Giữa
ký ức và phản biện: Vai trò của trí thức Việt kiều trong thời hậu lưu vong
Tino Cao | Báo Tiếng Dân
21/06/2025
Trong
bối cảnh hậu thuộc địa, cộng đồng người Việt hải ngoại nổi bật như một trường hợp
đặc biệt. Ở đấy, lịch sử chiến tranh không chỉ để lại trong tâm trí họ những vết
thương chia cắt mà còn tạo nên một ký ức tập thể mang đậm sắc thái chính trị và
thường xuyên bị huy động để xác lập bản sắc cộng đồng. Trải dài trên nhiều
không gian xã hội, từ Mỹ, Canada đến Pháp hay Úc, người Việt di cư vừa mang
theo di sản của một quá khứ đứt gãy, vừa không ngừng xác lập lại căn tính của
mình trong tương tác với bối cảnh mới.
Trong
tiến trình đó, giới trí thức Việt kiều giữ một vai trò then chốt. Họ không chỉ
là người trung gian giữa các thế hệ và giữa các vùng ký ức, họ còn là những tác
nhân tri thức chủ động định dạng lại hình ảnh của một cộng đồng, từ những vấn đề
chính trị, bản sắc dân tộc cho đến câu chuyện đạo đức công dân trong một bối cảnh
ngày càng phân cực. Xin mở ngoặc, tôi tạm dùng cụm từ “trí thức Việt kiều”
trong bài này để chỉ những trí thức trẻ gốc Việt sinh sống tại các nước phương
Tây, thuộc thế hệ làn sóng di cư sau 1975, bao gồm cả con cháu người tị nạn và
các du học sinh trở thành học giả, hiện đang hoạt động trong các lĩnh vực học
thuật, văn nghệ và tư tưởng.
Bài
viết dưới đây của tôi muốn đưa ra một cái nhìn tổng thể dựa trên luận văn của bạn
Gia-Quân Thi Anna Vu: “From victimhood to agency: Vietnamese American
intellectuals and the reimagining of diasporic public spheres” – Từ vị thế nạn
nhân đến tư cách chủ thể: Trí thức người Mỹ gốc Việt và tiến trình tái hình
dung không gian công cộng trong lưu vong. Đây là luận án tiến sĩ (Ph.D.) do
Anna Vu bảo vệ thành công tại McMaster University, Canada, cung cấp một lăng
kính lý thuyết thông suốt để nhìn vào quá trình chuyển hóa từ ký ức nạn nhân đến
hành động trí thức trong không gian lưu vong của cộng đồng người Việt ở Mỹ và một
số nước phương Tây. Xuất phát từ các phân tích về diễn ngôn lưu vong và thực
hành phản biện, bài viết tập trung triển khai luận điểm trên ba trục vấn đề:
(1) vai trò lịch sử của trí thức Việt kiều kể từ sau biến cố 1975, (2) sự hình
thành của các không gian phản biện hậu lưu vong, và (3) những thách thức nội tại
mà giới trí thức này phải đối mặt trước chủ nghĩa dân tộc cực đoan và các cơ chế
kiểm duyệt ngay trong chính cộng đồng của họ.
𝟏. 𝐓𝐫í 𝐭𝐡ứ𝐜 𝐥ư𝐮
𝐯𝐨𝐧𝐠: Từ 𝐜𝐡ủ 𝐧𝐠𝐡ĩ𝐚
𝐧ạ𝐧 𝐧𝐡â𝐧 đế𝐧
𝐡à𝐧𝐡 độ𝐧𝐠 𝐭𝐫𝐢 𝐭𝐡ứ𝐜
Sau
biến cố ngày 30 tháng Tư năm 1975, hàng trăm nghìn người Việt rời bỏ quê hương,
vượt biển hoặc theo các đợt di tản chính thức để bắt đầu cuộc sống lưu vong tại
các quốc gia phương Tây như Hoa Kỳ, Pháp, Úc, Đức, Anh, Canada, Na Uy, Thụy Sĩ,
Thuỵ Điển, Đan Mạch… Họ mang theo ký ức về một cuộc chiến tranh đã mất, một chế
độ đã bị sụp đổ và một nền văn hóa có nguy cơ bị xóa nhòa. Trong bối cảnh ấy,
giới trí thức Việt kiều, đặc biệt là những người từng là giáo sư, nhà văn, nhà
báo, sinh viên hay viên chức văn hóa thời Việt Nam Cộng hòa, tự ý thức về vai
trò của mình như những người gìn giữ ký ức, những “người kể chuyện” của một dân
tộc đứt gãy. Họ viết hồi ký, dựng phim tài liệu, dịch các tác phẩm văn học Việt
Nam trước 1975, biên soạn từ điển, tổ chức các buổi tưởng niệm… không chỉ để chống
lại sự lãng quên mà còn để khẳng định một căn tính quốc gia tiếp tục tồn tại,
dù không còn lãnh thổ cụ thể.
Tuy
nhiên, việc sản xuất tri thức trong giai đoạn đầu của cộng đồng người Việt hải
ngoại không thuần túy là hành vi văn hóa hay học thuật. Nó là một hành vi chính
trị, trong đó ký ức về sự mất mát được nâng lên thành chân lý đạo đức. Anna Vu,
trong luận văn của mình, gọi đây là giai đoạn của chủ nghĩa nạn nhân
(victimhood), một diễn ngôn nơi cộng đồng lưu vong tự định nghĩa mình như nạn
nhân tuyệt đối của lịch sử, và từ đó, kiến tạo nên một không gian tri thức bảo
thủ, khép kín, không dung chứa phản biện. Theo Vu, đây là một hình thức kiến tạo
tính chính danh chính trị dựa trên sự tổn thương, nơi mà “chủ nghĩa dân tộc
kháng cự của người Việt lưu vong dựa vào một thế cân bằng mong manh giữa vị thế
nạn nhân và tính chính danh chính trị, và thường vô tình tái tạo chính kiểu bạo
lực loại trừ mà nó từng lên án” (Vietnamese resistance nationalism in exile
relied on a delicate balance between victimization and political legitimacy,
often reproducing the same violence of exclusion it sought to condemn).
Điều
này lý giải vì sao không gian công cộng của cộng đồng Việt kiều – từ báo chí, hội
đoàn, đến các diễn đàn sinh hoạt chính trị – thường không chấp nhận các quan điểm
trái chiều với diễn ngôn chính thống chống cộng sản triệt để. Mọi tiếng nói kêu
gọi đối thoại, hòa giải, hay đơn thuần phân tích lịch sử với thái độ phê phán đều
bị nghi ngờ, thậm chí bị tấn công, như một hình thức “phản bội cộng đồng”. Những
người như Nguyễn Ngọc Giao, Trịnh Hội, Nguyễn Thanh Việt… – những trí thức chọn
đi con đường đối thoại hoặc phê phán cả hai phía của cuộc chiến – đã không ít lần
bị quy chụp là “Việt cộng nằm vùng”, dù hoạt động của họ không phục vụ cho bất
kỳ chế độ chính trị nào. Trong trường hợp này, “phản bội” không hẳn là phản lại
lý tưởng tự do mà là phản lại một hình dung tập thể về quá khứ được định hình
như một thứ chân lý bất biến.
Tuy
nhiên, cùng với sự thay đổi của cấu trúc dân số và văn hóa trong cộng đồng, một
thế hệ trí thức mới bắt đầu xuất hiện. Họ là những người Việt lớn lên trong các
nền giáo dục phương Tây, không còn bị ràng buộc bởi trải nghiệm trực tiếp của
chiến tranh, nhưng vẫn mang trong mình mối quan tâm sâu sắc đến căn tính, lịch
sử và chính trị Việt Nam. Thay vì khẳng định mình như nạn nhân của một cuộc chiến,
họ tiếp cận lịch sử như một cấu trúc có thể phân tích, giải cấu trúc và diễn giải
lại. Thay vì tái khẳng định những biểu tượng cũ của cộng đồng, họ đặt câu hỏi về
chính những biểu tượng đó: Vì sao ký ức tập thể lại chỉ được kể bằng một giọng
điệu? Ai có quyền kể chuyện? Và những ai đang bị loại trừ khỏi không gian hồi
tưởng này?
Điểm
khác biệt căn bản của thế hệ trí thức hậu lưu vong nằm ở chỗ: Họ không chỉ kể
chuyện mà còn phân tích. Họ không dừng lại ở hồi tưởng, mà tiến tới xây dựng
các khung khái niệm, các tiếp cận học thuật nhằm thiết kế lại các diễn ngôn lịch
sử và chính trị trong cộng đồng người Việt. Anna Vu gọi đó là bước chuyển từ
“victimhood” sang “agency”, từ “bị nói đến” sang khả năng “tự nói về mình”, từ
“bị đại diện” sang việc “tự định hình vai trò trí thức”. Cô viết, “họ thúc đẩy
những chương trình nghị sự chống thực dân của riêng mình nhằm chất vấn các quan
niệm thống trị lâu nay về chủng tộc, chiến tranh và đế quốc ở cả Hoa Kỳ lẫn Việt
Nam” (they advance their own anticolonial agendas to contest dominant notions
of race, war, and empire in both the United States and Vietnam). Ở đây, tri thức
không còn mang tính khẳng định đạo đức giản đơn mà trở thành công cụ để phân
tích các quan hệ quyền lực, không chỉ tại quê hương mà ngay trong lòng cộng đồng
lưu vong.
Bước
chuyển này mở ra một hình thức trí thức mới: Không gắn bó trọn vẹn với không
gian chính trị của quê hương cũ, cũng không hoàn toàn hội nhập với diễn ngôn của
xã hội tiếp nhận. Đó là trí thức lưu vong trong nghĩa thực sự: Sống ở giữa, nói
với cả hai phía và luôn phải trả giá cho sự không thuộc về đó. Nhưng cũng chính
nhờ ở vị trí lưỡng tính ấy, họ có thể trở thành cầu nối, không phải để hòa giải
như một mục tiêu chính trị mà để tạo ra không gian tri thức cho nhiều khả thể
cùng tồn tại song song – những hình dung cộng đồng không nhất thiết đồng thuận
nhưng cùng được quyền cất tiếng.
Đó
không chỉ là sự trưởng thành của một thế hệ mà là sự mở rộng của một không gian
công cộng mới: Nơi ký ức không còn là thứ công cụ để tước quyền lên tiếng của
người khác mà trở thành chất liệu để xây dựng đối thoại; nơi di sản đau thương
không còn là lý do để bảo thủ mà là cơ sở để kiến tạo tương lai. Vai trò của
trí thức, trong quá trình này, không phải là nói thay cho cộng đồng mà là giúp
cộng đồng học lại cách tự nói, nói với chính mình, nói với người khác và nói với
lịch sử.
𝟐. 𝐇ì𝐧𝐡 𝐭𝐡à𝐧𝐡 𝐤𝐡ô𝐧𝐠 𝐠𝐢𝐚𝐧 𝐩𝐡ả𝐧 𝐛𝐢ệ𝐧 𝐡ậ𝐮
𝐥ư𝐮 𝐯𝐨𝐧𝐠: Từ 𝐠𝐢𝐚𝐨 𝐭𝐡𝐨𝐚 𝐯ă𝐧
𝐡ó𝐚 đế𝐧
𝐤ế𝐭 𝐧ố𝐢
𝐱𝐮𝐲ê𝐧
𝐪𝐮ố𝐜
𝐠𝐢𝐚
Trong
sự phát triển phức tạp của cộng đồng người Việt hải ngoại, khái niệm không gian
công cộng hậu lưu vong (post-exilic public spheres) được Anna Vu xác định như một
vùng địa hạt mới, nơi các cuộc đối thoại không chỉ diễn ra giữa những người Việt
ở nước ngoài, mà còn liên kết với cộng đồng người dân trong nước và lan tỏa
xuyên quốc gia. Đây không còn là không gian cộng đồng truyền thống mà người ta
quen biết như báo giấy, các chợ, nhà thờ, chùa chiền hay các cuộc họp mặt sinh
hoạt mang tính chất tôn giáo và cộng đồng địa phương. Thay vào đó, không gian
công cộng mới được tạo ra bởi sự giao thoa văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa
và kỹ thuật số hiện đại: Internet, các diễn đàn học thuật trực tuyến, nhóm văn
hóa độc lập, podcast, và đặc biệt là mạng xã hội.
Không
gian này mang đặc tính đa chiều, vừa tạo điều kiện để các thế hệ trí thức Việt
kiều trẻ hơn thoát khỏi những khung khép kín của quá khứ, vừa thúc đẩy sự hình
thành các phương thức đối thoại mới, mở rộng phạm vi và chiều sâu của các cuộc
thảo luận về lịch sử, chính trị, văn hóa và bản sắc. Trên các diễn đàn như
Talawas, Tiền Vệ, Việt Ecology, Đàn Chim Việt, và những năm gần đây như Luật
Khoa tạp chí hay The Vietnamese, các trí thức Việt kiều xuất hiện không còn với
vai trò đơn thuần là “người giữ lửa” cho ký ức lưu vong; họ chính là những kiến
tạo viên của các cuộc đối thoại đa chiều. Các tác giả như Nguyễn Hưng Quốc, Trịnh
Lê Anh, Phạm Thị Hoài… hay nhóm làm phim như Trần Văn Thủy, Trịnh Hội, đã chuyển
hướng từ kể “chuyện cũ” sang đặt ra những câu hỏi cốt lõi về quyền lực, sự thật,
công lý và đạo đức trong cộng đồng người Việt.
Điểm
đáng chú ý là không gian công cộng này không chỉ bó hẹp trong cộng đồng người
Việt ở phương Tây. Với sự phát triển của công nghệ số và mạng internet, các diễn
đàn và bài viết của trí thức Việt kiều đã vượt qua giới hạn địa lý để tiếp cận
và tác động đến cộng đồng trong nước. Người Việt trẻ trong nước, đặc biệt những
người có tinh thần khai phóng và muốn tìm hiểu sâu sắc các vấn đề xã hội, chính
trị và lịch sử, đã bắt đầu tìm đến các nguồn tri thức và đối thoại từ ngoài nước.
Điều này tạo ra một hiện tượng mới: Trí thức Việt kiều trở thành nguồn cảm hứng
và đồng thời là đối tác trong các cuộc thảo luận xã hội ở trong nước, dù đây vẫn
là một không gian nằm ngoài tầm kiểm soát chặt chẽ của nhà nước Việt Nam.
Anna
Vu ghi nhận hiện tượng này như một bước tiến quan trọng trong sự mở rộng không
gian công cộng Việt Nam – Việt kiều. Cô viết: “Không gian công cộng hậu lưu
vong tạo nên một diễn đàn xuyên quốc gia, nơi người Mỹ gốc Việt và công dân Việt
Nam cùng tham gia thảo luận về lịch sử, căn tính và tương lai chính trị, qua đó
thách thức các diễn ngôn do nhà nước kiểm soát và sự quản lý độc đoán”
(post-exilic public spheres create a transnational forum where Vietnamese
Americans and Vietnamese citizens engage in shared debates about history,
identity, and political futures, thereby challenging state-sanctioned
narratives and authoritarian control).
Tuy
nhiên, sự mở rộng và đa dạng này không tránh khỏi những xung đột và căng thẳng
nội bộ. Các trí thức Việt kiều có xu hướng ủng hộ tự do biểu đạt, phản biện chủ
nghĩa dân tộc cực đoan và các quan điểm độc đoán thường phải đối mặt với sự
hoài nghi, phản đối từ chính cộng đồng lưu vong của họ. Họ thường bị buộc tội
“mềm yếu với cộng sản”, “bán đứng nỗi đau dân tộc”, hoặc chỉ là những kẻ “đánh
bóng tên tuổi trên nỗi đau tập thể”. Điều này làm dấy lên câu hỏi về bản chất của
không gian công cộng trong cộng đồng lưu vong: liệu đây có thực sự là môi trường
nuôi dưỡng tự do tư tưởng và đa dạng quan điểm, hay chỉ là một hình thức kiểm
duyệt mềm mại dưới chiêu bài bảo vệ ký ức và bản sắc?
Xung
đột này phản ánh một nghịch lý sâu sắc: Trong khi cộng đồng lưu vong được hình
thành từ sự chia cắt lịch sử và đau thương tập thể thì chính các nỗ lực bảo vệ
sự trong sạch của ký ức ấy đôi khi lại tái tạo nên những cơ chế kiểm duyệt mới,
vô tình cản trở sự phát triển của một không gian tri thức đa chiều. Theo Anna
Vu, “sự bền bỉ của các diễn ngôn nạn nhân hóa dân tộc trong các không gian công
cộng lưu vong có nguy cơ duy trì các thực hành loại trừ, từ đó làm suy yếu những
giá trị dân chủ mà các cộng đồng này tự nhận là bảo vệ” (the persistence of
nationalist victimhood narratives within diasporic public spheres risks
perpetuating exclusionary practices that undermine the very democratic ideals
these communities claim to uphold).
Như
vậy, không gian công cộng hậu lưu vong vừa là nơi khai phóng tư duy, vừa là chiến
trường của các cuộc tranh luận về quyền lực và sự kiểm soát tri thức trong cộng
đồng. Các trí thức Việt kiều không chỉ phải đối mặt với áp lực từ bên ngoài mà
còn phải vượt qua những rào cản nội bộ nhằm bảo vệ và phát triển các hình thức
đối thoại mới.
Bên
cạnh đó, sự tương tác xuyên biên giới giữa Việt kiều và người trong nước mở ra
khả năng tạo dựng những hình dung cộng đồng đa dạng, không đồng nhất, không đơn
thuần bị ràng buộc bởi những diễn ngôn đơn chiều hay các giới hạn không gian
lãnh thổ. Không gian này góp phần thúc đẩy sự phát triển của một “cộng đồng trí
thức phi lãnh thổ” (non-territorial intellectual community), nơi tri thức được
sản sinh, trao đổi và thách thức các mô hình quyền lực truyền thống. Đây là điểm
sáng hiếm hoi trong lịch sử lưu vong của người Việt, đánh dấu sự trưởng thành của
một không gian công cộng có khả năng kiến tạo lại bản sắc và tư duy chính trị của
những cộng đồng lưu vong xuyên quốc gia.
Tuy
vậy, quá trình này vẫn còn đầy thử thách. Cộng đồng lưu vong, dù đa dạng về địa
lý, văn hóa và thế hệ, vẫn phải đối mặt với những xung đột dai dẳng về quyền kiểm
soát ký ức và quyền ăn nói. Những khoảng cách về tư duy, ngôn ngữ và trải nghiệm
sống giữa các thế hệ, giữa các vùng miền khác nhau cũng như giữa người Việt
trong và ngoài nước, tiếp tục tạo nên những bất đồng sâu sắc trong cách nhìn nhận
quá khứ và xây dựng tương lai. Trong bối cảnh đó, vai trò của trí thức Việt kiều
càng trở nên phức tạp và quan trọng: Họ không chỉ là những người làm công việc
phân tích và giám sát xã hội mà còn là những người thiết lập những cầu nối đối
thoại, những không gian trung gian để vượt qua những chia rẽ lâu dài.
Nghĩa
là, không gian công cộng hậu lưu vong dù đầy gian nan và xung đột vẫn là một
nơi hy vọng cho sự hình thành của những hình thức cộng đồng mới, mở rộng và đa
dạng hơn. Chính trong không gian này, tri thức được trao đổi, tranh luận và tái
tạo một cách năng động, mở đường cho những cách thức khác về chính trị, bản sắc
và sự liên kết xã hội của người Việt ở cả trong và ngoài nước.
𝟑. 𝐂𝐡ủ 𝐧𝐠𝐡ĩ𝐚 𝐝â𝐧
𝐭ộ𝐜 𝐜ự𝐜
đ𝐨𝐚𝐧 𝐯à
𝐤𝐢ể𝐦
𝐝𝐮𝐲ệ𝐭
𝐧ộ𝐢 𝐛ộ
𝐜ộ𝐧𝐠 đồ𝐧𝐠
Một
trong những phát hiện sâu sắc và có tính đóng góp quan trọng trong luận văn của
Anna Vu là việc chỉ ra rằng, không chỉ nhà nước Việt Nam với các cơ chế kiểm
soát chính trị truyền thống mà ngay trong cộng đồng người Việt lưu vong cũng tồn
tại những cấu trúc kiểm duyệt nội bộ, dưới hình thức mềm dẻo hơn nhưng không
kém phần hiệu quả. Những cơ chế này không xuất phát từ các quyền lực nhà nước
mà được thực thi bởi chính cộng đồng và các nhóm quyền lực nội bộ, tạo nên một
vòng luẩn quẩn về quyền lực, ngăn cản sự phát triển của tự do tư tưởng và đối
thoại chân thực.
Trên
các diễn đàn cộng đồng, dù là mạng xã hội, báo chí hải ngoại hay các tổ chức
văn hóa chính trị, bất kỳ ai dám đặt câu hỏi về sự phức tạp của lịch sử chiến
tranh Việt Nam hay lên tiếng kêu gọi một quá trình hòa giải chân thành với thế
hệ người Việt trong nước, đều dễ dàng bị gán cho danh xưng “phản bội lý tưởng tị
nạn” hay là “kẻ ủng hộ cộng sản trá hình”. Hình thức gọi là “tị nạn chính trị”
trong cộng đồng lưu vong đã trở thành một dạng “hộ chiếu đạo đức” dùng để cấp
quyền phát biểu và miễn trừ mọi hình thức phản biện đối với những tiếng nói được
coi là “đứng về phía chính nghĩa”. Điều này tạo nên một thứ tín điều mà Anna Vu
gọi là chủ nghĩa đạo đức chính trị (political moralism) – một hệ tư tưởng niêm
phong quyền biểu đạt, định hướng trí thức phải hoạt động trong các giới hạn mà
cộng đồng tự đặt ra nhằm bảo vệ một chân lý tập thể đã được thiêng hóa.
Hậu
quả của việc kiểm duyệt mềm này không chỉ là sự hạn chế đa dạng tư tưởng mà còn
là sự đàn áp trực tiếp đến những người trẻ, những trí thức mới có mong muốn xây
dựng một diễn đàn đối thoại đa chiều và cởi mở. Nhiều trường hợp được ghi nhận
cho thấy, những người này bị tấn công cá nhân, bị tẩy chay, thậm chí chịu áp lực
đe dọa nghề nghiệp. Có trường hợp giáo sư người Việt tại các đại học phương Tây
bị một nhóm người Việt lưu vong cực đoan yêu cầu sa thải, chỉ vì đề cập đến những
khía cạnh đau thương chung của chiến tranh mà không thiên vị phe nào. Điều này
cho thấy tính chất phức tạp của việc duy trì một diễn ngôn “chính nghĩa” trong
cộng đồng, nơi mà sự khác biệt quan điểm không chỉ bị bác bỏ mà còn bị trừng phạt
một cách công khai.
Sự
kiểm duyệt này, dù không mang dấu ấn của quyền lực nhà nước, nhưng lại nguy hiểm
không kém vì nó được thực thi từ bên trong cộng đồng mà trí thức muốn phục vụ
và cống hiến. Nó tạo ra một vòng luẩn quẩn, trong đó cộng đồng rất cần đối thoại
để phát triển và thích ứng với những thay đổi của xã hội toàn cầu, nhưng lại sợ
đối thoại vì lo ngại mất đi “chính nghĩa” đã được coi là nền tảng đạo đức và
chính trị. Đây là một nghịch lý nội tại vô cùng căng thẳng, vừa là biểu hiện của
một cộng đồng bị thương tổn, vừa là biểu hiện của sự bất lực trong việc tái tạo
không gian tri thức mở.
Rõ
ràng, các cấu trúc kiểm duyệt nội cộng đồng không chỉ giới hạn tự do tư tưởng
mà còn là trở ngại lớn cho sự phát triển của các hình thức chính trị dân chủ
trong cộng đồng người Việt lưu vong. Sự tồn tại của chủ nghĩa dân tộc cực đoan,
khi được củng cố bằng các cơ chế kiểm duyệt, không chỉ làm nghèo đi đời sống
tinh thần và trí tuệ, mà còn khiến cộng đồng ấy rơi vào trạng thái cô lập, mất
khả năng tự đổi mới.
Tuy
vậy, giữa những rào cản chồng chất từ cả bên trong lẫn bên ngoài cộng đồng, một
thế hệ trí thức Việt kiều trẻ vẫn âm thầm mở lối. Không đặt mình vào vị trí đối
đầu hay khước từ quá khứ, họ chọn phương án khó hơn: Kiên trì tạo dựng các kênh
đối thoại mới, vượt khỏi những cấu trúc diễn ngôn cố định. Họ sử dụng công cụ học
thuật, truyền thông kỹ thuật số và hợp tác xuyên biên giới như những phương tiện
để mở rộng phạm vi đối thoại, không chỉ giữa các thế hệ Việt kiều mà còn giữa
Việt kiều và người trong nước. Trong hành động này, trí thức trở thành những nhịp
cầu tạm thời nhưng thiết yếu giúp tái cấu trúc các hình dung cộng đồng bằng một
thứ ngôn ngữ không dựa trên bản sắc cố kết mà trên khả năng chấp nhận khác biệt
và cùng tồn tại. Đó là một hình thức thực hành chính trị kín đáo nhưng bền bỉ,
vừa chống lại sự khép kín của cộng đồng lưu vong vừa khai mở một tầm nhìn mới về
quyền công dân trí thức trong thời đại toàn cầu.
Để
kết thúc bài viết này, một câu hỏi được đặt ra: Vậy thì, tương lai của trí thức
Việt kiều nằm ở đâu?
Trí
thức không phải chỉ là người sản xuất kiến thức; họ còn là người kiến tạo không
gian nơi các chân lý có thể đối thoại thay vì đối đầu. Trong bối cảnh cộng đồng
người Việt lưu vong bị kéo căng giữa ký ức chiến tranh và hiện thực toàn cầu
hóa, giữa giấc mơ tị nạn và thực tế hội nhập, giữa hoài niệm và hy vọng, thì
vai trò của trí thức càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Từ
góc nhìn của Anna Vu, trí thức Việt kiều đang bước vào một giai đoạn mới. Họ
không còn bị ràng buộc bởi những diễn ngôn nạn nhân hóa đã cũ, cũng không hoàn
toàn bị cuốn vào những phong trào hòa giải nông cạn thiếu chiều sâu. Họ, đặc biệt
là thế hệ trẻ, đang nỗ lực giữ một vùng không gian độc lập, một không gian mà sự
thật được khám phá chứ không phải được rao giảng, nơi ký ức cần được chất vấn để
làm sáng tỏ thay vì được thiêng hóa trong âm bản mù mịt. Đây là nơi trí thức có
thể góp phần thiết lập các hình thức đối thoại mới, mở ra các khả thể về sự
chung sống đa chiều của các nhận thức lịch sử và chính trị.
Tuy
nhiên, điều còn thiếu có lẽ chính là sự dũng cảm tập thể, không chỉ của các trí
thức mà của toàn bộ cộng đồng người Việt lưu vong. Sự dũng cảm ấy thể hiện qua
khả năng chấp nhận rằng đối thoại không phải là phản bội, rằng phản biện không
làm yếu đi cộng đồng và rằng lòng yêu nước không phải là những khẩu hiệu đơn sắc
đơn thanh mà là khả năng lắng nghe những điều khó nghe, chấp nhận sự đa dạng của
tiếng nói và sự phức tạp của lịch sử. Khi ấy, trí thức Việt kiều mới thực sự trở
thành những kiến tạo viên của một cộng đồng lưu vong tự do, phóng khoáng và đầy
trách nhiệm với cả quá khứ lẫn tương lai.
Chính
trong những nỗ lực vượt lên trên các giới hạn kiểm duyệt nội bộ, trên các xung
đột và nghi kỵ mà trí thức Việt kiều có thể góp phần mở rộng không gian công cộng
hậu lưu vong. Ở đấy, các chân lý đối thoại được khai sinh và từ đó giúp cộng đồng
chuyển mình vươn khỏi bóng tối của quá khứ, tiến đến một tương lai đa chiều, tự
do và bền vững hơn.
No comments:
Post a Comment