Friday, January 20, 2023

SỰ BẤT ĐỐI XỨNG TRONG QUAN HỆ NGA - TRUNG và BÊN HƯỞNG LỢI (Oliver Young  |  China Digital Times)

 



Sự Bất Đối Xứng Trong Quan Hệ Nga-Trung Và Bên Hưởng Lợi

Tổng hợp: Oliver Young  |   China Digital Times ngày 05/01/2023

Lược dịch: Nhóm cộng tác viên theo dõi chuyển động Trung Quốc | Dự án Đại Sự Ký Biển Đông

January 17, 2023

https://dskbd.org/2023/01/17/su-bat-doi-xung-trong-quan-he-nga-trung-va-ben-huong-loi/

 

Tập tiếp tục duy trì mối quan hệ thân thiết với Nga khi chiến tranh ở Ukraine bước vào năm mới.

 

Khi cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine kéo dài sang năm 2023, Trung Quốc tiếp tục chính sách “trung lập thân Nga” – một hành động cân bằng giúp Trung Quốc có đủ vỏ bọc ngoại giao và kinh tế để ngầm ủng hộ sự xâm lược của Nga, nhưng không đến mức phải gánh chịu các biện pháp trừng phạt của phương Tây[1]. Vào đầu năm mới, các nhà phân tích đã đánh giá sự tương tác đang phát triển giữa hai nước. Bất chấp những lợi ích khác biệt nhau và tương lai không chắc chắn giữa Trung Quốc và Nga, Tập Cận Bình đã từ chối tách mình khỏi Vladimir Putin, và ngày càng trở thành sức mạnh thống trị trong quan hệ đối tác “không giới hạn” mà họ đã tuyên bố[2].

 

Các chuyên gia lập luận rằng Trung Quốc có ưu thế hơn[3]. Alexander Gabuev tại Trung tâm Carnegie Moscow nói với The Atlantic, “Sự bất đối xứng trong mối quan hệ đã được xây dựng từ trước chiến tranh đã được khơi dậy bởi chiến tranh,” và mối quan hệ này hiện “có lợi cho Trung Quốc hơn là cho Nga.”[4] Tóm tắt những điểm chính rút ra từ mối quan hệ hai nước vào năm 2022, Joseph Webster đã lập luận trên tờ The Diplomat rằng cuộc xâm lược của Nga khiến nước này càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc:

 

“Sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc đã được thể hiện trước cuộc xâm lược và có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn. Năm 2021, xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc chiếm 4,4% GDP của Nga; năm nay con số này có thể dễ dàng vượt quá 5%, do GDP của Nga giảm và các hợp đồng thương mại với phương Tây giảm sút. Nga bị loại khỏi thị trường công nghệ phương Tây và hầu như không có khả năng tự đổi mới. Một số khảo sát cho thấy hơn 30% chuyên gia trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin của Nga đã rời khỏi đất nước; cựu CEO của Yandex, công ty công nghệ được cho là thành công nhất của Nga, hiện đang sống ở Israel. Không muốn nhập khẩu công nghệ từ phương Tây và không thể tự mình đổi mới, Nga sẽ buộc phải chuyển sang Trung Quốc để mua vật liệu bán dẫn, 5G, v.v. Ảnh hưởng kinh tế và công nghệ ngày càng vượt trội của Trung Quốc ở Nga sẽ tiếp tục hạn chế quyền tự do hành động của Moscow.

 

Nga có thể chịu đựng sự bị lệ thuộc đến mức nào? Với sức mạnh quốc gia toàn diện rất có khả năng bị suy giảm, Moscow phải tiếp tục chấp nhận các ưu tiên của Bắc Kinh hơn của chính họ.

 

[…] Với năng lực kinh tế và quân sự của Trung Quốc có khả năng tăng lên so với Moscow trong những năm tới, mối quan hệ đang ngày càng trở nên mất cân bằng. Hơn nữa, nếu Trung Quốc có thể loại bỏ dần việc nhập khẩu các mặt hàng của Nga như dầu mỏ, khí đốt và than đá, nước này thậm chí sẽ ít cần đến một đối tác yếu kém và không đáng tin cậy. Moscow và Bắc Kinh dự kiến sẽ xích lại gần nhau hơn vào năm 2023, nhưng tính bền vững của mối quan hệ vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.”[5]

 

Một số nhà phân tích nhận thấy sự thay đổi tinh tế trong thái độ của Trung Quốc đối với Nga [6] khi cán cân cuộc chiến đang nghiêng về phía Ukraine, phản ánh sự phản đối ngầm của Bắc Kinh đối với các hành động quân sự của Moscow, cũng như mong muốn bảo vệ hình ảnh toàn cầu của Trung Quốc. Trong cuộc gặp với Tập vào tháng 9, Putin thừa nhận rằng Tập “quan ngại” về tình hình ở Ukraine, và sau đó tại Hội nghị thượng đỉnh G20, Tập đã không phản đối tuyên bố chung của Hội nghị “lên án bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất về hành động gây hấn của Liên bang Nga.” Tuần trước, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đã mô tả tình hình ở Ukraine là một “cuộc khủng hoảng”, đánh dấu sự thay đổi so với các tài liệu tham khảo thông thường của chính phủ về “tình hình Ukraine”, theo AP [7]. Trong một bản tóm tắt chính sách gần đây về quan hệ Trung-Nga, Viện Brookings đã mô tả tầm nhìn “không thể hòa giải” của hai nước:

 

“Ngay cả với mối quan hệ đối tác cũng như có cùng sự đối kháng đối với Hoa Kỳ, tầm nhìn của Trung Quốc và Nga về trật tự thế giới vẫn khác nhau. Khái niệm của Trung Quốc về một trật tự “hậu phương Tây” là một trật tự vẫn còn các quy tắc nhưng Trung Quốc có tiếng nói lớn hơn trong việc đưa ra các quy tắc đó và duy trì quyền cũng như khả năng coi thường các quy tắc với tư cách là một cường quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ngược lại, nước Nga của Putin thích một trật tự thế giới bị phá vỡ không có luật lệ, nơi Nga có thể phô diễn sức mạnh của mình. Về căn bản, hai tầm nhìn này là không thể dung hòa.”[8]

 

Bỏ qua những khác biệt và bất đối xứng, sự hợp tác giữa hai nước vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực truyền thông. Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã liên tục khuếch đại các câu chuyện của chính phủ Nga và kiểm duyệt nội dung phản chiến trên mạng xã hội. Mara Hvistendahl và Alexey Kovalev từ The Intercept đã phát hiện ra một thỏa thuận tuyên truyền giữa các quan chức chính phủ và các nhà điều hành truyền thông Nga và Trung Quốc để trao đổi tin tức và nội dung truyền thông xã hội:

 

“Một thỏa thuận song phương được ký vào tháng 7 năm 2021 nêu rõ rằng hợp tác về đưa tin và kịch bản tường thuật là mục tiêu lớn của cả hai chính phủ. Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào tháng đó, các nhân vật truyền thông và chính phủ hàng đầu của Nga và Trung Quốc đã thảo luận về hàng chục sản phẩm tin tức và liên doanh hợp tác, bao gồm trao đổi nội dung tin tức, kinh doanh chiến lược truyền thông kỹ thuật số và đồng sản xuất các chương trình truyền hình. Hội nghị được tổ chức bởi Bộ Phát triển Kỹ thuật số, Truyền thông và Truyền thông Đại chúng của Nga và Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc.

 

Trong thỏa thuận tuyên truyền, hai bên cam kết “hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực trao đổi thông tin, thúc đẩy việc đưa tin khách quan, toàn diện và chính xác về các sự kiện quan trọng nhất của thế giới.” Họ cũng vạch ra kế hoạch hợp tác trên truyền thông trực tuyến và mạng xã hội, một không gian mà cả hai nước đã sử dụng để gieo rắc thông tin sai lệch, cam kết tăng cường “hợp tác cùng có lợi trong các vấn đề như hội nhập, ứng dụng công nghệ mới và quy định của ngành”.

 

[…] Các bên ký kết thỏa thuận năm 2021 bao gồm các cơ quan truyền thông lớn của nhà nước cũng như các công ty truyền thông trực tuyến và doanh nghiệp trong khu vực tư nhân. Trong số những bên đã ký có gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Hoa Vi, công ty có dịch vụ phát trực tuyến; Migu Video, một công ty trò chơi thuộc China Mobile do nhà nước điều hành; và SPB TV, một dịch vụ phát trực tuyến có trụ sở tại Thụy Sĩ và thuộc sở hữu của một công dân Nga.”[9]

 

Trong vài tháng qua, Trung Quốc và Nga cũng tăng cường hợp tác quân sự. Bên cạnh các cuộc tập trận hải quân chung ở Biển Hoa Đông, các máy bay ném bom của Trung Quốc và Nga gần đây đã tiến hành các cuộc tuần tra chung chưa từng có tiền lệ từ các sân bay của nhau. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo mới phân tích sự liên kết quân sự giữa Trung Quốc và Nga, lưu ý rằng khoảng cách ngày càng lớn giữa các năng lực công nghệ của họ có thể làm tăng sự bất cân xứng trong mối quan hệ của họ.[10]

 

Tháng trước, trong một bài báo về mối quan hệ đối tác thương mại và năng lượng ngày càng tăng cường giữa Trung Quốc và Nga, Lingling Wei và Marcus Walker trên The Wall Street Journal đã mô tả cách “Tập đang tăng cường đặt cược dài hạn vào Nga” như sau:

“Theo các cố vấn chính sách cho Bắc Kinh, trong những tuần gần đây, ông đã chỉ thị cho chính phủ của mình củng cố mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn với Nga, dựa trên mối quan hệ thương mại đã được củng cố trong năm nay và trở thành huyết mạch đối với Moscow trước áp lực của phương Tây.

 

Các cố vấn cho biết kế hoạch này bao gồm tăng cường nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt và hàng nông sản của Nga, tăng cường quan hệ đối tác năng lượng chung ở Bắc Cực và tăng cường đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng của Nga, chẳng hạn như đường sắt và cảng.

 

Nga và Trung Quốc cũng đang thực hiện nhiều giao dịch tài chính bằng đồng rúp và nhân dân tệ hơn là đồng euro hoặc đô la, một động thái giúp bảo vệ cả hai khỏi các lệnh trừng phạt trong tương lai và đưa đồng tiền Trung Quốc vào lưu thông rộng rãi hơn.

 

[…] “Tập đã và đang củng cố mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga, phần lớn không phụ thuộc vào cuộc xâm lược của Nga,” Tôn Vân, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn chính sách ở Washington cho biết. “Mối quan hệ có thể đang trở nên gần gũi hơn bao giờ hết.” [11]

 

Các tuyên bố và cuộc gặp của các nhà ngoại giao cấp cao trong hai tuần qua cũng chứng tỏ mối quan hệ thân thiết giữa Bắc Kinh và Moscow. Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (hiện được thăng chức Chánh văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương) tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ “tăng cường lòng tin chiến lược chung và hợp tác cùng có lợi” với Nga. Trong một cuộc họp trực tuyến vào cuối tuần đó, Putin tuyên bố rằng mối quan hệ của Nga với Trung Quốc là “tốt nhất trong lịch sử” và Tập kêu gọi hai nước “tăng cường phối hợp chiến lược [và] tiếp tục là cơ hội phát triển và đối tác toàn cầu của nhau.”

 

Trước đó một tuần, cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã có chuyến đi bất ngờ tới Bắc Kinh để thăm Tập. Joseph Webster, tác giả của bản tin Trung Quốc-Nga, nhấn mạnh bối cảnh cuộc gặp của họ: Tập đang tiếp đón một quan chức an ninh quốc gia từ một quốc gia mà hầu hết tin rằng sẵn sàng leo thang cuộc xâm lược đang diễn ra. Những lời kêu gọi đàm phán hòa bình của Tập Cận Bình rất có thể được thiết kế để phủ đầu làm chệch hướng trách nhiệm trong trường hợp có một sự leo thang khác của Nga [12]. Quả thực trong những tuần sau đó, Nga đã kéo dài các cuộc tấn công của mình. Victoria Kim và Anton Troianovski từ The New York Times đã mô tả mối quan hệ chặt chẽ của Medvedev với Putin và sự tin tưởng vào hợp tác lâu dài với Trung Quốc:

 

“Ông Medvedev là một đồng minh lâu năm của Putin và đã nổi lên như một trong những tiếng nói diều hâu nhất của chính phủ ủng hộ đường lối cứng rắn chống lại Ukraine và các đồng minh, chủ yếu là Hoa Kỳ. Ông là phó chủ tịch hội đồng an ninh của Putin và là người đứng đầu đảng cầm quyền của Putin, Nước Nga Thống nhất.

 

[…] Tại Bắc Kinh, Tập nói với Medvedev rằng quan hệ giữa hai nước đã “đứng vững trước thử thách của những thay đổi quốc tế” và quan hệ đối tác của họ là “sự lựa chọn chiến lược lâu dài của cả hai bên,” theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc.”[13]

 

Các nhà phân tích ở Châu Âu cũng đánh giá quan hệ đối tác của Trung Quốc với Nga là khá ổn định. Noah Barkin tại Quỹ Marshall ở Đức cảnh báo: “Các nhà lãnh đạo Châu Âu thúc giục Tập Cận Bình sử dụng ảnh hưởng của mình với Putin để chấm dứt chiến tranh là điều không sai, như họ đã làm kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu gần một năm trước. Nhưng họ không nên cho rằng ông ấy sẽ làm như vậy hoặc có thể lôi kéo Bắc Kinh khỏi Moscow.” Alicja Bachulska tại MERICS dự đoán rằng “cuộc tấn công truyền thông của Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục” vào năm 2023, mặc dù đã có rất ít thành công trong những nỗ lực trước đây nhằm thuyết phục Châu Âu về “sự trung lập” của Trung Quốc. Nhà phân tích Yurii Poita ở Kyiv đã mô tả “sự trung lập thân Nga” của Tập đã khiến nhiều người ở Ukraine chỉ trích Trung Quốc nhiều hơn như thế nào, nhưng do mối quan hệ chặt chẽ của Trung Quốc với Moscow, chính phủ Ukraine vẫn phải thận trọng trong nỗ lực gây áp lực với Bắc Kinh.

 

Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc của Đại học SOAS London, nói với RFE/RL: “Sự kém cỏi của Nga về quân sự đã phần nào làm giảm [vị thế của nước này], nhưng Trung Quốc vẫn cam kết với Nga như một đối tác chiến lược.” “Nga có thể đã chứng tỏ mình kém giá trị hơn, nhưng [Bắc Kinh] tiếp tục coi Hoa Kỳ là đối thủ cạnh tranh chiến lược và sẽ muốn có Nga đứng về phía mình.”[14]

 

“Trung Quốc dường như sẽ tiếp tục ủng hộ Nga mạnh mẽ trên phương diện diễn ngôn, nhưng hỗ trợ kinh tế và quân sự thực tế thì ít có khả năng hơn,” Charles Dunst, một thành viên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế và là tác giả của Defeating The Dictators, nói với RFE/ RL. “Hoa Kỳ đã nhiều lần cảnh báo Trung Quốc rằng hỗ trợ quân sự và kinh tế cho Nga sẽ dẫn đến các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ – một tình huống mà Trung Quốc, với nền kinh tế đang ở vị trí hơi bấp bênh, muốn tránh.”[15]

 

“…Các chiến lược gia Trung Quốc biết rằng Nga muốn được tôn trọng, và nếu họ cho Nga điều đó, thì đây là một thương vụ rẻ mạt đối với Bắc Kinh,” Andew Small, một thành viên cấp cao tại Quỹ Marshall nói thêm. “Nếu họ đối xử bình đẳng với Nga — ngay cả khi họ không nghĩ là như vậy — thì điều này sẽ mang lại lợi ích cho Trung Quốc, và đó là một phần ngày càng tăng trong cách Tập Cận Bình tiếp cận toàn bộ mối quan hệ này.”[16]

———-

 

Chú thích

 

[1] ​​Kathrin Hille (2022, February 27). Xi pursues policy of pro-Russia neutrality despite Ukraine war. Financial Times. https://www.ft.com/content/bf930a62-6952-426b-b249-41097094318a. Một bản PDF được lưu ở đây

[2] Elizabeth Wishnick (2022, September 29). The China- Russia ‘no limits’ partnership is still going strong, with regime security as top priority. South China Morning Post. https://www.scmp.com/comment/opinion/article/3193703/china-russia-no-limits-partnership-still-going-strong-regime. Một bản PDF được lưu ở đây

[3] Alexander Gabuev (2022, August 9). China’s New Vassal. Foreign Affairs. https://www.foreignaffairs.com/china/chinas-new-vassal. Một bản PDF được lưu ở đây

[4] Michael Schuman (2022, December 29). How China Is Using Vladimir Putin. The Atlantic. https://www.theatlantic.com/international/archive/2022/12/china-russia-xi-jinping-vladimir-putin-friends/672586/. Một bản PDF được lưu ở đây

[5] Joseph Webster (2023, January 04). China-Russia Relations: 4 Takeaways From 2022. The Diplomat. https://thediplomat.com/2023/01/china-russia-relations-4-takeaways-from-2022/

Advertisements

Report this ad

[6] Tiong Wei Jie and Li Mingjiang (2023, January 2). China’s subtle change of stance on Russia’s invasion of Ukraine should not go unnoticed. South China Morning Post. https://www.scmp.com/comment/opinion/article/3205096/chinas-subtle-change-stance-russias-invasion-ukraine-should-not-go-unnoticed

[7] Felipe Dana (2022, December 30). Xi vows closer ties as Russia bombards Ukraine again. AP. https://apnews.com/article/putin-kyiv-politics-ukraine-government-russia-43a55a56f9cd1f50dd1d280fcb1ffa65

[8] Célia Belin et al. (2022). China’s relations with Russia, India and Europe. Brookings Institution. https://www.brookings.edu/wp-content/uploads/2022/12/FP_20221220_china_russia_india_europe.pdf

[9] Mara Hvistendahl, Alexey Kovalev (2022, December 30). Hacked Russian Files Reveal Propaganda Agreement with China. The Intercept. https://theintercept.com/2022/12/30/russia-china-news-media-agreement/ 

[10] Max Bergmann (2022). Understanding the Broader Transatlantic Security Implications of Greater Sino-Russian Military Alignment. Center for Strategic and International Studies. https://www.csis.org/analysis/understanding-broader-transatlantic-security-implications-greater-sino-russian-military 

[11] Lingling Wei and Marcus Walker (2022, December 14). Xi Jinping Doubles Down on His Putin Bet. ‘I Have a Similar Personality to Yours.’ The Wall Street Journal. https://www.wsj.com/articles/xi-jinping-putin-china-russia-relations-11671030896. Một bản PDF được lưu ở đây

[12] Joe Webster (2022, December 23). Medvedev visits Beijing amid joint Sino-Russian naval drills. China-Russia Report. https://chinarussiareport.substack.com/p/medvedev-visits-beijing-amid-joint

[13] Victoria Kim and Anton Troianovski (2022, December 21). A Putin ally meets with China’s top leader, highlighting ties as Russia’s isolation grows. The New York Times. https://www.nytimes.com/2022/12/21/world/europe/china-russia-putin-xi-ukraine.html. Một bản PDF được lưu ở đây

[14] Reid Standish (2022, December 31). The Year That Changed The Chinese-Russian Relationship. RFE/RL. https://www.rferl.org/a/russia-china-relations-future-ukraine-war-sanctions-partnership/32202136.html

[15] Đã dẫn

[16] Đã dẫn

 

-------------------

Nguồn bài gốc:

 

Oliver Young (2023, January 5). Xi maintains close ties with Russia as war in Ukraine enters a new year. China Digital Times. https://chinadigitaltimes.net/2023/01/xi-maintains-close-ties-with-russia-as-war-in-ukraine-enters-a-new-year/

 





No comments: