NỘI DUNG :
Tại sao thế giới cần
ngũ cốc vận chuyển từ Ukraine?
BBC News Tiếng Việt
Ukraina
tố cáo Nga "phá hoại" thỏa thuận ngũ cốc
Thanh Hà - RFI
Phi
đạn Nga bắn trúng cảng Ukraine; Kyiv nói vẫn chuẩn bị xuất khẩu ngũ cốc
Reuters
=============================================
.
.
Tại sao thế giới cần
ngũ cốc vận chuyển từ Ukraine?
BBC News Tiếng Việt
24 tháng 7
năm 2022
https://www.bbc.com/vietnamese/business-62282388
Ukraine
thường là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ tư thế giới.
Đã đạt
được một thỏa thuận cho phép các tàu chở hàng hóa đưa ngũ cốc từ các cảng của
Ukraine đến phần còn lại của thế giới.
Một lệnh
phong tỏa do Nga áp đặt đã khiến giá lương thực tăng vọt và tình trạng thiếu hụt
lương thực ở một số nước nghèo nhất thế giới.
Có bao nhiêu ngũ cốc bị mắc kẹt ở Ukraine?
Khoảng 20
triệu tấn ngũ cốc xuất khẩu bị mắc kẹt ở Ukraine.
Tổng thống
Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết con số này có thể tăng lên 75 triệu tấn sau
vụ thu hoạch năm nay.
Chiến
tranh cũng đồng nghĩa với việc thu hoạch năm nay sẽ ít hơn.
Laura
Wellesley, chuyên gia an ninh lương thực tại tổ chức nghiên cứu Chatham House,
cho biết khoảng 30% trong số 86 triệu tấn ngũ cốc mà Ukraine thường sản xuất sẽ
không được thu hoạch.
Liên Hiệp Quốc cảnh báo khủng
hoảng lương thực toàn cầu do chiến tranh Ukraine
Lúa
mì Urkaine được xuất khẩu sang các nước nào?
Tình trạng thiếu ngũ cốc đã ảnh hưởng đến các
nước khác như thế nào?
Ukraine
thường là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ tư thế giới. Nước này thường sản xuất
42% dầu hướng dương, 16% ngô và 9% lúa mì của thế giới.
Ngoài ra,
xuất khẩu lúa mì từ Nga - nước xuất khẩu lớn nhất thế giới - đang giảm.
Tỉ lệ mặt hàng nông sản chính mà
Urkaine xuất khẩu trên thế giới.
Các biện
pháp trừng phạt của phương Tây không nhắm vào nông nghiệp Nga, nhưng Điện
Kremlin cho rằng các lệnh này đã cản trở xuất khẩu bằng cách tăng giá bảo hiểm
và ảnh hưởng đến các khoản thanh toán.
Các tàu chở
nông sản của Nga không bị cấm vào các cảng của EU.
Ngân hàng
Phát triển châu Phi cho biết Ukraine và Nga thường cung cấp hơn 40% lúa mì cho
châu Phi.
Tuy nhiên,
chiến tranh đã dẫn đến sự thiếu hụt 30 triệu tấn lương thực ở châu Phi. Điều
này đã góp phần khiến giá lương thực trên toàn châu lục tăng 40%.
Ở Nigeria,
thực trạng thiếu hụt khiến tăng giá các mặt hàng chủ lực như pasta và bánh mì
lên tới 50%.
Tương tự vậy,
Yemen thường nhập khẩu hơn một triệu tấn lúa mì mỗi năm từ Ukraine.
Nguồn cung
giảm từ tháng 1 đến tháng 5 khiến giá bột mì tăng 42% và giá bánh mì tăng 25% ở
Yemen, LHQ cho biết.
Tại Syria,
một nước nhập khẩu lúa mì lớn khác của Ukraine, giá bánh mì đã tăng gấp đôi.
Giá lúa mì
quốc tế đã giảm do tin tức về thỏa thuận này.
Tuy nhiên,
Laura Wellesley nói rằng trừ khi một lượng lớn ngũ cốc của Ukraine được vận
chuyển, nhiều quốc gia ở Trung Đông và châu Phi sẽ bị thiếu hụt.
"Điều
này sẽ đẩy giá bánh mì ở các quốc gia đó lên cao hơn nữa, gây ra nhiều bất ổn
xã hội," bà nói.
Các
tàu hàng đã không thể chở nông sản xuất khẩu từ tháng Hai do chiến tranh.
Kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm vận là gì?
Nga và
Ukraine đã ký các thỏa thuận với LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ để mở ra một "hành lang
hàng hải" ở Biển Đen.
Các quan
chức cho biết kế hoạch bao gồm:
• Tàu Ukraine
định vị dẫn đường cho tàu chở ngũ cốc ra vào vùng nước của cảng có mìn
• Nga đồng
ý đình chiến trong khi tàu vận chuyển các chuyến hàng
• Thổ Nhĩ
Kỳ kiểm tra tàu để trấn an nỗi lo của Nga về khả năng buôn lậu vũ khí
• Cho phép
xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga qua Biển Đen
Các khu vực
có rủi ro mìn tại Biển Đen.
IMF: 'Cần hỗ trợ giá
lương thực và năng lượng cho người nghèo'
Ai sẽ bảo hiểm cho tàu hàng sử dụng hành lang
biển?
Chi phí bảo
hiểm cho các tàu đi vào Biển Đen đã tăng vọt sau khi Nga xâm lược Ukraine.
Một số
hãng bảo hiểm đã tính phí 5% hoặc 10% giá trị con tàu cho một chuyến đi.
Các
tuyến đường thay thế vận chuyển ngũ cốc bằng đường biển từ Ukraine.
Tuy nhiên,
thỏa thuận sẽ có nghĩa là chi phí bảo hiểm thấp hơn, Neil Roberts từ Hiệp hội
thị trường Lloyds cho biết.
"Thỏa thuận mang lại cho chúng
tôi hy vọng rằng ngũ cốc có thể được vận chuỷen từ các cảng của Ukraine và hoạt
động thương mại được kích hoạt trở lại," ông nói.
Làm thế
nào để xuất khẩu ngũ cốc mà không có hành lang biển an toàn?
Trước chiến
tranh, Ukraine đã vận chuyển hơn 90% lượng lương thực xuất khẩu bằng đường biển.
Với các cảng
bị phong tỏa, họ đã cố gắng xuất khẩu nhiều nhất có thể bằng đường bộ, sử dụng
xe tải và tàu hỏa.
EU đang cố
gắng giúp đỡ - thiết lập "các làn đường đoàn kết", để ngũ cốc của
Ukraine có thể được vận chuyển từ các cảng trên Biển Baltic, và cả từ cảng
Constanta của Romania. Trong một phần của hành trình đến Constanta, ngũ cốc có
thể được vận chuyển bằng sà lan dọc theo sông Danube.
Tuy nhiên,
một vấn đề lớn là đường ray xe lửa của Ukraine rộng hơn so với các quốc gia còn
lại của châu Âu. Điều đó có nghĩa là ngũ cốc được bốc dỡ từ một nhóm toa xe ở
biên giới của Ukraine và được chất lại lên những toa tàu khác.
Phải mất tới ba tuần để ngũ cốc qua châu Âu và đến
các cảng ở Baltic.
Hiệp hội
Ngũ cốc Ukraine cho biết chỉ xuất khẩu tối đa 1,5 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng.
Trước chiến
tranh, Ukraine đã xuất khẩu tới 7 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng.
----------------------------
Ukraina
tố cáo Nga "phá hoại" thỏa thuận ngũ cốc
Thanh Hà - RFI
Đăng ngày: 23/07/2022 - 11:41
Thỏa
thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraina mà Kiev và Matxcơva đạt được tại Thổ Nhĩ Kỳ đã
bị phá họai. Kiev hôm 23/07/2022 cho biết quân đội Nga bắn tên lửa
vào hải cảng Odessa ở Hắc Hải, một trong ba cảng chính trong thỏa thuận
Istanbul. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và lãnh đạo Ngoại Giao châu Âu đồng thanh
chỉ trích Nga.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Ukraina, Oleg Nikolenko cho rằng
Matxcơva đã « nuốt lời hứa từng cam kết ở Istanbul, phỉ nhổ vào mặt tổng
thư ký Liên Hiệp Quốc và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ », nước chủ nhà. Nga phải «
hoàn toàn chịu trách nhiệm » về thất bại này.
Lãnh đạo Ngoại Giao Châu Âu, Josep Borrell nói đến một hành động
đáng « khiển trách » khi mà Matxcơva « pháo
kích » vào một trong những địa điểm then chốt trong thỏa thuận để
xuất khẩu ngũ cốc Ukraina bằng đường biển, qua ngả Hắc Hải. Tổng thư ký Liên Hiệp
Quốc Antonio Guterres cũng đã có những lời lẽ tương tự.
Chiều ngày 22/07/2022 tại Istanbul, đại diện của Nga và Ukraina đã đặt
bút ký vào thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraina qua ngả Biển Đen.
Thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ.
Ukraina và Nga chiếm 30 % thị trường ngũ cốc thế giới. Từ đầu cuộc chiến,
25 triệu tấn ngũ cốc Ukraina bị kẹt tại Hắc Hải. Bộ trưởng đặc trách về hạ tầng
cơ sở của Ukraina, Olexandre Kuoubrakov từng khẳng định « chỉ trong vài
ngày nữa » các hoạt động xuất khẩu sẽ được phục hồi.
Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kouleba hôm qua, thận trọng ghi nhận «
Ukraina không tin vào nước Nga. Không một ai có lý do gì để tin vào lời nói của
Nga ».
Riêng tổng thống Volodymyr Zelensky kỳ vọng nhiều vào thỏa thuận tạm thời
có hiệu lực trong vòng 4 tháng này và trên nguyên tắc sẽ được « tự động
triển hạn thêm ». Văn bản nói trên cho phép giải tỏa 3 cảng lớn của
Ukraina, trong đó có cảng Odessa, xuất khẩu 25 triệu tấn ngũ cốc bị kẹt lại từ
đầu cuộc chiến đến nay. Thỏa thuận này, theo ông, cho phép thu về 10 tỷ đô la
và cứu vãn kinh tế Ukraina.
Thông
tín viên đài RFI từ Kiev, Stéphane Siohan giải thích :
« Tại Kiev, tổng thống Volodymyr Zelensky hàng ngày
vẫn phát biểu qua cầu truyền hình. Tối Thứ Sáu 22 tháng 7, ông hoan nghênh thỏa
thuận cho phép tránh được ‘một thảm họa, tránh được nạn đói có nguy cơ đẩy nhiều
quốc gia trên thế giới vào cảnh hỗn loạn’.
Volodymyr Zelensky cũng đã cho biết thêm, việc giải
tỏa ba cảng lớn của Ukraina, trong đó có cảng Odessa cho phép xuất khẩu tất cả
ngũ cốc đã thu hoạch được trong vụ mùa 2022, và có thể đem về đến 10 tỷ đô
la cho ngân sách Nhà nước. Thỏa thuận này cũng sẽ cho phép bảo đảm công ăn việc
làm cho người dân trong ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, giới thân cận với tổng thống Ukraina vẫn
thận trọng. Một trong những cố vấn của ông Zelensky là Mykhailo Podolyak đã nhắc
nhở : cần quan sát kỹ thái độ của Liên bang Nga, một trong các bên đã đặt bút
ký vào một thỏa thuận rất phức tạp dưới sự bảo trợ của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp
Quốc.
Chính quyền Kiev hy vọng Nga sẽ không lợi dụng thời
cơ để gây ra sự cố, một khi hàng lang an toàn trên biển được hình thành. Tới
nay, bóp ngạt kinh tế Ukraina ngăn chận các hoạt động trên biển vẫn là một
trong những mục tiêu chính của Matxcơva.
Dù vậy thỏa thuận vừa đạt được không có nghĩa là
căng thẳng tại Biển Đen sẽ lắng dịu. Đây là kết quả từ khi tương quan lực lượng
ở Biển Đen đã trở nên cân bằng hơn. Nhờ vào tên lửa tầm xa của phương Tây, Ukraina
đã giành lại được quyền kiểm soát đảo Rắn, một vị trí chiến lược. Tàu chiến của
Nga không thể tiến vào gần thành phố biển Odessa một cách an toàn. Cách nay ba
hôm, thứ trưởng Quốc Phòng Ukraina tuyên bố : chủ đích của Kiev là tiêu diệt
các hạm đội của Nga ở Biển Đen. Công luận đang nói đến chiến dịch phản công ở
miền Nam, trong vùng Kherson, gần bán đảo Crimée. Nếu kịch bản này xảy ra, thì
một lần nữa, Hắc Hải sẽ lại dậy sóng ».
=================================================
.
Phi
đạn Nga bắn trúng cảng Ukraine; Kyiv nói vẫn chuẩn bị xuất khẩu ngũ cốc
24/07/2022
https://gdb.voanews.com/09680000-0a00-0242-7c71-08da6cd6f29e_w650_r1_s.jpg
Nhân viên cứu hỏa chữa cháy tại địa điểm xảy ra vụ tấn
công phi đạn của Nga ở thành phố cảng Odesa, Ukraine, ngày 23 tháng 7 năm 2022.
Phi đạn của Nga bắn trúng thành phố cảng Odesa ở miền nam của Ukraine vào
ngày thứ Bảy, quân đội nước này cho biết, đe dọa một thỏa thuận được kí kết chỉ
một ngày trước đó cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng ở Biển Đen và giảm bớt
tình trạng thiếu lương thực toàn cầu do chiến tranh gây ra.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói vụ tấn công cho thấy không thể
nào tin tưởng Moscow thi hành thỏa thuận. Tuy nhiên, đài truyền hình công cộng
Suspilne dẫn lời quân đội Ukraine cho biết phi đạn không gây ra thiệt hại đáng
kể và một bộ trưởng chính phủ cho biết công tác chuẩn bị vẫn tiếp tục để khởi động
lại việc xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng Biển Đen của nước này.
Thỏa thuận được Moscow và Kyiv kí hôm thứ Sáu và được Liên Hợp Quốc và Thổ
Nhĩ Kỳ làm trung gian điều giải được ca ngợi là một bước đột phá sau gần năm
tháng chiến sự ác liệt kể từ khi Nga xâm lược nước láng giềng. Nó được coi là hệ
trọng để kiềm chế giá lương thực toàn cầu tăng cao bằng cách cho phép ngũ cốc
xuất khẩu được vận chuyển từ các cảng Biển Đen bao gồm cả Odesa.
Các quan chức LHQ ngày thứ Sáu cho biết họ hi vọng thỏa thuận sẽ có hiệu
lực trong vài tuần nữa, và các cuộc tấn công nhắm vào Odesa đã thu hút sự lên
án mạnh mẽ từ Kyiv, LHQ và Mỹ.
Bộ trưởng quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các quan chức Nga nói với Ankara
rằng Moscow "không liên quan gì" đến các cuộc tấn công vào thành phố
cảng này. Một phát biểu của bộ quốc phòng Nga ngày thứ Bảy nêu ra những bước tiến
trong cuộc chiến không nhắc tới bất cứ cuộc tấn công nào ở Odesa. Bộ không trả
lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Hai phi đạn Kalibr của Nga bắn trúng khu vực có một trạm bơm ở cảng
Odesa, trong khi hai phi đạn khác bị lực lượng phòng không bắn hạ, theo Bộ Chỉ
huy Tác chiến miền Nam của Ukraine. Yuriy Ignat, người phát ngôn của lực lượng
không quân Ukraine, cho biết các phi đạn hành trình được bắn từ tàu chiến ở Biển
Đen gần Crimea.
Đài Suspilne sau đó dẫn lời người phát ngôn bộ chỉ huy quân sự miền nam
Ukraine, Natalia Humeniuk, cho biết khu vực kho chứa ngũ cốc của cảng không bị
trúng đạn. Không có thương vong nào được báo cáo.
Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Oleksandr Kubrakov nói trên Facebook rằng “chúng
tôi tiếp tục công tác chuẩn bị kĩ thuật cho việc xuất khẩu các sản phẩm nông
nghiệp từ các cảng của chúng tôi.”
Cuộc tấn công dường như vi phạm các điều khoản của thỏa thuận ngày thứ
Sáu, cho phép việc đi lại an toàn ra vào Odesa và hai cảng khác của Ukraine.
“Việc này chỉ chứng minh một điều: cho dù Nga có nói và hứa gì đi chăng nữa,
thì họ sẽ tìm mọi cách để không thi hành,” ông Zelenskyy nói trong một video
đăng trên Telegram.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres “lên án dứt khoát” các cuộc tấn công được
báo cáo, một người phát ngôn cho biết, đồng thời nói thêm rằng tất cả các bên
đã nhất trí về thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc và nhất thiết phải thực thi đầy đủ.
Hạm đội Biển Đen của Nga đã phong tỏa các hải cảng của Ukraine kể từ cuộc
xâm lược của Moscow vào ngày 24 tháng 2, khiến hàng chục triệu tấn ngũ cốc và
nhiều tàu thuyền bị mắc kẹt.
Điều này đã làm trầm trọng thêm tình trạng eo hẹp trong chuỗi cung ứng
toàn cầu và, cùng với các chế tài của phương Tây nhắm vào Nga, làm tăng giá thực
phẩm và năng lượng. Nga và Ukraine là hai nước cung cấp lúa mì lớn trên toàn cầu
và một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đã đẩy khoảng 47 triệu người vào
tình trạng “đói ăn nguy kịch,” theo Chương trình Lương thực Thế giới.
Các quan chức LHQ ngày thứ Sáu nói rằng thỏa thuận này, dự kiến sẽ có hiệu
lực hoàn toàn trong vài tuần, sẽ khôi phục khối lượng vận chuyển ngũ cốc từ ba
hải cảng được mở lại về mức trước chiến tranh là 5 triệu tấn mỗi tháng.
No comments:
Post a Comment