July 14th, 2022
https://baotreonline.com/van-hoc/viet-nam-ngay-cu/khu-vuc-nga-tu-bay-hien.baotre
Ngã tư Bảy Hiền không có tên trong bản đồ hành
chánh nhưng từ xưa, nó đã xuất hiện trong đời sống của người Sài Gòn-Gia Định.
Tương truyền, Bảy Hiền là một điền chủ, thường hay cứu giúp những người nghèo
khó, nên được người đời lấy tên, định thành địa danh.
https://baotreonline.com/tre_assets/uploads/2022/07/khu-vuc-nga-tu-bay-hien.jpg
Ngã tư Bảy Hiền năm
1966 đường Nguyễn Văn Thoại chưa mở rộng, góc bên kia đường là mảnh đất còn trống
sau này xây dựng Bệnh viện Vì Dân (Nguồn: Manhhaiflick)
Không rõ từ
khi nào, Ngã tư Bảy Hiền được dùng gọi cho khu vực giao lộ hiện nay là Cách Mạng
Tháng 8 và Lý Thường Kiệt – Hoàng Văn Thụ, trước kia là Lê Văn Duyệt (Verdun),
Nguyễn Văn Thoại (Maréchal Fox)- Trương Minh Ký (Lacaut) sau đó là Võ Tánh.
Nhưng trước tiên, tôi xin đính chính, có một thời gian đường Lê Văn Duyệt trước
1975 phía quận 3 kết thúc ở đoạn nghĩa địa Ðô Thành, phần còn lại kéo dài qua
Ngã tư Bảy Hiền đến Ngã ba Bà Quẹo là Phạm Hồng Thái.
Ðó là những
tên đường còn lại trong ký ức của tôi sau hơn nửa thế kỷ. Lần đầu, một thằng
cháu chắt đưa tang bà cố, đứng trước cổng nghĩa địa Ðô Thành nhìn sang mấy bảng
hiệu bán giày dép của người Bắc di cư bên kia đường ghi địa chỉ là đường Phạm Hồng
Thái. Thật ra con đường Lê Văn Duyệt nối dài Phạm Hồng Thái đến Ngã ba Ông Tạ
hay lên Ngã tư Bảy Hiền, tôi nhiều lần có dịp đi qua. Những lần đó đi theo thằng
bạn bán bong bóng, ghé lò Thanh Dung mua hàng hoặc đi theo mấy thằng bạn ham chơi
lên tới Ngã tư Bảy Hiền đi tìm nắp phén (nắp chai nước ngọt, bia chai) ở mấy tiệm
giải khát nằm ngoài mặt lộ phía bên nghĩa địa lính Tây mang về đập phẳng để làm
đồ chơi.
Nói đúng
ra, khu vực từ nghĩa địa Ðô Thành ngược ra hướng Bà Quẹo và xa hơn nữa thuộc quận
Tân Bình (quận Tân Bình thành lập từ năm 1957 bao gồm Tân Sơn Nhất, Tân Sơn
Nhì, Bình Trị Ðông (bao gồm quận Tân Bình, Tân Phú và huyện Bình Chánh hiện
nay). Tôi nhớ thuở còn bé, bảy tám tuổi gì đó, khu vực Ngã tư Bảy Hiền còn thưa
vắng nhà cửa. Phía bên này ngã tư chưa có Bệnh viện Vì Dân; bên kia đường là trại
lính Ðại Hàn (Nam Hàn) chung quanh rào dây thép gai. Phía bên kia ngã tư là nhà
cửa của những người dân xứ Quảng di dân vào đây lập nghiệp từ giữa thập niên
1960, sống bằng nghề dệt vải, máy dệt chạy rầm rầm suốt ngày; còn phía bên đây
người dân cất những ngôi nhà gạch mái tôn bao quanh góc ngã tư bít lối vào
nghĩa địa Tây có từ trăm năm trước. Những nhà dọc theo mặt tiền đường thường mở
tiệm giải khát, hủ tiếu mì phục vụ cho lính Hàn đóng quân bên kia đường.
Vậy tên gọi
Ngã tư Bảy Hiền hình thành lúc nào? Có người cho rằng vào khoảng thập niên 1940
khi quân Nhật vào Sài Gòn. Một tài liệu báo chí cho biết, ông Trần Văn Ðức sinh
ra và sống ngay Ngã tư Bảy Hiền từ xưa đến nay là cháu đời thứ 3 của ông Trần
Văn Hiền tức ông Bảy Hiền. Bài báo xác nhận: “Ông Hiền trước đây là điền chủ nổi
tiếng giàu có và thương người. Ông ở trong một biệt thự lớn ở ngay góc ngã
tư sát Trung tâm văn hóa quận Tân Bình bây giờ. Khi đó, con đường ở ngã tư này
rất nhỏ, nhà ông ngăn cách với đường bằng hàng rào cây kiểng được cắt bằng rất
đẹp. Nhà có đất rộng và thuê nhiều người làm. Ðất dọc theo đường Hoàng Văn Thụ
hướng lên đường Cộng Hòa và ngang theo đường Hoàng Hoa Thám bây giờ đều là ruộng
lúa, hoa màu của ổng.
Nổi tiếng
là người giàu có nhưng ông Hiền rất thương người. Khi xưa, vào ngày rằm hàng
tháng, ông đăng báo thông tin thí bạc giúp đỡ người nghèo. Những đồng bạc xu điếu
đựng đầy hai thúng được người nhà để trước cổng và phân phát. Tuy nhiên vào một
hôm mọi người tập trung chen lấn đông quá khiến hai đứa trẻ đi theo chết ngạt.
Sự việc diễn ra, ổng rất đau buồn và kể từ đó không đăng báo phát tiền nữa mà hễ
ai có khó khăn thì đến ngã tư vào nhà trình bày hoàn cảnh khó khăn ông sẽ giúp
đỡ.
Sở dĩ
ngã tư có tên như ngày nay là vì ông bác tui tên Hiền, sinh thứ bảy gọi là Bảy
Hiền. Khi mất thì ngã tư này cũng được người đời nhớ ơn và đặt theo tên ổng.
Khi ổng mất, được
chôn ở khu vực Lăng Cha Cả.”
https://baotreonline.com/tre_assets/uploads/2022/07/khu-vuc-nga-tu-bay-hien1.jpg
Ngã tư
Bảy Hiền góc xéo bên kia là nghĩa địa lính Tây (Nguồn: Manhhaiflick)
Sau năm
1975, khu vực Lăng Cha Cả được giải tỏa, người cháu nội của ông khai quật mộ
lên và đem hài cốt vào chùa thờ. Ruộng đất để lại, con cháu cũng dần bán đi và
vào sống ở trung tâm thành phố. Nghe đâu người cháu nội nay đã ngoài 80 tuổi vẫn
còn sống ở khu vực Chợ Lớn.
Còn theo
nhà văn Sơn Nam, Bảy Hiền là tên một ông chủ giàu có chuyên bán cỏ cho ngựa kéo
xe ở ngã tư vào khoảng năm 1930 và chưa rõ lai lịch. Ngoài ra không có một tài
liệu chi tiết nào nữa.
Lần theo
tài liệu xưa qua bản đồ Trần Văn Học vẽ năm 1818, con đường Thuận Kiều (đường
Lê Văn Duyệt sau này) đã hình thành khi xây dựng thành Gia Ðịnh. Con đường này
kéo dài đến khu vực An Sương ngày nay. Việc hình thành con đường Thuận Kiều nằm
trong chiến lược bố trí phòng tuyến Luỹ Bán Bích, bao quanh đại đồn Kỳ Hoà nhằm
bảo vệ thành Gia Ðịnh. Con đường giao nhau ngay ngã tư (ngã tư Bảy Hiền ngày
nay) cũng đã hình thành khi đó là những con đường đất nhỏ hẹp kết nối với đồn
thượng và đồn hạ của thành Kỳ Hoà.
Sau khi
chiếm Sài Gòn, quân Pháp chuẩn bị đánh đồn Kỳ Hoà. Sáng ngày 24/2/1861, thuỷ
binh Pháp tấn công đồn Kỳ Hoà từ hai tuyến, phía các con kinh ở Chợ Lớn và rạch
Nhiêu Lộc (khi xưa rạch Nhiêu Lộc ăn thông đến khu vực Bàu Cát – khu Bảy Hiền
ngày nay) và hạ thành sau một ngày bắn phá bằng đại bác. Cuộc chiến trong một
ngày nhưng quân Pháp cũng bị thiệt hại khá nhiều do tinh thần chiến đấu dũng cảm
của binh sĩ dưới trướng tướng Nguyễn Tri Phương. Sau trận chiến, một số lính
Tây được chôn cất tại góc ngã tư sau này dựng nên mồ mả và gọi là nghĩa địa
lính Tây. Còn binh sĩ thành Kỳ Hoà được đem chôn tập thể nhiều nơi ở quanh đại
đồn.
Xem thêm: Kem Blue Bell & mùa Hè
Nhìn tấm ảnh
chụp mộ của một số ít sĩ quan và binh lính Pháp được chôn ở nghĩa địa lính Tây
thấy còn rất trống vắng, chung quanh con đường đất không có bóng cây, um tùm
toàn cỏ dại. Ðến đây ta có thể hình dung Ngã tư Bảy Hiền khi đó rất hoang vu,
chung quanh đồng không mông quạnh. Ðến đầu thế kỷ 20, người Pháp mới thí điểm
ươm trồng cây cao su ở Vườn Bách Thảo (Sở Thú) và mang trồng thí nghiệm ở nhiều
vùng đất trống xen kẽ nhiều khu nghĩa địa quanh tỉnh Gia Ðịnh giáp với Sài Gòn.
Sau hàng
chục năm tạo lập vườn cao su ở vùng ngoại vi thành phố, người Pháp phải dần dần
cho đốn bỏ. Một phần do thổ nhưỡng không thích hợp nên hiệu quả khai thác mủ
cao su không cao, phần khác do tốc độ đô thị hoá quá nhanh, người dân di cư khắp
nước đổ dồn về Sài Gòn-Gia Ðịnh định cư, cần phải mở rộng diện tích thành phố
và vùng phụ cận.
Vào thời
quân Nhật vào Sài Gòn hồi Thế chiến thứ Hai, vườn cao su tại khu vực gần Ngã tư
Bảy Hiền vẫn còn lốm đốm da beo. Mãi sau năm 1954, rừng cao su quanh khu vực Bảy
Hiền mới được dọn sạch, hình thành quận Tân Bình thuộc tỉnh Gia Ðịnh như nói ở
trên.
Vào giữa
thập niên 1960 khi lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam, có nhiều căn cứ lính Mỹ và
các nước đồng minh đóng quanh vùng giáp ranh Sài Gòn. Con đường Nguyễn Văn Thoại
mọc lên các chung cư dành cho quân đội Mỹ, lính Hàn đóng quân và cư ngụ tại mảnh
đất lớn sau này xây lên trường trung học Tân Bình, đến năm 1973 đổi tên thành
Nguyễn Thượng Hiền. Bệnh viện Vì Dân xây dựng vào năm 1970 trên diện tích đất rộng
ba mẫu nguyên trước kia là một đồn phòng thủ. Khi đào làm móng, người ta phát
hiện nhiều khúc xương ố vàng trong mồ chôn tập thể (binh sĩ đại đồn Kỳ Hoà).
Các con đường
Nguyễn Văn Thoại, Phạm Hồng Thái (Lê Văn Duyệt), Trương Minh Ký được mở rộng
tráng nhựa trở thành con đường huyết mạch nối liền Sài Gòn – Gia Ðịnh ở phía
tây đô thành.
https://baotreonline.com/tre_assets/uploads/2022/07/khu-vuc-nga-tu-bay-hien2.jpg
Ngã tư
Bảy Hiền năm 1970 đang xây dựng Bệnh viện Vì Dân (Ảnh: Internet)
--------------------------
Có Thể
Bạn Quan Tâm:
·
Thủ Đức
·
Chuyện bên lề Bệnh Viện Vì Dân
No comments:
Post a Comment