Saturday, July 9, 2022

LAO ĐỘNG VIỆT BẤT HỢP PHÁP Ở NƯỚC NGOÀI, CHÍNH PHỦ PHẢI CÓ TRÁCH NHIỆM (RFA)

 



Lao động Việt bất hợp pháp ở nước ngoài, Chính phủ phải có trách nhiệm

RFA

2022.07.08

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-government-must-be-held-accountable-for-vietnamese-abroad-illegal-workers-isue-07082022144758.html                                          

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-government-must-be-held-accountable-for-vietnamese-abroad-illegal-workers-isue-07082022144758.html/@@images/bc6bec8c-914d-4a59-8a99-606cad76884a.jpeg

Tướng Công an Lương Tam Quang (trái), một nhóm người Việt lao động bất hợp pháp tại Đài Loan bị bắt hồi năm 2020 (phải) .   (CGA/RFA edited)

 

Tướng Công an nói lao động Việt bất hợp pháp ở nước ngoài bị trục xuất gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của người lao động Việt Nam. Tuy nhiên, ông không đề cập đến chuyện Chính phủ Việt Nam đã làm gì để có thể bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt có thể yên tâm làm việc ở nước ngoài, gởi tiền về “xây dựng đất nước”.

 

Người bị trục xuất thấy mình đáng thương

 

“Ngày trục xuất, người ta đưa chúng tôi lên xe, còng tay hai người chung vào một cái còng, cứ hai người một còng rồi chở mình ra sân bay.

Họ đưa vào chỗ làm thủ tục về Việt Nam, vào luôn trong phòng chờ và vẫn còng tay, cho tới khi tới trước đường hầm đi vào máy bay thì người ta mới mở còng cho mình về lại Việt Nam.

Mình bị còng trước mặt mọi người. Lúc đó có rất nhiều ánh mắt kỳ thị. Họ nhìn mình như là một tội phạm làm gì đó ghê gớm lắm.

Lúc đó mình cũng thấy ngại. Bên ngoài người ta xem mình như một tội phạm, nhưng mà trong thâm tâm mình lại thấy mình thật sự đáng thương. Bởi vì mình biết là lao động bất hợp pháp, nhưng ít ra trong 16 năm trời, bao nhiêu công sức, sức khỏe của tuổi trẻ của mình đã cống hiến cho đất nước người ta, mà lúc về bị coi như tội phạm, thì tôi thấy mình đáng thương.”

 

Anh Minh, từng là một lao động Việt Nam tại Đài Loan từ năm 2002, cư trú bất hợp pháp từ năm 2008, và đến năm 2018 thì bị trục xuất về nước vì làm việc bất hợp pháp tại quốc đảo này trong khoảng mười năm.

 

Hồi cuối tháng sáu, Bộ Công an Việt Nam cho biết đã nhận hơn 25.000 người Việt vi phạm pháp luật ở nước ngoài bị trục xuất kể từ năm 2018 đến nay.

 

Báo chí nhà nước dẫn lời thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an nói rằng phần đông trong số này là những người cư trú, lao động bất hợp pháp tại nước ngoài.

 

Do đó, người Việt trở thành đối tượng chủ yếu trong các chiến dịch truy quét người nước ngoài cư trú, lao động bất hợp pháp và thường xuyên bị phản ánh trên truyền thông nước sở tại, khiến hình ảnh lao động Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực.

 

Liều mạng trốn sự truy bắt

 

Anh Minh kể rằng, trong suốt 10 năm sống bất hợp pháp, đã có rất nhiều lần phải liểu mạng trốn chạy sự truy đuổi của cảnh sát:

 

“Trong quá trình mình bỏ ra ngoài làm việc (bất hợp pháp - PV), đã có những lần mình trốn (cảnh sát - PV) mà nói thật sự là liều mạng luôn đó!

Đặc biệt là có một lần, chắc là đang trong đợt truy quét lao động bỏ ra ngoài làm, lúc đó mình đang đi mua đồ vào buổi tối thì bị người ta chặn đường kiểm tra giấy tờ, mà mình không có nên bỏ chạy.

Khi người ta đuổi mình vào thế bí, mình phải nhảy xuống một cái cầu để bơi qua bên kia con sông nhỏ. Lúc đó người ta mới không theo nữa.

Bơi dưới sông trong buổi tối rất là nguy hiểm, cũng may mắn là ở dưới cầu không có thứ gì nhọn, cũng không có đá, mà nước cũng sâu cho nên nên mình bơi được mà không có bị thương.

Bây giờ nghĩ lại thấy rất nguy hiểm nhưng lúc đó chỉ nghĩ làm sao để thoát được, cũng không nghĩ là mình có thể sẽ chết nếu nhảy xuống. Cái đó mình không kịp nghĩ tới.

 

Anh Minh nói, ở các công trình xây dựng, có rất nhiều người Việt bất hợp pháp làm việc. Bởi tính chất công việc xây dựng nặng nhọc, khói bụi độc hại và nguy hiểm nên hầu hết chỉ có người Việt lao động “chui” mới chấp nhận công việc này. Do đó, công trình xây dựng luôn là mục tiêu được nhắm tới trong các đợt truy quét lao động bất hợp pháp của Sở di dân Đài Loan.

 

Một lần khác, khi anh Minh đang làm tại một công trình thì bị cảnh sát bao vây toàn bộ toà nhà để kiểm tra giấy tờ, anh kể:

 

“Vào công trình xây dựng là sẽ thấy người Việt bất hợp pháp nhiều lắm! Có một lần, Sở di dân bao vây cái công trình luôn.

Những người làm từ lầu dưới la lớn báo cho mọi người, cho nên là mấy anh em phải chạy lên tầng thượng. Một tòa nhà chung cư mấy chục tầng, mình chạy bộ lên trên tầng thượng và nấp ở đó cho tới tối khuya, người ta về hết thì mình mới xuống.

Thật ra trong 10 năm có rất nhiều lần phải chạy trốn mà chưa bị bắt lại, số cũng hên!”

 

Cho tới một ngày năm 2018, sau khi làm việc tại một công xưởng ra về thì lại bị cảnh sát chặn đường kiểm tra giấy tờ. Lần này, anh không bỏ chạy vì đã quá mệt mỏi với cảnh sống bất an, lẩn trốn trong suốt hơn 10 năm trời. Cảnh sát đưa anh Minh tới một trại thu dung, ở đó 40 ngày thì trục xuất về Việt Nam.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-government-must-be-held-accountable-for-vietnamese-abroad-illegal-workers-isue-07082022144758.html/laodongdailoanbibat.jpeg/@@images/0a83d8c5-ce05-46dc-abc5-dff36168cf3e.jpeg 

Hình minh họa. Nhân viên di trú Đài Loan dẫn giải những phụ nữ người Việt trong số 152 khách du lịch bỏ trốn khi đến Đài Loan hôm 28/12/2018. AFP

 

Thu nhập không được như cam kết

 

Tướng Công an Lương Tam Quang nói về các nguyên nhân của tình trạng rất đông người Việt cư trú, làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài là vì “Việt Nam chưa quy định về hậu quả pháp lý với công dân phạm pháp ở nước ngoài, chưa có chế tài nghiêm khắc với doanh nghiệp để xảy ra tình trạng lao động vi phạm pháp luật nước sở tại.”

 

Bà Vân, từng làm việc cho một tổ chức hỗ trợ người di dân Việt Nam tại Đài Loan cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến người Việt bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp là do thu nhập không đúng với những cam kết của công ty môi giới trước khi họ sang Đài Loan.

 

Mỗi người lao động muốn sang Đài Loan làm việc phải đóng chi phí cho môi giới từ năm đến bảy ngàn đô-la Mỹ cho hợp đồng ba năm làm việc. Nếu không có tăng ca thì sau ba năm, trừ chi phí môi giới ban ban đầu, coi như là huề vốn:

Bên môi giới hứa với người lao động là sẽ có tăng ca, sẽ được thêm tiền, nhưng mà cuối cùng lại không được tăng ca. Mỗi ngày làm tám tiếng thôi tiền lương không đủ.

 

Họ còn phải trả tiền môi giới để qua Đài Loan làm việc tới năm - sáu ngàn đô lận. Tôi đã từng tính trong ba năm năm họ làm việc mà nếu không có tăng ca, thì khi về về gần như là tay trắng.”

 

Kể về trường hợp của mình, anh Minh nói sau khi anh kết thúc sáu năm với hai hợp đồng lao động. Nếu muốn làm việc tiếp thì phải ký thêm hợp đồng ba năm và đóng phí 6000 đô-la Mỹ cho môi giới, không chấp nhận yêu cầu đó nên anh bỏ ra ngoài làm việc bất hợp pháp:

 

Ngày xưa, sau khi hết sáu năm ở Đài Loan, nếu mình về thì lại phải mất thêm một số tiền môi giới rất lớn, môi giới tiếp tục ép mình trả cho họ 6000 đô-la, mỗi tháng mình còn phải đóng thêm cho họ 1800 Đài tệ tiền phí phục vụ, trong khi họ đâu có phục vụ gì cho mình đâu!

Khi đó, tiếng Trung hay môi trường làm việc thì mình đã hiểu hết rồi, mình không cần môi giới nữa. Chính vì vậy cho nên mình lựa chọn con đường ra ngoài.”

 

Theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/2/2022, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội quy định các doanh nghiệp đưa người đi xuất khẩu lao động không được thu thù lao môi giới quá giới hạn. Mức quy định đối với người làm việc ba năm là không qua 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng.

 

Mức lương tối thiểu hiện nay ở Đài Loan là khoảng 870 đô-la Mỹ/tháng. Ngoài ra, ngươi lao động vẫn đóng các chi phí khác cho môi giới.

 

VIDEO :

Khoảng 100 lao động Việt ở Đài Loan biểu tình yêu cầu tuyển dụng trực tiếp giữa hai chính phủ

https://www.youtube.com/watch?v=EqzaRc_wPGs

 

Trách nhiệm Nhà nước

 

Đối với phát ngôn rằng người lao động bất hợp pháp gây ảnh hưởng tiêu cực đối với hình ảnh người lao động Việt ở nước ngoài. Bà Vân nói trước khi đổ lỗi cho người lao động, cần hiểu biết thấu đáo nguyên nhân vì sao họ lại chọn con đường đầy rủi ro như vậy, và Chính phủ cũng phải nghiêm túc xem xét lại trách nhiệm của mình đối với việc giám sát các công ty môi giới, cũng như bảo hộ công dân ở nước ngoài:

 

Thực tế cần phải nhìn lại vì sao họ trốn ra ngoài. Chủ yếu là do chi phí xuất khẩu lao động quá cao.

Ví dụ như là lao động của Indonesia chi phí của họ đi rất thấp. Chính phủ Indonesia đàm phán người chủ bên Đài Loan phải trả chi phí ý môi giới, chứ không phải là người lao động bỏ tiền ra trả. Đó là điều mà chính phủ Indonesia đấu tranh được cho người dân của họ.

Với lại thông tin không minh bạch cho nên chính những người Việt Nam của mình ở đây bị lừa, cứ hứa qua bên đó sẽ có tăng ca nhiều nhưng cuối cùng là không có cho nên họ phải trốn ra ngoài.

Chính phủ Việt Nam cũng phải làm việc với Bộ Lao động Đài Loan giảm bớt các giấy tờ thủ tục để người dân có thể trực tiếp úng tuyển mà không qua môi giới hoặc bớt thủ tục thì cũng bớt chi phí môi giới cho người lao động.

 

Theo số liệu từ Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, trong ba năm 2016 - 2019, trung bình mỗi năm có hơn 100.000 người Việt Nam đi xuất khẩu lao động.

 

Tổng cộng, hiện nay đang có khoảng 580.000 lao động Việt đang làm việc ở nước ngoài. Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc là ba thị trường lao động lớn nhất của người Việt.

 

Người Việt sang nước ngoài chủ yếu là các công việc phổ thông, không cần chứng chỉ, bằng cấp như công nhân trong các công xưởng, xây dựng, cơ khí, nông nghiệp, đánh bắt thuỷ sản, chăm sóc người già và giúp việc gia đình… với mức lương tối thiểu của nước sở tại.

 

---------------------

Tin, bài liên quan

 

Cuộc xâm lược tại Ukraine có làm Trung Quốc mạnh bạo hơn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương?

 

Liệu Trung Quốc có lợi dụng tình hình Ukraine để gây chiến trong khu vực?

 

Thảm trạng công nhân Việt Nam ở Serbia và vai trò của công ty môi giới

 

Trẻ vị thành niên ở Tây Nguyên bị lừa đưa sang lao động tại Ả Rập Xê Út

 

Phụ nữ Việt qua Ả Rập Xê Út: lao động xuất khẩu hay nạn nhân buôn người?






No comments: