Tạ Duy Anh
18/06/2025
https://baotiengdan.com/2025/06/18/khong-the-trich-dan/
Chưa
khi nào tôi cảm thấy khó khăn đến vậy, khi đọc và định nói điều gì đó, về một
cuốn sách. Cuốn sách đó có cái tên khá khô khan: “Những Ngày Tháng Năm”. Và tác
giả của nó là Phan Thúy Hà (Sơn Khê)*, một cây bút tôi đã quen tên từ
lâu, chưa biết mặt, và đây là lần đầu đọc cô ấy.
Đáng
sợ và nể phục.
Chính
tôi cũng không chắc chắn mình đang nói cảm nhận về cuốn sách hay tác giả của
nó. Có lẽ cả hai.
Về
cuốn sách: Lối viết trong “Những Ngày Tháng Năm” không mới, bởi ít nhất
tôi đã thấy ở cây bút giải Nobel Svetlana đã được dịch sang tiếng Việt. Tác giả
đóng vai người nghe, để nhân vật tự kể lại những chuyện xảy ra đối với mình và
người thân, gắn với cuộc chiến thảm khốc. Họ là người dân bình thường, hầu hết
đều khốn khổ ở làng Hạ Lội. Họ là bộ đội phía bên này, lính chiến phía bên kia.
Họ là những phụ nữ mất chồng mất con, mất sạch tương lai, mất nhẵn tuổi xuân. Họ
là thương nhân, sinh viên, thầy thuốc, sĩ quan, tù nhân, thuyền nhân, trí thức,
người dân tộc, người ngoại quốc…
Mỗi
người một cuộc đời không bình thường. Mỗi người bị nhào nặn để có một số phận,
theo những cách khác nhau. Mỗi người một tâm thế khi kể lại. Nhưng họ có chung
một thứ: Đó là nỗi khổ đau, bất hạnh tột cùng, đều do cuộc chiến gây ra.
Mỗi
câu chuyện của họ không đơn giản là thứ có thể ghi chép lại bằng chữ nghĩa. Mỗi
câu chuyện của họ là một mảnh ghép, những mảnh ghép độc bản, bị thất lạc, lưu lạc
trong sự lãng quên hoặc vùi lấp cố ý của thời cuộc. Chỉ có điều nó là những mảnh
ghép nếu không tìm lại, không phục dựng, thì không chỉ lịch sử mãi mãi chưa hết
khoảng trống, lịch sử trở thành thứ bày đặt những điều ăn gian nói dối, mà mỗi
thế hệ nối tiếp sẽ khó thoát cảm giác mình đang lưu lạc ngay trên đất nước
mình, với món nợ truyền đời, một thứ Tội tổ tông trần gian.
Tôi
đã gạch dưới, đánh dấu khoảng 20 chỗ, định sẽ trích dẫn giùm bạn đọc, cũng là để
làm chứng cho điều mình đang nói. Nhưng suy đi ngẫm lại, lật lên lật xuống, tôi
quyết định bỏ ý định ấy. Không thể trích dẫn, giống như không thể xé một mảnh
da, một mảng tóc, lóc một khúc xương và bảo đó là một cuộc đời, nhất là khi cái
cuộc đời đó hoặc đã tan biến vào cát bụi, hoặc vẫn đang quằn quại đau đớn,
không ngớt bị thiêu đốt bởi ký ức.
“Chị
Thân” không thể trích dẫn.
“Nhất
ơi”, làm sao có thể trích dẫn, khi câu chữ nào cũng khiến ta dựng tóc gáy.
Không
thể trích dẫn thiên truyện dài, bi thương, kinh hoàng, tráng lệ một cách u buồn
mang tên “Một gia đình ở Khe Sanh”. Tiện thể nói luôn, đây là phần tôi thích nhất
của cuốn sách, không chỉ vì những sự kiện chiến tranh, văn hóa, di dân lần đầu
tôi biết, mà còn bởi nó cho tôi khá nhiều kiến thức địa lý, lịch sử, sinh học,
nhân chủng học…
***
Tôi
đang có trong tay cuốn tiểu thuyết “Thuyền” của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, được
ca ngợi như một hiện tượng văn học, viết về nạn thuyền nhân kinh hoàng. Tôi sẽ
phải lắng lại một thời gian mới có thể mở cuốn tiểu thuyết đó, sau khi đọc “Những
Ngày Tháng Năm”. Bởi một phần quan trọng cuốn sách của Phan Thúy Hà là ghi lại
lời kể vượt mọi ngưỡng chịu đựng, của các nhân chứng về nạn thuyền nhân.
Và
đều không thể trích dẫn mà không sợ làm tổn thương đến chính mình.
Quả
thực, rất khó đối mặt thêm lần nữa với những gì xảy ra trong “Khóc em”, “Từ
ngân khố của bà ngoại”, “Con tầu hòa bình”… Khi mà bỗng có lúc, tưởng đã thoát
khỏi cuốn sách, ta chỉ muốn khóc thật to lên mới mong không bị bẹp gí xuống. Vì
đau đớn, vì buồn thương, vì ta là đồng bào của những con người sống không bằng
chết!
Về
tác giả: Tôi sẽ còn tìm đọc Phan Thúy Hà. Ở trên tôi có ý so sánh cách viết
của Hà, với tác giả của những tác phẩm gây kinh hoàng như “Chiến tranh không có
một khuôn mặt phụ nữ”, ” Vỡ mộng”. Nhưng nếu chỉ xét riêng về độ lạnh lùng thì
tôi thích (và sợ) Phan Thúy Hà hơn. Svetlana vẫn hơi nhiều lời và thích can dự.
Viết theo lối “điều tra” kiểu báo chí, tác giả càng dửng dưng tách ra xa khỏi
nhân vật, hiệu quả mà nó tạo ra cho bạn đọc càng lớn. Bởi giá trị quý nhất của
những tác phẩm loại này là sự thật. Bạn đọc và tác giả ngầm khế ước là cả hai
đang đối diện với sự thật không che đậy. Một chút nghi ngờ, đôi khi do tác giả
mủi lòng phải lên tiếng, là khế ước tan vỡ và tác phẩm bị ghẻ lạnh. Chỉ những
ngòi bút lão luyện, mới đủ sức nén cảm xúc xuống, để mỗi câu văn đều đạt đến độ
lạnh lùng của con dao mổ.
Trong
toàn bộ tác phẩm “Những Ngày Tháng Năm”, tác giả không lần nào chen ngang, phát
ngôn thay, tranh cãi với nhân vật, hoặc đưa ra những lời thuyết giáo. Một bản
lĩnh đáng nể có được không chỉ do tài năng, mà còn nhờ công phu rèn luyện. Điều
này tưởng ai viết văn cũng có thể làm được nhưng thực tế không nhiều người làm
được.
“Những
Ngày…Tháng…Năm, thường là cách người ta đặt sẵn lên đầu mỗi trang giấy để ghi lại
sự kiện, sự việc, mang tính biên bản. Nhưng khi là tên cuốn sách của Phan Thúy
Hà, nó gợi đến những khoảng trống, những ô bỏ trắng hoặc đen thui của lịch sử,
của ký ức từng cá nhân, xảy ra vì lý do nào đó. Giờ tác giả mời gọi bạn hãy
dũng cảm điền vào những gì bạn biết rõ là không thể xóa, không cách gì quên
lãng, trừ sự lảng tránh.
Hãy
điền vào, hãy một lần đối diện, dù có thể khốc liệt không kém đối diện cái chết,
để lần cuối chúng ta có thể tự tin từ biệt quá khứ, sau khi đã kính cẩn vuốt mắt
cầu nguyện cho nó yên nghỉ, bằng tình yêu thương và tha thứ vô điều kiện. Con
người cần sự thanh thản để cuộc sống không là gánh nặng.
Cuối
cùng xin trích một câu của nhà báo nổi tiếng Nguyễn Thông:
“Không
hiểu sao tôi cứ đinh ninh tin rằng, về sau, nhắc đến văn chương hậu chiến xứ
này, người ta nhớ ngay đến cái tên Phan Thúy Hà chứ không phải ai khác”.
Về
phần mình, tôi muốn nói lời cảm ơn tác giả và Nhà xuất bản Thông tin và Truyền
thông.
__________
(*) Tôi được biết, Nhà xuất
bản Phụ Nữ, nơi vừa cấp phép xuất bản tiểu thuyết “Thuyền” đang đình đám, lại
đã từ chối cấp phép xuất bản cho “Những Ngày Tháng Năm”? Đó chính là nguồn cơn
tác giả phải “đổi vía” mang tên Sơn Khê.
No comments:
Post a Comment