Tuesday, September 27, 2022

THẾ GIỚI HÔM NAY : 27/09/2022 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 27/09/2022

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy,  biên dịch

27/09/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/09/27/the-gioi-hom-nay-27-09-2022/

 

 Đồng bảng Anh tăng nhẹ so với đồng đô la sau khi Ngân hàng Trung ương Anh cam kết “không ngần ngại thay đổi lãi suất.” Hiện đồng bảng Anh đã tăng lên từ mức thấp 1,04 bảng đổi 1 đô la của đầu ngày thứ Hai. Việc đồng bảng sụt giá đợt này là do gói cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử 50 năm qua của Anh do tân bộ trưởng tài chính Kwasi Kwarteng công bố hôm thứ Sáu. Trong một diễn biến khác, bộ tài chính cho biết sẽ đặt ra các kế hoạch xử lý nợ trong tháng 11.

 

Biểu tình phản đối lệnh động viên của Vladimir Putin tiếp tục diễn ra ở nước cộng hòa Dagestan thuộc Nga, nơi đã cung cấp một lượng lớn binh sĩ tham chiến ở Ukraine. Còn tại đông nam Siberia, một người đàn ông đã bị bắt giữ vì bắn và làm trọng thương một nhân viên của văn phòng quân dịch Irkutsk, trong bối cảnh nhiều vụ tấn công tương tự trên khắp đất nước. Hơn 2.000 người đã bị bắt vì tham gia biểu tình phản đối lệnh động viên, theo nhóm nhân quyền OVD-Info.

 

Edward Snowden, cựu nhân viên tình báo bị Mỹ truy nã từ lâu về tội gián điệp, đã được nhập quốc tịch Nga. Ông Snowden sống lưu vong ở Nga từ năm 2013 sau khi công bố các tập tin bí mật tiết lộ hoạt động giám sát rộng lớn của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), nơi ông từng làm việc với tư cách nhà thầu.

 

Người dân Cuba đã bỏ phiếu trưng cầu dân ý trên toàn quốc cho phép các cặp đôi đồng tính kết hôn và nhận con nuôi. Ủy ban bầu cử cho biết có 67% cử tri ủng hộ “quy tắc gia đình” mới, trong đó cũng hợp pháp hóa việc mang thai hộ và mở rộng quyền của ông bà đối với cháu. Chủ tịch nước Miguel Diaz-Canel cho biết luật mới sẽ “trả món nợ cho nhiều thế hệ.”

 

Khi biểu tình tiếp tục lan rộng khắp Iran, bộ ngoại giao nước này cáo buộc Mỹ và một số nước châu Âu hỗ trợ biểu tình và do đó đã vi phạm chủ quyền Iran. Có ít nhất 41 người đã chết trong mười ngày biểu tình gây ra bởi cái chết của Mahsa Amini, một phụ nữ trẻ bị cảnh sát đạo đức bắt giam vì mang khăn trùm đầu không kín.

 

Cư dân của thành phố Tampa, Florida, và khu vực xung quanh đã được lệnh sơ tán trước khi bão Ian đổ bộ vào cuối tuần này. Với sức gió khoảng 85m/h (137km/h), Ian dự kiến ​​sẽ đổ bộ vào miền tây Cuba vào sáng sớm thứ Ba trước khi mạnh lên và đến Tampa vào sáng thứ Năm. Thành phố này đã không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão nào kể từ năm 1921.

 

Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết các lệnh trừng phạt Nga đã “phản tác dụng” và khiến người dân châu Âu nghèo hơn khi giá năng lượng tăng. Hungary, ông nói trong một bài phát biểu trước quốc hội, “đang chờ câu trả lời từ Brussels để xem họ sẽ kéo dài việc này đến khi nào.” Ông Orban cũng kêu gọi ngừng bắn để chấm dứt chiến tranh.

 

Con số trong ngày: 970 triệu, là ước tính số người trên thế giới bị ảnh hưởng bởi 12 chứng bệnh tâm lý. Song con số thực tế có lẽ cao hơn.

 

TIÊU ĐIỂM

 

Nhiều người Nhật không muốn tổ chức quốc tang cho cựu thủ tướng Abe

Tuần trước, các nhà lãnh đạo thế giới đã tề tựu về London để dự đám tang của Nữ hoàng Elizabeth II. Và đến thứ Ba, nhiều người trong số họ sẽ đổ về phía còn lại của thế giới để dự lễ tang cấp nhà nước ở Tokyo của cựu thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, người bị ám sát hồi tháng Bảy.

 

Thủ tướng đương nhiệm của Nhật Bản, Kishida Fumio, kỳ vọng sự kiện này sẽ giúp đưa nước ông quay lại sân khấu toàn cầu. Tuy vậy, kế hoạch này cực kỳ không được người Nhật ủng hộ do di sản gây tranh cãi của ông Abe, bao gồm việc hạ thấp các hành động tàn bạo của phát xít Nhật, cũng như chi phí tổ chức ước tính khoảng 1,66 tỷ Yên (11,8 triệu USD). Một cuộc thăm dò vào giữa tháng 9 của Nikkei cho thấy chỉ 33% công chúng ủng hộ tổ chức tang lễ. Ngoài ra nó cũng tiết lộ tỉ lệ ủng hộ chính phủ của ông Kishida: giảm từ 57% trong tháng 8 xuống còn 43%. Dự kiến sẽ có biểu tình ở nhiều nơi trên cả nước.

 

Tình hình này có thể khiến phe đối lập yêu cầu chính phủ tổ chức bầu cử sớm vào mùa thu. Hoặc, một khi tang lễ kết thúc và người Nhật sau khi chứng kiến ​​các chức sắc toàn cầu bày tỏ lòng kính trọng đối với ông Abe, thì sự phản đối đó có thể sẽ nhạt đi.

 

Khả năng Nga “tống tiền hạt nhân” ở Ukraine

Các quan chức phương Tây ngày càng lo ngại nguy cơ Nga dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine nếu chịu thất bại nghiêm trọng trên chiến trường. Nga sẽ sáp nhập một phần lớn lãnh thổ Ukraine mà họ chiếm được thông qua các cuộc trưng cầu dân ý giả mạo, có lẽ sớm nhất là vào thứ Ba. Trước đó, tổng thống Vladimir Putin đã nói việc Ukraine tấn công các vùng lãnh thổ này sẽ bị coi như tấn công Nga, và ám chỉ hành động trả đũa hạt nhân để bảo vệ “toàn vẹn lãnh thổ.”

 

Liệu ông có nghiêm túc? Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cho biết ông không nghĩ Putin nói đùa. Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ, nói chính phủ Mỹ đã cảnh báo Nga rằng việc sử dụng hạt nhân sẽ gây ra “hậu quả thảm khốc.” Các quan chức Mỹ cho biết chúng có thể bao gồm tấn công quân sự thông thường nhằm vào Nga. Nhưng nếu Nga đáp trả, NATO và Nga sẽ lâm trận – điều mà hai bên đã cố tránh kể từ đầu cuộc xâm lược của ông Putin.

 

Thách thức từ việc đồng Bảng Anh lao dốc

Giới đầu tư đang bất ổn sau tuyên bố ngân sách của Kwasi Kwarteng vào thứ Sáu tuần trước, khi tân bộ trưởng tài chính Anh thông báo cắt giảm thuế lớn nhất trong nửa thế kỷ qua, đi kèm với các biện pháp tăng vay thêm 3% GDP trong năm nay. Quỹ đạo tài khóa lỏng lẻo này ngay lập tức khiến đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng đô la trong những giờ đầu của ngày thứ Hai trước khi phục hồi ít nhiều.

 

Vào thứ Ba, chính phủ sẽ được thấy hậu quả hành động của mình khi họ đi vay 1,2 tỷ bảng Anh (1,3 tỷ đô la) trái phiếu có khấu trừ lạm phát đáo hạn vào năm 2031. Vào lúc 9 giờ sáng ngày 23 tháng 9, lãi suất thị trường của trái phiếu không khấu trừ là 3,46%, nhưng đến cuối phiên thứ Hai, nó đã tăng lên 4,1%. Hôm Chủ nhật, ông Kwarteng đã từ chối bình luận về các động thái thị trường ngắn hạn, và nói ông đang tập trung vào tăng trưởng. Nhưng ông sẽ không thể lảng tránh mãi, trừ khi có thay đổi gì đó để xoa dịu thị trường.





No comments: