Thursday, September 29, 2022

THẾ GIỚI HÔM NAY : 28/09/2022 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 28/09/2022

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

28/09/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/09/28/the-gioi-hom-nay-28-09-2022/

 

Các quan chức Ukraine cho biết nguyên nhân vụ rò rỉ khí đốt của đường ống Nord Stream 1 và 2 giữa Nga và Đức là “tấn công khủng bố” do Nga tiến hành. Các vụ nổ dưới nước đã được ghi nhận trước khi có rò rỉ. Cả hai đường ống đều chứa đầy khí đốt nhưng không hoạt động, một phần vì Nga muốn đáp trả các lệnh trừng phạt kinh tế. Đan Mạch và Đức đang điều tra nguyên nhân. Thủ tướng Ba Lan cho biết ông nghi ngờ có hành vi phá hoại.

 

Bão Ian đổ bộ vào Cuba, khiến 1 triệu người bị mất điện và buộc 50.000 người phải sơ tán. Ian dự kiến ​​sẽ mạnh lên trước khi đến Florida vào thứ Tư. Nhiều người Floridia đã phải sơ tán. Dự báo cho thấy mùa bão Đại Tây Dương năm nay, kéo dài đến ngày 30 tháng 11, sẽ nghiêm trọng bất thường — một phần do tương tác giữa Thái Bình Dương và bầu khí quyển.

 

Cổ phiếu toàn cầu phục hồi phần nào từ đợt bán tháo dữ dội hôm thứ Hai, vốn khiến chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức thấp nhất trong năm. Đồng bảng Anh cũng tăng lên từ mức đáy 1,04 đô la hôm thứ Hai. Tuy vậy, thị trường vẫn bất ổn vì lo ngại suy thoái lẫn triển vọng lãi suất tăng.

 

Kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương Anh, Huw Pill, nói chính sách tài khóa mới của Anh sẽ yêu cầu một “phản ứng tiền tệ đáng kể.” Ngân hàng “chắc chắn không thờ ơ” với việc đồng bảng Anh mất giá, ông nói. Trước đó vào thứ Hai, họ đã nói sẽ không tăng lãi suất cho đến trước cuộc họp tiếp theo vào đầu tháng 11.

 

Các quan chức Kazakhstan cho biết khoảng 98.000 người Nga đã nhập cảnh nước này kể từ khi tổng thống Vladimir Putin tuyên bố động viên. Tuần trước, ông Putin nói cần thêm khoảng 300.000 nhân lực mới ở Ukraine; nhưng giờ đây 250.000 người đã rời khỏi Nga. Trong khi đó, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi các lãnh đạo thế giới chủ động “phòng ngừa,” thay vì chỉ “phản ứng” trước các bước leo thang của Nga.

 

Quốc vương Ả Rập Saudi bổ nhiệm con trai ông, Thái tử Muhammad bin Salman, làm thủ tướng, một vị trí thường do quốc vương nắm giữ. Động thái này chính thức đưa thái tử lên làm người đứng đầu chính phủ, dù ông đã nắm quyền trên thực tế từ năm 2017. Vua Salman, 86 tuổi, đang điều trị bệnh và đã hạn chế tham gia chính sự.

 

Ngân hàng Thế giới giảm dự báo tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc, một phần do chính sách zero covid và cuộc khủng hoảng bất động sản của nước này. Cụ thể, ngân hàng dự đoán nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm 2,8%, chỉ một nửa so với dự báo trước đó là 5%. Tăng trưởng ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cũng được điều chỉnh xuống còn 3,2%.

 

Con số trong ngày: 25.000, là ước tính số lượng Vật thể Gần Trái đất, tức thiên thạch có chiều ngang hoặc dài hơn 140 mét. Thiệt hại sẽ là vô cùng to lớn nếu chúng đâm vào Trái Đất.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Iran chìm trong bất ổn

Hơn 11 đêm nay, người Iran đã xuống đường phản đối chính phủ trên khắp đất nước bất chấp bạo lực và nguy cơ bị bắt giữ. Nguyên nhân xuất phát từ cái chết khi bị giam giữ hồi đầu tháng của một phụ nữ trẻ bị cảnh sát đạo đức buộc tội sai quy chuẩn trang phục. Nhưng rồi biểu tình trở thành một cơn bão dữ dội chống lại chế độ. Các khẩu hiệu như “tự do” hay “cái chết của kẻ độc tài” không chỉ đơn thuần nhằm kêu gọi sửa đổi luật khăn trùm đầu. Người dân Iran đang muốn có thay đổi triệt để.

 

Tất nhiên chế độ đã chống lại. Cho tới nay các lực lượng chính phủ đã giết chết hàng chục người biểu tình, bắt giữ vô số người khác và gán cho họ là điệp viên nước ngoài. Một chiến lược quen thuộc. Nhưng nền tảng mục nát của chế độ thần quyền đang lung lay hơn bao giờ hết. Nền kinh tế Iran đang khủng hoảng (lạm phát trên 50%), bộ máy hành chính trì trệ, và nhiều người không còn muốn bị cô lập khỏi thế giới. Biểu tình chắc chắn sẽ còn kéo dài.

 

Nga tiến tới sáp nhập bốn vùng lãnh thổ Ukraine

Trong tuần qua, người dân Ukraine sống ở bốn khu vực do Nga chiếm đóng đã “bỏ phiếu” về việc sáp nhập vào Nga. Hôm thứ Ba, các chính phủ bù nhìn do Điện Kremlin hậu thuẫn ở các tỉnh đó — Kherson, Zaporizhia, Donetsk và Luhansk — đã tuyên bố “kết quả” sơ bộ của các cuộc trưng cầu dân ý giả, từ 87% đến 99% ủng hộ việc bị thôn tính. Những con số như vậy không thể lừa được ai.

 

Câu hỏi là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nhiều người cho rằng tổng thống Nga, Vladimir Putin, sẽ ra lệnh sáp nhập bốn lãnh thổ Ukraine trong bài phát biểu trước quốc hội vào thứ Bảy. Nhiều người tự hỏi liệu ông có điều động người từ các tỉnh này sang cầm súng cho Nga hay không – với lý do là một khi những vùng này được sáp nhập, cư dân của họ sẽ là người Nga và có trách nhiệm thi hành nghĩa vụ quân sự. Gần đây lệnh cấm những người đàn ông trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự rời khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng đã bất ngờ được dỡ bỏ. Nhưng nhiều người được cảnh báo là Nga sẽ đảo ngược nó vào thứ Bảy.

 

ECB muốn thúc đẩy hợp tác giữa các ngân hàng trung ương

Các ngân hàng trung ương đã đủ đau đầu với nhiệm vụ chống lạm phát nhưng không để kinh tế trì trệ. Trong đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu đang đặc biệt vật lộn với một cú sốc lạm phát gây ra bởi giá năng lượng cao. Một cách để ngăn những vấn đề lớn vượt quá tầm kiểm soát trong tương lai có thể là khuyến khích “hợp tác địa kinh tế” giữa châu Âu và châu Mỹ. Đây sẽ là chủ đề mà người đứng đầu ECB, Christine Lagarde, muốn nhấn mạnh tại viện nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương của Mỹ vào thứ Tư.

 

Nguyên nhân chính khiến các ngân hàng trung ương gặp nhiều khó khăn như vậy là do các gián đoạn toàn cầu — đại dịch, chiến tranh, đứt gãy chuỗi cung ứng —làm phức tạp hoá các vấn đề kinh tế. Bà Lagarde có thể sẽ lập luận rằng Mỹ và châu Âu có lợi ích chung trong việc tăng cường hợp tác nhằm ổn định kinh tế, tăng sức chống chịu cho chuỗi cung ứng và chống biến đổi khí hậu. Nhưng thú vị hơn là việc bà Lagarde nghĩ các ngân hàng trung ương có thể làm được những gì để đối phó tình hình.

 

Tổng thống Biden muốn giải quyết nạn béo phì ở Mỹ

Nhà Trắng sẽ tổ chức một hội thảo vào thứ Tư về vấn đề nạn đói, dinh dưỡng và sức khỏe ở Mỹ. Các vấn đề thực phẩm này làm ảnh hưởng đến hàng triệu người Mỹ, đặc biệt là người nghèo, các cộng đồng nông thôn và người thiểu số. Trong đó béo phì lan rộng làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tỉ lệ béo phì ở trẻ em Mỹ lên tới 1/5 vào năm 2020, gần gấp 4 lần so với năm 1970. Tỉ lệ này cao hơn ở trẻ em da đen, gốc Mỹ Latin và trẻ em nghèo. Ngoài ra còn có các thiệt hại về kinh tế. Theo một nghiên cứu được công bố bởi Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, vào năm 2017, bệnh tiểu đường khiến Mỹ bị mất 327 tỷ đô la chi phí y tế trực tiếp và chi phí mất năng suất lao động.

 

Ông Biden dự kiến ​​sẽ tăng khả năng tiếp cận bữa ăn miễn phí tại trường học và khuyến khích mua trái cây và rau quả bằng phiếu thực phẩm. Ông cũng muốn phát triển một kế hoạch dán nhãn bao bì nhiều thông tin hơn như đã có ở châu Âu. Nhưng với cuộc bầu cử giữa kỳ đến gần, ông Biden có thể sẽ không có sự ủng hộ của Quốc hội đủ lâu để thực hiện các biện pháp này.

 




No comments: