây dựng nhà máy trong các công viên công cộng, xuất cảng những sản phẩm bị cấm, nhận hối lộ thay thế cho các quyết định có lợi cho đối tác.
Tham nhũng trở thành hiện tượng phổ cập: tại tỉnh An Huy (Anhui), ở thành phố Phụ Dương (Fuyang) với chín triệu người, các lãnh đạo địa phương đã có những liên kết ngầm với giới kinh doanh, đến mức các báo trên toàn Trung Quốc viết về họ như những tên maphia. Ba lãnh đạo đảng bị đưa ra toà và nhận án tử hình. Tại tỉnh phía Bắc Hắc Long Giang (Heilongjiang), toàn bộ chóp bu của đảng bị tống giam vì tham nhũng. Tương tự như thế ở tỉnh Quý Châu (Guizhou). Xì-căng-đan ầm ĩ nhất về tham nhũng trong những năm qua không xảy ra nơi những vùng biên cương của đế chế mà ngay trong lòng Thượng Hải. Chen Liangyu, sếp của đảng nhận hối lộ một phần tư triệu đôla (người ta chỉ chứng minh được ngần ấy).
Tại Trung Quốc, nhận hối lộ trên 100 ngàn tệ (juan) có thể nhận án tử hình và chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh rằng sẽ áp dụng triệt để. Có một điều là, khi giàu có lên, người Trung Quốc cho thấy rằng, họ không chỉ nhìn tay mình được chính quyền ban bố cho cái gì mà muốn được đồng quyết định. Ở Ôn Châu (Wenzhou), một trong những thành phố ven biển (tỉnh Chiết Giang) có tiếng về kinh doanh, các doanh nhân tập hợp trong một tổ chức thương mại và đảng chẳng có ảnh hưởng trực tiếp nào lên các chức vụ của họ. Trong một số làng phụ cận, chính quyền địa phương thử nghiệm cho truy cập công khai thông tin về ngân sách, kế hoạch đầu tư. Mặc dù đây là điều mới mẻ, chưa lan rộng ở mức độ lớn, nhưng đảng đang rất chú ý đến thử nghiệm này. Nếu thành công, họ sẽ nhân ra cả nước.
- “Mục đích quan trọng nhất, idée fixe, của Mao Trạch Đông là tái xây dựng tiềm lực của Trung Quốc” - Rowinski, nhà Hán học giải thích. Sau nhiều năm lệ thuộc và mất thể diện, chủ nghĩa cộng sản đưa ra hình tượng Mao như là công cụ hữu hiệu cho việc đạt tới mục đích. Chẳng phải ông ta đã nhìn thấy bước phát triển nhanh chóng mà Liên Xô đã thực hiện đó sao. Cái giá mà công chúng phải trả chẳng cần quan tâm. - “Những người kế nhiệm Mao tiếp tục tái thiết một Trung Quốc vĩ đại. Từ đó chẳng nên ngạc nhiên về chủ nghĩa thực dụng của đảng cộng sản Trung Quốc, mà hôm nay tôi xác định rằng, mang tính quốc gia hơn là cộng sản” - nhà Hán học nói thêm.
Ngày nay tại Trung Quốc can dự vào thành phần lãnh đạo đã có thế hệ thứ năm của đảng. Đó là những người trẻ hơn chủ tịch Hồ Cẩm Đào và họ không chỉ nhìn thấy thế giới bên ngoài mà còn học tập ở đó, đã sống trong các ký túc xá đại học. Nơi đó họ đã có thể so sánh khác biệt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, giữa Bắc Kinh và Luân Đôn (London). Họ không quá liên hệ với tính từ “cộng sản” trong tên gọi các viện nghiên cứu, nơi tạo cơ hội cho họ quản lý một đất nước đông dân nhất thế giới. Thay vì đó, họ ràng buộc mình với sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. - “Rất có thể một ngày nào đó cho thấy rằng, một trong những nhà lãnh đạo sẽ nói: thưa quý vị, đã quá đủ với đảng cộng sản rồi. Chỉ cần chúng ta đặt tên là Đảng Nhân dân Trung Hoa… Khó nói được, đảng sẽ tiến theo hướng nào. Nhưng chắc chắn rằng, cái hướng đảm bảo cho sự phát triển” - Giáo sư Rowinski nói.

Bản tiếng Việt © Lê Diễn Đức
© Talawas Blog
——————-

Chú thích:

[1], [2], [3], [4], [5] : Trong bài, người dịch sử dụng những từ Hán đã biết thông dụng trong Việt ngữ như Bắc Kinh, Thượng Hải, Giang Trạch Dân, Ôn Gia Bảo, Tứ Xuyên, v.v…Do không am tường Hán-Việt nên một số tên các nhân vật như Gao Zhimou, Chen Zhu, Wan Gang… và các địa danh như Dujiangyan (都江堰), Yangzi (揚子江), người dịch không thể phiên âm ra Việt ngữ mà để tiếng Anh. Rất mong bạn đọc giúp đỡ. Nếu được, xin gửi qua phần ý kiến phản hồi, người dịch ghi nhận sự biết ơn sâu sắc và sẽ hiệu đính bài dịch cho hoàn thiện hơn.


No comments: