Đâu
là kẻ thù lớn nhất của dân chủ?
08/07/2022
https://gdb.voanews.com/31ECB538-E31C-4CD0-A3C0-FC1D3013B46B_w650_r1_s.jpg
Biểu tình dù vàng ủng hộ dân chủ ở
Hong Kong, 28 tháng Chín, 2017. Hình minh họa.
Trừ phi
xã hội có dân trí cao, có tư duy phản biện (critical thinking), và quan trọng
nhất, có nền truyền thông độc lập thuần túy phục vụ cho sự thật.
Hồi xưa, lẫn
bây giờ, thông tin đóng vai trò trọng yếu trong hầu hết các lĩnh vực hoạt động
của con người. Ai nắm thông tin là nắm quyền, hay ảnh hưởng lên, quyết định sau
cùng. Thông tin về ta, về bạn, lẫn thù. Về thị trường, về thương trường, và
quan hệ v.v…
Cho nên
câu nói “Giữ bạn của mình gần, giữ kẻ thù của mình gần hơn nữa” (Keep your
friends close and your enemies closer), cũng không ngoài hàm ý đó.
Xin mở ngoặc
ở đây để nói chút về thông tin và kiến thức. Người có kiến thức nhưng không có
đủ thông tin chưa chắc sẽ đi đến quyết định tốt nhất trong những trường hợp
quan yếu. Thông tin, trong trường hợp này, mang tính quyết định. Còn người có đầy
thông tin nhưng không có kiến thức thì dễ bị choáng ngợp và lún sâu vào biển
thông tin mà không biết sau cùng phải làm gì. Thông tin, trong trường hợp này,
chỉ làm rối việc.
Nhưng quan
niệm về thông tin và kiến thức giữa hai thể chế dân chủ và phi dân chủ khác
nhau trời vực. Chế độ dân chủ cấp tiến quan niệm rằng người dân chỉ thật sự có
khả năng làm chủ nếu họ không chỉ có kiến thức mà cần phải có đầy đủ thông tin
để chính họ tự lấy quyết định thích hợp nhất cho quyền lợi của mình. Xin nhấn mạnh
ở đây là quyền lợi của mình, tức của mỗi công dân, không phải của chế độ, hay
nhà nước. Chế độ phi dân chủ, ngược lại, không muốn người dân hiểu biết và có đầy
đủ thông tin vì như thế đe dọa đến sự tồn tại của họ. Chính vì thế mọi chế độ
phi dân chủ đều tìm mọi cách để tác động lên lĩnh vực thông tin. Nhẹ là kiểm
soát truyền thông và quyền tự do biểu đạt của người dân. Nặng là không cho bất
cứ cơ quan truyền thông độc lập nào tồn tại, ngoại trừ truyền thông nhà nước.
Còn người dân thì bị giới hạn và rằng buộc bởi bao luật lệ khác nhau, như luật
an ninh mạng, luật hình sự vi tính v.v… Không những thế, họ có đội ngũ hùng hậu
dư luận viên để hóa giải những khó khăn thử thách chế độ gặp phải, đồng thời nỗ
lực tung tin thất thiệt, tung hỏa mù, tạo nghi vấn, đánh lạc hướng vấn đề, và
sau cùng, khi cần, để làm cho tất cả những nguồn thông tin đều vô giá trị, bất
khả tín như nhau.
Đây là chiến
thuật mà những chế độ phi dân chủ đã và đang áp dụng khá thành công từ nhiều
năm qua.
Tại Phi Luật
Tân, Ferdinand Marcos Jr đã tuyên
thệ trong buổi lễ nhậm chức tổng thống vào ngày 30 tháng 6 vừa
qua. Marcos con không ngần ngại ca ngợi thành tựu và con người của cha mình, mặc
dầu Marcos cha là một nhà độc tài khét tiếng, đánh dấu bởi nạn tham nhũng lan
tràn và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong 21 cầm quyền. Marcos con đã chiến
thắng cuộc bầu cử vào tháng 5 năm nay vì biết sử dụng đội ngũ chuyên về mạng
truyền thông xã hội, tung tin sai lệch về thời đại của Marcos cha, và hóa giải
những nghi vấn mà giới trẻ Phi hiểu về thời điểm họ chưa sinh thành. Chiến dịch chiến
tranh thông tin này không phải mới đây mà nó đã được tiến hành
từ ít nhất 3 năm trước, năm 2019, và được củng cố mạnh mẽ trong thời gian vận động
tranh cử.
Tại Hồng
Kông, Apply Daily của Jimmy Lai và những cơ quan truyền thông độc lập đều gặp
khó khăn để rồi phải đóng cửa vì tài sản bị đông lạnh, không thể tiếp tục trả
lương cho nhân viên; hoặc vì bị đe dọa bởi luật an ninh mạng đang treo sợi dây
thòng lọng lên đầu. FactWire, cơ quan truyền thông chuyên điều nghiên về dữ kiện,
đã ra thông báo đóng cửa hoạt động vào ngày 10 tháng 6. Sau 6 năm hoạt động chuyên
điều tra nghiên cứu những sự kiện quan tâm để đưa sự thật đến
người nhận thông tin, thông tấn xã phi lợi nhuận FactWire hiểu rằng thời điểm
đã đến, và họ không còn sự chọn lựa nào. Sự sách nhiễu chính thức lẫn những đe
dọa âm thầm không phải là điều gì lạ với họ. Những cuộc điều nghiên trước đây của
FactWire đã vạch trần một số âm mưu và can thiệp của Trung Quốc lên trên phạm
vi của Hồng Kông, điều mà Bắc Kinh hứa hẹn sẽ tôn trọng nhưng làm ngược lại.
Ngoài Apple Daily và FactWire, Stand News và Citizen News cũng cùng chung số phận.
Cuối năm 2021, sau khi hơn 200 cảnh sát độp nhập cơ sở phát hành, Stand News
đã đóng cửa hoạt
động. Mấy ngày sau, đầu năm 2022, Citizen News cũng
lấy quyết định tương tự chủ yếu vì lo ngại đến sự
an toàn của nhân viên. Hơn 800 ký giả Hồng Kông thuộc Apply
Daily and Stand News đã mất việc sau khi hai cơ quan này đóng cửa.
Sự tấn
công vào truyền thông trong thời gian qua thật ra không chỉ diễn ra ở các thể
chế độc tài hay phi dân chủ. Nó đã và đang diễn ra khắp nơi. Trong thời gian
Donald Trump làm Tổng thống, ông cũng lên án những cơ quan truyền thông nào phê
phán ông, và gán nhãn hiệu cho họ là tin giả. Sau khi xâm chiếm Ukraine ngày 24
tháng 2, đầu tháng 3 nước Nga của Putin đã thông qua đạo luật kiểm soát ngoặc
nghèo thông tin, tấn công những cơ quan truyền thông hay cá nhân nào đưa thông
tin ngược lại xu hướng chung của nhà nước Nga. Chỉ cần gọi nó là cuộc chiến,
thay vì “chiến dịch đặc biệt”, là có thể bị
rắc rối ngay. Tường trình về cuộc chiến từ bên trong nước Nga một
cách độc lập gần như bất
khả, và truyền thông nhà nước Nga trở thành độc quyền đưa tin, bình
luận và định hướng dư luận.
Peter
Limbourg, Tổng Giám đốc cơ quan truyền thông Deutsche Welle (DW) của
Đức biện luận rằng tuy không thể chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine, đây là thời
điểm quan trọng khi vai trò của ký giả cần chứng minh tính thích đáng của nó,
vì những gì được truyền đi có thể ảnh hưởng đến số phận của hàng trăm nghìn người
và các hành động chính trị quan yếu. Limbourg nhấn
mạnh rằng “Chúng ta đang phải đối mặt với một cơn bão thông tin
sai lệch, tuyên truyền và kiểm duyệt. Khi những tiếng nói tự do và độc lập kết
hợp với nhau, chúng ta có thể chống chọi với cơn bão này và tạo ra sự khác biệt.”
Maria
Ressa, người đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 2021, trong bài phát biểu tại Diễn
đàn Truyền thông Toàn cầu tổ chức bởi DW tại Đức vào cuối tháng 6 vừa
qua, biện
luận rằng “Nếu bạn không có dữ kiện, bạn không có sự thật; nếu
bạn không có sự thật, bạn không có lòng tin.” Ressa xác định: “Làm thế nào để
chúng ta xây dựng lại lòng tin? Bởi vì đó là điều mà các chính phủ phi tự do/cấp
tiến đã phá hủy. Nếu bạn không có tính trung thực của sự kiện, làm sao bạn có
thể có được sự liêm chính trong các cuộc bầu cử?". Ressa quan ngại rằng
nghề ký giả đang đứng ở khoảnh khắc sống còn (existential
moment) và quả quyết rằng “Xây dựng lại niềm tin bằng sự thật là điều
cần thiết để chống lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít.”
Tổng Thư
ký của tổ chức Phóng viên Không Biên giới còn tô lên một bức tranh ảm đạm hơn
thế nữa. Christophe Deloire, phát biểu tại cuộc họp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới
vào đầu tháng 6 vừa qua, nhận
định rằng “Mỗi năm bản đồ tự do báo chí thế giới trở nên tối
hơn”. Kenneth Roth, Giám đốc Điều hành của Human Rights Watch, cảnh báo: “Sổ
tay của kẻ chuyên quyền luôn bắt đầu bằng việc đóng cửa các phương tiện truyền
thông độc lập. Các nhà báo đóng một vai trò xã hội thiết yếu để cung cấp thông
tin cho công chúng, do đó, một công chúng hiểu biết có thể buộc các chính phủ
phải chịu trách nhiệm về hành động của họ.” Agnes Callamard, Tổng thư ký của Tổ
chức Ân xá Quốc tế, đã đi xa hơn: “Thông tin độc lập và tự do là trọng tâm của
chính hệ thống toàn cầu. Nếu chúng ta không duy trì không gian cho tự do báo
chí ngày hôm nay, trật tự thế giới của ngày mai sẽ bị thiên lệch, một chiều và
gây bất lợi cho tất cả chúng ta ”.
Truyền
thông tại Úc tương đối đa dạng, tự do và độc lập. Những người làm truyền thông
một chiều hay chủ trương tuyên truyền đã bị vạch trần, cảnh báo, thách thức, và
qua thời gian không còn mang tính thuyết phục. Tính liêm chính (integrity)
trong nghề truyền thông tại Úc tương đối cao. Những cơ quan truyền thông công cộng
như ABC và SBS đóng vai trò đáng kể trong việc truyền đạt thông tin và gia tăng
kiến thức của công dân. Tuy nhiên mạng xã hội vẫn đầy những thông tin giả, và
người ta vô tình hay cố ý tiếp tục truyền nhau những thông tin chưa được kiểm
chứng, nhất là các cộng đồng sắc tộc không muốn, hay không thể, kiểm chứng
thông tin trên các cơ quan truyền thông chính mạch.
Ita
Buttrose, Chủ tịch của cơ quan truyền thông công cộng hàng đầu của Úc hiện nay
ABC, cũng chia
sẻ những thử thách mà truyền thông Úc đang đối diện hiện nay.
Phát biểu tại một buổi họp mặt của giới truyền thông vào ngày 19 tháng 6, cùng
thời điểm với cuộc họp của giới truyền thông tự do toàn cầu tại Đức, Buttrose
cho rằng “Người Úc chủ yếu dựa vào các phương tiện truyền thông chính thống như
một phần thiết yếu của đời sống công dân và dân chủ của chúng ta nếu họ có thể
tin tưởng rằng chúng ta có thể phơi bày cách bao biện (spin), dối trá và thông
tin sai lệch, đồng thời đưa ra dữ kiện và sự thật. Tất cả dữ kiện. Tất cả sự thật…
Với nền tự do báo chí mong manh, nền dân chủ đang đứng trước rủi ro. Không có tự
do báo chí, nền dân chủ sẽ chết… Báo chí vì công ích phải được bảo vệ và bất kỳ
nỗ lực nào nhằm bóp nghẹt quyền tự do truyền thông đều nên bị từ chối kịch liệt…”
Con người
trước nay đều dễ bị thao túng. Dân trí càng thấp càng dễ bị định hướng. Thông
tin tràn ngập, không kiểm chứng, với dụng ý gây lung lạc (misinformation) hay
gây tác hại (disinformation), đang là trở ngại cực lớn hiện nay. Fake news nói
chung đang là mối đe dọa lớn nhất của mọi nền dân chủ. Oái ăm, chính nó lại
nuôi dưỡng sự tồn tại của các chính thể phi dân chủ. Hôm nay và về sau. Trừ phi
xã hội có dân trí cao, có tư duy phản biện (critical thinking), và quan trọng
nhất, có nền truyền thông độc lập thuần túy phục vụ cho sự thật. Trên hết, tất
cả những điều này chỉ có thể có được trong một xã hội mà văn hóa nơi đó đề cao
nền tảng đạo đức và nỗ lực truy tìm chân thiện mỹ.
No comments:
Post a Comment