The Economist
Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch
26/07/2022
https://nghiencuuquocte.org/2022/07/26/the-gioi-hom-nay-26-07-2022/
Tại Canada, Đức Giáo Hoàng Francis đã đưa ra lời xin lỗi được chờ
đợi từ lâu sau nhiều thập niên xảy ra nạn lạm dụng tại các trường nội trú do
Công giáo điều hành. Các trường học này đã tách khoảng 150.000 trẻ em bản địa
khỏi gia đình và buộc các em phải hòa nhập vào xã hội Công giáo. Hàng nghìn trẻ
đã thiệt mạng; lạm dụng thể chất và lạm dụng tình dục trở nên phổ biến. Đức
Thánh Cha đã gọi chuyến thăm Canada của Ngài là một “cuộc hành hương sám hối.”
Tập đoàn Gazprom của Nga tuyên bố sẽ cắt giảm hơn nữa dòng khí đốt
qua đường ống Nord Stream 1 đến châu Âu qua Đức. Lượng cung khí đốt hàng ngày sẽ
giảm xuống 20% công suất của đường ống, từ mức 40% của hiện tại. Phía Gazprom cho
biết đường ống này – gần đây đã đóng cửa để sửa chữa – cần phải được bảo trì
thêm. Nhưng Bộ Kinh tế Đức khẳng định “không có lý do kỹ thuật” nào để phải cắt
giảm.
Nga khẳng định vụ tấn công bằng tên lửa làm hư hại cơ sở hạ tầng ở cảng
Odessa hôm thứ Bảy là nhằm vào các mục tiêu quân sự, chứ không phải để
ngăn chặn hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine. Vào tuần trước, hai
bên đã đạt được thỏa thuận cho phép mở cửa xuất khẩu trở lại, nhằm xoa dịu tình
trạng thiếu lương thực toàn cầu. Trong một tuyên bố, Volodymyr Zelensky, Tổng
thống Ukraine, cho biết đất nước ông sẽ “làm mọi điều cần thiết” để mở các tuyến
vận tải đường biển, bất chấp thiệt hại mà các cảng đang phải hứng chịu.
Theo thông tin từ Sở Cứu hỏa California, vụ cháy rừng Oak
Fire xảy ra gần Công viên Quốc gia Yosemite đã “được kiềm chế 10%” vào thứ
Hai, dù có đến hàng nghìn lính cứu hỏa đã được triển khai để dập tắt đám cháy.
Thống đốc bang, Gavin Newsom, đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong khu vực. Trận
cháy rừng bùng phát hôm thứ Sáu và cho đến nay đã thiêu rụi gần 6.800 ha đất.
Các nhân viên mặt đất của Lufthansa, hãng hàng không quốc gia Đức,
đã quyết định đình công một ngày vào thứ Tư để yêu cầu tăng lương 9,5%. Công
đoàn hàng không Đức cho biết hành động của 20.000 nhân viên sẽ dẫn đến việc hoãn
và hủy nhiều chuyến bay, theo đó gây thêm khó khăn cho ngành vào mùa hè này.
Sân bay Heathrow gần đây đã cắt giảm số lượng các chuyến bay trong tháng 9 để đối
phó với tình trạng thiếu nhân lực trong kỳ nghỉ lễ.
David Trimble, nhà lãnh đạo công đoàn Ulster,
đồng thời là kiến trúc sư của Thỏa thuận Thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday
Agreement) năm 1998, đã qua đời ở tuổi 77. Trimble và John Hume, người đồng cấp
theo chủ nghĩa dân tộc trong Đảng Dân chủ Xã hội và Lao động, đã được trao giải
Nobel Hòa bình vì những nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột ở Bắc Ireland. Sau khi thỏa
thuận được ký kết, Trimble được bầu làm Thủ hiến (First Minister) đầu tiên của
Bắc Ireland.
Anh xác nhận sẽ đăng cai tổ chức Eurovision năm 2023, thay cho ứng
viên chiến thắng năm nay là Ukraine. Các thành phố dự kiến có thể trở thành nơi
tổ chức sự kiện bao gồm Manchester và Glasgow. Tháng trước, Liên minh Phát
thanh Truyền hình Châu Âu thông báo rằng Ukraine sẽ không tổ chức Eurovision
vào năm tới do chiến tranh đang diễn ra. Eurovision “sẽ không diễn ra ở
Ukraine, nhưng sẽ nhằm hỗ trợ Ukraine,” một người phát ngôn của Ukraine cho biết.
TIÊU ĐIỂM
Chính sách ngoại
giao năng động đáng ngạc nhiên của Indonesia
Đối với Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc, cuộc gặp với Joko Widodo hôm
thứ Ba đánh dấu sự quay trở lại với ngoại giao trực tiếp sau khi ông quyết định
tự cô lập bản thân trong đại dịch. (Dù Tập có tham dự một vài cuộc họp trong Thế
vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh vào tháng 2.) Nhưng đối với Jokowi, biệt danh của Tổng
thống Indonesia, đây là sự kiện mới nhất trong một loạt các chuyến thăm gần
đây.
Hoạt động ngoại giao của Jokowi mang một khía cạnh kinh tế quan trọng.
Ông đã yêu cầu Vladimir Putin không ngăn chặn xuất khẩu lúa mì của Ukraine, thứ
mà Indonesia cần để sản xuất mì ăn liền. Tại Bắc Kinh, ông sẽ vận động hành
lang cho một dự án đường sắt cao tốc. Và đầu tư sẽ là mục tiêu hàng đầu trong
chương trình nghị sự khi ông đến Nhật Bản và Hàn Quốc sau đó.
Tuy nhiên, kỹ năng ngoại giao của Jokowi sẽ đặc biệt được kiểm chứng
khi Indonesia tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G-20 vào tháng 11
này. Nga là thành viên G-20, nhưng phương Tây đã đe dọa tẩy chay sự kiện này nếu
Putin xuất hiện. Vì vậy, Jokowi đã mời Volodymyr Zelensky, Tổng thống Ukraine,
cùng tham dự, với hy vọng điều đó có thể xoa dịu phương Tây.
Viễn cảnh ảm đạm của
kinh tế toàn cầu
Dự báo cập nhật về nền kinh tế toàn cầu, dự kiến được IMF công bố vào
thứ Ba, sẽ mang những thông điệp ảm đạm. Triển vọng đã dần xấu đi trong năm
nay, do cuộc chiến của Nga ở Ukraine, sự suy yếu kinh tế ở Trung Quốc, và thách
thức giảm lạm phát của các ngân hàng trung ương.
Lần gần nhất IMF công bố Triển vọng Kinh tế Thế giới là vào tháng 4.
Khi đó, họ đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP thế giới năm 2022 gần một
điểm phần trăm, xuống mức 3,6%. Nhưng tăng trưởng thực tế gần như chắc chắn sẽ
thấp hơn nhiều so với dự báo. Thật vậy, những dự báo cập nhật có thể cho thấy nền
kinh tế thế giới sẽ có ‘thành tích tồi tệ’ thứ ba từ năm 2000 tới nay, sau cú sốc
covid-19 vào năm 2020, và cuộc khủng hoảng tài chính 2009. Thời gian vẫn còn
nhiều để tình hình trở nên tồi tệ hơn nữa.
Triển vọng mùa
đông lạnh giá ở châu Âu
Một cuộc họp khẩn cấp của các bộ trưởng năng lượng EU vào thứ Ba có
nguy cơ sẽ trở nên ‘băng giá’ bất thường. Nội dung chương trình nghị sự là một
kế hoạch về việc EU nên cắt giảm nhu cầu khí đốt như thế nào để có thể vượt qua
mùa đông, nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt. Lo ngại càng trở nên sâu sắc hơn vào
thứ Hai, khi Nga thông báo rằng họ sẽ tiếp tục cắt giảm dòng khí đốt đến châu
Âu thông qua đường ống Nord Stream 1, xuống còn 20% công suất.
Ngày 20/07, Ủy ban châu Âu đề xuất rằng các quốc gia thành viên nên cắt
giảm 15% tiêu thụ năng lượng, so với mức trung bình trong 5 năm qua, bắt đầu từ
ngày 01/08 cho đến cuối tháng 3. Nhưng một số quốc gia từ chối tuân theo đề xuất.
Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tự hỏi tại sao họ phải bị trừng phạt vì chính sách
năng lượng của các quốc gia khác, đặc biệt là Đức, vốn khiến nhóm nước này ngày
càng phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga.
Nhiều khả năng kết quả sẽ là một thỏa thuận đặt ra mục tiêu cho toàn EU
nhưng miễn trừ cho một số thành viên. Phải duy trì quan hệ thân thiện, vì nếu
các cuộc đàm phán đổ vỡ, người chiến thắng duy nhất sẽ là Vladimir Putin. Sự sụp
đổ của đoàn kết châu Âu chính xác là những gì ông ta mong muốn.
Biểu đồ
Bế tắc chính trị tại
Bắc Ireland
Hôm thứ Ba, các thành viên của Nghị viện Bắc Ireland (Northern Ireland
Assembly) sẽ cố gắng thành lập chính phủ lần thứ ba kể từ tháng 5, nhưng họ gần
như chắc chắn sẽ thất bại.
Tháng 2, Đảng Liên minh Dân chủ (DUP) ủng hộ Anh đã hạ bệ chính quyền để
phản đối Nghị định thư Bắc Ireland, một phần gây tranh cãi của thỏa thuận
Brexit, trong đó thiết lập biên giới thương mại giữa Vương quốc Anh và Bắc
Ireland để tránh áp đặt một ‘biên giới cứng’ trên đảo Ireland. DUP sau đó đã
thua trong cuộc bầu cử vào tháng 5 trước Đảng Sinn Fein, đối thủ theo chủ nghĩa
dân tộc. Nhưng từ đó đến nay, DUP đã nhiều lần phủ quyết việc thành lập chính
phủ mới.
Liệu có thể mở khóa bế tắc chính trị này hay không? DUP hy vọng rằng
vào tháng 9, Liz Truss sẽ giành được quyền lãnh đạo Đảng Bảo thủ và giữ đúng lời
hứa của đảng này là từ bỏ hầu hết các nội dung của nghị định thư. (Đối thủ của
bà, Rishi Sunak, công khai ủng hộ lập trường đó trước công chúng, nhưng người
ta vẫn cho rằng ông lo sợ xảy ra chiến tranh thương mại với EU.) Dù thế nào đi
nữa, đình trệ vẫn sẽ tiếp diễn hàng tháng trời. Và nếu không có chính phủ nào
được thành lập vào cuối tháng 10, các cuộc bầu cử mới phải được tổ chức vào
tháng 1 năm sau.
No comments:
Post a Comment