Pháp:
Hàng trăm ngàn người biểu tình phản đối dự án cải tổ hưu trí
Thanh Hà - RFI
Đăng ngày: 19/01/2023 - 11:53
Hôm nay, 19/01/2023, là ngày « Thứ Năm Đen Tối »,
với các cuộc đình công và biểu tình phản đối kế hoạch kéo dài tuổi lao động của dân
Pháp. Các công đoàn Pháp thông báo sẽ có từ 220 đến 250 cuộc tuần hành trên
toàn quốc và dự báo 1 triệu người xuống đường để. Cải tổ của chính phủ dự
trù là kể từ năm 2030, tuổi được nghỉ hưu sẽ là 64, thay vì 62 như hiện nay.
Biểu phản đối dự án cải
cách hưu trí của chính phủ Pháp ở Saint-Nazaire, ngày 19/01/2023. REUTERS
- STEPHANE MAHE
Tập đoàn đường sắt quốc gia Pháp SNCF thông báo hôm nay chỉ có thể bảo
đảm 1/3, thậm chí là 1/5 chuyến tàu. Dân Paris và vùng phụ cận sáng nay gặp nhiều
khó khăn trong việc đi lại : 1 tuyến métro đóng hoàn toàn, 13 tuyến
khác hoạt động cầm chừng vào giờ cao điểm. Trong lĩnh vực hàng không, 80 % số
chuyến bay quốc nội bị hủy tại phi trường Orly, ngoại ô phía nam Paris.
Có khoảng 70 % giáo viên cấp tiểu học bãi công. Nhiều chương trình trên
các đài phát thanh công của Pháp bị gián đoạn do một bộ phận nhân viên
đình công. Giới tài xế xe tải, nhân viên tại các ngân hàng cũng hưởng ứng
kêu gọi đình công. Công đoàn CGT sáng nay cho biết tỷ lệ đình công lên tới từ
70 đến 100 % tại các nhà máy lọc dầu của hãng TotalEnergies. Họ không loại
trừ khả năng phong tỏa trở lại các nhà máy lọc dầu, gây xáo trộn cho các hệ thống
cung cấp xăng dầu trên toàn quốc như hồi mùa thu năm ngoái.
Lãnh đạo đảng Cộng Sản Pháp, Fabien Roussel, báo trước sẽ có 1 triệu
người xuống đường thách thức dự luật cải tổ hưu trí của chính quyền
Macron. Nhà chức trách thì dự báo sẽ có từ 550.000 đến 750.000 người biểu
tình. Riêng tại thủ đô Paris sẽ có từ 50.000 đến 80.000 người tuần hành. Đoàn
biểu tình xuất phát vào 2 giờ chiều nay từ quảng trường République và sẽ tuần
hành tới quảng trường Nation. Bộ Nội Vụ hôm nay huy động 10.000 cảnh sát và hiến
binh để bảo vệ an ninh cho hàng trăm cuộc tuần hành.
Theo giới quan sát, cuộc đình công, biểu tình hôm nay là một « bài
toán trắc nghiệm » đối với tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng
Elisabeth Borne. Từ tối qua, ông Macron đã quy trách nhiệm cho một số công đoàn
muốn làm « tê liệt » đất nước. Các đảng cánh tả, cực tả và cực hữu mạnh
mẽ chống đối dự luật cải tổ chế độ hưu bổng. Riêng đảng cánh hữu LR để ngỏ khả
năng « đàm phán », và có thể sẽ bỏ phiếu thuận cho dự luật cải cách.
Phát ngôn viên của chính phủ Olivier Véran thì nhấn mạnh : « Đình
công là quyền của người lao động, nhưng không ai được quyền làm tê liệt đất nước
».
Pháp, cùng với Thụy Điển hay Na Uy, là quốc gia mà người lao động được
về hưu sớm hơn so với nhiều nước châu Âu khác. Tại Đức, Bỉ hay Tây Ban Nha, phải
đợi đến 65 tuổi mới được nghỉ hưu. Riêng Đan Mạch quy định tuổi về hưu là 67.
-------------------------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Pháp:
Ngày đầu đình công biểu tình chống cải tổ hưu bổng dự báo rất lớn
Cải
cách hưu trí Pháp: Giới nghiệp đoàn kêu gọi dân chúng tuần hành phản đối dự án
của chính phủ
Pháp:
Các công đoàn kêu gọi đình công, biểu tình chống cải tổ hưu bổng
.
==================================================
.
Chống
cải cách hưu bổng: Đọ sức giữa công đoàn và chính phủ
Thanh Hà - RFI
Đăng ngày: 19/01/2023 - 14:37
Lần đầu tiên từ năm 2006, 8 công đoàn tại Pháp đồng
thanh kêu gọi bãi công chống kế hoạch kéo dài tuổi lao động. Phải 10 năm mới lại
trông thấy hình ảnh 8 công đoàn bảo vệ quyền lợi của người lao động Pháp cùng
tuần hành, đòi chính phủ rút lại dự án cải tổ hưu bổng. Mọi chú ý hướng về tỷ lệ
người đình công và số người xuống đường trong ngày ''Thứ Năm Đen Tối'',
19/01/2023. Đây là tâm điểm của cuộc đọ sức giữa công đoàn với chính phủ.
Biểu tình phản đối kế
hoạch cải cách hưu trí của chính phủ ở Marseille, Pháp, ngày
19/01/2023. AFP - NICOLAS TUCAT
Vào giờ mà người biểu tình đang tập hợp về các điểm hẹn, chính phủ Pháp
và các công đoàn lao vào một cuộc đọ sức về nhiều mặt. Trước hết là cuộc chạy
đua tác động đến công luận. Một bên thì coi chương trình cải tổ này là một
biện pháp « công bằng » đối với những người về hưu có thu nhập thấp.
Nhìn từ phía các thành phần chống đối, gồm các công đoàn và các đảng cánh tả
cũng như cực tả, kéo dài tuổi lao động, quy định 64 tuổi là mức tối thiểu để về
hưu, là một biện pháp « bất công ».
Lập trường của các công đoàn Pháp được các đảng bên cánh tả và cực tả ủng
hộ mạnh mẽ. Lãnh đạo đảng Nước Pháp Bất Khuất LFI, cánh cực tả, Jean Luc
Mélenchon sáng nay tuyên bố « chính phủ đã thua trận đánh đầu tiên »,
do không thuyết phục được công luận rằng cải cách là điều « cần thiết ».
Trong lúc lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp trên Twitter kêu gọi « 1 triệu người
xuống đường, quyết tâm và đoàn kết trên đường phố cũng như trong các công sở ».
Mặt trận thứ nhì giữa công đoàn với chính phủ Elisabeth Borne liên
quan đến số người đình công hôm nay và hình ảnh những « làn sóng người »
xuống đường. Năm 2010, dưới thời tổng thống Nicolas Sarkozy, luật cải cách hưu
bổng kéo dài tuổi lao động từ 60 lên 62 cũng đã huy động đông đảo công chúng.
Trong cuộc tuần hành ngày 24/06/2010, cảnh sát đưa ra con số 800.000 người biểu
tình trên toàn quốc, trong lúc công đoàn CGT nói đến 2,7 triệu người biểu tuần
hành : một con số cao hơn gấp ba lần so với thống kê của bộ Nội Vụ !
Theo thăm dò do viện Elabe thực hiện cho đài truyền hình Pháp BFMTV, được
công bố hôm 18/01/2023, có tới 66% số người được hỏi « phản đối » dự
luật cải tổ chế độ hưu bổng của chính phủ. Cũng đài truyền hình tư nhân này khẳng
định « phong trào đình công lần này được dân chúng ủng hộ mạnh mẽ ».
Trái lại, thăm dò của viện OpinionWay thực hiện cho nhật báo kinh tế Les
Echos hôm 16/01/2023 cho thấy 61 % cho rằng Pháp « cần »
cải tổ chế độ hưu bổng và ngay cả trong hàng ngũ của cánh tả và cực tả, cũng
có tới 48 và 42 % người bên đảng Xã Hội và LFI nhận thấy đây là « điều cần
làm » để cứu vãn quỹ hưu bổng của Pháp. Có điều, vẫn theo cuộc thăm dò của
OipnioWay, đây không phải là thời điểm thuận lợi để ban hành biện pháp cải tổ
và phần lớn không tán đồng quyết định đòi người lao động phải đóng góp nhiều
hơn để được hưởng trọn lương hưu.
Vào lúc báo chí Pháp nói nhiều đến một cuộc « đối đầu » giữa
chính phủ và bên công đoàn, lo ngại của đôi bên có thể nằm ở một chỗ khác.
Chính quyền của thủ tướng Borne và tổng thống Macron cũng như các công đoàn biết
trước cuộc bãi công hôm nay sẽ được hưởng ứng đông đảo. Vấn đề còn lại là sau
cuộc biểu dương lực lượng rầm rộ hôm nay, chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo
đó ?
Tối nay, các công đoàn Pháp sẽ họp lại để thảo luận về những bước đấu
tranh kế tiếp, nhưng liệu phong trào có kéo dài được hay không, và sẽ kéo dài
bao lâu. Đó mới là những ẩn số của cả công đoàn lẫn chính phủ. Người lao động
Pháp bãi công hôm nay trong mọi lĩnh vực là do bất mãn vì sẽ phải đóng góp nhiều
hơn, vì sợ mất quyền lợi khi phải làm việc lâu hơn, hay sau cuộc biểu dương lực
lượng ngày 19/01/2023, mọi người sẽ lại tập trung vào những khó khăn trước mắt
như lạm phát đang tăng cao, đời sống đắt đỏ ?
Trong bối cảnh đời sống đã khó khăn này, liệu những lời kêu gọi
« một cuộc đối đầu mạnh mẽ » từ phía một số các công đoàn cực đoan nhất
có sẽ được hưởng ứng rộng rãi? Đường lối đấu tranh bằng cách « phong
tỏa » các lĩnh vực chủ chốt, làm « tê liệt kinh tế » Pháp để buộc
chính phủ nhượng bộ có sẽ được nhiều người ủng hộ?
Vai trò của công đoàn là đấu tranh vì quyền lợi của người lao động,
nhưng kêu gọi làm « tê liệt đất nước » thì có lợi gì cho người lao động
hay không ?
---------------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Pháp:
Hàng trăm ngàn người biểu tình phản đối dự án cải tổ hưu trí
Cải
cách hưu trí Pháp: Giới nghiệp đoàn kêu gọi dân chúng tuần hành phản đối dự án
của chính phủ
No comments:
Post a Comment