Wednesday, January 11, 2023

HÀN QUỐC : PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG ĐỂ TỰ VỆ? (Thanh Hà / RFI)

 



Hàn Quốc : Phát triển công nghiệp quốc phòng để tự vệ ?

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 10/01/2023 - 15:38

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-kinh-t%E1%BA%BF/20230110-h%C3%A0n-qu%E1%BB%91c-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-c%C3%B4ng-nghi%E1%BB%87p-qu%E1%BB%91c-ph%C3%B2ng-%C4%91%E1%BB%83-t%E1%BB%B1-v%E1%BB%87

 

17 tỷ đô la hợp đồng : 2022 là một năm các tập đoàn sản xuất vũ khí và trang thiết bị quân sự Hàn Quốc bội thu. Bí quyết nào cho phép Seoul khẳng định giấc mơ trở thành một cường quốc thế giới về công nghệ quốc phòng đang trong tầm tay ? Các loại vũ khí hiện đại nhất của Hàn Quốc sẽ mang lại những hệ quả nào đối với an ninh khu vực ? 

 

https://s.rfi.fr/media/display/4791dda4-0db5-11ea-885c-005056a9aa4d/w:980/p:16x9/KOREA-NORTH_3.webp

Xe tăng K-9 Thunder của Hàn Quốc trong cuộc tập trận tại Seungjin- Pocheon. Ảnh ngày 23/12/2010. REUTERS/Park Ji-Ho/Yonhap

 

RFI tiếng Việt mời Antoine Bondaz, chuyên gia về Đông Bắc Á thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp - FRS trả lời các câu hỏi trên và phân tích về chiến lược công nghiệp của Seoul trong lĩnh vực quốc phòng : những yếu tố nào cho phép Hàn Quốc trong 20 năm trở thành một trong 10 nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới ? 

 

.

Chất lượng cao, giá cả phải chăng và khả năng cung ứng nhanh

 

Tháng 7 rồi tháng 9/2022, Seoul liên tiếp thông báo những « hợp đồng thế kỷ » ký kết với Vacxava. Ba Lan mua vào hệ thống pháo tự hành K-9 Thunder - Thần Sấm, nòng súng 155 ly, 180 xe tăng K2PL Black Penther - Báo Đen, chiến đấu cơ FA-50 để thay thế đội ngũ máy bay tiêm kích MiG-29 và may bay tấn công Su-22 cả hai cùng do Liên Xô chế tạo. Tổng trị giá hợp đồng mua bán vũ khí và trang thiết bị quân sự với Hàn Quốc lên tới 15 tỷ đô la. Ngoài Ba Lan, từ Rumani đến Ai Cập, từ các nước trong vùng Baltic đến Ả Rập Xê Út đã thuộc lòng tên tuổi các tập đoàn Hàn Quốc như Hyundai Rotem, Samung, Daewo và nhất là Hanwha. Slovakia, Na Uy, Estonia thúc đẩy đàm phán với Hàn Quốc trong lĩnh vực « nhạy cảm » này.  

Sau khi Vacxava và Seoul chính thức thông báo hợp đồng trang bị 48 chiến đấu cơ FA-50 và lô hàng đầu tiên được giao cho Ba Lan ngay trong nửa đầu năm 2023, Malaysia vội vã liên lạc với đại tập đoàn KAI và cũng có kế hoạch trang bị loại chiến đấu cơ hiện đại này cho Không Quân.

 

Antoine Bondaz, trong cuộc phỏng vấn dành cho RFI Việt Ngữ, nhắc lại  một số chìa khóa cho phép nền công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc « cất cánh rất mạnh » trong một vài thập niên để giờ đây thu về những hợp đồng hàng tỷ, hàng chục tỷ đô la như trong trường hợp với Ba Lan hồi mùa hè vừa qua :

 

Antoine Bondaz : « Các thương vụ đó đã có thể thực hiện nhờ Hàn Quốc có nền tảng công nghiệp và kỹ thuật rất vững vàng về mặt cộng nghệ quốc phòng. Trong thời gian từ 20 đến 30 năm, Hàn Quốc đã nhanh chóng trở thành một nhà cung cấp cho thế giới và là một đối tác đáng tin cậy. Công nghệ quốc phòng của Hàn Quốc rất hiệu quả và hiện đại. Ban đầu là để phục vụ nhu cầu của quân đội quốc gia và từng bước Seoul xuất khẩu trang thiết bị quân sự, vũ khí cho một số các nước khác. Đấy có thể là một thành viên trong NATO, một đồng minh của Mỹ như là Úc chẳng hạn hay đơn giản là một quốc gia đang phát triển như trong trường hợp của Indonesia ».

 

Nhà máy của tập đoàn Hanwha tại tỉnh Changwon chỉ cần từ ba đến năm ngày là có thể sản xuất xong một khẩu pháo tự hành K-9 và nhịp độ này chỉ bằng « một phần năm so với các hãng của Đức ». Điều đó giải thích vì sao Ba Lan đã chọn giải pháp Hàn Quốc thay vì hướng về hai đối tác truyền thống là Mỹ hoặc Đức.

 

Antoine Bondaz giải thích rõ hơn : Các nhà sản xuất Hàn Quốc xuất khẩu những sản phẩm đã có sẵn và thậm chí là đang được tích trữ trong kho để sẵn sàng đối phó trong trường hợp bị tấn công. Đây là bí quyết thứ nhì cho phép tổng thống Yoon Seok Yeol khẳng định tham vọng đưa Hàn Quốc « trở thành nền công nghiệp quốc phòng thứ tư toàn cầu » trước khi mãn nhiệm kỳ.

 

Antoine Bondaz : « Hàn Quốc có khả năng trong vỏn vẹn vài tháng hay một hai năm, giao hàng với một khối lượng lớn về đạn pháo… Một quốc gia như Đức chẳng hạn không thể làm được việc này. Để sản xuất nhiều và xuất khẩu nhanh nhất cho khác hàng, Đức chịu thua. Thực ra, Hàn Quốc giao hang cho Ba Lan theo hai giai đoạn. Đầu tiên, Seoul cung cấp cho Vacxava những công cụ đang được chính quân đội Hàn Quốc sử dụng. Đó là những mặt hàng đã có sẵn hay rất dể để sản xuất và sản xuất nhiều, bởi đã được phát triển từ lâu nay nhằm phục vụ trong quân đội Hàn Quốc. Ở giai đoạn hai, các đại tập đoàn Hàn Quốc tiếp tục theo sát để đáp ứng nhu cầu mà bên quân đội Ba Lan đòi hỏi. Điểm mạnh không thể chối cãi của Hàn Quốc là khả năng đáp ứng rất nhanh ».

 

Ngày 06/12/2022 tổng thống Ba Lan Andreij Duda dưới trời mưa tầm tã, đã đích thân ra tận bến cảng Gdynia miền bắc Ba Lan hướng ra biển Baltic, để nhận lô hàng đầu tiên nhà sản xuất Hanwha của Hàn Quốc gửi đến. Lô đầu tiên đó gồm chiến xa K2PL và pháo tự hành K-9. Lãnh đạo Ba Lan nhấn mạnh : « Giao hàng nhanh mang ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh cảnh chiến tranh Ukraina hiện nay ». Nhiều nước tại châu Âu cần nhanh chóng tăng cường khả năng phòng vệ đồng thời « lắp đầy lại » kho trang thiết bị quân sự đã vơi hẳn sau nhiều đợt cung cấp cho Ukraina từ đầu 2022 tới nay. Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Bondaz, chiến tranh Ukraina do Nga tiến hành không giải thích được tất cả :

 

Antoine Bondaz : « Đương nhiên bối cảnh chiến tranh Ukraina quan trọng, nhưng điều này chưa đủ để giải thích vì sao xuất khẩu vũ khí và trang thiết bị quân sự của Hàn Quốc tăng mạnh và các tập đoàn nước này được quốc tế đặc biệt quan tâm. Từ trước chiến tranh Ukraina, Hàn Quốc đã ký nhiều hợp đồng quan trọng với lục quân Úc. Nhưng đúng là do tình hình chiến sự tại châu Âu, nhiều hợp đồng mua bán trang thiết bị quân sự với Hàn Quốc đã nhanh chóng được đúc kết. Theo tôi, sở dĩ nhiều quốc gia chọn Hàn Quốc nhờ ngành công nghệ quốc phòng xứ này có tính hiệu quả cao. Đây là thành tựu từ một quá trình dài hơi, một số đại tập đoàn như Hanwha hay Daewoo tập trung kiểm soát nhiều lĩnh vực khác nhau và đây chính là một lợi thế của ngành công nghiệp và công nghệ quốc phòng chỉ Hàn Quốc mới có ».

 

.

Đòn bẩy cho thương mại và tăng trưởng kinh tế

 

Năm 2016 Hàn Quốc chỉ nắm giữ 1% thị phần quốc tế. Năm 2021, với hơn 7 tỷ đô la tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí, các tập đoàn Hàn Quốc nâng tỷ lệ đó lên thành 2,8%. Antoine Bondaz thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp FRS lưu ý : trong chưa đầy 2 thập niên, Hàn Quốc trở thành một trong những nguồn xuất khẩu vũ khí có trọng lượng trên thế giới, dù vẫn chưa chen chân được vào « câu lạc bộ 5 thành viên » hàng đầu mà ở đó Mỹ, Nga đã liên tục thống lĩnh từ nhiều thập niên qua. Seoul có một lợi thế mà các đối thủ của Hàn Quốc - đặc biệt là Nga và châu Âu đang rất lo ngại. Hàn Quốc một trong hai cột trụ của thế giới về công nghệ bán dẫn và là nơi có các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tối tân.

 

Antoine Bondaz : « Giờ đây ngành công nghệ quốc phòng chiếm một vị chí then chốt trong các hoạt động xuất khẩu, tạo ra thặng dư về mậu dịch và qua đó tạo dà cho tăng trưởng. Điều này lại càng được củng cố thêm khi biết rằng Hàn Quốc có ba lợi thế : họ có thể sản xuất nhanh, nhiều và hàng có chất lượng cao với những phát minh mới. Đừng quên rằng Hàn Quốc là một trong những quốc gia tiên tiến nhất về công nghệ điện tử và linh kiện bán dẫn với những tên tuổi như Samsung hay LG… Chắc chắn những linh kiện đó được dành để phục vụ ngành công ghiệp quốc phòng ».

 

.

Vũ khí của Hàn Quốc và an ninh khu vực

 

Câu hỏi kế tiếp là đà vươn lên của ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc và vũ khí hiện đại của quốc gia Đông Bắc Á này có làm thay đổi tương quan về mặt an ninh trong khu vực hay không, đặc biệt là đối với Bắc Triều Tiên hay không. 

 

Antoine Bondaz : « Việc xuất khẩu vũ khí sẽ mở ra nhiều chương trình hợp tác về an ninh, về quân sự với các quốc gia mua vào vũ khí của Hàn Quốc. Hiển nhiên là Seoul sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trên trường quốc tế. Đây chính là điều mà chính quyền đương nhiệm của tổng thống Yoon Suk Yeol xem là một ưu tiên với tiêu chí đưa Hàn Quốc thành một - GPS : Global Pivot State của thế giới (...) Xuất khẩu vũ khí nhiều hơn cho phép các nhà sản xuất Hàn Quốc tăng khối lượng sản xuất, qua đó hạ thấp giá thành của mỗi một đơn vị được ra lò. Điều đó càng làng nâng cao hiệu quả của ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc nhưng không ảnh hưởng gì đến tương quan lực lượng về quân sự với Bắc Triều Tiên. Bởi ai cũng biết là Hàn Quốc có phương tiện hiện đại và có những trang thiết bị tối tân hơn, đa dạng hơn… so với quốc gia phương bắc. Các nhà sản xuất của Hàn Quốc càng giàu có hơn, thì cách biệt với Bắc Triều Tiên càng lớn ».

 

Về mặt chính thức, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên vẫn chưa đặt bút ký thỏa thuận đình chiến. Quân đội hai bên đều liên tục lao vào một cuộc chạy đua vũ trang, đôi bên cùng « hiện đại hóa » khả năng phòng thủ. Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm SIPRI thẩm định, năm 2020 Hàn Quốc dành 2,8% GDP cho ngân sách quốc phòng, cao hơn nhiều so với ngưỡng 2% như Hoa Kỳ đòi hỏi ở các đồng minh.

 

Một cựu sĩ quan trong quân đội Hàn Quốc được báo Le Monde (15/12/2022) trích dẫn giải thích : « mối đe dọa xuất phát từ Bắc Triều Tiên là động lực » thúc đẩy Hàn Quốc phải « có vũ khí với chất lượng cao ».

 

.

Chơi với Mỹ, học hỏi nhiều của Mỹ nhưng vẫn độc lập

 

Một nét đặc thù khác trong chiến lược phát triển công nghiệp quốc phòng của Seoul : Là đồng minh của Washington, Hàn Quốc luôn trung thành với các loại thiết bị quân sự và vũ khí của Mỹ, nhưng điều đó không cấm cản các đời tổng thống liên tiếp tại Seoul luôn theo đuổi mục tiêu vẫn phải « tự lập về mặt chiến lược ». Từ thập niên 1970, tổng thống Park Chung Hee đã coi « việc tự chủ về mặt phòng thủ quốc gia » là một ưu tiên. Một trong những dự án đầu tiên của cơ quan đặc trách về hồ sơ này là chương trình phát triển tên lửa địa đối địa Baekgom hay súng trường K2 do tập đoàn Daewoo sản xuất rất giống với loại M-16 của Mỹ. Thành phố Changwon ở phía tây nam Hàn Quốc nay đã trở thành « nhà kho » để phục vụ cho bên bộ binh.

 

Tổng thống Lee Myung Bak (2008-2013) cuối những năm 2000 đã đề ra mục tiêu : 10 tỷ đô la kim ngạch xuất khẩu vũ khí. Giờ đây đến lượt tổng thống Yoon Seok Yeol xem lĩnh vực này là « một trong những đầu máy tăng trưởng » của Hàn Quốc. Trong một phát biểu gần đây ông khẳng định sẽ « cùng với Hoa Kỳ, Nga và Pháp » đưa xuất khẩu vũ khí lên thành « một trong những đầu máy tăng trưởng kinh tế ». Seoul hàm ý Hàn Quốc phải qua mặt được cả Trung Quốc hiện đang kiểm soát 4,5% thị trường quốc tế

 

-----------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

PHÂN TÍCH

Hàn Quốc nuôi tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân

.

HÀN QUỐC - VŨ KHÍ

Hàn Quốc trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 8 trên thế giới

.

NGOẠI GIAO HÀN QUỐC

Ngoại giao Hàn Quốc : Củng cố trục Mỹ- Nhật -Hàn, cứng rắn với Bắc Triều Tiên

 




No comments: