Khi
người Quảng cãi với người Quảng
17/07/2022
http://thuymyrfi.blogspot.com/2022/07/tieu-vu-khi-nguoi-quang-cai-voi-nguoi.html
Từ xưa
nay "cãi" đã trở thành đặc sản của người Quảng, vì vậy chuyện này
không cần phân tích bàn cãi sâu thêm nữa.
Nếu để ý bạn
sẽ thấy, trong các cuộc thi hoa hậu không ai dám mời hai ông người Quảng cùng
làm giám khảo, bởi chắc chắn hai ông sẽ cãi nhau đến sáng vì trái quan điểm với
nhau khi đưa ra nhận xét về thí sinh.
Về ẩm thực
các vùng miền, chúng ta thường thấy những cuộc thi về phở của người Bắc, bún bò
của người Huế, hủ tiếu của người miền Tây nhưng tuyệt nhiên không có cuộc thi
nào về mì Quảng. Vì người ta biết chắc chắn nếu tổ chức thì sẽ có cãi lộn giữa
thí sinh với thí sinh, giám khảo với giám khảo về vụ "mì cá và mì gà mì
nào ngon hơn".
Người Quảng
cãi với thiên hạ thì ai cũng biết rồi, nhưng khi người Quảng cãi với người Quảng
thì mức độ ác liệt đến độ "không cơ
quan mô chịu nổi".
Và dưới đây là một vụ cãi tiêu biểu:
Số là gần
đây, nhạc sĩ Trần Quế Sơn vào Sài Gòn tổ chức họp báo giới thiệu liveshow
"Cõi quê" - chương trình âm nhạc gồm những sáng tác của anh lấy cảm hứng
từ thơ Bùi Giáng (cả hai đều là người Quảng).
Buổi họp
báo có mặt các tay thuộc "trùm cãi" xứ Quảng như Mai Phúc, Lý Đợi, Lê
Công Sơn, Lê Minh Hạ, Tiểu Vũ và nhiều cha nội nhà báo người Quảng mà tui không
nhớ hết.
Dẫn chương
trình là nhà báo Lý Đợi. Trước khi vào chương trình Lý Đợi cũng đã đưa ra cảnh
báo rằng ở đây số lượng người Quảng đang chiếm đa số, nên anh chị cân nhắc
trong lời ăn tiếng nói để tránh việc cãi nhau không cần thiết.
Buổi họp
báo bắt đầu, Lý Đợi vô đề: "Thưa các anh chị, nhạc sĩ Trần Quế Sơn sinh
ra tại huyện Quế Sơn, một vùng quê nghèo khó thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh
Quảng Nam Nhưng chính mảnh đất nghèo khó này đã nuôi nấng anh trở thành một nhạc
sĩ rất nổi tiếng...vân vân và vân..."
Phần giới
thiệu xong, nhạc sĩ Trần Quế Sơn hát tặng mọi người bài hát "Thưa các em
miền Nam" (bài hát lấy cảm hứng từ một ý thơ của thi sĩ Bùi Giáng) không
khí ấm cúng vui vẻ hòa đồng hẳn lên.
Tưởng như
vậy là xong, bình yên không ai cãi. Thế nhưng, một số người Quảng ở dưới bắt đầu
hầm hè bàn tán sôi nổi về những gì "thằng Lý Đợi vừa giới thiệu hồi
nãy"...là "tồ lô" hết sức, "Quế Sơn răng mà nghèo bằng Tiên
Phước được", "chừ ở đó đường sá ngon lành rồi mà hắn dám nói hoang
vu..."Nói về nghèo thì phải nói tới Trà My mà thằng Đợi nói Quế Sơn là trật
lất cù chìa hết..." Blabla...
Phần đặt
câu hỏi là cơ hội cho các nhà báo lý sự. Anh Mai Phúc báo Công Luận (dân Quảng thứ
thiệt) lập tức giơ tay.
"Trước
khi đặt câu hỏi cho nhạc sĩ Trần Quế Sơn tôi xin nói rõ phần giới thiệu lúc nãy
của anh Lý Đợi là không chính xác, tại sao anh nói Quế Sơn là vùng một vùng quê
nghèo khó hoang vu của Quảng Nam. Tôi mới về nên biết rõ ở đây giờ phát triển
ngon lành rồi...vân vân và vân vân..."
Giải thích
qua giải thích cuối không ai chịu ai nhưng nhìn chung cũng "tạm bỏ
qua" được vì đang họp báo, nhưng không chịu thua ai.
Tan họp
báo mấy ông xứ Quảng lên Facebook lập một cái Group hẳn hoi rồi nhảy vô cãi liền
mấy tháng trời xung quanh chủ đề "Quế Sơn có phải là huyện nghèo của Quảng
Nam không"...Vụ cãi đến nay chưa có hồi kết.
Hay cãi
chưa hẳn là một đức tính tốt, nhưng nó thể hiện tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh
và sự hiểu biết của người cãi. Trong cuộc sống, người Quảng không chỉ cãi với
thiên hạ mà họ còn cãi với chính họ như là cách để giúp nhau tồn tại và phát
triển. Cãi cũng là cách cùng dắt tay nhau đi tìm chân lý.....Nhưng chân lý thì
còn lâu mới thấy, vì thế chắc chắn người Quảng sẽ còn cãi nữa.
Chính vì vậy
Quảng Nam là nơi sản sinh ra nhiều nhà báo nổi tiếng như Huỳnh Thúc Kháng, Phan
Khôi, Bùi Thế Mỹ, Lưu Quý Kỳ…Thế hệ sau nối tiếp là những nhà báo gốc Quảng lừng
danh như Nguyễn Công Khế, Lê Hoàng, Võ Như Lanh, Nguyễn Văn Bổng, Trung Dân,
Trương Duy Nhất, Huỳnh Bá Thành, Hoàng Hải Vân, Huỳnh Ngọc Chênh, Vu Gia, Ngô
Thị Kim Cúc, Vũ Đức Sao Biển, Huỳnh Sơn Phước, Vũ Hạnh, Trần Ngọc Châu, Cao Vũ
Huy Miên, Nguyễn Nhật Ánh, Tần Hoài Dạ Vũ, Lê Minh Quốc, Nguyễn Đình Xê, Mai
Phúc, Đặng Việt Hoa, Lê Thị Nam Bình, Anh Khuê...
Nói đến
làm báo thì phải nói đến tinh thần phản biện (cãi). Lịch sử ghi nhận năm 1922,
chí sĩ Phan Châu Trinh đã cãi với... vua Khải Định bằng cách lên tiếng kể 7 tội
của vị vua này, trong đó có 2 tội không thể dung tha là làm nhục quốc thể và
phung phí của dân.
Tư tưởng
phản biện của nhà báo Huỳnh Thúc Kháng cũng được công khai trên báo Tiếng Dân số
175 (1.5.1929): “Vì rằng ta không có quyền
tự do nói những điều nên nói, mà ta lại có quyền tự do không nói những cái không
nên nói”.
Năm
1930-1945, hai nhà báo đồng hương Quảng Nam là Huỳnh Thúc Kháng và Phan Khôi có
cuộc bút chiến, tranh luận sôi nổi trên báo chí về truyện Kiều của Nguyễn Du.
Sau đó, hai nhà báo này lại bắt bẻ nhau về chuyện “thơ mới”, cuộc cãi nhau này
kéo dài nhiều năm.
Phan Khôi
cũng là nhà báo nổi tiếng châm ngòi cho các cuộc bút chiến diễn ra trên khắp mặt
báo đương thời.
Trong lịch
sử, người Quảng Nam đã làm nên nhiều vụ cãi nổi tiếng. Năm 1908 diễn ra phong
trào kháng thuế ở Trung kỳ, người dân Quảng Nam đã đứng lên “cãi lại” chính quyền
thực dân Pháp và tạo ra phong trào chống thuế lan tỏa khắp Trung kỳ làm lung
lay chế độ thực dân ở Đông Dương.
Cãi là một
văn hóa đặc sắc của người xứ Quảng. Hãy phát huy và giữ gìn di sản quý giá này.
P/S: Trước
khi viết bài này tôi đã cãi với chính tôi suốt mấy tiếng đồng hồ xung quanh
chuyện có nên đưa câu chuyện này lên công khai cho thiên hạ biết không?
TIỂU VŨ 17.07.2022
Publié par
Thụy My RFI à 18:52
No comments:
Post a Comment