Monday, July 25, 2022

SAU 5 THÁNG PHÒNG THỦ, UKRAINE CHUẨN BỊ PHẢN CÔNG (Bình Phương / Saigon Nhỏ)

 



Sau 5 tháng phòng thủ, Ukraine chuẩn bị phản công

Bình Phương  -  Saigon Nhỏ

25 tháng 7, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/sau-5-thang-phong-thu-ukraine-chuan-bi-phan-cong/

 

Đã có dấu hiệu cho thấy quân đội Ukraine bắt đầu chuẩn bị phản công chiếm lại các vùng lãnh thổ bị mất

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/07/GettyImages-1242112759.jpg

Ukraine đã trải qua 5 tháng chiến tranh ác liệt và tàn phá khủng khiếp. Khi cuộc chiến bước sang tháng thứ sáu, quân Nga vẫn tiếp tục dội bom và hỏa tiễn xuống các thành phố đông dân cư. Ảnh một ngôi trường trung học ở tỉnh Kharkiv bị pháo kích tan hoang vào sáng 25 tháng Bảy,2022. Ảnh Abdullah Unver/Anadolu Agency via Getty Images)

 

Cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đã qua 5 tháng mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Sau 150 ngày kháng cự và phòng thủ, đã có dấu hiệu cho thấy quân đội Ukraine bắt đầu chuẩn bị phản công, đẩy lùi quân xâm lược và chiếm lại thành phố Kherson có vị trí chiến lược trên bờ Hắc Hải.

 

Kherson là thành phố lớn đầu tiên của Ukraine bị Nga chiếm đóng trong những ngày đầu cuộc chiến tranh cách đây đúng năm tháng. Tỉnh Kherson nằm ở đông nam Ukraine, giáp ranh bán đảo Crimea đã bị Nga sáp nhập vào lãnh thổ Nga năm 2014, và hai vùng biển quan trọng: biển Hắc Hải và biển Azov, nơi tập trung các tuyến hàng hải huyết mạch của đất nước. Thành phố và những vùng đất màu mỡ bao quanh nó là một đầu cầu quan trọng của Nga, ở đó quân Nga thiết lập các sở chỉ huy tiền phương, các kho hậu cần và vũ khí để liên tục phát động các cuộc tấn công trên một vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền đông nam Ukraine. 

 

Việc tái chiếm Kherson có thể giúp khôi phục động lực cho Ukraine, mang lại cho quân đội của họ một động lực rất cần thiết, sau nhiều tháng chiến đấu ác liệt. Thượng úy Sergei Savchenko thuộc Lữ đoàn 28 của Ukraine đang đào chiến hào dọc theo biên giới phía tây của tỉnh Kherson nói với báo The New York Times“Chúng tôi muốn giải phóng lãnh thổ của mình và giành lại quyền kiểm soát. Chúng tôi đã sẵn sàng. Chúng tôi đã muốn điều này từ lâu”.

 

Hiện tại các lực lượng Ukraine chỉ còn cách thành phố khoảng 30 dặm ở điểm gần nhất và sẵn sàng cho một cuộc tấn công lớn. Trong một tháng qua, pháo binh và hỏa tiễn của Ukraine đã làm suy yếu các vị trí của Nga nhờ loạt vũ khí mới do phương Tây cung cấp như Hệ thống tên lửa cơ động cao (HIMARS) của Mỹ. 

 

Các quan chức Ukraine nói các cuộc không kích bằng hỏa tiễn tầm xa đã phá hủy các trung tâm chỉ huy tiền phương và các kho đạn dược quan trọng của quân xâm lược, hàng trăm quân Nga đã thiệt mạng và cơ sở hạ tầng hậu cần của Nga đã bị gián đoạn. Họ nói các kho tiếp liệu và các vị trí chỉ huy Nga đã bị đẩy lùi xa khỏi tiền tuyến, khiến cho quân Nga khó tiếp tế vũ khí và thức ăn cho binh lính. Những tuyên bố này không thể được xác minh một cách độc lập.

 

Không giống như ở khu vực Donbass phía đông Ukraine, nơi lực lượng khổng lồ của Nga vẫn tiếp tục chiếm đóng, ở khu vực Kherson quân đội Ukraine dường như đã lật ngược tình thế. Sau khi mất quyền kiểm soát hầu hết khu vực trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến, quân đội Ukraine đã giải phóng được 44 thị trấn và làng mạc, chiếm khoảng 15% lãnh thổ của khu vực, theo thống đốc quân sự vùng Kherson, Dmytro Butrii.

 

Các quan chức hàng đầu của Ukraine không đưa ra lịch trình rõ ràng cho việc tái chiếm Kherson nhưng Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nói rõ đó là ưu tiên hàng đầu.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/07/GettyImages-1242010171.jpg

Chiến trường Ukraine vẫn ác liệt ngày đêm. Trong ảnh là một nhóm pháo binh Ukraine tại mặt trận Kherson ngày 15 Tháng Bảy 2022 (ảnh: Metin Aktas/Anadolu Agency via Getty Images)

 

Các quan chức phương Tây và một số nhà phân tích đang tranh luận liệu Ukraine đã sẵn sàng cho một nỗ lực lớn là phản công tái chiếm Kherson ở phía nam hay nên tập trung sử dụng tốt nhất các nguồn lực quân sự và vũ khí để cản bước tiến của Nga trong vùng Donbass, nơi có hai “nước cộng hòa” ly khai Luhansk và Donetsk được Nga dựng lên.

 

Nhưng các quan chức Ukraine và một số cơ quan tình báo phương Tây cho rằng, điều quan trọng là Ukraine phải thực hiện một cuộc phản công; họ nói quân đội Nga đang ở một vị thế tương đối yếu do đã tập trung vũ khí và quân lính vào các cuộc tấn công ở Donbass. Richard Moore, giám đốc cơ quan tình báo đối ngoại của Anh, MI6, dự đoán rằng người Nga sẽ buộc phải bỏ Kherson, mở ra cơ hội cho các lực lượng Ukraine.

 

Tuy nhiên, việc tái chiếm Kherson sẽ là một công việc gay go. Quân Nga đã chiếm đóng khu vực Kherson gần năm tháng, đã củng cố các vị trí quân sự và chuẩn bị đối phó với một cuộc tấn công lớn. Họ đã thiết lập chính quyền mới trong thành phố và ở các thị trấn và làng mạc lớn. Thậm chí, chính quyền quân sự do Kremlin cài cắm ở Kherson còn chuẩn bị tổ chức trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vùng đất này vào lãnh thổ Nga, giống như chuyện Putin đã làm ở bán đảo Crimea lân cận.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/07/FYfh_VgXwAITR1F-1024x1024.png

Thiệt hại của Nga tính đến ngày 25 tháng 7, 2022 (Theo ước tính của Quân Lực Ukraine)

 

Việc tái chiếm Kherson sẽ cần một lượng quân khổng lồ và nhiều hệ thống vũ khí tấn công hơn Ukraine hiện có, các quan chức phương Tây và Ukraine cho biết. Phần lớn vùng Kherson là nông thôn, nhưng thành phố Kherson là một đô thị rộng lớn nằm vắt qua hai bờ sông Dnipro. Việc tái chiếm thành phố có thể dẫn tới những cuộc giao tranh ác liệt trong đô thị với tổn thất to lớn về binh lính và tài sản. 

 

Trước chiến tranh, thành phố Kherson có khoảng 300,000 dân; nay một phần ba dân số đã đi tản cư. Một cuộc tấn công tổng lực sẽ làm cho cuộc sống của hàng trăm ngàn người còn lại trong thành phố gặp rủi ro lớn. Và đó là điều mà giới lãnh đạo Ukraine phải suy tính.

 

Michael Maldonado, một cựu binh Thủy quân Lục chiến Mỹ 34 tuổi đến từ tiểu bang Kansas và chiến đấu trong đội hình Lữ đoàn 28 của Ukraine, nói rằng: “Chúng tôi nghĩ Kherson giống như một Fallujah kế tiếp. Sẽ có rất nhiều trận đánh nhau điên cuồng”. 

 

Fallujah là một thành phố Iraq, căn cứ địa của nhà độc tài Saddam Hussein và thành trì của quân Hồi giáo Sunni. Cuộc tấn công tái chiếm Fallujah của liên quân đồng minh Tháng Mười Một và Mười Hai 2004, gọi là Trận chiến Fallujah thứ Hai, đã biến thành phố thành đống đổ nát, gần 100 lính đồng minh thiệt mạng và hơn 600 người bị thương. Trận Fallujah cho đến nay vẫn được coi là đẫm máu nhất trong cuộc chiến Iraq.

 

---------------------------------------

Đọc thêm:

 

·         Cuộc chiến của Putin

 




No comments: