Friday, July 8, 2022

LIÊN HIỆP QUỐC : LẠM PHÁT DO CUỘC CHIẾN UKRAINE ĐẨY 71 TRIỆU NGƯỜI VÀO CẢNH NGHÈO ĐÓI (VOA News)

 



LHQ: Lạm phát do cuộc chiến Ukraine đẩy 71 triệu người vào cảnh nghèo đói

VOANews

08/07/2022

https://www.voatiengviet.com/a/lhq-lam-phat-do-cuoc-chien-ukraine-day-71-trieu-nguoi-vao-canh-ngheo-doi/6649692.html

 

https://gdb.voanews.com/44698634-1BC8-45DF-8A34-467F1449A5C9_w650_r1_s.jpg

Quản trị viên Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) Achim Steiner.

 

Ba tháng đầu của cuộc chiến ở Ukraine đã đẩy giá nhiên liệu và lương thực toàn cầu tăng cao, tạo ra lạm phát kỷ lục, và khiến 71 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói, theo cuộc nghiên cứu của Liên hiệp quốc công bố ngày 7/7.

 

Phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến ở Geneva, Quản trị viên Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) Achim Steiner cho hay phân tích 159 quốc gia đang phát triển cho thấy sự tăng vọt giá cả các mặt hàng chủ chốt đã “tác động ngay lập tức và nghiêm trọng đến các hộ gia đình nghèo nhất thế giới”.

 

Nghiên cứu cho thấy cú sốc kinh tế từ việc Nga xâm lược Ukraine xảy ra sau 18 tháng phong tỏa vì COVID có tác động tiêu cực chậm hơn nhưng tích lũy và mạnh mẽ đối với các nền kinh tế thế giới. Ông Steiner cho biết đại dịch đã đẩy khoảng 125 triệu người vào cảnh nghèo đói.

 

Tại cuộc họp báo tương tự, Nhà kinh tế Cao cấp của UNDP George Grey Molina cho biết kết quả là nhiều quốc gia đã phải đối mặt “hết cú sốc này đến cú sốc khác” trong 36 tháng.

 

Ông Molina cho biết tác động của chiến tranh “nhanh hơn đáng kể”, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp lương thực và năng lượng toàn cầu, đồng thời châm ngòi cho sự gia tăng lạm phát.

 

Ông Steiner nói việc các chính phủ không có hành động dứt khoát và “triệt để” có nguy cơ làm bùng phát tình trạng bất ổn trên diện rộng, khi sự kiên nhẫn và khả năng đối phó với tình hình của người dân cạn kiệt.

 

Ông chỉ ra tình hình ở Sri Lanka, nơi chính phủ đang rơi vào tình trạng hỗn loạn và quốc gia này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu và lần đầu tiên trong lịch sử bị vỡ nợ.

 

Nghiên cứu vừa kể đưa ra một số khuyến nghị về chính sách tài chính để giải quyết khủng hoảng. Ví dụ, ông Steiner gợi ý rằng một số quốc gia có thể giải quyết tình trạng lạm phát phi mã mà không cần dùng đến “công cụ thẳng thừng” là tăng lãi suất.

 

Ông khuyến nghị các định chế đầu tư đa phương, chẳng hạn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có thể cung cấp nhiều vốn hơn để cho phép các quốc gia giải quyết cuộc khủng hoảng thông qua cho vay có mục tiêu và các biện pháp ứng phó khủng hoảng khác.

 

 



No comments: