Tuesday, January 3, 2023

VIỄN CẢNH CĂNG THẲNG TRÊN BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN NĂM 2023 (Anh Vũ / RFI)

 



Viễn cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên năm 2023

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 03/01/2023 - 14:16

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20230103-vi%E1%BB%85n-c%E1%BA%A3nh-n%C4%83m-2023-c%C4%83ng-th%E1%BA%B3ng-tr%C3%AAn-b%C3%A1n-%C4%91%E1%BA%A3o-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn

 

Bước sang năm mới 2023, tình hình bán đảo Triều Tiên tiếp tục căng thẳng thêm. Sau các vụ bắn thử tên lửa liên tiếp của Bắc Triều Tiên, hôm thứ Hai (02/01) lần đầu tiên tổng thống Hàn Quốc thông báo chuẩn bị « tập trận hạt nhân » chung với Hoa Kỳ, những dấu hiệu cho thấy bán đảo Triều Tiên khó mà có được một năm yên bình.

 

https://s.rfi.fr/media/display/356414c4-8b63-11ed-a5d4-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/AP22354346973241.webp

Ảnh Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc phổ biến: Chiến đấu cơ và máy bay ném bom chiến lược B52 của Mỹ trong cuộc tập trận chung với Hàn Quốc trên bầu trời bán đảo Triều Tiên ngày 20/12/2022. AP

 

RFI giới thiệu bài trên France 24 ghi nhận những phân tích của các chuyên gia xung quanh những dấu hiệu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

 

Trên bán đảo Triều Tiên, năm 2023 được khởi đầu bằng một chút dư âm của năm 2022. Sau gần một năm đều đặn bắn thử tên lửa, Bắc Triều Tiên ngày đầu năm mới 01/01/2023 tiếp tục bắn một tên lửa tầm ngắn. Trước đó một hôm, Bình Nhưỡng đã khép lại năm cũ bằng ba vụ bắn thử tên lửa. 

 

Ngày Chủ nhật (01/01), lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un hứa hẹn năm 2023 cũng sẽ giống như năm 2022 về kỷ lục bắn thử tên lửa. Ông kêu gọi tăng gấp bội kho vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên trong năm nay bằng việc triển khai « chế tạo hàng loạt » các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. 

 

Trong bài diễn văn, lãnh đạo Bắc Triểu Tiên không ngần ngại coi Hàn Quốc là « mục tiêu ». Đó là những lời lẽ có hệ quả nặng nề. Theo Christoph Bluth, chuyên gia về bán đảo Triều Tiên thuộc Đại học Bradford, Anh Quốc, « thường lệ, Kim Jong Un vẫn tránh các ngôn từ như vậy vì thấy cần phải duy trì ý tưởng 'thống nhất hai miền anh em' ». 

 

Thế nhưng, những ngày qua, một loạt yếu tố chưa từng có tiền lệ cho thấy « chúng ta đang ở trong tình hình rất lo ngại », như nhận định của ông Danilo delle Fave, nhà nghiên cứu về quan hệ hai miền Triều Tiên tại  International Team for the Study of Security (ITSS) Verona, một cơ quan tư vấn an ninh quốc tế.   

 

Trước tiên là sự kiện Bình Nhưỡng đưa 5 drone vào không phận Hàn Quốc hôm 27/12 trêu ngươi hệ thống phòng không của Seoul. Christoph Bluth lưu ý: « Bắc Triều Tiên muốn chứng tỏ họ có thể thành công trong lĩnh vực mà người láng giềng Hàn Quốc vẫn chưa thể hiện được khả năng, dù có trình độ công nghệ cao hơn »,

 

Đặc biệt là việc tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok-yeol đã có những phát ngôn rất chủ chiến trong một cuộc phỏng vấn trên nhật báo Chosun Ilbo hôm thứ Hai. Trong cuộc phỏng vấn này, ông khẳng định Hàn Quốc phải « chuẩn bị tích cực » cho một cuộc xung đột, đồng thời quả quyết rằng Seoul dự tính tiến hành « các cuộc diễn tập hạt nhân chung với Hoa Kỳ ». 

 

Thực sự đây là « thời kỳ chưa từng có » với Hàn Quốc cũng như với Washington, chuyên gia Danillo delle Fave nhấn mạnh. Nhưng Christoph Bluth lưu ý « điều đó không có nghĩa là sắp tới Seoul định trang bị vũ khí hạt nhân ».   

 

Đó chỉ là diễn tập giả định một cuộc tấn công hạt nhân của Bắc Triều Tiên, để chuẩn bị khả năng đáp trả, « bằng cả vũ khí quy ước lẫn hạt nhân », theo Danilo delle Fave. Washington sẽ huấn luyện cho đồng minh châu Á cách hỗ trợ và triển khai một cuộc phản công hạt nhân nhắm vào Bắc Triều Tiên bằng vũ khí Mỹ từ đất Hàn Quốc. 

 

« Đây là lần đầu tiên một nước không thuộc khối NATO được huấn luyện như vậy để biết cách sử dụng vũ khí hạt nhân Mỹ », chuyên gia Danillo delle Fave nhận định. 

 

Theo nhật báo Chosun Ilbo, Washington có lẽ muốn để ngỏ viễn cảnh này. Nhưng chính quyền Mỹ đã không chính thức xác nhận, theo ghi nhận của Reuters. Tối hôm thứ Hai, khi được một phóng viên hỏi tại Nhà Trắng có hay không các cuộc thảo luận giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ về diễn tập hạt nhân chung, tổng thống Joe Biden đã phủ nhận.  

 

Yoon Seok-yeol, tổng thống quá rắn ?

 

Dù các cuộc tập trận như vậy chỉ là viễn cảnh, đây cũng đã là sự khiêu khích và là một tín hiệu của Seoul gửi đến Bình Nhưỡng. « Đó là để cho Bắc Triều Tiên hiểu rằng trong trường hợp bị tấn công, có thể sẽ có sự đáp trả bằng vũ khí hạt nhân dù Hàn Quốc không có loại vũ khí đó »,  chuyên gia Christoph Bluth  ghi nhận. Chuyên gia Danillo delle Fave phân tích : « Một trong những lo sợ chính của chế độ Bình Nhưỡng là người láng giềng miền nam được trang bị năng lực hạt nhân ».  

 

Trong trường hợp này, các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ giúp cho Seoul vừa thể hiện được sức mạnh hạt nhân, đồng thời về mặt chính thức vẫn giữ được vị thế là quốc gia không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. 

 

Thông báo nói trên minh họa rõ nét thế tấn công của tổng thống Yoon Seok-yeol đối với Bắc Triều Tiên từ khi ông lên nắm quyền tháng 5/2022. « Chính phủ bảo thủ của Yoon Seok-yeol đã dũ bỏ hoàn toàn chính sách ngoại giao cởi mở của người tiền nhiệm thuộc phái tự do. Leo thang căng thẳng hiện nay phần nào là kết quả của cách tiếp cận cứng rắn hơn trong mối quan hệ với Bắc Triều Tiên », ông Danillo delle Fave khẳng định 

 

Tổng thống Yoon Seok-yeol thậm chí cho biết ông dự tính trở lại xem Bắc Triều Tiên là « kẻ thù » trong sách trắng về an ninh quốc gia, cụm từ đã được bỏ từ năm 2018. 

 

Hiếm khi Seoul thể hiện trước vai trò làm xấu đi quan hệ hai miền. Thường là phải cả hai phía mới dẫn đến khủng hoảng. Đúng là Kim Jong Un không ngừng mang tên lửa có khả năng tấn công Hàn Quốc để đe dọa. Nhưng đồng nhiệm Hàn Quốc cũng không làm gì nhiều để hạ nhiệt ý đồ chủ chiến của nhà độc tài Bắc Triều Tiên. 

 

Trên thực tế, lãnh đạo Bắc Triều Tiên bị rơi vào thế kẹt từ cuộc gặp thượng đỉnh 2018 với Donald Trump, theo Christoph Bluth. «  Ông John Bolton ( một cố vấn An ninh của Donald Trump) đã đặt ra nguyên tắc là Bắc Triều Tiên phải hủy toàn bộ chương trình hạt nhân của họ trước khi được giảm trừng phạt, điều mà Bình Nhưỡng tuyệt đối không thể chấp nhận », chuyên gia này giải thích. 

 

Trước thái độ không khoan nhượng của chính quyền Trump và chính quyền Biden ưu tiên đối phó Nga và Trung Quốc, Bắc Triều Tiên đã chọn cách « tăng áp lực đối với Hàn Quốc với hy vọng Seoul sẽ thúc đẩy đồng minh Mỹ giảm nhẹ lập trường với Bình Nhưỡng », ông Christoph Bluth nhận định. 

 

Căng thẳng: Chuẩn mực mới trên bán đảo Triều Tiên ?

 

Nhưng Kim Jong Un đã mắc sai lầm trong tính toán. « Yoon Seok-yeol không phản ứng giống như dự tính, mà trái lại tổng thống Hàn Quốc lại thúc Washington can dự mạnh hơn về mặt quân sự trong vùng », chuyên gia của Đại học Bradford phân tích. 

 

Tổng thống bảo thủ Hàn Quốc định lợi dụng mối đe dọa bắc Triều Tiên để có thêm vũ khí Mỹ và hiện tại người ta chứng kiến Hàn Quốc đang quân sự hóa. 

 

Tuy nhiên, không chuyên gia nào được France 24 phỏng vấn nhận định rằng sự leo thang căng thẳng này sẽ dẫn đến xung đột mở trên bán đảo Triều Tiên. « Bắc Triều Tiên không thể tự cho phép mình đi quá xa, bởi họ phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ không để họ làm thế, vì biết Mỹ có đủ phương tiên để chiến thắng Bình Nhưỡng về quân sự », chuyên gia Danillo delle Fave kết luận. Theo ông, hai miền Triều Tiên ít nhiều đang chơi trò nguy hiểm: « Nguy cơ là một sự cố không may có thể khiến tình hình trở nên không kiểm soát được ».

 

Ngay cả nếu không có sự cố xảy ra, thì « sự đối đầu giữa một Bắc Triều Tiên không ngần ngại thử tên lửa đạn đạo và một Hàn Quốc ngày càng tỏ ra không khoan nhượng về ngoại giao có nguy cơ trở thành chuẩn mực mới trên bán đảo Triều Tiên », chuyên gia Christoph Bluth lo ngại.  

 

(Theo france24.com)





No comments: