Monday, January 16, 2023

DÂN 'BỤI ĐỜI' QUANH DÒNG KÊNH NHIÊU LỘC - THỊ NGHÈ SỐNG RA SAO? (Tidoo Nguyễn / BBC News)

 



Dân 'bụi đời' quanh dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè sống ra sao?

Tidoo Nguyễn

Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn

16-01-2023

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c2qwl5d0vvqo

 

Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè có chiều dài gần 9 cây số, bắt đầu từ điểm giao giữa hai con đường Lê Bình và Út Tịch nằm ở quận Tân Bình, chảy dài qua các quận: Tân Bình, quận 3, Phú Nhuận, quận 1, Bình Thạnh, rồi đổ ra sông Sài Gòn tại cảng Ba Son, quận 1.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/d8bf/live/32313550-9588-11ed-927a-db5a8c89813d.jpg

Bên trong công viên dọc kênh Nhiêu Lộc có bảng cấm đánh bắt cá và cấm tụ tập buôn bán

 

Dự án cải tạo môi trường kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè bắt đầu vào tháng 3 năm 2003 và hoàn tất vào tháng 8 năm 2012 (gần 10 năm). Sau đó, tháng 2 năm 2020, nhà nước tiếp tục phải nạo vét đoạn kênh từ cầu Lê Văn Sỹ đến ngã ba sông Sài Gòn dài khoảng 5,8 cây số, hoàn thành hồi tháng 5 năm 2020.

 

Đi ngang con đường Hoàng Sa và Trường Sa ở hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, hầu như ai cũng chứng kiến cuộc sống của người dân vào ban ngày, tuy nhiên hiếm ai biết sinh hoạt ban đêm ở nơi đây. Đặc biệt là cuộc sống của “dân bụi đời” trong công viên, dọc theo hai bên bờ kè kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

 

Giáo dân chờ đón Giáng Sinh ở một vùng ngoại ô Sài Gòn

Người già ở Việt Nam: Được tạo mọi điều kiện trên giấy!

Người Việt và muôn nẻo đường tiếp tục ra đi

 

Các băng ghế nằm rải rác trong công viên quanh bờ kè là “giường” của những thanh niên “đi bụi” từ 23 tuổi đến 30 tuổi – độ tuổi lao động sung sức nhất. Hầu hết các thanh niên “đi bụi” khi được hỏi chuyện đều có chung một hoàn cảnh là “hết tiền”.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/c16b/live/3a38c2d0-9589-11ed-927a-db5a8c89813d.jpg

Hạ nguồn kênh Nhiêu Lộc ở quận 1 đổ ra sông Sài Gòn

 

.

Hai thanh niên “bụi đời” trong đồng phục của dịch vụ giao hàng

 

Một đêm, tôi gặp hai thanh niên mặc đồng phục của dịch vụ giao hàng, một người khoảng 25 tuổi nằm trên võng được giăng vào hai gốc cây hoa sứ trong công viên và người kia nằm trên băng ghế bên cạnh che mặt ngủ, chiếc xe gắn máy dựng kế bên được che bảng số.

 

Khi thấy tôi, người nằm trên võng hỏi xin vài điếu thuốc hút, và giãi bày là bị cướp điện thoại, đang rất đói mà không còn tiền để ăn, cho dù là một ổ bánh mì. Rồi người này móc trong túi ra cho xem chỉ còn ba ngàn đồng và đề nghị tôi giúp đỡ.

 

Tôi chỉ có thể chia sẻ cho thanh niên này vài điếu thuốc hút vì không đem theo tiền và điện thoại khi đi bộ vào ban đêm. Tôi tiếp tục chặng đường của mình, một hồi sau quay lại chỗ cũ thì hai người này đã biến mất.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/83a6/live/fa62e730-9588-11ed-927a-db5a8c89813d.jpg

Đêm trên dòng kênh Nhiêu Lộc nhìn cũng lung linh mờ ảo

 

.

Thanh niên 30 tuổi không dám về nhà vì sợ mẹ la

 

Đêm khác, tôi gặp một thanh niên đứng tựa vào thanh chắn bờ kè, đối diện là một xe gắn máy được dựng bên lề đường. Khi thấy tôi đi ngang, thanh niên này hỏi xin tôi một điếu thuốc, và than thở về hoàn cảnh bị cướp điện thoại, hết tiền đổ xăng, và không dám về nhà ở quận 11 vì sợ mẹ la (?). Tôi hỏi bao nhiêu tuổi rồi mà sợ mẹ la? Thanh niên trả lời: 30 tuổi.

 

Khi biết tôi không đem theo tiền và điện thoại, thì người này đề nghị tôi về nhà lấy tiền để trợ giúp vài chục ngàn cho anh chàng đổ xăng.

 

Tôi cũng chỉ chia sẻ vài điếu thuốc và đi tiếp. Một lát sau, tôi đi bộ ngang qua chỗ cũ thì thanh niên này đã biến mất cùng với chiếc xe, dù xe đang hết xăng (!)

 

.

Thanh niên 23 tuổi đang nuôi bà nội 95 tuổi đang nằm bệnh viện

 

Vụ Ngân hàng SCB, có ai nghĩ tới các nạn nhân?

Khi nào Việt Nam trở thành nước của người di dân?

Việt Nam: Muốn chữa bệnh tâm thần thì 'bạn phải giàu'

 

Một thanh niên trẻ đang mắc võng vào thanh chắn trên bờ kè thì tôi đi ngang. Tôi hỏi: “Sao không về nhà ngủ?”. Thanh niên này cho biết 23 tuổi, quê Bến Tre, ban ngày đi sơn các loại kệ cho siêu thị, ban đêm đi nuôi bà nội 95 tuổi đang nằm bệnh viện. Khi từ bệnh viện về, anh chàng ghé nhà bà chị ở Bình Thạnh ngủ nhưng về trễ quá, chó sủa, sợ con của chị mới 3 tháng tuổi thức giấc nên ra công viên ngủ chờ sáng mới về.

 

Tôi mời thanh niên này một điếu thuốc và đưa thêm vài điếu để dành. Rồi anh chàng móc trong túi ra cái điện thoại Vertu (?), than thở trong tài khoản điện thoại hết tiền mà cũng không có tiền mặt để đi xe ôm về nhà. Tôi làm lơ và chào tạm biệt.

 

Đêm hôm sau, tôi gặp lại anh chàng này ở chỗ cũ. Tôi hỏi: “Chưa về nhà à? Rồi tắm rửa ở đâu?”. Anh chàng trả lời: “Tắm ở nhà tắm trong bệnh viện hoặc nhà tắm ở khu Lăng Ông Bà Chiểu”. Hôm sau và vài hôm sau nữa, tôi vẫn thấy thanh niên này lang thang trong công viên.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/a56b/live/7da336e0-9589-11ed-927a-db5a8c89813d.jpg

Khi nước ròng trên dòng kênh Nhiêu Lộc lại có thuyền đi vớt rác người dân vô ý thức thả xuống kênh

 

.

Đi bụi vì mất việc hoặc đang đi tìm việc

 

Có những thanh niên “đi bụi” kể với tôi vừa bị mất việc vì gây lộn với đồng nghiệp. Có người lại kể mới từ dưới quê lên tìm việc trên Sài Gòn và chưa tìm được việc nên họ ra băng ghế trong công viên ngủ cho qua ngày. Thế nhưng tôi gặp họ rất nhiều lần trong công viên vào ban đêm. Tôi hỏi: “Chưa có việc tại sao không về lại quê?”. Họ trả lời tôi bằng sự im lặng.

 

Trong những khoảnh khắc im lặng ở đây, tôi nghe được cả tiếng cá quẫy mình giận dữ trong dòng nước đen của con kênh, tiếng chim lẻ loi kêu vang một vùng trời, tiếng sột soạt của những con chuột moi rác, tiếng gió thổi ù ù…

 

Làn gió se lạnh của Sài Gòn vào những ngày cận tết Nguyên Đán làm người có việc ra đường ban đêm rùng mình, và với dân bụi đời đang lang thang hay nằm co ro một mình trên băng ghế trong bóng tối chắc sẽ vừa lạnh vừa cô đơn. Có điều lý do thực sự của việc “đi bụi” chỉ có họ mới biết và chỉ có họ mới tự mình thoát ra nếu muốn, bởi có lẽ chả ai muốn sống và sinh hoạt giữa bóng đêm – dù là nghĩa đen hay nghĩa bóng.

 

----------------

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả hiện đang sinh sống ở Sài Gòn.

 

-----------------

TIN LIÊN QUAN

 

Chuyện người thiểu số ở Việt Nam bị lừa sang Campuchia và di chứng

9 tháng 1 năm 2023

.

Xem triển lãm 'Nếp xưa' nghĩ về người Hà Nội xưa và nay

14 tháng 10 năm 2022

.

Tham nhũng ở Việt Nam 'là việc trong nhà của Đảng CS và giới thượng lưu chính trị'?

24 tháng 6 năm 2022

.

Y tế Việt Nam: Không có tiền ai dám vào bệnh viện

12 tháng 8 năm 2022

 




No comments: