Thursday, January 19, 2023

GIAO XE TĂNG LEOPARD 2 CHO UKRAINA : ĐỨC BỊ ÁP LỰC NGÀY CÀNG LỚN TỪ CÁC ĐỒNG MINH (Anh Vũ / RFI)

 



Giao xe tăng Leopard 2 cho Ukraina : Đức bị áp lực ngày càng lớn của các đồng minh

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 18/01/2023 - 14:32

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230118-giao-xe-t%C4%83ng-leopard-2-cho-ukraina-%C4%91%E1%BB%A9c-b%E1%BB%8B-%C3%A1p-l%E1%BB%B1c-ng%C3%A0y-c%C3%A0ng-l%E1%BB%9Bn-c%E1%BB%A7a-c%C3%A1c-%C4%91%E1%BB%93ng-minh

 

Ít ngày trước cuộc họp quan trọng dành cho vấn đề quốc phòng của Ukraina, ngày 20/01 tới, Kiev và các đồng minh tăng cường áp lực đối với Đức để chính phủ nước này đồng ý giao xe tăng Leopard 2 cho Ukraina. Đây là hồ sơ bộ trưởng Quốc Phòng Đức ngay sau khi được bổ nhiệm đã nâng lên thành một ưu tiên.

 

https://s.rfi.fr/media/display/14ae45ea-972c-11ed-946a-005056a90284/w:980/p:16x9/AP22258504132377-1.webp

Xe tăng Léopard 2 của quân đội Đức trong một lần huấn luyện tại căn cứ Minster, Đức, ngày 16/03/2022. AP - Philipp Schulze

 

Đây cũng là một trong những chủ đề chính trong các cuộc thảo luận giữa các nước hậu thuẫn cho Ukraina. Vấn đề giao các loại chiến xa hạng nặng được tổng thống Volodymyr Zelensky đòi hỏi từ nhiều tháng nay sẽ nằm trong chương trình nghị sự chính của phiên họp thứ ba Nhóm tiếp xúc về quốc phòng của Ukraina, diễn ra vào ngày 20 tháng Giêng 2023 tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức.

 

Cuộc họp cấp cao này, theo sáng kiến của Hoa Kỳ, quy tụ khoảng năm chục nước, mở ra trong bối cảnh mang tính sống còn đối với Ukraina. Còn vài tuần nữa mùa đông sẽ qua và trong lúc này, Nga đang huy động lực lượng chuẩn bị cho cuộc tấn công mùa xuân, Kiev lại cao giọng kêu gọi các đồng minh cung cấp các loại xe tăng hạng nặng của phương Tây cho họ.

 

Tuần này, Anh Quốc đã hứa chuyển một đại đội gồm 14 chiến xa loại Challenger 2 cho Ukraina.  Như vậy là Anh trở thành cường quốc phương Tây đầu tiên quyết định gửi chiến xa chủ lực cho Kiev.

 

Thông báo của Luân Đôn càng làm gia tăng áp lực cho Berlin. Là quốc gia chế tạo xe tăng Leopard 2, được trang bị phổ biến ở châu Âu, Đức đến giờ vẫn chưa đồng ý giao cho Ukraina loại chiến xa quý giá của mình cho Ukraina, cho dù các đồng minh năn nỉ. Hôm thứ Hai đầu tuần này, bộ trưởng Quốc Phòng Đức, người bị chỉ trích rất nhiều vì cách xử lý hồ sơ Ukraina, đã bất ngờ từ chức, để lại cho người kế nhiệm Boris Pistorius (thuộc đảng Xã Hội Dân Chủ) hồ sơ nóng này.

 

.

Trận chiến vũ khí hạng nặng

 

Sự thay đổi bất ngờ trên tại Đức xảy ra vào thời điểm cực kỳ nhạy cảm đối với các đồng minh của Ukraina, trong khi tranh luận về cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev đang lên đến cao trào.

 

Trong những tuần qua, các nước thành viên khối NATO đã bắt đầu huy động để gửi cho Ukraina các loại vũ khí tấn công mà cho đến giờ họ vẫn từ chối cung cấp vì ngại khiêu khích Matxcơva.

 

Đầu tháng Giêng, Pháp đã trở thành cường quốc đầu tiên trên thế giới đáp ứng những lời kêu gọi lặp đi lặp lại của Kiev để được cấp các loại xe bọc thép chiến đấu hạng nhẹ loại AMX-10 RC. Dù được trang bị hỏa lực mạnh, nhưng loại xe bọc thép bánh lốp không phải bánh xích này không được coi là chiến xa. Được thiết kế chế tạo chủ yếu cho nhiệm vụ trinh sát, loại xe trên không thích ứng được với địa hình bùn lầy và khó khăn khác.

 

Theo sau Pháp, Hoa Kỳ và Đức đã lần lượt thông báo cung cấp khoảng năm chục xe bọc thép chiến đấu loại Bradley và năm chục xe loại Marder. Đó là các loại xe bọc thép chạy bánh xích, tiện lợi cho việc chuyển quân nhưng lại không được trang bị hỏa lực mạnh của các loại xe tăng tấn công như đòi hỏi của Kiev.

 

Trong bối cảnh như vậy, việc Luân Đôn hôm thứ Bảy vừa qua thông báo cung cấp xe tăng Challenger 2, loại chiến xa đầu tiên do phương Tây chế tạo, đánh dấu một bước ngoặt. Tuy nhiên nhiều chuyên gia quân sự ghi nhận việc giao một đại đội 14 chiếc xe như vậy không để thay đổi đáng kể cục diện chiến trường ở Ukraina.

 

Ông Shashank Joshi, chuyên gia quốc phòng của tuần báo Anh The Economist đồng thời là nhà nghiên cứu tại Kings College Luân Đôn nhận định « Quân đội Ukraina cần có một đội xe tăng lâu dài. Cung cấp một số lượng nhỏ Challenger 2 là hành động biểu tượng, không phải là giải pháp lâu bền » và « thực chất vấn đề là các loại xe tăng Leopard, đang có khắp châu Âu ».

 

.

Berlin ở tâm điểm cuộc chơi

 

Chiến xa Leopard 2, được trang bị lần đầu tiên năm1979 và được nâng cấp qua nhiều mẫu từ đó đến giờ và đang được quân đội 13 nước châu Âu sử dụng gồm Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Hy Lạp, Hungary, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Tổng số các nước này có « hơn 2000 chiến xa loại này với các chủng loại khác nhau », theo thẩm định của Hội Đồng Đối Ngoại châu Âu ( ECFR). « Càng nhiều nước tặng chiến xa, việc chia sẻ gánh nặng của họ đối với Ukraina càng dễ dàng hơn », ECFR nhấn mạnh trong một báo cáo hồi tháng 09 năm 2022.  Việc chia sẻ chuyển xe tăng Leopard 2 cho Ukraina cũng giúp phân chia huấn luyện sử dụng được tốt hơn, theo giải thích của Rod Thornton, nhà nghiên cứu thuộc khoa Quốc phòng tại Kings College Luân Đôn. Bởi nếu như quân đội Ukraina hiện có các kỹ năng cần thiết để sử dụng các loại xe tăng chế tạo từ thời Liên Xô, thì họ cần phải mất thêm 2 tháng đào tạo để có thể làm chủ được các xe tăng trong hệ thống của NATO, chuyên gia này nhận định. 

 

Cuối cùng, việc chuyển các xe tăng Leopard 2 sẽ thuận lợi về mặt hậu cần. Thực tế, một số lượng lớn các đơn vị xe tăng này hiện có mặt ở châu Âu, việc cung cấp các loại xe hỗ trợ cần thiết và đạn dược cùng trang thiết bị sửa chữa xe cũng sẽ dễ dàng hơn.

 

Trong hoàn cảnh như vậy, một số nước như Tây Ban Nha hay Ba Lan đã đề xuất cung cấp trực tiếp cho Ukraina một số lượng xe tăng Leopard của mình. Cách làm này gọi là tái xuất nhưng vẫn cần có sự đồng ý của Berlin. Đến giờ chính phủ Đức vẫn ngần ngại sợ bị nhìn nhận là tham gia leo thang quân sự và có thể bị Nga coi là khiêu khích.

 

.

Mũ sắt thay vì chiến xa

 

Khi cuộc chiến tranh khởi phát hôm 24/02/2022, nước Đức đã được đánh giá như là mắt xích yếu trong chuỗi phản ứng của phương Tây đối với cuộc xâm lược của Nga. Lý do là vì Đức lệ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga và nước Đức đã có cam kết hòa bình sau chiến tranh thế giới thứ 2.

 

Thủ tướng Đức Olaf Scholz khi mới lên nắm quyền đã hứa hẹn một bước ngoặt quyết định, đối đầu trực diện với Vladimir Putin, thông báo tăng ồ ạt chi tiêu quốc phòng. Một năm sau, các chỉ trích lại đổ lên đầu lãnh đạo Đức, ông bị tố đã không giữ lời hứa và làm quá ít, quá muộn. Trên tuyến đầu, bà cựu bộ trưởng Quốc Phòng Christine Lambrecht từng bị dư luận đông đảo chế nhạo việc đã gửi 5000 mũ sắt cho Ukraina, trong khi quân đội nước này đang cố chặn đà tiến của các chiến xa Nga về thủ đô.

 

Việc bà bất ngờ từ chức, thay vào đó là ông Boris Pistorius, vài ngày trước cuộc họp ở Ramstein làm dấy lên nhiều câu hỏi. Hành động ngay sau khi nhậm chức, tân bộ trưởng Quốc Phòng Đức phải gặp đồng nhiệm Mỹ Lloyd Austin, trước cuộc họp ngày thứ Sáu tới, tại căn cứ không quân của Mỹ.

 

Sau thông báo chuyển xe tăng của Anh cho Ukraina, Đức, đối mặt với áp lực ngày càng lớn của các đồng minh, không thể im lặng, theo nhận định của chuyên gia Rod Thornton. Chuyên gia này e rằng sự thay đổi vội vàng bộ trưởng ở Berlin làm suy yếu sự đoàn kết của phương Tây trong việc quyết định các cam kết mạnh mẽ. « Sẽ có việc gia tăng hỗ trợ cho Ukraina, nhưng có thể làm dưới nhiều hình thức, có lẽ sẽ không ở dưới dạng các chiến xa như Kiev mong chờ », chuyên gia Rod Thornton kết luận.

 

( Theo France24.com)

 

----------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

PHÂN TÍCH

Chiến tranh Ukraina: Liệu chiến xa hạng nặng có thể giúp Kiev thay đổi cuộc chơi ?

CHIẾN TRANH UKRAINA - NATO - VŨ KHÍ

Chiến tranh Ukraina: NATO đồng ý cấp thêm vũ khí hạng nặng cho Ukraina “trong một tương lai gần”

 

 





No comments: