Suy nghĩ của một người
học ‘khối C’…
10/06/2025
https://boxitvn.online/?p=94020#more-94020
1.
Sự
rớt giá thê thảm của “Khối C” (tức tổ hợp C00), một phần phản ánh những thay đổi
mạnh mẽ của xã hội Việt Nam hiện nay, khi ở đó các ngành kinh tế, kỹ thuật,
công nghệ trở thành mũi nhọn và chi phối xã hội một cách áp đảo; trong khi
ngành nhân văn vốn không trực tiếp sản xuất, không tạo ra của cải, tất bị lép vế.
Lý
do khác là, từ lâu, từ thời chúng tôi học phổ thông cách đây vài chục năm, “khối
C” đã bị nhìn bằng ánh mắt coi thường. Người ta gọi đó là “môn học thuộc”, và
cho rằng “không học được khối khác thì mới học khối C”. Và dân khối C là bọn dốt,
không biết tính toán, không biết tư duy, rù rì, chậm chạp, bảo gì nghe nấy… Nói
cách khác, không phải đến hôm nay, mà đó là cả một quá trình, cho đến khi người
ta thấy đã đến lúc nên dõng dạc sổ toẹt nó đi. Điều này không phải không có cơ
sở, chỉ có điều người ta đang vơ đũa cả nắm và nhất là không nhìn thấy vấn đề một
cách toàn diện.
Tóm
lại, việc khối C bị khinh bỉ ra mặt như ngày hôm nay có nguyên nhân cả từ bên
trong lẫn bên ngoài. Trong là bản thân nó đã không tự “vực mình dậy” mà ngày
càng lún sâu vào sự kém cỏi, ngoài thì áp lực cạnh tranh và nhu cầu vật chất,
thăng tiến, phát triển.
Có
một điều tế nhị ở đây cần được trả lời để hiểu về trách nhiệm. Đó là câu hỏi: Một
chương trình giáo dục phổ thông với hơn chục môn học và mang mục tiêu “phát triển
toàn diện”, vậy tại sao đến khi tốt nghiệp phổ thông, học sinh các khối như khối
C, khối A lại không biết tính toán hoặc không biết ngoại ngữ – để đến nỗi phải
vứt các khối ấy đi mà tuyển trực tiếp khối D (vì chỉ khối D mới có tiếng Anh)?
Cả chục năm học tiếng Anh mà khi ra trường không biết tiếng Anh, thế là thế
nào? Cả hệ thống giáo dục đã làm gì với môn học ấy để cuối cùng ra nông nỗi ấy?
Phải chăng, đây chính là một minh chứng hùng hồn phơi bày sự thất bại trong mục
tiêu của giáo dục phổ thông?
2.
Ngày
nay, dù đã rơi vào thảm trạng, “khối C” vẫn cần được nhìn lại một cách nghiêm
túc hơn, đầy đủ hơn, để tránh tiếp tục đi vào vết xe đổ của tính thời vụ, sự xu
thời và lối nghĩ thiển cận.
Phải
nhìn thấy sự “kém cỏi” của các môn Văn – Sử – Địa
ngay trong chính chất lượng dạy và học ở phổ thông. Không oan đâu khi người ta
gọi đó là “môn học thuộc”. Văn mẫu, khuôn sáo, nhồi nhét, học vẹt…, đó là thực
tế không chối cãi được. Căn bệnh này không phải do học sinh, mà bởi chính
chương trình giáo dục với sách vở, phương pháp dạy học và cách thức kiểm tra
đánh giá. Suốt hàng chục năm, nó biến các môn học cơ bản của Khoa học xã hội
thành các sách vở vô hồn, nặng tính tuyên truyền và triệt tiêu tư duy, hủy hoại
cá tính…
Xin
đừng hiểu nhầm, không phải chỉ các môn tự nhiên mới tư duy. Đó là một nhận thức
sai lầm nghiêm trọng. Trí thông minh của con người, như tâm lý học hiện đại đã
chỉ ra, là có nhiều loại. Ngoài trí thông minh logic-toán học, trí thông minh
không gian, trí thông minh vận động…, thì còn có trí thông minh ngôn ngữ, trí
thông minh âm nhạc, trí thông minh xã hội, trí thông minh nội tâm, trí thông
minh giao tiếp.
Và
xã hội chỉ phát triển khi con người được phát triển đúng cái mà trời phú cho mỗi
cá nhân. Một nền giáo dục mà nếu chỉ tập trung vào kỹ thuật và kinh tế, sớm muộn
gì xã hội của nó cũng phải trả giá.
Phương
Tây phát triển như thế, nhưng hãy nhìn xem họ coi trọng các môn khoa học xã hội
như thế nào. Đừng nghĩa rằng một xã hội có thể tiến lên hay kiếm được nhiều tiền
chỉ bằng các ngành kỹ nghệ và tài chính. Hãy hình dung xem, nếu không có triết
học, sử học, nhân học, tâm lý học, khoa học pháp lý, thần học…, thì Phương Tây
sẽ đứng chân trên cái gì?
3.
Bản
thân các môn khoa học xã hội không có tội, nếu không nói rằng chúng chính là bệ
đỡ cho nhân loại. Tội là ở cách chúng ta đang dạy và học. Phổ thông thì thê thảm
khỏi cần nói nữa, nhưng đại học và trên đại học cũng không khá khẩm hơn bao
nhiêu đâu. Chẳng phải thế mà từ lâu người ta đã gọi nó là “trung học phổ thông
cấp 4” ư?
Hãy
xem một đứa trẻ trong các nền giáo dục tiên tiến học các môn như ngữ văn, lịch
sử thế nào. Xem người ta đọc sách, tra cứu, viết luận, thuyết trình, tranh luận
và được tôn trọng quan điểm ra sao. Rồi nhìn lại chúng ta để thấy mình đang nhồi
nhét và đúc khuôn những gì.
Hôm
nay, việc các trường đại học,
trong đó có “thủ phủ của khoa học xã hội” là trường Đại học Khoa học Xã hội
& Nhân văn Hà Nội, thẳng cánh ném “khối C” vào sọt rác, dù hoang mang
và bất bình đến đâu, cũng vẫn là một lời cảnh tỉnh cần thiết và sâu sắc với các
nhà quản lý, các nhà giáo dục, và những người đang chèo lái con thuyền đất nước
– về cái cách mà các môn xã hội đã và đang được dạy trong các nhà trường.
Mỉa
mai thay, ngay trong chính hành động ném khối C vào sọt rác này, dù thuyết phục
đến đâu, vẫn là một pha tự chỉ điểm điển hình cho sự thiếu hụt chất lượng trong
các ngành nhân văn ở chính các trường đại học này. Nếu họ có nghiên cứu đường
hoàng về tâm lý học, về trách nhiệm xã hội, về lập kế hoạch…, tóm lại là các
môn khoa học xã hội, thì chắc chắn họ sẽ không hành xử một cách vô cảm và ráo
hoảnh như vậy trước số phận con người và trách nhiệm xã hội mà họ đang mang
vác.
Cần
một sự thay đổi mang tính hệ thống từ phổ thông đến đại học: đưa các “môn xã hội”
về với giá trị khoa học và tính thực tiễn của nó. Đừng tiếp tục “học để thi” nữa,
mà phải học để hiểu, để tư duy, để nhận thức, để làm việc, để chung sống, để
xây dựng…
Tất
cả những trình bày trên đây không phải để cứng nhắc và máy móc đòi giữ lại “khối
C” trong xét tuyển đại học, mà là để chúng ta nhìn nhận giá trị to lớn không thể
thay thế của các ngành khoa học xã hội đối với con người và xã hội nói chung, từ
đó mà thay đổi đường lối và phương cách giáo dục một cách mạnh mẽ, căn bản, và
toàn diện.
T.H.
Tác giả gửi BVN
No comments:
Post a Comment