Friday, July 15, 2022

NHẬT BẢN HẬU ABE : SỰ ỔN ĐỊNH CHÍNH TRỊ ĐANG BỊ ĐE DỌA? (Nikkei Asia Review)

 



Nhật Bản hậu Abe : Sự ổn định chính trị đang bị đe dọa? 

Bản dịch bài Japan after Abe: Political stability under threat? (Nikkei Asia Review 13-7-22)

Người dịch: ArchiVu

viet-studies 15-7-22

http://www.viet-studies.net/kinhte/NhatHauAbe_Nikkei_trans.html

 

Thứ Sáu ngày 8 tháng 7, hai ngày trước bầu cử Thượng viện, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang có bài phát biểu gần gũi vui vẻ theo phong cách đặc trưng Abe để ủng hộ ứng cử viên của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền tại thành phố phía tây Nhật Bản Nara thì ông gục xuống sau hai tiếng nổ lớn, máu chảy nhiều và được đưa đi bệnh viện. Abe qua đời vào lúc 17 giờ 03 phút cùng ngày.

 

Trong thế kỷ 21, Abe có lẽ là chính trị gia đáng gờm nhất của Nhật Bản​​cho đến nay. Ông là thủ tướng Nhật Bản nắm quyền lâu nhất trong lịch sử, với kỷ lục 3.188 ngày tại vị, với di sản từ các chính sách kiên định "Abenomics" đến việc chuẩn bị cho Nhật Bản đăng cai Thế vận hội Tokyo 2020.

 

Các vụ ám sát thủ tướng ở Nhật hầu như chưa từng xảy ra thời hậu chiến và tội phạm liên quan súng đạn cực kỳ hiếm, cái chết của Abe là một sự kiện gây ảnh hưởng lớn đến mức có thể làm lu mờ cả chính di sản của ông. Vụ việc gây rúng động không chỉ ở Nhật Bản mà còn gây ra những làn sóng bàng hoàng trên toàn cầu vào thời điểm thế giới đang bất ổn sau đại dịch COVID-19 và cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

 

Mang trong mình dòng máu trâm anh thế phiệt, xuất thân từ một gia đình quyền thế, ông của Abe là thủ tướng và cha là ngoại trưởng, Abe xuất hiện ở một địa vị đỉnh cao trong xã hội Nhật Bản.

 

Sát thủ Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, một cựu quân nhân, tuyên bố rằng anh ta đã bắn Abe do hận thù vì tin rằng Abe có liên quan với Liên đoàn Gia đình vì Hòa bình và Thống nhất Thế giới, được biết đến rộng rãi với tên gọi Nhà thờ Thống nhất, một nhóm tôn giáo mà mẹ anh ta đã quyên góp một số tiền lớn và vì đó mà phá sản. Lãnh đạo nhóm này đã xác nhận rằng mẹ của Yamagami là một thành viên tích cực, nhưng phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào với Abe.

 

Cuộc điều tra về vụ ám sát cho đến nay cho thấy Yamagami hành động một mình và không có động cơ chính trị nhưng hình ảnh một lãnh đạo quốc gia gục xuống vũng máu trên đường phố gợi nhớ về một thời kỳ khó khăn trong lịch sử chính trị Nhật Bản. Trong những năm 1930, đất nước này đã chứng kiến ​​một loạt các cuộc tấn công nhằm vào Thủ tướng Tsuyoshi Inukai và các chính trị gia khác. Bạo lực đã làm xói mòn nền dân chủ và cuối cùng làm phát sinh chủ nghĩa quân phiệt dẫn đến chiến tranh.

 

Cuộc bầu cử thượng viện được tổ chức ngay sau khi cựu Thủ tướng Abe qua đời đã kết thúc với chiến thắng nghiêng về LDP cầm quyền, hiện do Thủ tướng Fumio Kishida đứng đầu. Trong thời kỳ hậu Abe, Kishida có trách nhiệm lớn hơn bao giờ hết là đảm bảo rằng các quyền tự do ngôn luận và dân chủ của Nhật Bản không bị đàn áp bởi bạo lực.

 

Con người Abe

 

Thi thể của Abe đã được đưa về nhà của ông ở Tomigaya, Tokyo, vào Chủ nhật. Hôm thứ Ba, một đám tang được tổ chức riêng tư, chỉ có gia đình và bạn bè thân thiết của Abe, trong đó có Thủ tướng Kishida.

 

Tuy nhiên, nhiều người đã xuất hiện bên ngoài địa điểm tổ chức tang lễ, Đền Zojoji ở Tokyo, để bày tỏ lòng kính trọng. Thi thể của Abe được đưa đi trong một chiếc xe tang đen, bên trong là vợ ông, bà Akie, đang cúi đầu. 

 

Bất kỳ ai từng dùng bữa với Abe đều cảm thấy sự nhiệt tình của ông trong việc trò chuyện và khả năng hình thành các mối quan hệ. Tại các cuộc họp lớn, Abe sẽ đi từ bàn này sang bàn khác, nói chuyện riêng với những người tham gia.

 

Vụ ám sát của ông đã trở thành tiêu điểm toàn cầu, một tuyên bố chung của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Úc Anthony Albanese và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi được công bố vào ngày Abe qua đời gọi ông là "một nhà lãnh đạo có khả năng thay đổi đối với Nhật Bản." Một thông điệp của Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi tới gia đình Thủ tướng Abe mô tả ông là "một người tuyệt vời" và "một chính khách xuất chúng".

 

Cựu đại sứ Mỹ tại Nhật Bản John Roos đã nói với Nikkei Asia "Tôi nghĩ rằng có một số ít các nhà lãnh đạo vượt ra khỏi đất nước của họ. Và tôi nghĩ Thủ tướng Abe là một trong những nhà lãnh đạo đã bứt phá và trở thành nhà lãnh đạo thế giới".

 

Abe có tầm ảnh hưởng toàn cầu trong suốt thời gian cầm quyền. Rất hiếm có lãnh đạo nào tại vị được lâu năm trong chính trường Nhật Bản. Nhiều thủ tướng trong 30 năm qua chỉ nắm quyền trong vòng chưa đầy hai năm. Sự nổi tiếng của Abe ở nước ngoài một phần đến từ khả năng thiết lập mối quan hệ với một số nhân vật nổi tiếng khó tính, chẳng hạn như Putin và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhờ tính cách chu đáo của ông.

 

Nhưng danh tiếng của ông ở nước ngoài đã bị lu mờ phần nào sau chuyến thăm đền Yasukuni ở Tokyo vào năm 2013, nơi tôn vinh những người chết trong Thế chiến thứ hai của Nhật Bản, bao gồm cả những tội phạm chiến tranh bị kết án. Chuyến thăm đã gây ra sự chỉ trích từ Trung Quốc và Hàn Quốc, và thậm chí cả những lời chỉ trích từ Đại sứ quán Mỹ tại Tokyo.

 

Mục đích đưa Nhật Bản thoát khỏi chủ nghĩa hòa bình thời hậu chiến của Abe cũng gây nhiều tranh cãi. Ông đã tìm cách đưa Nhật Bản lên vị thế bình đẳng hơn với Mỹ bằng cách tăng chi tiêu quốc phòng và thông qua luật an ninh mang tính bước ngoặt vào năm 2015 cho phép quân đội Nhật Bản đảm nhận trách nhiệm "phòng thủ tập thể".

 

Daniel Russel, cựu trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ về Đông Á, các vấn đề Thái Bình Dương, hiện là phó chủ tịch phụ trách an ninh và ngoại giao quốc tế tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á, cho biết dưới thời Abe Nhật Bản chuyển từ trọng tâm hoàn toàn hướng nội sang quan hệ đối tác với Hoa Kỳ nhằm bảo đảm về an ninh và ngăn chặn các hành động gây hấn hoặc quân sự trong khu vực. 

 

Abenomics: Một chính sách cân bằng 

 

Nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của Abe, bắt đầu vào năm 2006, rất ngắn, chỉ kéo dài khoảng một năm. Ở tuổi 52, ông là thủ tướng trẻ nhất thời hậu chiến, nhưng ông từ chức chưa đầy một năm sau đó do thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử thượng viện năm 2007 và những vấn đề về sức khỏe.

 

Nhiệm kỳ thứ hai của Abe, bắt đầu vào tháng 12 năm 2012, chứng kiến​​ông dẫn dắt LDP giành chiến thắng trong sáu cuộc bầu cử liên tiếp ở hạ viện và thượng viện. Chính sách Abenomics, nhằm chấm dứt tình trạng giảm phát kinh niên của Nhật Bản; đã tăng gấp đôi chỉ số chứng khoán Nikkei trong ba năm và gần như giảm một nửa tỷ lệ thất nghiệp.

 

Tuy nhiên, ông đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì đã tạo nên bầu không khí không khoan dung, phá vỡ phong cách xây dựng đồng thuận thông thường của chính trị Nhật Bản, thường nói xấu và chế giễu các đối thủ của mình trong quốc hội.

 

Phong cách chính trị của Abe được đặc trưng bởi sự cân bằng tốt giữa niềm tin của ông vào chủ nghĩa bảo thủ và chủ nghĩa thực dụng. Abenomics là xương sống của chủ nghĩa thực dụng đó, và hiệu quả của nó có thể thấy được qua những thành công trong các cuộc bầu cử.

 

Đóng góp quan trọng nhất của Abenomics đối với nền kinh tế Nhật Bản là tạo việc làm. Trong nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai từ năm 2012 đến năm 2020, lượng việc làm có sẵn đã tăng 4,3 triệu người, tương đương 7%, giảm tỷ lệ thất nghiệp từ 4,3% xuống 2,2%.

 

Với sự suy giảm dân số trong độ tuổi lao động của Nhật Bản kể từ năm 1995 và nhập cư vẫn bị hạn chế chặt chẽ, lao động nữ và người cao tuổi là nguồn khả dụng duy nhất mà Abe có thể khai thác để đối phó với tình trạng thiếu lao động kinh niên.

 

Để thu hút nhiều phụ nữ hơn vào lực lượng lao động, Abe đã khởi động chương trình "womenomics" của mình vào năm 2013. Mục đích là khuyến khích phụ nữ làm việc bằng cách tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc trẻ em và mở ra nhiều vị trí trách nhiệm hơn cho các nhân viên nữ.

 

Khả năng tiếp cận việc làm của phụ nữ đã được cải thiện đáng kể dưới thời Abe với hơn 3 triệu trong số 4,3 triệu tin tuyển dụng dành cho phụ nữ. Từ năm 2012 đến năm 2021, tỷ lệ tham gia lao động nữ của Nhật Bản đã tăng từ 63% lên 73%, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, vượt qua mức trung bình toàn cầu là 65%.

 

Tuy nhiên, hơn một nửa số việc làm được tạo ra dưới thời Abenomics là những công việc được trả lương tương đối thấp, không an toàn và không thường xuyên. Tiền lương có tăng, nhưng không theo kịp tốc độ gia tăng chi phí sinh hoạt và thuế.

 

Abenomics phần lớn cũng thất bại trong việc thu hẹp khoảng cách thu nhập đang ngày càng tăng. Trọng tâm của chính sách này là đổ nhiều tiền hơn vào túi các tập đoàn, với hy vọng rằng họ sẽ chia sẻ số tiền đó với công nhân. Nhưng thay vào đó, các doanh nghiệp đã chọn nắm giữ lợi nhuận và tích trữ tiền mặt khổng lồ.

 

Hậu quả là, tỷ lệ nghèo của Nhật Bản hầu như không thay đổi, ở mức 15,7% vào năm 2019 so với 16,0% của năm 2007 và cao hơn nhiều so với mức trung bình của khối OECD năm 2019 là 11,2%.

 

Michael Cucek, phó giáo sư nghiên cứu Châu Á tại Nhật Bản của Đại học Temple, cho biết “Dưới thời Abe, có hy vọng rằng tiền lương sẽ tăng, mang lại lợi nhuận cao hơn cho các công ty, nhân viên được trả lương nhiều hơn và khơi dậy niềm tin của người tiêu dùng. Nhưng điều đó không bao giờ xảy ra."

 

Khoảng cách thu nhập theo giới của Nhật Bản ở mức cao nhất trong số các nước phát triển, với thu nhập trung bình của phụ nữ thấp hơn nam giới khoảng 26% vào năm 2020. Nhật Bản vẫn đứng thứ 120 trong số 156 quốc gia về bình đẳng giới.

 

Giá cả toàn cầu gia tăng hiện nay đã khiến nhiều người phải đánh giá lại Abenomics. Chương trình này dựa trên việc nới lỏng tiền tệ bất thường, điều này đã dẫn đến chênh lệch lãi suất giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, đẩy nhanh sự mất giá của đồng yên. Một số người hiện coi Abenomics như một di sản thất bại. Các chính sách khác được phe bảo thủ ủng hộ, chẳng hạn như cải cách cơ cấu, dường như đã không còn được ưa chuộng kể từ khi Abe từ chức thủ tướng.

 

Giờ đây, đến lượt Kishida định hướng nền kinh tế với tầm nhìn "chủ nghĩa tư bản mới" của mình. Trong bài phát biểu chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 11 tháng 7, ông tuyên bố sẽ xây dựng dựa trên di sản của Abenomics để "tạo ra một nền kinh tế bền vững và bao trùm", bằng cách tăng cường đầu tư công và tư vào khoa học và đổi mới.

 

Hợp nhất LDP

 

Ngoài di sản của Abenomics, dấu ấn lớn nhất của Abe đối với chính trị ở Nhật Bản là vai trò chủ chốt của ông trong LDP. Ông đã hiểu được tầm quan trọng của các phe phái của LDP trong thời gian làm thư ký cho cha, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Shintaro Abe, và luôn biết rằng bất kỳ thủ tướng Nhật Bản nào cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi quan điểm của phe lớn nhất trong đảng.

 

Chưa đầy một năm sau khi từ chức thủ tướng vì lý do sức khỏe vào tháng 9 năm 2020, Abe đã tiếp quản vị trí lãnh đạo của phe nội đảng lớn nhất của LDP, Seiwa Seisaku Kenkyukai, và tiếp tục lên tiếng về cả tình hình chính trị và chính sách.

 

Sau khi người kế nhiệm là Thủ tướng Yoshihide Suga, người không để lại dấu ấn sau một năm cầm quyền, từ chức vào tháng 10 năm 2021, Abe đã công khai quan điểm của mình khi LDP bước vào cuộc bầu cử lãnh đạo mới. 

 

Ông ủng hộ Sanae Takaichi, một nữ nghị sĩ diều hâu, người lâu năm ủng hộ Abe. Takaichi không thuộc bất kỳ phe phái nào trong LPD nhưng mục tiêu của Abe là hợp nhất những người bảo thủ thuộc phe ông, những người ủng hộ cả trong và ngoài đảng về dưới quyền của Takaichi.

 

Với sự hậu thuẫn của Abe, Takaichi đã vượt qua Taro Kono, một ứng cử viên nặng ký khác trong cuộc đua lãnh đạo và cuối cùng về nhì. Takaichi chỉ bị đánh bại bởi Kishida, thủ tướng đương nhiệm, người đứng đầu phe lớn thứ tư của LDP.

 

Tuy nhiên, Takaichi, người đã trở thành chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách của đảng, nhận thấy rất khó để có thể lấp chỗ trống do Abe để lại để đảm nhận vai trò lãnh đạo của phe bảo thủ. Do đó, cuối cùng Abe nhận ra rằng ông cần phải có mặt trên chiến tuyến của LDP phải lên tiếng thẳng thắn hơn, đặc biệt là về vấn đề chi tiêu quốc phòng. Khi Abe trở lại, ảnh hưởng của Takaichi đối với những người trong phe bảo thủ đã suy giảm.

 

Trên thực tế, Abe vẫn là lãnh đạo bảo thủ khi ông không thể đề bạt Takaichi, người không thuộc phe mình, lên làm người kế nhiệm do phe của Abe còn có các nhà lập pháp có ảnh hưởng khác như Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Koichi Hagiuda.

 

Sau khi Abe qua đời, hiện không có lãnh đạo nào đủ sức cuốn hút, đủ tầm để gắn kết thống nhất các thành viên của phe bảo thủ. Người đứng đầu phe quan trọng nhất, phe Abe, trong LDP giờ không có người nào được đề cử kế nhiệm, điều này sẽ làm LPD thay đổi hệ thống chính trị.

 

Những thách thức thời hậu Abe đối với Kishida

 

Abe có ảnh hưởng đến mức ngay cả sau khi từ chức thủ tướng, ông vẫn là một nhân vật được coi trọng và không thể thiếu trong quốc hội. 

 

Nhiều người coi các quyết định bổ nhiệm của Thủ tướng Kishida là một nỗ lực để giữ Abe và phe của ông ở lại. Kishida đề cử Takaichi, một đồng minh thân cận của Abe, và Nobuo Kishi, em trai Abe vào các vị trí quan trọng trong đảng và nội các. Không thể phớt lờ Abe, Kishida được coi là không có lựa chọn nào khác.

 

Không có Abe, Kishida có thể tự do hơn trong việc điều hành chính phủ. Ông không còn bị áp lực, không có Abe và phe Abe, Kishida sẽ có thoải mái hơn để ra các quyết sách của minh.

 

Tuy nhiên, việc Abe mất đi cũng khiến Kishida gánh chịu những trách nhiệm chính trị to lớn. Kishida sẽ không còn có thể sử dụng Abe, người có ảnh hưởng lớn trong đảng, làm "cái cớ" để theo đuổi các chính sách gây chia rẽ không chỉ trong LDP mà còn trong xã hội. Đứng đầu trong số này là sửa đổi hiến pháp của Nhật Bản.

 

Thế giới đã thay đổi mạnh mẽ với COVID-19 và cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Nhiều người lo ngại rằng hiến pháp của Nhật Bản và khuôn khổ pháp lý hiện tại không còn đủ để chống lại các cuộc tấn công trong không gian mạng và các lĩnh vực phi truyền thống khác. Điều 9 của hiến pháp từ bỏ việc sử dụng vũ lực và nói rằng các lực lượng quân sự sẽ "không bao giờ được duy trì."

 

Abe đã nêu rõ ý thức hệ mong muốn thay đổi Điều 9 và củng cố an ninh của Nhật Bản, vào năm 2015, ông đã thúc đẩy luật an ninh toàn diện mới thông qua quốc hội, cho phép Nhật Bản có quyền "tự vệ tập thể."

 

Michael Green, Giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ tại Đại học Sydney và là cựu giám đốc cấp cao về châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia, nói với Nikkei rằng động lực chính của luật an ninh là logic chiến lược mạnh mẽ của Abe, chứ không phải là hệ tư tưởng của ông liên quan đến hiến pháp. Nhìn vào sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự gia tăng của các hành động quân sự và gây hấn của Trung Quốc, Abe kết luận rằng Nhật Bản cần củng cố liên minh và tăng cường khả năng răn đe.

 

Trong suốt 9 tháng nắm quyền, Kishida đã nói rõ rằng ông đồng ý với Abe về nhu cầu tăng cường an ninh của Nhật Bản, thúc đẩy chính sách ngoại giao theo chủ nghĩa hiện thực và cam kết tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản.

 

Nhưng cải cách hiến pháp là một vấn đề gây tranh cãi ở Nhật Bản, dựa trên bản sắc của chủ nghĩa hòa bình thời hậu chiến của nước này. Nếu còn Abe, Kishida có thể tận dụng và dựa vào chủ trương mạnh mẽ của Abe về việc sửa đổi Điều 9. Abe là một lực lượng đoàn kết, và Kishida có thể sử dụng ông như một lá chắn để trú ẩn khi vấp phải sự chỉ trích từ những người phản đối việc thay đổi hiến pháp.

 

Khi lựa chọn đó không còn, những lời chỉ trích đối với chính quyền Kishida sẽ đến từ mọi phía. Ngoài những đảng đối lập bất mãn, hơn bao giờ hết, Kishida có thể đối mặt với sự bất mãn của những người bảo thủ mà lẽ ra Abe sẽ thẳng tay từ chối.

 

"Cánh hữu đã mất nhà vô địch" khi mất Abe. Liệu điều này có mang lại lợi thế cho Kishida hay không chúng ta vẫn còn phải chờ xem.

 

Archivu dịch

 

Link bài gốc

https://asia.nikkei.com/Spotlight/The-Big-Story/Japan-after-Abe-Political-stability-under-threat 





No comments: