Tham vọng hạt nhân : Iran tự đẩy mình vào đường cùng
Thanh Hà – RFI
Đăng ngày: 20/06/2025 – 15:48 – Sửa đổi ngày: 20/06/2025 – 16:56
Đúng một tuần lễ từ khi Israel oanh kích Iran, tương quan lực lượng có phần nghiêng về Nhà Nước Do Thái : Chế độ của giáo chủ Khameini đang bị suy yếu cả về quân sự lẫn ngoại giao. Teheran liệu có đang rơi vào cái bẫy do chính mình đặt ra khi có tham vọng chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt để khẳng định vai trò cường quốc khu vực và nhất là để « xóa sổ » Nhà nước Do Thái ?
HÌNH :
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian (thứ 2 từ bên phải) và lãnh đạo Tổ chức Năng lượng Hạt nhân Iran Mohammad Eslami thăm triển lãm về một cuộc triển lãm về những thành tựu hạt nhân của Iran, tại Teheran, Iran, ngày 09/04/2025. © AP / Iranian Presidency Office
Không thể phủ nhận trách nhiệm của Hoa Kỳ, đúng hơn là của tổng thống Donald Trump, năm 2018 khi rút nước Mỹ ra khỏi hiệp ước Vienna, khống chế tham vọng hạt nhân của chế độ Hồi Giáo Iran. Nhưng chảo lửa ở Trung Đông từ một tuần qua với cuộc đối đầu trực tiếp giữa Iran và Israel bắt nguồn từ hơn 4 thập niên qua, như nhà báo Alain Frachon, chuyên về mục địa chính trị của tờ Le Monde, đã ghi nhận.
Ông nhắc lại, từ khi giành được chính quyền sau cuộc cách mạng, lật đổ chế độ quân chủ của Shah (vua của các vị vua) Pahlavi vào năm 1979, hai đời giáo chủ Khomeini rồi Khamenei cùng theo đuổi một chiến lược dựa trên 3 bức tường thành : vũ khí nguyên tử, phát triển chương trình tên lửa đạn đạo và phải huy động được các đồng minh trong thế giới Ả Rập Hồi Giáo theo hệ phái Shia như Iran để « phổ biến mô hình cách mạng » của Iran.
Nhưng Iran và nhất là người dân nước này đã phải trả giá đắt cho chiến lược đó. Thứ nhất là trong nhiều thập niên, Teheran liên tục bị các nước phương Tây trừng phạt, bị cấm vận dầu hỏa… và đã ngả dần về quỹ đạo của Nga và Trung Quốc. Thứ hai, Iran rất tốn kém để nuôi dưỡng mạng lưới các phong trào vũ trang Hồi Giáo Shia và xây dựng cái mà Iran gọi là « Trục kháng chiến ». Đường lối này không chỉ biến Iran thành mục tiêu của Israel và Hoa Kỳ hay phương Tây mà còn gây nên hiềm khích trong khối các nước Ả Rập Hồi Giáo.
Nhưng sau biến cố 07/10/2023 khi mà phong trào Hồi giáo Palestine Hamas được Iran bảo trợ, tiến hành một loạt vụ khủng bố đẫm máu trên lãnh thổ Israel, thì Tel Aviv đã lần lượt « trừ khử » hết những cánh tay đắc lực của Teheran để khuynh đảo Trung Cận Đông : Hezbollah ở Liban, Hamas tại Gaza … Iran không còn nhiều khả năng yểm trợ cho phe Houthi ở Yemen.
Riêng viễn cảnh Iran làm chủ vũ khí hạt nhân, Alain Frachon nhận định ngoài Israel tất cả các quốc gia Hồi Giáo khác ở vùng Vịnh, trong khu vực Trung Cận Đông đều không muốn Iran có vũ khí này trong tay.
Nhìn rộng hơn, Trung Quốc dù hiện nay là điểm tựa lớn của Iran về kinh tế và ngoại giao, nhưng theo nhà nghiên cứu Clément Therme, Viện Quan Hệ Quốc Tế – IFRI của Pháp, Bắc Kinh chưa bao giờ trực tiếp giúp đỡ Teheran trong việc làm giàu chất uranium hay phát triển các chương trình đạn đạo. Nước Nga của tổng thống Vladimir Putin tuy đang cần đến drone Shahed của Iran trên mặt trận Ukraina nhưng cũng rất thận trọng trước khi lên tiếng bênh vực Teheran.
Trong khi đó, Nhà nước Do Thái đã viện cớ là Iran đang rất cận kề việc « lắp ráp » bom nguyên tử để khởi động chiến dịch « Sư Tử Vươn Mình ». Lập trường này đang được Washington, đồng minh của Israel, bồi đắp thêm như để chuẩn bị dư luận cho kịch bản Mỹ trực tiếp can thiệp quân sự. Bằng chứng cụ thể nhất là nhiều giới chức trong chính quyền Trump – đứng đầu là chủ nhân Nhà Trắng, khẳng định rằng « chỉ cần 2 tuần lễ » là Iran sẽ chế tạo được bom nguyên tử ! Tổng thống Donald Trump như thể quên hẳn rằng, chính ông, năm 2018 đã khai tử hiệp ước Vienna, ngăn cản Teheran làm giàu chất uranium để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Đâu đó, chiến lược tự vệ với 3 bức tường thành của chế độ Teheran có lẽ đã không còn hiệu quả. Hơn thế nữa, nó còn đang trở thành một mối đe dọa đối với sự tồn tại của chế độ trong tay các vị giáo sĩ mà lãnh tụ tối cao nay đã 86 tuổi.
Điều chắc chắn duy nhất là không chỉ có Israel hay Hoa Kỳ muốn vĩnh viễn chôn vùi tham vọng hạt nhân của Iran. Vào lúc rộ lên nhiều thông tin trái ngược nhau về khả năng Teheran và Washington tiếp tục đàm phán về hạt nhân Iran, và cũng không ai biết rõ những ý định của các bên, sau gần nửa thế kỷ, nhưng giới phân tích cho rằng « bàn cờ Trung Đông đang được sắp xếp lại ».
—————————–
Các nội dung liên quan
HOA KỲ – IRAN – HẠT NHÂN
Donald Trump quả quyết Mỹ và Iran trực tiếp đàm phán về hồ sơ hạt nhân
PHÂN TÍCH
Chiến dịch oanh tạc của Israel có nguy cơ phá hỏng đàm phán hạt nhân Mỹ-Iran
.
.
.
No comments:
Post a Comment