Tây
phương chớ để Putin và Tập Cận Bình xưng là kẻ ‘Thế Thiên Hành Đạo!’
Vann Phan/Người Việt
July 23,
2022
SANTA
ANA, California (NV) – Ai
xem truyện dài lịch sử “Thủy Hử” của tác giả Thị Nại Am thời nhà Tống bên Trung
Hoa, nói về 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc từng tụ nghĩa chống lại triều đình
nhà Tống thối nát hồi đầu thế kỷ 12, cũng đều biết đến ngọn cờ “Thế Thiên Hành
Đạo” (“thay Trời mà mang lại công lý cho thế gian”) do các vị anh hùng nói trên
giương cao trong cuộc khởi nghĩa thời đó với mục đích “vì dân trừ bạo.”
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/07/CCB-Tay-phuong-Putin-Tap-1-1068x712.jpg
Khẩu hiệu trong cuộc biểu tình diễn ra tại Quảng
Trường Trafalgar ở London, Anh, ngày 5 Tháng Ba, lên án ông Vladimir Putin, tổng
thống Nga, xâm lăng Ukraine. (Hình minh họa: Hollie Adams/Getty Images)
Như vậy,
“Thế Thiên Hành Đạo” có nghĩa là “thay Trời mà trừ gian, diệt bạo,” hoặc “thay
Trời mà bình định thế giới,” hoặc “thay Trời mà mang lại công lý cho thế gian,”
một danh nghĩa rất dễ bị lạm dụng, y như một số các chiêu bài có tính “nhân
nghĩa” khác từ xưa đến nay. Đó là các chiêu bài “Vì Tự Do” thời Cách Mạng Pháp
hồi cuối thế kỷ 18 (Madame Roland thốt lên: “Ôi Tự Do! Người ta đã nhân danh mi
mà gây ra không biết bao nhiêu là tội ác!”); chiêu bài “Vì Sứ Mạng Khai Hóa Dân
Chúng” thời thực dân, đế quốc từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 20; và chiêu bài “Vì Sứ Mạng
Giải Phóng Giai Cấp Vô Sản Khỏi Mọi Áp Bức” thời Cách Mạng Cộng Sản trong thế kỷ
20 (“Quốc Tế Ca”: Vùng lên, hỡi các nô lệ ở thế gian!).
Ngày nay,
bên trời Tây, ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, đang dồn hết nỗ lực đánh chiếm
nước Cộng Hòa Ukraine – một quốc gia độc lập, có chủ quyền hẳn hoi và không hề
vi phạm luật lệ quốc tế – để sáp nhập vào Liên Bang Nga, chỉ vì trước kia, thời
Cộng Sản Nga, Ukraine vốn là một nước cộng hòa trong Liên Bang Xô Viết nhưng lại
tách ra sau khi Liên Xô tan rã.
Trong khi
đó, bên trời Đông, ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, đang củng cố thế lực
nội bộ và canh tân các lực lượng quân sự để có thể tung quân đánh chiếm đảo quốc
Đài Loan và thâu tóm vùng Biển Đông vào lãnh thổ của nước mình.
Cuộc chiến
tranh thôn tính Ukraine do quân đội Nga dưới quyền ông Putin thực hiện vẫn chưa
đạt được mục tiêu tối hậu đề ra và cuộc đánh chiếm Đài Loan cũng như Biển Đông
chỉ mới tiến hành được nửa chừng. Tuy nhiên, nguy cơ Nga chiếm được Ukraine và
xóa tên nước này khỏi bản đồ thế giới cũng như hiểm họa Trung Quốc thôn tính
Đài Loan và thâu tóm Biển Đông vẫn con đó. Về lâu dài, các hành động này của
Nga và Trung Quốc sẽ thành sự thật nếu các nước Tây phương, mà đứng đầu là siêu
cường Hoa Kỳ, không quyết tâm hành động kịp thời để ngăn chặn những thảm họa có
tính lịch sử đó.
Có hai lý
do khiến Tây phương và các quốc gia yêu chuộng hòa bình trên thế giới không được
phép để cho ông Putin và ông Tập Cận Bình thành công trong tham vọng xâm chiếm
đất đai của các quốc gia khác để sáp nhập vào lãnh thổ nước mình. Một, là vì
nguyên lý “cứt trâu để lâu hóa bùn;” và hai, là vì Tây phương cũng có binh lực
hùng mạnh cho nên không việc gì mà phải quá sợ Nga và Trung Quốc.
Cái Ác thắng ở đâu thì cứ ở luôn nơi đó
Tục ngữ Việt
Nam có một câu rất nôm na và không mấy thanh tao nhưng ý nghĩa thật thâm thúy,
đó là “Cứt trâu để lâu
hóa bùn.” Nghĩa đen của câu này là những việc chưa thực hiện, chưa giải quyết,
hoặc nợ nần mà trì hoãn lâu ngày sẽ bị lãng quên, mất hết cơ sở, luận chứng, đi
đến chỗ hỏng việc hoặc thất thiệt hoàn toàn.
Nghĩa rộng
của câu này là sự chiến thắng của cái Ác trên cái Thiện, nếu để lâu ngày, sẽ
đương nhiên tạo chính nghĩa cho các lực lượng vô đạo đức và phi nhân nghĩa. Điều
này dễ dẫn đến tình trạng thế giới bên ngoài quên mất đi rằng, trong quá khứ,
đã có một dân tộc, một nhóm người, một vùng lãnh thổ độc lập và có chủ quyền
nào đó từng bị các lực lượng hùng mạnh hơn và tàn bạo hơn chinh phục và đặt ách
thống trị lên, trái ngược với ý nguyện của người dân tại những nơi đó.
Một lý do
khác nữa cũng giúp cho cái Ác hễ đã chiến thắng nơi đâu thì cứ tồn tại mãi ở đó
là tính cầu an của nhân loại ngày nay, hậu quả của sự giàu có gia tăng về của cải
vật chất so với ngày xưa.
Các sự kiện
lịch sử từ Hoa Lục, Tây Tạng, Bán Đảo Triều Tiên, Cuba, miền Nam Việt Nam, và
Iran hồi thế kỷ trước cho tới Venezuela, Syria, Abkhazia cùng với South Ossetia
(của Georgia) và Crimea (của Ukraine) trong thề kỷ này phải là hồi chuông cảnh
tỉnh cho các cường quốc hùng mạnh nhưng quá cầu an và “nhát đòn” của thế giới về
hiểm họa cái Thiện bị cái Ác lấn át và tiêu diệt, theo đó các chế độ phi dân chủ
và bạo tàn cứ tồn tại mãi.
Tại Á
Châu, các lực lượng Cộng Sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo đã đánh chiếm lục địa
Trung Hoa khỏi tay chính quyền Trung Hoa Dân Quốc dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống
Tưởng Giới Thạch từ năm 1949 tới nay.
Mới đầu,
thế giới cứ tưởng chế độ Cộng Sản Trung Hoa thế nào cũng tốt đẹp hơn là chế độ
Dân Quốc đầy tham nhũng của họ Tưởng. Nhưng thời gian cho thấy đó là một chế độ
độc tài, đảng trị, không hề tôn trọng tự do, dân chủ và nhất là luôn thẳng tay
đàn áp nhân quyền. Chính Cộng Sản Trung Hoa đã đem quân xấm chiếm vùng Tây Tạng
tự trị hồi năm 1950 và sáp nhập phần đất này vào Hoa Lục, khiến cho nhà lãnh đạo
Tây Tạng, trong đó có Đức Đạt Lai Lạt Ma, phải chạy sang Ấn Độ mà sống lưu vong
sau đó.
Cộng Sản
Trung Hoa hiện đang cai trị vùng lãnh tổ Tân Cương (Xinjiang), mà đa số dân
chúng theo Hồi Giáo, dưới bàn tay sắt, và đang thi hành chính sách đồng hóa tàn
bạo, nếu không nói là diệt chủng, để trừ khử cho bằng hết người Duy Ngô Nhĩ
(Uyghur) bản xứ. Hồi năm 1989, Cộng Sản Trung Hoa cũng đã dập tắt một cách tàn
bạo các cuộc biểu tình đòi tự do, dân chủ của giới trẻ tại Hoa Lục, khiến cả
ngàn sinh viên, học sinh tham gia biểu tình bị giết chết một cách thảm thương.
Chế độ Cộng
Sản tại Bắc Hàn, do Trung Quốc thiết lập từ thời Chến Tranh Triều Tiên
(1950-1953) đến nay, dù là một chế độ độc tài, gia đình trị, đảng trị, tàn bạo,
và không hề tôn trọng nhân quyền, vẫn tồn tại từ ngày đó đến giờ, và đang ngày
càng hùng mạnh hơn về quân sự để trở thành mối hiểm nguy trực tiếp cho Nam Hàn,
Nhật và ngay cả cho Hoa Kỳ. Đó là vì thế giới không đủ quyết tâm ngăn chặn quốc
gia Bắc Á này thủ đắc và phát triển võ khí nguyên tử.
Chế độ Cộng
Sản tại Cuba, chiếm quyền từ năm 1959 cho tới nay, vẫn còn là một chế độ độc
tài, độc đảng và vi phạm nhân quyền trầm trọng mà thế giới vẫn cứ phải để yên.
Chế độ Cộng Sản Việt Nam, nắm quyền cai trị trên toàn lãnh thổ Việt Nam sau khi
“đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” từ năm 1975 đến nay, vẫn là một chế độ độc
tài, đảng trị, hà khắc, và đầy tham nhũng, khiến đa số dân chúng tại Việt Nam
chán ghét, nhưng rồi cũng không ai làm gì được để thay đổi tình thế.
Chính thể
Hồi Giáo chính thống tại Iran, nắm quyền từ năm 1979 cho tới nay, cũng như chế
độ xã hội chủ nghĩa của Hugo Chávez và Nicolás Maduro, cướp chính quyền từ 1999
tới nay, vẫn còn là những chế độ phi dân chủ và đàn áp nhân quyền bị dân chúng thù
ghét mà thế giới đành bó tay và không có cách nào lật đổ được.
Mới đây,
nước Cộng Hòa Hồi Giáo Iran đã ra mặt ủng hộ ông Putin trong cuộc xâm lăng tàn
bạo và diệt chủng của quân Nga tại Ukraine. Chế độ độc tài, tàn bạo của Bashar
al-Assad tại Syria, được nước Nga của ông Putin hà hơi, tiếp sức, vẫn sống mãi
với thời gian để cỡi đầu, cỡi cổ dân chúng Syria từ khi đảng Ba’ath lên cầm quyền
hồi năm 2000 đến nay.
Năm 2008,
nước Nga của ông Putin đã xúi giục người dân gốc Nga tại hai tỉnh Abkhazia và
South Ossetia, từng ly khai khỏi nước Georgia hồi cuối thế kỷ trước, chuẩn bị
việc sap nhập vào Liên Bang Nga. Tới năm 2014, quân Nga lại đến “giải phóng”
bán đảo Crimea của Cộng Hòa Ukraine để rồi, sau cùng, “tỉnh bơ” sáp nhập phần đất
này vào lãnh thổ Liên Bang Nga trong khi Hoa Kỳ và Liên Âu cứ đứng đó nhìn trân
trân vào vụ việc chứ chẳng làm gì được cả.
Tây phương tại sao lại quá sợ Nga và Trung Quốc?
Có điều,
trước các thách thức do ông Putin đưa ra trong lúc cuộc chiến tranh Nga-Ukraine
đang tiếp diễn, Hoa Kỳ và các đồng minh Âu Châu trong Khối NATO lại có vẻ sợ sệt
và thụt lùi, qua việc họ không dám trực tiếp đưa quân hoặc khí giới tối tân vào
giúp Ukraine chống đánh quân Nga cũng như ráng hết sức tránh né việc đụng độ
quân sự với các lực lượng Nga đang xâu xé Ukraine thành từng mảnh.
Trên thực
tế, dựa trên những bản đánh giá sức mạnh và đẳng cấp của quân đội các cường quốc
trên thế giới hằng năm, cán cân lực lượng quân sự bao gồm Nga cùng phe đảng của
nước này, như Trung Quốc, Bắc Hàn, và Iran, vẫn không làm sao có thể hùng mạnh
hơn lực lượng quân sự của Hoa Kỳ cùng các quốc gia trong Khối NATO. Một bên có
bốn nước, một bên có tất cả 30 nước, chưa tính lực lượng các cường quốc quân sự
khác thân Tây phương, trong đó có Nhật, Nam Hàn, và Úc, luôn cả Ấn Độ trong trường
hợp phải đối đầu với Trung Quốc.
Tuy nhiên,
phải chăng tâm lý “liệng chuột sợ bể đồ” đang thật sự gây bế tắc cho mọi toan
tính tốt đẹp nhằm giúp đỡ người hiền lương để ngăn ngừa kẻ bạo hành? “Bể đồ” ở
đây vừa có ý nghĩa về quân sự lẫn ý nghĩa về kinh tế.
Về mặt
quân sự, khác xa với thời của các cuộc thế chiến và chiến tranh cấp vùng trong
thế kỷ trước, những cuộc xung đột trên quy mô lớn ngày nay giữa các cường quốc
đều dễ dàng dẫn đến những tàn phá khủng khiếp, nếu không nói là mang tính hủy
diệt, cho mọi phe lâm chiến khi các kho bom nguyên tử, bom khinh khí và bom nhiệt
hạch (neutron) của thế giới được triệt để mang ra sử dụng. Khi ông Putin dọa sẽ
dùng đến bom nguyên tử để đánh lại nước nào trực tiếp đem quân giúp Ukraine chống
lại Nga thì tất cả các nước, từ siêu cường Mỹ cho tới các cường quốc Âu Châu
trong Khối NATO, đều sợ xanh mặt.
Về mặt
kinh tế, giữa thời đại toàn cầu hóa này, quyền lợi kinh tế chằng chịt giữa các
quốc gia giàu có luôn là lực cản cực kỳ mạnh mẽ, khiến các nước lớn không dám
đánh nhau vì sợ thiệt hại đến lợi nhuận đem lại từ những cuộc giao thương với
nhau. Thực tế cho thấy, khi Hoa Kỳ và các cường quốc Tây phương thi hành cuộc cấm
vận và trừng phạt kinh tế Nga vì cuộc chiến tại Ukraine, chính các nước đi trừng
phạt người ta cũng bị thiệt hại chứ không phải chỉ riêng nước bị trừng phạt.
Các quốc gia Âu Châu đang khổ sở và phải chạy đôn, chạy đáo để kiếm các nguồn
cung cấp năng lượng khác thay thế khi họ muốn triệt hạ nền kinh tế của Nga bằng
cách ngưng mua khí đốt và dầu từ nước Nga của ông Putin. Rồi các nước đó đều mừng
rỡ ra mặt khi nước Nga quyết định vẫn tiếp tục bán ra khí đốt và dầu cho quốc tế.
Thay lời kết
Giả sử như
Hoa Kỳ và các nước trong Khối NATO không dám trực tiếp can thiệp vào cuộc chiến
tại Ukraine hiện nay thì, về lâu, về dài, cuộc chiến này sẽ tiếp diễn mãi, dẫn
đến kẻ chiến thắng sau cùng là nước Nga của ông Putin, chừng nào mà cường quốc
này còn nhiều tài nguyên và nhân lực hơn Ukraine và chừng nào mà ông Putin còn
sống và vẫn nắm được quyền lực tuyệt đối như hiện nay.
Và giả sử
như Hoa Kỳ cùng các nước đồng minh tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, vì cớ “liệng chuột
sợ bể đồ” nên cứ để cho Trung Quốc ngang nhiên thôn tính Đài Loan hoặc Biển
Đông, thì Trung Quốc vẫn hiên ngang tiến hành mộng bành trướng bá quyền trên những
vùng đất và lãnh thổ mà họ đang khát khao chiếm lấy.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/07/CCB-Tay-phuong-Putin-Tap-2-1068x666.jpg
Sĩ quan Trung Quốc bên chiếc phi cơ không người
lái trinh sát tầm cao WZ-7. (Hình minh họa: Noel Celis/AFP via Getty Images)
Nhưng những
hậu quả như thế từ bên trời Âu và bên trời Đông sẽ không dừng lại ở đây. Một
khi Ukraine, Đài Loan và Biển Đông đã lần lượt rơi vào tay các đoàn quân xâm lược
rồi thì đương nhiên “chính nghĩa” sẽ thuộc về kẻ chiến thắng, bởi vì chân lý
luôn nằm trong tay kẻ mạnh, dù họ cũng là kẻ Ác.
Lúc đó,
ông Putin và ông Tập Cận Bình sẽ nghiễm nhiên tự xưng mình là kẻ “thế Thiên
hành đạo,” tức là tự coi mình đã được “mệnh Trời” truyền cho đi “giải phóng”
các vùng đất nói trên khỏi tay “quân bạo ngược,” cỡ ông Volodymyr Zelensky (tổng
thống Ukraine) và bà Thái Anh Văn (tổng thống Đài Loan), dẫu cho cả ông Putin
(một tín đồ Chính Thống Giáo Nga) lẫn ông Tập đều là những kẻ vô thần và chẳng
bao giờ tin tưởng vào Thượng Đế.
Lịch sử
các công cuộc “giải phóng dân tộc” từ Hoa Lục và Việt Nam cho tới Abkhazia và
South Ossetia (của Georgia) và Crimea (của Ukraine) trước đây cho thấy như vậy. (Vann
Phan) [qd]
No comments:
Post a Comment