Bảo
tồn di sản văn hóa Việt – từ thế hệ bản lề, những trang mới sẽ được tiếp nối
Đoan Trang -
Saigon Nhỏ
22 tháng 1, 2023
Giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa giống nòi là điều
khó làm, bởi cần sự tiếp nối từ những người con biết quý trọng truyền thống, lịch
sử đất nước và mang nặng tình yêu quê hương.
Sống ở một trong những cộng đồng Việt lớn nhất hải
ngoại, các thế hệ hậu duệ tại Orange County, California tự hào vì được góp bàn
tay thực hiện trọng trách đầy vinh dự này hơn 40 năm qua.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/01/Bao-ton-di-san-van-hoa-Viet-2-1280x853.jpg
Hội chợ Tết Sinh viên
Nhâm Dần 2022 lần thứ 40 tổ chức tại OC Fair & Event Centre ở Costa Mesa (ảnh:
Văn Lan)
.
Từ Hội Tết Sinh Viên
Từ năm 1982, người Việt định cư ở Mỹ được hưởng không khí Tết, qua Hội
Tết Sinh Viên, được Tổng Hội Sinh Viên (THSV) Nam California tổ chức. 1982 cũng
là năm đầu tiên THSV ra đời. Và từ đó, Tết Nguyên Đán trở thành một trong những
hoạt động tiêu biểu nhất của một hội đoàn dành riêng cho giới trẻ – những thế hệ
hậu duệ đầu tiên ở tiểu bang có nhiều người Việt tập trung sinh sống nhất,
ngoài Việt Nam.
Là tổ chức phi lợi nhuận, THSV hoạt động hoàn toàn vì cộng đồng, không
đảng phái, nhằm mang lại tiếng nói chung cho thanh niên Việt-Mỹ và các nhà lãnh
đạo từ khắp miền Nam California.
Anh Lý Vĩnh Phong, một trong những người gắn bó với THSV nhiều năm, là
phó chủ tịch và sau đó là chủ tịch nhiệm kỳ 2009-2011, nhớ lại: “Nói về THSV là
phải kể tới Hội Chợ Tết Sinh Viên rất ấn tượng với hầu như 100% là thiện nguyện
viên, mà đa số là sinh viên còn đang đi học, trong đó có cả học sinh trung học
nữa. Ban chấp hành qua nhiều nhiệm kỳ lắm khi có tới một nửa là sinh viên vừa tốt
nghiệp, rất trẻ trung và đầy nhiệt huyết.”
Hầu như các hoạt động lễ hội văn hóa truyền thống của THSV tổ chức đều
được cô bác đi trước cố vấn, để giữ được “bản gốc” mà không bị sai lệch. Hội Tết
Sinh Viên hàng năm có sự hậu thuẫn của các hội đoàn trong cộng đồng, như Trung
Tâm Việt Ngữ Nam Cali, Bút Họa Châu Thụy, Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt, Đoàn Thanh
Niên Phan Bội Châu, Đoàn Văn Nghệ Lạc Hồng, Hội Cựu Nữ Sinh Gia Long, Hội Cây
Kiểng, các Liên Đoàn Hướng Đạo Hoa Lư, Lạc Việt, Văn Lan…
Hội Chợ Tết Sinh Viên nào cũng có đầy đủ nghi thức truyền thống, như lễ
rước kiệu Vua Hùng, lễ dựng nêu, hay các phong tục văn hóa gắn liền với dịp đầu
năm như đám cưới đầu Xuân, lễ vinh quy bái tổ, trận chiến Đống Đa Mùng 5 Tết,…
Trong 20 năm nay trở lại đây, khi cộng đồng Việt ở Orange County đông
và “bề thế” hơn, các nghi thức, nghi lễ và những tái hiện văn hóa truyền thống
được đầu tư nhiều, kỹ lưỡng, và đặc sắc hơn. Người từ các nơi, hàng năm về
Orange County ăn Tết, đến Hội Chợ Tết Sinh Viên sẽ được sống lại không khí quê
hương, với những ngôi Làng Việt Nam, ngắm cảnh chùa Một Cột, chợ Bến Thành, phố
Văn Lâu, cổng Ngọ Môn,…
Hội Chợ Tết Sinh Viên những năm đầu tiên được tổ chức ở nhiều nơi khác
nhau tùy điều kiện. Như năm đầu tiên 1982, hội chợ được tổ chức ở góc đường
Hover-Westminster thuộc thành phố Westminster; có năm làm ở Garden Grove Park,
thành phố Garden Grove; có năm diễn ra ngay tại khu Tượng Đài Chiến Sĩ Trận
Vong ở Westminster,…
Từ năm 2013, ban tổ chức quyết định chọn OC Fair & Event Centre ở
Costa Mesa là nơi tổ chức thường niên. “Nhưng bất kể địa điểm nào, Hội Chợ Tết
Sinh Viên vẫn là nơi thu hút đồng hương Việt, hàng chục ngàn người, từ khắp nơi
đổ về hàng năm vào dịp Tết,” Phong nói. “Nhờ thế, tổng hội đã trao được hơn
$1.5 triệu tiền thu được từ lễ hội dưới dạng tài trợ của cộng đồng, cho các hội,
đoàn trên khắp Nam California.”
Hội Tết Sinh Viên gây tiếng vang nhiều năm liền, mãi đến tận bây giờ.
Vào năm 2008-2009, hoạt động này được trao giải Sóng Vàng – giải thưởng thường
niên của Little Saigon Radio, Hồn Việt TV, nhằm vinh danh các hội đoàn và cá
nhân có những đóng góp hữu ích cho cộng đồng hải ngoại về nhiều phương diện văn
hóa, khoa học, xã hội, chính trị.
.
Đến lịch sử truyền khẩu của người Việt hải ngoại
Là con gái của một gia đình thuyền nhân, giáo sư Thúy Võ Đặng –
người Việt trẻ tuổi đầu tiên của thế hệ hậu duệ, cho ra đời quyển Vietnamese
in Orange County (Người Việt ở Orange County) có giá trị về việc lưu
truyền văn hóa Việt. Từ năm 30 tuổi, khi giữ cương vị giám đốc Văn Khố Đông Nam
Á tại Đại học UC Irvine, cô đã nhận thức được việc mình phải làm là lưu giữ lại
những miền ký ức, lịch sử của một thế hệ người Việt sống xa quê hương, của các
bậc tiền bối, mà nếu không ghi lại và gìn giữ, tất cả sẽ đi vào dĩ vãng.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/01/Bao-ton-di-san-van-hoa-Viet-3.jpg
Bìa sách “Vietnamese
in Orange County”
Giáo sư Thúy cho biết, cuốn sách hoàn thành năm 2015 là tư liệu bằng
hình ảnh sống động, từ các bộ sưu tập lưu trữ của UC Irvine, cũng như hình ảnh
cá nhân của các tác giả, nhà báo, nghệ sĩ, sinh viên và các nhà lãnh đạo cộng đồng,
mà qua đó, độc giả có thể có được cái nhìn tổng quát suốt 40 năm định hình cộng
đồng người Việt ở Orange County.
“Không có văn khố nào có được đủ tài liệu về cộng đồng, nên chúng tôi
phải làm nghiên cứu nhiều nơi và hợp tác với những hội đồng trong cộng đồng,”
giáo sư Thúy nói. “Chúng tôi tốn một năm để thu thập tài liệu cho cuốn sách và
cho xuất bản bằng tiếng Anh trước, rồi sẽ dịch sang tiếng Việt trong thời gian
sớm nhất.”
Quyển sách có giá trị về lịch sử, được minh họa bằng hàng trăm tấm hình
tư liệu quý giá, không dễ gì có được. Các tác giả khi thực hiện cuốn sách này đều
trong độ tuổi ba mươi, và lớn lên ở Mỹ. Họ không chỉ muốn tìm hiểu ngọn ngành về
thế hệ cha, anh mình, mà còn vì tình yêu Quê Hương.
Giáo sư Thúy, hiện chuyên về nghiên cứu thông tin tại UCLA, cho biết,
40 năm là một khoảng thời gian dài, và nhiều người di tản không giữ được nhiều
kỷ vật, hình ảnh, nhất là những tấm hình lúc mới qua Mỹ, nên cuốn sách 127
trang này, với số lượng hình ảnh khoảng 200 tấm, vẫn thiếu nhiều.
Cùng thực hiện với giáo sư Thúy Võ Đặng khi ấy còn có giáo sư Linda Trịnh
Võ và cô Trâm Lê, thạc sĩ nghệ thuật nghiên cứu về người Mỹ gốc Á tại Đại học
California, Los Angeles, và là quản lý về nghệ thuật và văn hóa cho thành phố
Santa Ana.
Những người thực hiện đã thu thập từ 223 cuộc phỏng vấn để viết lên kỷ
niệm qua các câu chuyện mà không phải ai cũng nhớ và muốn nhắc tới. Nhưng tất cả
những câu chuyện ấy đều mang giá trị lịch sử truyền khẩu cho thế hệ sau này.
Ngoài quyển Vietnamese in Orange County, những gì các tác giả thu
thập được còn là nguồn tư liệu chính cho hai cuộc triển lãm Câu Chuyện
Việt: Hồi tưởng & Tái tạo (Viet Stories: Recollections &
Regenerations) tại Santa Ana và Yorba Linda, thuộc dự án Viet Stories do giáo
sư Linda Trịnh Võ làm giám đốc và do Đại học UC Irvine thực hiện.
Theo cô Trâm Lê, tuy đã ghi chép được hơn 200 câu chuyện, dự án Viet
Stories vẫn cần thêm hơn 200 câu chuyện nữa. Và như thế, trọng trách vẫn còn
trên vai thế hệ hậu duệ, để nối tiếp những câu chuyện chưa bao giờ chấm dứt.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/01/Bao-ton-di-san-van-hoa-Viet-4.jpg
Kỷ vật, hình ảnh thu
thập được của “Dự án Câu chuyện Việt: Lịch sử Truyền khẩu Người Mỹ gốc Việt” (ảnh:
UCI Libraries Southeast Asian Archive)
.
Lạc quan
Chứng kiến sự ra đi vì tuổi tác theo qui luật tự nhiên của các vị tiền
bối, nhiều người lo lắng rằng thế hệ Việt sau này trên đất Mỹ liệu có giữ
được di sản bản sắc văn hóa dân tộc, khi sống trong một cộng đồng dân cư tuy lớn
nhưng cũng chỉ là thiểu số. Ở tuổi U40, thái độ của Lý Vĩnh Phong khá bình tĩnh
về vấn đề này.
“Chúng tôi không quá kỳ vọng thế hệ hậu duệ sẽ làm được những gì mình từng
làm, hoặc có những suy nghĩ giống như cha, anh của họ,” Phong nói. “Tôi quan niệm
xã hội thay đổi, văn hóa cũng thay đổi theo, và những thay đổi để thích ứng với
xã hội hiện tại là điều có thể chấp nhận được.”
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/01/Bao-ton-di-san-van-hoa-Viet-6.jpg
Lý Vĩnh Phong (ảnh do
nhân vật cung cấp)
Phong dự đoán thế hệ sau này có thể sẽ còn có ít người nói được tiếng
Việt, thậm chí họ sẽ không biết nói tiếng Việt, nhưng điều đó không có nghĩa họ
không ý thức được mình là người gốc Việt. “Người ta thường nói tiếng Việt
còn, người Việt còn, theo tôi chỉ đúng một phần, vì nước Việt còn có văn
hóa Việt, ẩm thực Việt, trang phục Việt, nếp sống Việt,…
Tất cả đều có bản sắc riêng, rất tuyệt vời, mà người gốc Việt nào cũng
tự hào và muốn giữ gìn,” Phong khẳng định, và dẫn chứng về cộng đồng người Mỹ gốc
Nhật – một cộng đồng sống rải rác trên đất Mỹ chứ không tập trung như người Việt.
Thế hệ người Mỹ gốc Nhật sau này rất ít người biết tiếng Nhật, nhưng họ
vẫn có khu Tokyo, có những ngôi chùa Nhật Bản ở Orange County và Los Angeles; họ
vẫn tổ chức các lễ hội văn hóa Nhật, mặc kimono truyền thống,… Người Nhật giữ
được văn hóa Nhật, chẳng lẽ hậu duệ người Việt không bảo tồn được lịch sử, truyền
thống văn hóa của mình sao?
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/01/Bao-ton-di-san-van-hoa-Viet-5.jpg
Giáo sư Thúy Võ Đặng (ảnh
do nhân vật cung cấp)
Giáo sư Thúy từng dạy các lớp học cho người Mỹ gốc Việt và thiết kế các
dự án cho sinh viên của mình thu thập tư liệu về cộng đồng. Cô muốn người Mỹ hiểu
về lịch sử cộng đồng người Việt như là một phần của lịch sử nước Mỹ. Giáo sư
Thúy cũng bày tỏ lạc quan về thế hệ sau này. Cô có ba người con, 11 tuổi, 9 tuổi
và 6 tuổi. Lúc còn nhỏ, các con của cô chưa biết nhiều về lịch sử, nhưng càng lớn,
các cháu thay đổi cách nhìn, và thường đặt cho cha mẹ những câu hỏi về gia
đình, lịch sử, cách sống của người Việt, và nhất là: “Tại sao mình lại có mặt ở
nước Mỹ?”.
Chắc chắn các em của những gia đình gốc Việt khác cũng như con của giáo
sư Thúy. Quan trọng hơn, California sẽ áp dụng luật mới: Bắt đầu từ năm học
2025-2026, tất cả các trường công lập tại tiểu bang phải cung cấp ít nhất một
khóa học về nghiên cứu dân tộc, và yêu cầu học sinh tốt nghiệp trong năm học
2029-30 phải hoàn thành khóa học kéo dài một học kỳ của môn học này. Quyển Vietnamese
in Orange County và những câu chuyện truyền khẩu sẽ là tư liệu quý
giá, cần thiết để các thầy cô giáo soạn bài giảng cho học sinh.
Khi được đặt vấn đề liên quan giáo dục, rằng học sinh gốc Việt học môn
lịch sử Việt như lịch sử nước ngoài; học tiếng Việt như một ngoại ngữ, giáo sư
Thúy cũng không tỏ ra bi quan. Đặc biệt với người Việt ở Orange County, cô cho
rằng đây là cộng đồng may mắn, vì được phục vụ nhiều chương trình phong phú của
Trung tâm văn hóa Việt Ngữ, Hội Văn học Nghệ thuật Việt Mỹ, Viet Film Fest,… và
các trường đại học như UCLA, UC Fullerton đều có lớp tiếng Việt.
*****
Theo anh Lý Vĩnh Phong, 40 năm Hội Tết Sinh Viên, không phải năm nào
cũng lớn nhất, cũng hay nhất, nhưng họ tự hào vì lễ hội này chưa từng bị gián
đoạn, ngoại trừ một năm duy nhất 2021 không thể tổ chức được do đại dịch
COVID-19. Đó là một trong những dấu ấn đáng kể nhất và sẽ nằm trong những trang
sử của cộng đồng người Việt lớn nhất ở hải ngoại.
Thế hệ những người sinh ra ở Việt Nam và lớn lên ở Mỹ như Lý Vĩnh
Phong, như giáo sư Thúy Võ Đặng không phải là “người bắt đầu” và chưa phải là
người sau cùng. Họ vinh dự được là thế hệ bản lề, là gạch nối cho lớp hậu duệ
đang dần hình thành và kế tục.
____________
Bài đã đăng trong Giai
phẩm Xuân 2023 của Saigon Nhỏ phát hành ngày 19 Tháng Mười Hai 2022
No comments:
Post a Comment