Monday, September 19, 2022

VÌ SAO CÁC NƯỚC CỘNG HÒA LIÊN XÔ CŨ LẠI BÙNG LÊN XUNG ĐỘT? (Anh Vũ / RFI)

 



Vì sao các nước cộng hòa Liên Xô cũ lại bùng lên xung đột ?

Anh Vũ  -  RFI   (Theo Le Figaro)

Đăng ngày: 19/09/2022 - 15:49

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220919-v%C3%AC-sao-c%C3%A1c-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-c%E1%BB%99ng-h%C3%B2a-li%C3%AAn-x%C3%B4-c%C5%A9-l%E1%BA%A1i-b%C3%B9ng-l%C3%AAn-xung-%C4%91%E1%BB%99t

 

Giữa lúc chiến tranh đang diễn ra tại Ukraina, gần đây các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ lại bùng lên các các xung đột. Đó là giữa Armenia với Azerbaïdjan, giữa Tadjikistan et Kirghizstan. RFI giới thiệu bài phỏng vấn chuyên gia về Liên Xô, Thierry Wolton trên trang mạng Le Figaro ngày 17/09/2022.

 

https://s.rfi.fr/media/display/93010796-3815-11ed-9206-005056bfa79e/w:1024/p:16x9/AP20337774887805.webp

Ảnh tư liệu chụp ngày 02/12/2020: Xe tăng của quân đội Azerbaidjan kiểm soát vùng Thượng Karabakh sau cuộc xung đột với Armenia.. AP - Emrah Gurel

 

LE FIGARO :  Nga gây chiến tranh với Ukraina, Armenia chống lại Azerbaidjan, Tadjikistan chống lại Kyrghyzstan. Có thể giải thích thế nào việc bùng phát xung đột giữa các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ từ vài tháng nay?

 

Thierry WOLTON :  Ở vào thời Liên Bang Xô Viết, tất cả các nước đều không có bản sắc dân tộc riêng vì tất cả đều nằm trong một cộng đồng lớn xã hội chủ nghĩa. Lãnh đạo của họ đều là những người Cộng sản, phải vâng lời Matxcơva. “Quyền tự quyết của các dân tộc” được Lê-nin tuyên bố sau cách mạng tháng 10/1917 chưa bao giờ có được. Trên thực tế, nước Nga bôn-sê-vich, sau trở thành Liên Bang Các Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa từ năm 1922, đã đô hộ các quốc gia và những dân tộc đó. Liên bang Xô Viết là một đế chế thực dân rộng lớn và tồn tại trong thế kỷ 20 và phải đợi đến năm 1991 mới biến mất. Với những người đã sống tại chỗ vào thời kỳ đó, Liên Xô là hiện thân cho “nhà tù của các dân tộc”. Trong Cộng đồng các Quốc Gia Độc Lập (CEI), kế thừa Liên Bang Xô Viết, trong đó có những quốc gia vừa nêu ở trên, chiếc dây cương buộc vào cổ họ đã được nới lỏng mặc dù vậy họ cũng không có độc lập hoàn toàn với Matxcơva. Các mối liên hệ kinh tế chính trị đã rất chặt chẽ dưới thời chủ nghĩa Cộng Sản.

 

Hơn nữa, một số lãnh đạo các nước đó cho đến gần đây vẫn còn là những người Cộng sản, giờ thành các nhà lãnh đạo chuyên quyền, họ hài lòng với chính quyền chuyên chế của Putin. Một cách tổng quát, các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ giống với với nước Nga của Putin, cũng có giới tài phiệt vơ vét tài sản đất nước, các cơ quan an ninh đầy quyền lực, các cuộc bầu cử trá hình, công luận bị kiểm soát, truyền thông theo lệnh. Chính cái “mô hình” này đang bị rạn vỡ, khơi dậy các xung đột.

 

*

Giữa các nước Cộng hòa Liên Xô cũ vẫn luôn có xung đột, nhưng dường như các xung đột gia tăng cường độ trong thời gian qua. Tại sao lại là bây giờ?

 

Ta thấy có sự chồng chéo giữa xung đột sắc tộc và đối kháng chính trị. Trong trường hợp của Armenia và Azerbaidjan, sự thù nghịch ở Thượng Karabakh đã bắt đầu ngay từ khi Liên Xô sụp đổ. Vùng đất này đã tuyên bố độc lập từ sau năm 1991, điều mà Azerbaidjan không bao giờ thừa nhận. Từ 30 năm nay Azerbaidjan nằm dưới sự cai trị của gia đình nhà Aliyev, những cựu đảng viên Cộng sản. Trước hết là ông bố, từng nằm trong các cơ quan lãnh đạo của Liên Xô, cầm quyền cho đến năm 2003. Kế đến là người con trai ông ta đang nắm quyền.

 

Năm 2020, Armenia đã thua trong cuộc chiến tranh Thượng Karabakh. Đất nước này đang chật vật với con đường dân chủ, nhất là từ năm 2018 sau cuộc” cách mạng nhung” đưa ông Nikol Pachinian lên cầm quyền. Biến chuyển đó làm chính quyền Azerbaidjan không hài lòng.

 

Cuộc xung đột giữa Tadjikistan và Kyrghyzstan thi  liên quan đến tranh chấp nguồn nước, từ một con sông nằm ở biên giới hai nước. Cuộc tranh giành nguồn nước cũng được nhân lên ở tầm chính tri. Kirghizstan tố cáo Tadjikistan đã lắp đặt các camera giám sát tại khu vực có tranh chấp. Cả hai chế độ này đều không phải là hình mẫu về dân chủ, nhưng Kyrghyzstan đã trải qua hai cuộc cách mạng nhân dân, đó là vào năm 2005 và 2010 giúp cho nước này tiếp cận Nhà nước pháp quyền nhiều hơn so với Tadjikistan, nước từ năm 1992 vẫn nằm dưới sự lãnh đạo của ông tổng thống Emomali Rahmon.

 

*

Những quốc gia này có lợi dụng gì từ việc Nga đánh chiếm Ukraina và có ít điều kiện để can thiệp ?

 

Đúng là Matxcơva cho đến giờ vẫn đóng vai trò bảo lãnh sự ổn định trong khu vực trên. Cùng lúc, cuộc chiến tiến hành ở Ukraina không tạo được tấm gương tốt. Cuộc xung đột mang tính sắc tộc-quốc gia giữa Matxcơva và Kiev còn kèm theo sự đối kháng chính trị. Nên biết là Matxcơva không bao giờ chấp nhận cuộc cách mạng Maidan năm 2014 ở Ukraina và một trong những lý do của cuộc xâm lược hôm 24/02 là Nga lo ngại cuộc cách mạng đó gây ra hiệu ứng vết dầu loang trong không gian của đế chế Xô Viết cũ. Nước Nga đang rất bận ở Ukraina và thế là các « thuộc địa » cũ trở lại các tranh chấp.

 

*

Nga đóng vai trò gì trong các cuộc đối đầu đó ? Vẫn luôn ở vị trí trung tâm bàn cờ ?

 

Rõ ràng sa lầy ở Ukraina đã làm yếu đi vị thế của Nga trong đế chế cũ của mình. Những bộc lộ quân đội yếu kém trong cuộc chiến tranh này chỉ càng có thể khiến cho các dân tộc còn nằm dưới ách áp chế của Matxcơva muốn được giải thoát. Putin sẽ mất vai trò, đó là điều chắc chắn, nếu ông ta thất bại trong cuộc chiến tranh Ukraina, ảnh hưởng mà Nga đã duy trì thành công trong các khu vực này từ khi Liên Xô sụp đổ có thể sẽ chấm dứt. Chúng ta sẽ được chứng kiến sự tan rã của đế chế Cộng sản cũ mà Cộng đồng các Quốc gia Độc lập hiện đang cố gắng cứu giữ.

 

*

Tất cả các cuộc chiến tranh đều có điểm chung là tranh chấp biên giới lãnh thổ. Liệu có vấn đề gì ban đầu trong việc phân chia hậu Xô Viết ?

 

Các nước Trung Á này đó đều có một lịch sử mà chế độ Xô Viết đã định xóa đi ở mỗi nước trong thế kỷ 20. Tất cả các nước đều trải qua quá trình Nga hóa. Tiến trình này đã thành công trong việc làm dịu các xung đột cũ xưa, đơn giản bởi vì Matxcơva đã muốn chế ngự họ. Nga hóa đã tạo ra một mô hình chính trị đồng nhất, được áp đặt qua các đảng Cộng sản ở từng nước vẫn tuân lệnh hoàn toàn người Anh cả. Các nước Cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô đã được cắt gọt bởi những ông chủ do Kremlin áp đặt. Vậy nên hiển nhiên ở đó đây xuất hiện trở lại các cuộc xung đột sắc tộc. Đó là những sắc tộc đã bị bóp nghẹt bằng vũ lực trong 70 năm của chế độ Cộng sản.

 

Các cuộc xung đột liên tiếp như vậy sẽ có thể làm nảy sinh ý tưởng đối với các nước Cộng hoàn khác thuộc Liên Xô cũ ? như Gruzia với Osetia hay Moldavia với Transnistria…

 

Có thể, nhưng không phải ngay lập tức. Thất bại của cuộc xâm lược Ukraina có thể có những tác động đối với Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CEI). Thất bại của Putin trong cuộc chiến này càng lớn thì nguy cơ Cộng đồng này biến mất càng cao. Lịch sử sẽ phán xét nhưng có thể Putin sẽ là người, cuối cùng sẽ mất tất cả khi muốn phục dựng lại quá khứ hoàng kim.

 

*

Các cuộc xung đột có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh quy mô lớn ?

 

Không, tôi không nghĩ như vậy. Trừ khi một vài cường quốc bên ngoài, như Thổ Nhĩ Kỳ can dự vào vùng ảnh hưởng của họ. Nhưng đã không có ai sẵn sàng chiến đấu cho Kiev rồi thì ta cũng tưởng tượng được với Bakou, Douchambé hay Tbilissi sẽ thế nào.

 

(Theo Le Figaro)

 

----------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

ARMENIA - AZERBAIJAN

Thượng Karabakh: Giao tranh Armenia-Azerbaijan bùng lên trở lại

 

ARMENIA - AZERBAIJAN

Armenia và Azerbaijan lại đối đầu dữ dội tại Thượng Karabagh

 

KYRGYZSTAN - TADJIKISTAN - XUNG ĐỘT

Xung đột Kyrgyzstan và Tadjikistan: Thỏa thuận ngừng bắn còn "mong manh"

 

 

==============================================

.

.

Kyrgyzstan-Tajikistan: Giao tranh biên giới khiến gần 100 người thiệt mạng

Alys Davies

BBC News

19 tháng 9 2022, 16:16 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cqeyvj7zp51o

 

Ít nhất 94 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương trong các cuộc đụng độ ở biên giới Kyrgyzstan-Tajikistan – lần đụng độ đẫm máu nhất trong nhiều năm.

 

Giao tranh giữa hai quốc gia Trung Á nổ ra vào thứ Tư 14/9, trước khi đồng ý ngừng bắn vào thứ Sáu 16/9.

 

Hai nước từng là một phần của Liên Xô cũ, và bạo lực thường xuyên nổ ra do tranh chấp biên giới từ khi Liên Xô sụp đổ.

 

Cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau là gây hấn trước.

 

Tajikistan và Kyrgyzstan có chung đường biên giới dài 1.000 km, và một phần ba đang bị tranh chấp.

 

Đụng độ ở biên giới dẫn tới giao tranh chưa từng có giữa hai nước năm 2021, khi gần 50 người thiệt mạng. Nhưng lần này đã có số người chết cao gần gấp đôi.

 

Cuối ngày Chủ nhật, Kyrgyzstan báo có thêm 13 người chết, nâng tổng số người chết lên 59. Họ nói thêm có hơn 100 người bị thương.

 

Tajikistan nói có 35 công dân thiệt mạng và ít nhất 20 người bị thương.

 

Kyrgyzstan cho biết khoảng 137.000 người đã được sơ tán khỏi khu vực xung đột. Truyền thông Kyrgyzstan cho biết hôm Chủ nhật một số người đã bắt đầu về lại nhà.

 

Tajikistan chưa thông báo về bất kỳ cuộc sơ tán hàng loạt nào.

 

Giữa áp lực quốc tế, hai nước ký lệnh ngừng bắn vào thứ Sáu. Thỏa thuận này nhìn chung được duy trì dù có khẳng định có pháo kích từ cả hai phía.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi giảm leo thang căng thẳng trong các cuộc điện đàm với Tổng thống Tajik Emomali Rakhmon và Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov hôm Chủ nhật, theo Điện Kremlin.

 

Ông Putin kêu gọi hai nhà lãnh đạo giải quyết tình hình “hoàn toàn bằng các biện pháp hòa bình, chính trị, và ngoại giao càng sớm càng tốt”, thông cáo của Điện Kremlin cho biết.

 

Kyrgyzstan đã tuyên bố thứ Hai là ngày quốc tang cho những người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ.

 

---------------------------

TIN LIÊN QUAN

 

Cựu tổng thống Kyrgyzstan bị bắt sau các vụ bố ráp

8 tháng 8 năm 2019

.

Armenia-Azerbaijan: Hàng chục người chết vì chạm súng, Nga kêu gọi kiềm chế

13 tháng 9 năm 2022





No comments: