Monday, July 4, 2022

THẾ GIỚI HÔM NAY : 04/07/2022 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 04/07/2022

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

04/07/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/07/04/the-gioi-hom-nay-04-07-2022/

 

Nga tuyên bố kiểm soát hoàn toàn Luhansk, một khu vực thuộc vùng Donbas của Ukraine, mặc dù Kyiv vẫn chưa thừa nhận thất bại. Nga cũng cho biết đã chiếm được thành phố Lysychansk, nơi đóng quân cuối cùng của Ukraine trong khu vực. Mục tiêu hiện tại của Nga là đẩy lùi quân đội Ukraine ra khỏi Donbas, nơi lực lượng ly khai thân Nga đã chiến đấu giành quyền kiểm soát từ năm 2014.

 

Bộ trưởng Kinh tế Đức cảnh báo nước này sẽ đối mặt tình trạng thiếu khí đốt trầm trọng hơn vì chiến lược “chiến tranh kinh tế” của Vladimir Putin. Robert Habeck cho rằng tổng thống Nga đang cố tình tăng giá khí đốt để làm suy yếu các nước châu Âu. Được biết Đức bị phụ thuộc vào năng lượng Nga. Ông Habeck còn nói chính phủ có thể phải tăng giá cho người tiêu dùng.

 

Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko cho biết ông đã ra lệnh cho các lực lượng vũ trang tấn công các nước phương Tây nếu họ đánh Belarus. Một hãng thông tấn nhà nước đã trích lời ông là “đừng chạm vào chúng tôi, thì chúng tôi sẽ không chạm vào các người.” Ông Lukashenko cũng tuyên bố mà không đưa ra  bằng chứng rằng Belarus đã đánh chặn tên lửa do Ukraine bắn vào nước này. Những nhận xét của ông được đưa ra trong bối cảnh có quan ngại Belarus sẽ tăng cường can dự vào cuộc chiến của Nga.

 

Triều Tiên tuyên bố thỏa thuận Mỹ-Hàn-Nhật nhằm tăng cường hợp tác quân sự là một phần trong kế hoạch tạo ra NATO phiên bản châu Á của Mỹ. Lãnh đạo của ba nước này gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tuần trước và đã đi đến kết luận là chương trình vũ khí cũng như các vụ thử tên lửa của Triều Tiên cho thấy phải “tăng cường răn đe.”

 

Taliban yêu cầu các chính phủ nước ngoài chính thức công nhận chính quyền của họ và dỡ bỏ trừng phạt, nhưng lại không nhượng bộ các yêu cầu của phương Tây như cho phép nữ sinh đi học. Đây là tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp tề tựu hàng nghìn thủ lĩnh có liên hệ với Taliban ở Kabul, thủ đô Afghanistan. Nước này đã bị cắt đứt khỏi kinh tế toàn cầu kể từ khi Taliban lên nắm quyền vào tháng 8 năm ngoái.

 

Lũ lụt ở Sydney đã buộc hàng nghìn người phải sơ tán khỏi thành phố. Giới chức cho biết đã tiến hành 83 vụ cứu hộ và ghi nhận một người đàn ông thiệt mạng. Trước đó lũ lụt hồi tháng 3 cũng làm 20 người thiệt mạng; các hiện tượng thời tiết cực đoan đang trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây.

 

Nhiều dân thường và cảnh sát đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở Uzbekistan, với hàng ngàn người khác phải nhập viện. Các cuộc biểu tình, được tổ chức vào thứ Sáu, phản đối những điều chỉnh hiến pháp vốn sẽ tước bỏ địa vị tự trị của khu vực Karakalpakstan. Chúng đột ngột bị hoãn lại vào thứ Bảy.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Phương Tây họp bàn cách hỗ trợ Ukraine tái thiết thời hậu chiến

Ukraine sẽ được xây dựng lại, và phương Tây sẽ tài trợ. Đó có thể là thông điệp của Hội nghị Phục hồi Ukraine sẽ khai mạc tại Lugano, Thụy Sĩ, vào thứ Hai.

 

Hồi đầu tháng 6, Trường Kinh tế Kyiv ước tính thiệt hại vật chất do chiến tranh của Ukraine lên tới 104 tỷ USD. Bên cạnh đó là thiệt hại về nhân mạng và sản lượng kinh tế, doanh thu thương mại và đầu tư bị bỏ lỡ, cũng như chi tiêu bổ sung cho quân đội và các khoản hỗ trợ cho 6,3 triệu công dân phải di dời trong nước. Tác động tổng thể rất nghiêm trọng. IMF ước tính GDP của Ukraine có thể giảm hơn một phần ba trong năm nay, ngang với thiệt hại do Đại Suy thoái gây ra ở Mỹ trong những năm 1930.

 

Hứa hẹn tiền bạc cho tương lai không quá phức tạp. Nhưng cấp bách hơn là tài trợ cho nỗ lực chiến tranh và củng cố tài chính của Ukraine. Ngân hàng trung ương nước này đã in tiền với mức cao đáng báo động để vá lỗ hổng ngân sách. Hệ quả là lạm phát, hiện ở mức 18%, đang tăng lên. Hội nghị Lugano có một nhiệm vụ không hề dễ dàng.

 

Chile công bố dự thảo hiến pháp mới

Hội nghị hiến pháp của Chile đã làm việc suốt một năm qua. Vào thứ Hai, họ sẽ chính thức trình bày hiến pháp mới trước toàn quốc. Văn kiện mới bắt nguồn từ tình trạng hỗn loạn: cơ quan soạn thảo được bầu sau các cuộc biểu tình lớn chống bất bình đẳng và dịch vụ công tồi tệ hồi năm 2019. Nếu được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 9, hiến pháp này sẽ thay thế bản hiến pháp hiện tại của Chile, vốn được soạn thảo dưới chế độ độc tài quân sự của Augusto Pinochet.

 

Văn bản mới sẽ trao cho nhà nước vai trò lớn hơn trong cung cấp dịch vụ công, mở rộng quyền lao động, yêu cầu ít nhất một nửa cơ quan lập pháp và tư pháp phải là phụ nữ, cũng như công nhận các vùng đất bản địa và phân cấp quyền lực. Song kết quả thăm dò lại cho thấy người Chile sẽ bỏ phiếu phản đối. Các vụ bê bối (ví dụ như việc một thành viên ban soạn thảo nói dối về việc mắc bệnh ung thư) cũng như tin tức giả (bao gồm tin đồn hiến pháp sẽ bãi bỏ quyền sở hữu tài sản tư nhân) đã làm tổn hại danh tiếng của nó. Gabriel Boric, tổng thống cánh tả được bầu gần đây, rất muốn tình hình thay đổi từ giờ cho đến cuộc trưng cầu dân ý. Vì đã ủng hộ hiến pháp mới, sự tồn tại của chính phủ ông hoàn toàn phụ thuộc vào thành công của nó.

 

Ả Rập Saudi tiếp tục mở cửa thị trường chứng khoán cho khối ngoại

Một thập niên trước, người nước ngoài thậm chí không thể trực tiếp mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Ả Rập Saudi. Nhưng giờ đây họ có thể làm điều đó và nhiều hơn nữa. Kể từ thứ Hai, sàn giao dịch Tadawul ở Riyadh sẽ bắt đầu cho phép giao dịch hợp đồng tương lai một cổ phiếu, đánh dấu một bước tiến nữa trong tiến trình thay đổi của sàn. Kể từ năm 2015, vương quốc này đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài lớn và nới lỏng giới hạn sở hữu. Vào cuối tháng 3 năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu tới 318 tỷ rials (85 tỷ USD) trên sàn giao dịch, tăng từ 103 tỷ của hai năm trước đó.

 

Tuy vậy, khối ngoại vẫn chỉ kiểm soát một lượng nhỏ thị trường. Một số công ty lớn nhất, chẳng hạn như gã khổng lồ hóa dầu SABIC, là doanh nghiệp được nhà nước sở hữu đa số, trong khi số khác được kiểm soát bởi các gia đình tinh hoa. Nhưng việc mở cửa thị trường là tốt cho cả người Ả Rập lẫn người nước ngoài. Các công ty lớn được tiếp cận với nguồn vốn bên ngoài, còn các nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận tốt hơn so với các thị trường phương Tây đang chậm đi. Ví dụ, chỉ số Tadawul tăng 5% trong năm qua, trong khi chỉ số Dow của Mỹ mất 10%.





No comments: