2023 :
Tiền, công cụ để Trung Quốc xây dựng một trật tự thế giới mới ?
Thanh Hà - RFI
Đăng ngày: 03/01/2023 - 14:53
Năm 2023, một năm « đầy khó khăn ». IMF dự
báo « một phần ba kinh tế toàn cầu sẽ lâm vào suy thoái, những biến thể của
virus gây đại dịch Covid vẫn là mối đe dọa chính. Chiến tranh Ukraina không hồi
kết tiếp tục làm rối loạn thị trường năng lượng và lương thực thế giới. Lạm
phát thúc đẩy các ngân hàng trung ương tăng lãi suất chỉ đạo ».
Xung đột tiền tệ giữa
đô la Mỹ và nhân dân tệ của Trung Quốc ? Ảnh
minh họa chụp ngày 04/12/2019. AFP
Liệu đây có là lúc để đồng nhân dân tệ Trung Quốc đọ sức với đô la Mỹ
trên thị trường năng lượng thế giới ?
Quẻ bói đầu năm không mấy tươi sáng
Trong quẻ bói đầu năm, tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, bà Kistalina
Georgieva, không mấy lạc quan về viễn cảnh trong 12 tháng sắp tới với dự báo
2023 sẽ « khó khăn hơn năm cũ », tăng trưởng tại Liên Hiệp Châu Âu, Mỹ
và Trung Quốc ba trọng tâm kinh tế toàn cầu đều « chựng lại ». Một nửa
trong số 27 thành viên Liên Âu lâm vào « suy thoái » và « lần đầu
tiên từ 40 năm nay, tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc ngang bằng với tăng trưởng
toàn cầu ». Chiến tranh Ukraina, tiếp tục « đè nặng » lên đời sống
hàng ngày của hàng trăm triệu người.
Cơ quan thẩm định tài chính Mỹ Fitch từ đầu tháng 12/2022 giảm dự
báo tăng trưởng của Mỹ và Trung Quốc cho năm 2023. Bước sang những ngày đầu năm
mới, hiện tượng giá dầu hỏa và khí đốt giảm không hẳn là một tin vui. Trong
phiên giao dịch hôm 02/01/2022, giá khí đốt trên thị trường châu Âu rơi xuống mức
thấp nhất từ ngày 24/02/2022 khi những người lính Nga đầu tiên tràn sang
lãnh thổ Ukraina.
Covid sau đúng ba năm hoành hành vẫn chưa buông tha Trung Quốc. Tháng
12/2022 chỉ số hoạt động của ngành công nghiệp Trung Quốc sụt giảm trong 5 tháng
liên tiếp. Báo kinh tế Caixin phát hành tại Bắc Kinh ghi nhận : công xưởng
của thế giới đang bị đóng băng, trong 9 tháng liền, chỉ số tuyển dụng thêm nhân
viên vào các nhà máy Trung Quốc tuột dốc.
Nguy cơ xung đột tiền tệ Mỹ -Trung ?
Giới quan sát báo trước, chuỗi cung ứng toàn cầu, với một mắt xích quan
trọng được đặt ở Hoa Lục sẽ còn « tắc nghẽn » trong thời gian sắp tới.
Một số tập đoàn đa quốc gia tiếp tục tính đến giải pháp di dời cơ sở sang nơi
khác, giảm bớt mức độ lệ thuộc vào công xưởng lớn nhất thế giới này. Với những
khó khăn kinh tế chồng chất, tham vọng của Bắc Kinh quốc tế hóa đồng nhân dân tệ
có còn tính thời sự hay không ?
Bộ Tài Chính Nga hôm 30/12/2022 thông báo tỷ lệ của đồng tiền
Trung Quốc trong Quỹ Tài Sản Quốc Gia FBN « đã được nhân lên gấp
đôi », Nhân dân tệ chiếm 60 % quỹ để tài trợ thâm hụt ngân sách của chính
quyền Liên Bang Nga. Đổi lại, các đơn vị tiền tệ khác như đồng bảng Anh
hay đồng yen Nhật Bản đã « rơi xuống còn số không ». FBN tính đến
ngày 01/12/2022 trị giá 186,5 tỷ đô la Mỹ.
Trước đó, đầu tháng 12/2022, trong chuyến công du Ả Rập Xê Út, chủ tịch
Tập Cận Bình bày tỏ mong muốn thanh toán các hóa đơn năng lượng của Bắc Kinh bằng
nhân dân tệ và mở rộng vai trò của đơn vị tiền tệ Trung Quốc với thế giới.
Jean -Baptiste Nóe, tổng biên tập thời báo chuyên về các vấn đề địa
chính trị Conflits, lưu ý trong một thời gian dài, « đô la là
đơn vị tiền tệ duy nhất được dùng để thanh toán các khoản mua bán năng lượng »
thế nhưng Trung Quốc đã tìm cách phá vỡ thế độc quyền đó của Mỹ bằng cách
« tạo điều kiện để mua dầu hỏa và khí đốt bằng đồng nhân dân tệ ». Dù
vậy trên đài RFI tiếng Việt, ông Nóe đánh giá còn quá sớm để kết luận rằng tính
toán của Bắc Kinh làm suy yếu Mỹ hay làm suy yếu vị thế của đồng đô la Hoa Kỳ :
Jean
- Baptiste Nóe :
« Đúng là có thể nói đô la mất thế độc quyền, không còn là đơn vị tiền tệ
duy nhất để thanh toán các hóa đơn năng lượng, do giờ đây người ta có thể mua dầu
khí bằng nhân dân tệ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chiếm thế thượng phong và đồng đô la vẫn
là đơn vị tiền tệ được sử dụng phổ biển nhất trên thế giới. Sức mạnh của
Hoa Kỳ và của đồng đô la chưa tới hồi kết (…). Từ nhiều năm nay, một số quốc
gia đã tìm cách phá vỡ thế độc quyền của đô la, nhưng tất cả đều đã thất bại, bởi
đó là những nước nhỏ. Lần này Bắc Kinh tìm cách áp đặt luật chơi mới với Mỹ. Là
nền kinh tế thứ hai toàn cầu nên Trung Quốc có trọng lượng để làm như vậy trên
thị trường năng lượng, dầu khí. Washington không còn kiểm soát được hết tất cả.
Dù vậy Hoa Kỳ có một ưu thế mà Trung Quốc không có được : Mỹ là một quốc
gia sản xuất dầu đá phiến. Mỹ vừa sản xuất, vừa xuất khẩu năng lượng nhờ công
nghệ mới này. Trung Quốc thì không. Đây là một lợi thế làm tăng thêm sức mạnh của
Hoa Kỳ ».
Dầu đá phiến giúp Mỹ hạ Trung Quốc 1-0
Chính vì có dầu khí mà Hoa Kỳ không sợ thế độc quyền của đô la bị đe dọa.
Bởi nếu quả thực là đồng nhân dân tệ phần nào có thể thay thế đồng đô la
Mỹ thì « đây sẽ là hồi kết của thế độc quyền không chỉ về mặt tiền
tệ và tài chính, mà còn cả về mặt chính trị ». Vẫn ông Jean–Baptiste
Nóe giải thích : « Nếu như Trung Quốc có thể dùng đơn vị tiền tệ quốc gia để
mua dầu khí, thì có lẽ ngoại trừ Nhật Bản và Hàn Quốc, tất cả các nước châu Á
còn lại hiện đang nắm giữ nhân dân tệ cũng sẽ theo gương của Bắc Kinh ».
Hơn thế nữa, một số quốc gia thù nghịch với Mỹ, từ Venezuela đến Iran, sẽ
không ngần ngại bán dầu hỏa bằng nhân dân tệ thay vì đô la.
Giấc mơ còn xa vời
Thế nhưng kịch bản Bắc Kinh mong đợi ấy đã không xảy ra. Tháng 2/2022,
vào lúc chiến tranh Ukraina bùng phát, Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán
toàn cầu Swift, nhiều người đã tưởng rằng đồng tiền Trung Quốc sẽ từng bước được
sử dụng nhiều hơn, thậm chí sẽ thay thế đồng đô la của Mỹ. Nhưng theo báo cáo
hôm 30/09/2022 của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, đô la chiếm 59,5 % dự trữ ngoại tệ của
các Ngân Hàng Trung Ương trên thế giới, tăng 9,5 điểm so với hồi 2020. Trong
khi đó đồng nhân dân tệ vẫn không cất cánh, với chưa đầy 2,9 %.
Vẫn theo báo cáo này ghi nhận, « khoảng 1/3 dự trữ ngoại tệ bằng đồng
tiền của Trung Quốc là do nước Nga nắm giữ ».
Trên đài RFI tiếng Việt, Jean-Baptiste Nóe giải thích thêm : Hiện
tại Trung Quốc mới chỉ có thể mở rộng ảnh hưởng của đồng tiền quốc gia với các
đối tác châu Á, trong lúc toàn cảnh thế giới đang bị chia ra thành hai cực, kể
cả trên mặt trận tiền tệ :
Jean
- Baptiste Nóe : « Hiện
tại chúng ta thấy đồng nhân dân tệ chủ yếu được mua vào và sử dụng rộng rãi tại
khu vực châu Á. Châu Âu ít bị ảnh hưởng, do vẫn ở trong quỹ đạo của đồng đô la.
Thế giới hiện đang bị phân chia ra thành nhiều khối, mà Trung Quốc và Hoa Kỳ là
trung tâm của những khối đó. Khu vực chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh càng lúc càng
sử dụng nhiều hơn đồng nhân dân tệ. Liên Hiệp Châu Âu đã từng có tham vọng dùng
đồng euro để thoát khỏi ảnh hưởng của đô la Mỹ, nhưng euro zone vẫn thuộc vùng ảnh
hưởng của đô la, của kinh tế Hoa Kỳ ».
Thiếu tin tưởng vào đồng tiền Trung Quốc là trở ngại chính của đồng
nhân dân tệ. Sở dĩ thế giới vẫn ưa chuộng đô la, bởi cộng đồng quốc tế tin tưởng
vào Hoa Kỳ, vào kinh tế Mỹ, vào ảnh hưởng chính trị của Washington. Câu hỏi kế
tiếp là liệu rằng Bắc Kinh có đủ sức đạt tham vọng áp đặt một trật tự tiền tệ mới
với thế giới? Tổng biên tập thời báo Conflits Jean Baptiste
Nóe trả lời :
Jean
- Baptiste Nóe :
« Đúng là kiểm soát được các luồng giao dịch tiền tệ tạo nên một sức mạnh
rất lớn cho Trung Quốc mà đến nay quốc gia này không có được. Bắc Kinh đã thực
hiện rất nhiều dự án đầu tự chủ yếu trong khuôn khổ dự án Con Đường Tơ Lụa mới
thế kỷ 21. Đây là một khoản chi phí rất tốn kém cho dù phần lớn trong số đó do
chính các quốc gia nhận đầu tư của Trung Quốc đài thọ. Trong bối cảnh kinh tế
Trung Quốc đang chựng lại, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và tỷ lệ tăng trưởng thấp
hơn hẳn so với những thập niên vừa qua, câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có vượt
qua được những khó khăn này hay không, hay đây thực sự là hồi kết của một chu kỳ
phát triển chưa từng có của quốc gia châu Á này ».
Trước mắt, các nhà đầu tư quốc tế vào Hoa Lục phải liên tiếp giải quyết
những vẫn đề nảy sinh từ chính sách zero Covid của Bắc Kinh, khủng hoảng địa
ốc kéo dài và đang có khuynh hướng lan tới lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Thêm một dấu hiệu kém khả quan khác cho đồng tiền Trung Quốc trong năm
2023 là vào lúc Mỹ, rồi châu Âu tăng lãi suất chỉ đạo, giới trong ngành dự báo
chính người dân Trung Quốc có thể sẽ mua đô la và euro để đầu tư ở nước ngoài.
Đồng tiền Trung Quốc qua đó thêm suy yếu. Khuynh hướng này càng rõ nét nếu kinh
tế Trung Quốc xấu đi thêm. Ở góc đài bên kia, sức mạnh của đồng đô la đã được củng
cố đáng kể, bởi ngoài Mỹ, tình hình tại khắp mọi nơi trên thế giới đều bấp
bênh, kể cả tại hai điểm tựa của kinh tế toàn cầu là Liên Hiệp Châu Âu và Nhật
Bản.
-----------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Đô
la và nhân dân tệ, một mặt trận khác của cuộc chiến Ukraina
No comments:
Post a Comment