Shinzo Abe –
cựu thủ tướng Nhật mạnh mẽ nhưng gây chia rẽ
Người Việt
July 8,
2022
https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/shinzo-abe-cuu-thu-tuong-nhat-manh-me-nhung-gay-chia-re/
TOKYO,
Nhật (NV) – Ông
Shinzo Abe là “con nhà nòi” chính trị, được huấn luyện để nắm quyền. Ông là thủ
tướng giữ chức lâu ngày nhất của Nhật và có lẽ cũng là chính khách phức tạp,
gây chia rẽ nhất lịch sử cận đại nước này, theo AP hôm Thứ Sáu, 8 Tháng Bảy.
Ông Abe từng
gây phẫn nộ cho cả người cấp tiến trong nước lẫn nạn nhân Đệ Nhị Thế Chiến ở Á
Châu qua việc vận động đòi xây dựng lại quân đội Nhật cũng như quan điểm xét lại
rằng Nhật bị lịch sử kết tội bất công về quá khứ tàn bạo của nước này.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/07/TS-shinzo-abe-1-1068x712.jpg
Ông
Shinzo Abe, thời còn làm thủ tướng Nhật, phát biểu trong buổi họp báo tại dinh
thủ tướng ở Tokyo, Nhật, hôm 17 Tháng Tư, 2020. (Hình minh họa: Kiyoshi Ota –
Pool/Getty Images)
Cùng lúc
đó, ông giúp phục hồi kinh tế Nhật, dẫn đầu nỗ lực để nước này giữ vai trò mạnh
hơn ở Á Châu và làm gương về ổn định chính trị trước khi từ chức cách đây hai
năm vì lý do sức khỏe.
“Ông ấy là
chính khách nổi bật nhất nước Nhật mấy chục năm nay,” ông Dave Leheny, khoa học
gia chính trị Waseda University ở Tokyo, Nhật, nhận xét. “Ông ấy muốn Nhật được
thế giới tôn trọng sao cho ông ấy cảm thấy xứng đáng. … Ông ấy cũng muốn Nhật
không phải cứ xin lỗi về Đệ Nhị Thế Chiến.”
Ông Abe,
67 tuổi, qua đời ở bệnh viện sau khi bị ám sát trong lúc đọc diễn văn vận động
tranh cử ở Nara, miền Tây nước Nhật hôm Thứ Sáu. Vụ tấn công này làm bàng hoàng
nhiều người Nhật, một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới, có luật kiểm
soát súng thuộc loại chặt chẽ nhất. Cảnh sát bắt giữ nghi can ám sát ngay tại
hiện trường. Gần nghi can này là thiết bị có lẽ là súng tự chế hai nòng.
Ông Abe
tin rằng thành tựu kinh tế, nền hòa bình và hợp tác quốc tế của Nhật sau chiến
tranh là điều mà “những quốc gia khác nên quan tâm nhiều hơn, và Nhật nên tự
hào,” theo ông Leheny.
Ông Abe được
phe bảo thủ ở Nhật yêu thích nhưng bị nhiều người cấp tiến chửi rủa. Và không
chuyện nào gây chia rẽ hơn ước mơ mà ông ấp ủ từ lâu nhưng cuối cùng bất thành:
Sửa lại Hiến Pháp phản chiến của Nhật. Quan điểm chủ nghĩa dân tộc cực đoan của
ông cũng gây phẫn nỗ cho hai miền Triều Tiên và Trung Quốc, cả hai nạn nhân thời
chiến của Nhật.
Nỗ lực sửa
đổi Hiến Pháp đó bắt nguồn từ lịch sử cá nhân của ông. Ông ngoại ông, cựu Thủ
Tướng Nobusuke Kishi, xem thường Hiến Pháp Nhật, vốn do Mỹ soạn ra và được chọn
vào thời Mỹ chiếm đóng Nhật sau chiến tranh. Bản thân ông Abe cũng cho rằng bản
Hiến Pháp năm 1947 này tượng trưng cho di sản mà ông cảm thấy bất công về việc
Nhật bại trận và là sự áp đặt trật tự thế giới và giá trị Tây phương của phe thắng
trận.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/07/TS-shinzo-abe-2-1068x716.jpg
Dân Nam Hàn biểu tình phản đối ông
Shinzo Abe, thủ tướng Nhật thời đó, ở Seoul, Nam Hàn, ngày 5 Tháng Mười Hai,
2019. (Hình: Jung Yeon Je/AFP via Getty Images)
Bản Hiến
Pháp đó từ bỏ dùng vũ lực trong xung đột quốc tế, và chỉ cho phép quân đội Nhật
tự vệ, mặc dù nước này có lực lượng Lục Quân, Hải Quân và Không Quân tối tân,
phối hợp chặt chẽ với Hoa Kỳ, đồng minh hàng đầu của Nhật.
Nỗ lực sửa
đổi Hiến Pháp của ông Abe thất bại vì được rất ít người Nhật ủng hộ, nhưng mục
tiêu này vẫn được người theo quan điểm bảo thủ cực đoan giống như ông ủng hộ.
Ông Abe
cũng là người gây ảnh hưởng lớn đối với chính sách của đương kim Thủ Tướng
Fumio Kishida, vận động nâng cao năng lực của quân đội, như khả năng tấn công
phủ đầu.
Cựu Thủ Tướng
Abe từ chức năm 2020 vì ông cho hay căn bệnh viêm loét đại tràng (ulcerative
colitis), mà ông bị từ thời thiếu niên, tái phát.
Lúc đó,
ông nói với phóng viên rằng ông “quặn lòng” vì vẫn chưa đạt được nhiều mục tiêu
ông đề ra. Ngoài thất bại sửa đổi Hiến Pháp, ông cũng không thể giải quyết vài
di sản chiến tranh khác, như bình thường hóa quan hệ với Bắc Hàn, giải quyết
tranh chấp đảo với các nước láng giềng và ký thỏa thuận hòa bình với Nga chính
thức kết thúc giao tranh trong Đệ Nhị Thế Chiến.
Ông Abe được
Hoa Kỳ ca ngợi vì nỗ lực củng cố quan hệ Mỹ-Nhật, mối quan hệ mà ông xem là
cách tăng cường năng lực quốc phòng cho Nhật. Nhật hiện có 50,000 lính Mỹ đóng
quân để bảo vệ vùng này giữa căng thẳng với Trung Quốc và Bắc Hàn.
Ông Abe trở
thành thủ tướng trẻ tuổi nhất của Nhật năm 2006, năm ông 52 tuổi, nhưng nhiệm kỳ
đầu tiên đầy xì-căng-đan này đột ngột chấm dứt một năm sau đó, cũng vì lý do sức
khỏe.
Trong sáu
năm kế tiếp, Nhật thay đổi thủ tướng hằng năm, khiến nền chính trị nước này thiếu
ổn định cũng như chính sách lâu dài.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/07/TS-shinzo-abe-3-1068x712.jpg
Người dân cầu nguyện bên ngoài nhà ga
Yamato-Saidaiji, nơi cựu Thủ Tướng Nhật bị bắn trước đó ở Nara, Nhật, hôm Thứ
Sáu, 8 Tháng Bảy. (Hình: Yuichi Yamazaki/Getty Images)
Khi tái đắc
cử thủ tướng năm 2012, ông Abe hứa vực dậy đất nước và đưa nền kinh tế thoát khỏi
trì trệ bằng công thức “Abenomics” nổi tiếng, kết hợp kích thích kinh tế, nới lỏng
chính sách tiền tệ và cải cách thể chế.
Ông đắc cử
liên tiếp sáu kỳ bầu cử và gầy dựng quyền lực chắc chắn, củng cố quốc phòng cho
Nhật cũng như liên minh an ninh với Hoa Kỳ. Ông cũng gia tăng giáo dục lòng yêu
nước cho sinh viên, học sinh Nhật và nâng cao vị thế Nhật trên thế giới.
Ông Abe là
thủ tướng Nhật giữ chức lâu nhất tính theo số ngày liên tiếp tại chức – hơn
2,800 ngày – vượt qua kỷ lục của cựu Thủ Tướng Eisaku Sato, ông chú (ông trẻ) của
ông, từng giữ chức 2,798 ngày từ năm 1964 đến 1972. (Th.Long) [qd]
No comments:
Post a Comment