Khí
hậu : Tại sao TT Joe Biden khó giữ được lời hứa về giảm khí thải
Phan
Minh - RFI
Đăng
ngày: 05/07/2022 - 14:23
Trong bối
cảnh các đợt nắng nóng, hỏa hoạn và lũ lụt, cũng như hạn hán tồi tệ
nhất từ 1.200 năm nay xảy ra ở miền Tây Hoa Kỳ, hôm 17/06 vừa
qua, tổng thống Joe Biden đã chủ trì cuộc họp trực tuyến thứ ba
của Diễn đàn các nền kinh tế lớn về khí hậu và năng lượng với sự tham dự của đại
diện hơn 20 quốc gia và nhóm quốc tế mà gần như mọi người đều không quan
tâm. Trang mạng The Conversation có bài phân tích ra hôm 03/07/2022 về chủ đề
này.
Tổng
thống Mỹ Joe Biden chủ trì cuộc họp trực tuyến của Diễn đàn các nền kinh tế lớn
về khí hậu và năng lượng từ Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ ngày
17/06/2022. AP - Evan Vucci
Điều đáng
chú ý là tổng thống Mỹ đã nhắc lại lời hứa được đưa ra vào năm 2021 về việc giảm từ 50%
đến 52% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 2005,
đồng thời thúc giục Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác tăng cường những
tham vọng về khí hậu của mình.
Liệu có thể tin
được những lời hứa đầy tham vọng của một vị tổng thống có tỷ lệ tín
nhiệm thấp nhất trong các cuộc thăm dò, chỉ một vài tháng trước
cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ mà thường gây bất lợi cho
chính quyền đương nhiệm ?
Đòn bẩy của quyền lập pháp
Để đạt được
mục đích của mình, Joe Biden trước tiên đã dựa vào một Quốc Hội lưỡng viện nơi
đảng Dân Chủ chiếm đa số ở cả hai viện, mặc dù đa số này mong manh. Rút ra bài
học từ thất bại của người tiền nhiệm Barack Obama, người không có được
"siêu đa số" (60% phiếu bầu) để thông qua dự luật khí hậu lưỡng đảng
của mình tại Thượng viện vào năm 2010, Biden đã soạn thảo hai dự luật đầy tham
vọng trong khuôn khổ cuộc bỏ phiếu về ngân sách (cách thức này cho phép áp dụng
quy trình « hòa giải về ngân sách – tức có các nhượng bộ về ngân
sách » và bỏ phiếu thông qua các luật với đa số đơn giản).
Văn bản đầu
tiên, và cũng là quan trọng nhất, là một dự luật khổng lồ trị giá khoảng 2
nghìn tỷ đô la đầu tư, bao gồm các biện pháp chống biến đổi khí hậu có tên là
Tái thiết tốt hơn (Build Back Better), một dự án được so sánh với Chính sách
kinh tế mới (New Deal – chính sách chống các tác động của đại suy thoái kinh tế
ở Mỹ) của Roosevelt.
Nhưng dự
luật này đã bị chặn lại tại Thượng viện khi Joe Manchin, một thượng nghị sĩ bảo
thủ thuộc đảng Dân Chủ từ bang Tây Virginia, vào tháng 12 năm 2021 đã tuyên bố
từ chối bỏ phiếu ủng hộ. Trong một Thượng Viện mà đảng Dân Chủ chỉ nắm 50% số
ghế (đảng Dân Chủ vẫn có đa số nhờ vai trò của phó tổng thống Kamala Harris,
trong cương vị chủ tịch Thượng Viện), chỉ cần một thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ
« bướng bỉnh » chặn một dự luật đã được Hạ Viện thông qua thì dĩ
nhiên văn bản đó sẽ bị chặn lại và ở một khía cạnh nào đó thượng nghị sĩ này
còn quyền lực hơn cả tổng thống.
Vào lúc cuộc
bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 năm 2022 đang tiến lại gần, thượng nghị sĩ
Manchin, người làm giàu nhờ ngành than, đã quay trở lại bàn đàm phán với lãnh đạo
đảng của mình tại Thượng Viện, ông Chuck Schumer.
Theo một
cuộc thăm dò gần đây, việc thông qua một phiên bản của dự luật này sẽ mang lại
một lợi thế bầu cử đáng kể cho các ứng viên đảng Dân Chủ đang tranh cử. Thậm
chí, công đoàn Thợ mỏ than, đại diện cho các thợ mỏ ở Tây Virginia, cũng yêu cầu
Joe Manchin xem xét lại lập trường của mình. Nhưng có ít hy vọng thuyết phục được
vị thượng nghị sĩ này ủng hộ dự luật và thời gian ngày càng eo hẹp, trong khi
đó, đảng Dân Chủ rất có thể sẽ mất một hoặc thậm chí cả hai viện trong cuộc bầu
cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới. Nếu thất bại, đây sẽ là lần thứ ba trong 30
năm qua, Thượng Viện ngăn chặn việc thông qua một dự luật về khí hậu.
Văn bản thứ
hai, ít tham vọng hơn dự luật khí hậu, là dự luật đầu tư ồ ạt vào cơ sở hạ tầng
khổng lồ (Đạo luật Đầu tư Cơ sở hạ tầng và Việc làm) trị giá 1.200 tỷ đô la đã
được Quốc Hội thông qua trong một đà đồng thuận lưỡng đảng hiếm hoi tại Hạ Viện
và đặc biệt là tại Thượng Viện, bất chấp nỗ lực cản phá của cựu tổng thống
Donald Trump. Dự luật này đã được tổng thống Joe Biden ký công bố vào tháng 11
năm 2021.
Thật không
may, theo mô hình tính toán của văn phòng REPEAT ở Princeton, đạo luật này sẽ
chỉ giúp bớt được dưới 10% mức giảm ô nhiễm cần thiết để đáp ứng các mục tiêu
do tổng thống đề ra. Ngoài ra, theo một nghiên cứu của trung tâm Khí hậu thuộc
đại học Georgetown, tùy thuộc vào cách các bang sử dụng các quỹ được phân bổ, một
số quy định của đạo luật có thể làm gia tăng đáng kể khí thải carbon. Trong hệ
thống Liên bang Hoa Kỳ, quỹ liên bang thường được quản lý với sự phối hợp của
các bang.
Cuối cùng,
chúng ta phải tính đến lạm phát phi mã đã làm giảm giá trị của các khoản đầu tư
trị giá hàng tỷ đô la, buộc các bang phải hủy bỏ hoặc trì hoãn các dự án có chi
phí ngày càng tăng.
Đòn bẩy của quyền hành pháp
Tổng thống
Biden cũng có tương đối nhiều quyền trong lĩnh vực hành pháp. Do vậy, ông viện
dẫn đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA), cho phép ông can thiệp tạm thời vào nền
kinh tế quốc gia, với mục đích bảo đảm sản xuất một số hàng hóa phục vụ quốc
phòng, đẩy nhanh việc sản xuất thiết bị cần thiết để giảm lượng khí thải từ lưới
điện của đất nước, chẳng hạn như sản xuất tấm pin mặt trời, pin nhiên liệu và
v.v.
Cách tiếp
cận này tương ứng với logic trong các tuyên bố của tổng thống, người nhấn mạnh
mối liên hệ giữa an ninh quốc gia và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, và bối
cảnh của cuộc khủng hoảng năng lượng được gia tăng bởi chiến tranh ở
Ukraina.
Tuy nhiên,
tác động của DPA vẫn còn hạn chế, đặc biệt là do ngân sách eo hẹp chỉ vài triệu
đô la phụ thuộc vào một Quốc Hội đã bị tê liệt về cơ bản.
Tuy nhiên, tổng
thống còn có một quyền lực rất lớn : đó là quyền của chính quyền liên
bang, thông qua nhiều cơ quan quản lý môi trường. Cơ quan Bảo vệ Môi trường
(EPA) được biết đến nhiều nhất. Ví dụ, sau khi dự luật năng lượng sạch thất bại,
chính quyền Obama đã sử dụng EPA để đề ra các quy định giới hạn đầu tiên ở cấp
quốc gia về ô nhiễm carbon trong lĩnh vực điện, trước khi những quy định này bị
chính quyền Trump bãi bỏ. Tuy nhiên, cơ quan liên bang này đã bị suy yếu
đáng kể bởi chính sách bãi bỏ vai trò điều tiết dưới thời Donald Trump, dẫn đến
việc cắt các nguồn tài chính và giảm đáng kể nhân sự, quay trở lại mức năm
1988, mặc dù khối lượng công việc cao hơn nhiều.
Quyền lực trung ương bị đe dọa
Nhưng trên
hết, đa số bảo thủ tại Tối cao Pháp viện đã giáng đòn chí mạng vào những lời hứa
đầy tham vọng của Joe Biden bằng cách cắt bỏ một phần lớn quyền lực của Cơ quan
Bảo vệ Môi trường trong việc quản lý, quy định lượng khí thải gây hiệu ứng nhà
kính.
Cho đến
nay, các cơ quan liên bang, nơi làm việc của các nhà khoa học và chuyên gia, có
quyền soạn thảo các quy định theo một đạo luật chung đã được Quốc Hội thông
qua, đó là đạo luật Không khí sạch (Clean Air Act) vào năm 1970.
Thế nhưng,
đối với các thẩm phán bảo thủ, luôn chống lại quyền lập quy và một Nhà nước tập
quyền mạnh, thì cần phải hạn chế hành động của các cơ quan liên bang trong
những “vấn đề lớn” của chính sách công. Chính trên cơ sở học thuyết về các vấn
đề lớn này mà chánh án Tối cao Pháp viện John Roberts đã tuyên bố trong phán
quyết vụ bang Tây Virginia kiện EPA rằng các hậu quả của một chính sách như vậy
là quá lớn nên không thể thông qua nếu không có sự cho phép rõ ràng hơn của Quốc
Hội. Thế nhưng, rất tiếc là Quốc Hội lại bị tê liệt bởi các thủ đoạn cản
trở và tình trạng phân cực chính trị.
Mặc dù
phán quyết này đã không có được nhiều sự quan tâm như các quyết định khác, chẳng
hạn như các phán quyết về quyền phá thai và quy định về súng,
nhưng đó là một phần của khuôn khổ chung về việc dỡ bỏ Nhà
nước liên bang Hoa Kỳ do phe bảo thủ thực hiện.
Những
thách thức về biến đổi khí hậu cũng như đại dịch Covid đã làm nổi bật
các vấn đề về việc lãnh đạo, cụ thể liên quan chủ nghĩa liên bang,
các thẩm phán bị chính trị hóa và quyền lực trung ương bị suy yếu, ở
Quốc Hội cũng như ở Nhà Trắng. Một vấn đề trở nên trầm trọng hơn bởi
lập trường ý thức hệ đã làm ô nhiễm mọi chủ đề, kể cả vấn đề biến đổi khí hậu
và khoa học nói chung.
Washington mất uy
tín trên chính trường quốc tế
Vào thời
điểm hiện tại, mặc người dân chủ yếu ủng hộ các biện pháp giúp đất nước đạt được
trung hòa carbon vào năm 2050, nhưng vấn đề kinh tế và lạm phát vẫn là ưu tiên
của đa số mọi người, đặc biệt là đối với đảng Cộng hòa.
Vấn đề khí
hậu có thể không phải là chủ đề chính trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng
11 tới, và tình trạng không có các hành động chính trị chắc chắn sẽ ngăn cản
Joe Biden giữ lời hứa của mình. Nên nhớ rằng, tính theo đầu người, Hoa Kỳ là quốc
gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới và đứng thứ hai sau Trung Quốc nếu
tính lượng phát thải chung. Tình trạng không hành động trong vấn đề này sẽ làm
cho tiếng nói của Mỹ không được lắng nghe khi họ tìm cách gây áp lực với các nền
kinh tế lớn khác để giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
No comments:
Post a Comment