Trung Quốc và Việt Nam có một tương lai chung thế nào?
PGC, TS Phạm Quý Thọ
Bài bình luận của ông Phạm Quý Thọ- PGS,TS nguyên
Trưởng Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch-
Đầu tư, Việt Nam.
16-01-2023
https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/china-vn-common-future-01162023102646.html
Trung Quốc và Việt Nam từng chung “chiến hào” trong chiến tranh nóng và
lạnh, nhưng nay trong bối cảnh thế giới thay đổi phức tạp ông Tập Cận Bình thấy
hai nước có chung một tương lai. Ông ấy ám chỉ xã hội chủ nghĩa và cam kết thúc
đẩy trong Thư
chúc mừng trao đổi giữa hai ông Tổng Bí thư của hai Đảng cộng sản
(CS) nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
.
“CHỦ NGHĨA TƯ BẢN ĐÃ CỨU HAI NƯỚC”
Hai Đảng CS Trung Quốc và Việt Nam đang tập trung quyền lực cao độ để đối
phó với chủ nghĩa tư bản thân hữu để tránh sụp đổ chế độ. Đây là hệ quả của
chính sách cải cách thể chế không tương thích với kinh tế thị trường. Thực tế
cho thấy chủ nghĩa tư bản đã cứu hai nước có chung chế độ chính trị theo chủ
nghĩa cộng sản. Và, không chỉ có vậy nó đã trở thành xu hướng phát triển không
thể đảo ngược.
Trung Quốc đã tuyên bố theo chủ nghĩa xã hội (CNXH) từ năm 1949 nhưng ở
bên bờ vực sụp đổ về kinh tế sau những thất bại bởi những chính sách hoang tưởng
của Mao Trạch Đông. Nó đã được “cứu” bởi chủ nghĩa tư bản. Sự thật được kể lại
rằng vào cuối những năm 1970s có mười tám người nông dân ở làng Xiaogang (tiếng
Trung: 小岗村) đã thực hiện “khoán chui”, sau khi hoàn
thành định mức của Nhà nước, họ sẽ được phép giữ lại bất kỳ khoản thặng dư nào
cho riêng mình và bán những thứ họ không cần. Hành động “mạo hiểm” vì đi ngược
chính sách XHCN của Đảng CS, nhưng đã mang lại kết quả thật kỳ diệu. Những nông
dân này trong 1 năm đã gặt hái số ngũ cốc nhiều hơn toàn bộ ngôi làng sản xuất
trong 10 năm trước đó cộng lại!
“Mô hình Xiaogang” đã là cú huých buộc Đảng CS phải nới lỏng sự kìm kẹp
đối với người dân và cải cách kinh tế sâu rộng, chính sách “mở cửa” và “trải thảm
đỏ” cho đầu tư tư bản nước ngoài. Nền kinh tế ngày càng trở nên tự do, người
dân càng trở nên giàu có hơn, hàng trăm triệu dân đã thoát khỏi đói nghèo. Hàng
triệu công ty tư nhân và ngoại quốc đang hoạt động, “công xưởng thế giới” phát
triển, thành phần kinh tế tư nhân đóng góp trên 60% GDP, đô thị hoá nhanh
chóng…
Hình minh hoạ: Các xe
container chở hàng chờ đợi tại cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn, trên biên giới giữa
Việt Nam và Trung Quốc hồi tháng 2/2020. Ảnh Reuters
“Phép màu kinh tế” thực sự thuộc về chủ nghĩa tư bản thị trường tự do
và 18 nông dân dũng cảm đã liều mạng thử sức với nó. Trung Quốc đã trỗi dậy từ
một trong những nước đông dân và nghèo nàn thành một quốc gia giàu nhất thế giới
trong ba mươi năm. Tuy nhiên, sự giải thích về sự thành công này còn khác biệt.
Các nhà cải cách biện minh rằng nhược điểm của chế độ dân chủ là ra quyết định
chậm chạp bởi bị chia rẽ và đặc tính của các tập đoàn tư bản là tham lam…, và dựa
vào lý thuyết chủ quyền quốc gia và tư tưởng thực dụng để tạo ra mô hình “XHCN
đặc sắc Trung Quốc”. Trong khi các nhà lãnh đạo phương Tây đã thừa nhận rằng
quan niệm phát triển kinh tế thị trường sẽ dẫn đến dân chủ là ngộ nhận và sai lầm.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của
Trung quốc đã chậm lại, dân số già đi do chính sách 1 con cực đoan, chính sách
ngoại giao hung hăng, xã hội tư bản thân hữu lan rộng… là do sự lãnh đạo độc
đoán, chuyên quyền. Sự vận hành mô hình chính trị dưới thời Tập Cận Bình khẳng
định sự kiểm soát chưa từng có đối với xã hội, đã có dấu hiệu xã hội quay trở lại
quá khứ chủ nghĩa Mao. Tương lai XHCN trở nên bất định trong bối cảnh cạnh
tranh ý thức hệ căng thẳng.
Sự kiện “khoán chui” ở tỉnh Vĩnh Phú, Việt Nam mở đầu cho đường lối Đổi
mới năm 1986 “tương đồng kỳ lạ” với câu chuyện kể trên ở Trung Quốc tạo cú
huých cho Chính sách cải cách và mở cửa. Các thế hệ lãnh đạo Đảng CS coi cải
cách ở Trung Quốc là tấm gương noi theo để duy trì chế độ. Mặc dù, việc áp dụng
mô hình Trung Quốc còn gặp khó khăn do thiếu chủ thuyết phát triển và những yếu
tố đặc thù, thậm chí còn trải qua “thập kỷ mất mát” trong những năm 2010s nhưng
Việt Nam không thể buông bỏ mô hình này. Đặng Tiểu Bình khi phát động cuộc chiến
tranh biên giới 1979 với Việt Nam đã ám chỉ điều này khi “tự phụ” cho rằng ông
ta thấu hiểu các nhà lãnh đạo Việt Nam.
Sau giai đoạn “bất ổn kinh tế vĩ mô và thể chế” Đảng CSVN đã thâu tóm
quyền lực để khẳng định tại Đại hội 13 chính sách củng cố Đảng – Nhà nước mạnh
để theo đuổi tăng trưởng kinh tế nhờ thị trường. Đây là một phiên bản đặc thù của
mô hình Trung Quốc dựa vào tư tưởng “chủ nghĩa tân độc đoán.”
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh
AFP
.
CHỦ NGHĨA XÃ HỘI LÀ TƯƠNG LAI CHUNG?
Việc thử nghiệm của học thuyết CNXH trong hơn thế kỷ qua đã gây ra những
cuộc cách mạng đẫm máu, chiến tranh ý thức hệ, hàng chục triệu người chết và những
kẻ độc tài… Như đã biết, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa sụp đổ từ cuối những
năm 1990s, nhưng mô hình Trung Quốc trỗi dậy, tự coi là xã hội chủ nghĩa đặc
thù, đó là lý do khiến nó vẫn nhận được sự quan tâm.
Ý tưởng CNXH đã manh nha từ cổ xưa, nhiều công trình khảo cổ học đã chứng
minh điều này. Tuy nhiên, nó bùng lên để trở thành một chủ thuyết phát triển chỉ
sau thời kỳ Khai sáng cách đây khoảng 250 năm. Đó là một thời điểm trong lịch sử
khi các triết gia bất ngờ lật đổ giáo điều và truyền thống tôn giáo và thay thế
bằng lý trí của con người. Họ nghĩ “đột phá” về tương lai loài người và, một
trong ý tưởng ban đầu được biết đến là chủ nghĩa xã hội không tưởng. Và, như một
lý thuyết nó phê phán sự bất công của chủ nghĩa tư bản, vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp
mà xã hội loài người cần hướng đến bằng và với những giải pháp mờ nhạt, mang
tính chất thiên về “cải lương”. Dù còn sơ khai và khiếm khuyết nhưng nó cũng được
coi là một cơ sở của chủ nghĩa xã hội “khoa học” sau này, chủ thuyết mang tên
nhà triết học nổi tiếng người Đức gốc do thái Các Mác. Ông lập luận rằng xã hội
loài người tiến hoá theo năm phương thức sản xuất, từ xã hội nguyên thuỷ, chế độ
nô lệ, phong kiến, tư bản và cuối cùng là cộng sản.
Bối cảnh xã hội lúc ông Mác sống là chế độ tư bản và, ông ấy đã viết
“tư bản luận”, một nghiên cứu công phu, chứng minh rằng sự sụp đổ của nó là tất
yếu, nhưng đã không chỉ ra cụ thể cách thức đến chế độ cộng sản thế nào. Những
người theo ông sau này, từ V. Lênin, J. Stalin ở nước Nga trong nửa đầu thế kỷ
20 đến Mao Trạch Đông và Hugo Chavez - kẻ khiến Venezuela bị hủy hoại bởi chính
sách xã hội chủ nghĩa, đều tìm cách này hay cách khác để biến “tài sản tư”
thành “tài sản công” hòng thiết kế một chế độ xã hội chủ nghĩa, như họ khăng
khăng, đó là giai đoạn đầu của xã hội cộng sản…
Những người thực hành chủ nghĩa Mác đã cố tình coi CNXH là mục đích
thay vì phương tiện để biện minh cho hành vi. Đó là lý do để giải thích vì sao
CNXH còn hấp dẫn nhiều người dù khi thực hành lại gây ra nhiều điều ác trên thế
giới. Con người vốn tin rằng họ được thúc đẩy bởi mục đích tốt. Họ nghĩ thế
này: nếu có Ý tốt, thì sẽ LÀM tốt, do đó sẽ TỐT. Và, giới cai trị đã dựa vào điều
này để thực hành: nếu ai chống lại, sẽ là người không có ý tốt, và không thể tốt.
Mặc dù hai nhà lãnh đạo hai ĐCS vẫn khăng khăng về CNXH là tương lai
chung, tuy nhiên, trước mắt cả hai ông đang phải đối phó với chủ nghĩa tư bản
thân hữu nghiêm trọng - một xã hội được hình thành như hệ quả của tư tưởng thực
dụng nhờ chủ nghĩa tư bản hòng xoá nhoà ranh giới ý thức hệ. Thực tế đã chỉ ra
“đường đến địa ngục cũng có thể được lát bằng những mục đích tốt”, chủ nghĩa xã
hội được coi là “tươi đẹp” nhưng chúng ta sẽ đến đó thế nào và bằng cái gì?
-----------------------------------------------------------------
* Bài viết không thể
hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
No comments:
Post a Comment