22/06/2025
Nguyễn Hồng Anh
Posted
on 22 Tháng Sáu, 2025 by post3
https://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/cung-tren-mot-con-thuyen/
HÌNH : https://vanviet.info/wp-content/uploads/2025/06/Tu.jpg
Năm
2015, kết thúc tiểu thuyết The Sympathizer bằng cảnh con thuyền
chở người vượt biên chuẩn bị ra khơi, Nguyễn Thanh Việt viết:
“Ngày
mai chúng tôi sẽ thấy mình giữa những người xa lạ […] Trong chúng
tôi sẽ có trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cả người lớn và cha mẹ, nhưng
không có người già, vì không ai dám ra khơi. Trong chúng tôi sẽ có
đàn ông và phụ nữ, cả người ốm và gầy, nhưng không có ai béo khi
cả nước thiếu ăn […]. Trong chúng tôi sẽ có người da sáng, da ngăm
và mọi sắc da ở giữa, vài người nói giọng tỉnh và vài người nói
giọng quê.”
Năm
2025, mở đầu cảnh vượt biên trong tiểu thuyết Thuyền, Nguyễn Đức
Tùng viết:
“Trong
phòng rộng có khoảng hai trăm người, trẻ con, người già, phụ nữ, thanh niên,
nghe giọng biết đến từ nhiều miền, câu chuyện người làm đủ nghề, trí thức, xe
ôm, nghệ sĩ, chợ trời, giáo viên, người gốc Hoa Chợ Lớn, Hải Phòng…”
Năm
2021, mở đầu tiểu thuyết The Committed, Nguyễn Thanh Việt viết:
“Chúng
tôi là những kẻ không ai muốn, không ai cần, không ai thấy – vô hình trong mắt
tất cả, trừ chính mình. Thua cả hư vô, chúng tôi cũng chẳng thấy gì khi co rúm
trong bóng tối đặc quánh nơi bụng thuyền không ánh sáng, một trăm năm mươi con
người túa mồ hôi trong một không gian chẳng dành cho loài chúng tôi, mà cho cá
biển.”
Năm
2025, khi thuyền đã ra khơi, Nguyễn Đức Tùng viết:
“Trong
lòng thuyền, tối mịt. Một triết gia nào đã nói: đừng chống lại bóng tối, vì
không có bóng tối, bóng tối sinh ra từ tim ta. Tiếng khóc, tiếng kêu, tiếng
hét. Một trăm bốn mươi hay một trăm năm mươi linh hồn?”
Có
lẽ cũng không ai ngạc nhiên vì những trùng hợp ấy, đó là ký ức cộng đồng – một
cộng đồng mang tên “thuyền
nhân” –
dù được viết ra từ hai bến bờ cách biệt: một là nhà văn Mỹ gốc Việt, một là nhà
văn Canada gốc Việt, một bước lên thuyền khi mới là đứa trẻ bốn tuổi, một là
người ra đi khi đã trưởng thành, một viết bằng tiếng Anh điêu luyện, một viết bằng
tiếng Việt say mê.
Thêm
một điều tôi nghiệm thấy, rằng họ thật giống nhau:
Khi
nhắc đến “thuyền nhân”, Nguyễn Thanh Việt muốn làm một cuộc đối thoại với
phương Tây. Vì “boat people” là từ ngữ do phương Tây đặt ra, đi kèm với
đó là diễn ngôn áp đặt kiểu phương Tây trung tâm luận, rằng: người Việt đến
Âu-Mỹ những năm tháng đó trên những con thuyền rách nát tả tơi – là những nạn
nhân. Nhân vật “tôi” của Nguyễn Thanh Việt không chấp nhận nhãn mác ấy:
“Tôi
từ chối bị gọi là “thuyền nhân” – “Một phần trong tôi, đứa con của
mẹ tôi, muốn sự thương hại đó. Nhưng một phần trong tôi, một con
người
trưởng
thành, không muốn và không
đáng bị thương hại, không
muốn bị gọi là nạn nhân
cũng không đáng bị coi là như vậy” (The Committed).
Nếu
Nguyễn Thanh Việt nói ra tư tưởng ấy một cách minh nhiên, thì Nguyễn Đức Tùng lại
chọn cách để hình tượng văn chương lên tiếng: “Chúng tôi im lặng, không ai
khóc cả […] thay vì chết, sẽ chìm vào đáy nước, và sẽ trở lại như mặt trời vào
ngày hôm sau và nỗi tiếc thương vào lúc ấy sẽ không còn đau đớn nữa, tựa như
phép cứu rỗi, hay như lời cầu nguyện.”
Đó
là cách anh ứng xử và nhìn ngắm niềm tuyệt vọng.
Chính
vì thế mà đọc Thuyền, tôi không thấy chấn thương – dù khổ đau thì
hiển hiện, thậm chí bị đẩy đến cực cùng, tưởng như chỉ còn chờ chết. Nhưng cũng
như nhân vật “tôi”, sau khi trải qua cơn sốt với ám ảnh tự vẫn, lúc khỏi bệnh
cũng là lúc ý nghĩa sống quay về, anh lại thấy “biển im lặng như một cánh đồng
mùa xuân”.
Một
nhà nghiên cứu gọi đó là sự “nguôi ngoai” (đọc “Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai” –
Nguyễn Thị Tịnh Thy, vanviet.info,
16/6/2025), còn tôi nghĩ, trong cuộc đối thoại lớn với văn chương nhân loại,
nhà văn đã từ chối sự bi thương, tức là từ chối đóng vai nạn nhân (như cách
nghĩ của Nguyễn Thanh Việt). Mà tự vực mình dậy.
Đó
là lí do, ở chừng mức nào đó, tôi không nghĩ tác phẩm này hợp với tên gọi: “văn
học chấn thương” (hay có lẽ, không phải là thứ chấn thương đậm đặc).
Gấp
trang sách lại sau ba đêm chìm đắm trong văn chương Nguyễn Đức Tùng, tôi hiểu
vì sao Thuyền của anh lại có thể rẽ sóng vượt gió để về được
quê hương Việt Nam những ngày này: Anh đã chọn một tư thế, và một vị trí, không
phải từ vực thẳm để cất lên tiếng kêu bi thiết của lịch sử, mà từ trên mặt biển,
ngày biển yên gió lặng, để nhìn thấy các ranh giới được xoá mờ: “tôi nhận ra
rằng đất và nước là một, trời và đất là một, trời và đất và sự hiện hữu của con
người là một. Trong thế giới bao la này, hạnh phúc và khổ đau là một, không
chia cắt.” (Thuyền)
Phải
chăng, đó là khuôn mặt của “hoà giải” – mà dân tộc này đang cần?
N.H.A
19/6/2025
No comments:
Post a Comment