Kết
án nhiều nhà bảo vệ môi trường: Danh tiếng của Việt Nam bị ảnh hưởng
Đăng ngày: 25/07/2022 - 10:02
Hiện có một nghịch lý ở Việt Nam: chính phủ
tích cực công bố những cam kết về chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng
hướng đến trung hòa carbon vào năm 2050, nhưng cùng lúc bắt giam ít nhất bốn
nhà hoạt động môi trường tính từ đầu năm 2022.
Bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc GreenID, phụ nữ
Việt Nam đầu tiên được trao Giải thưởng Môi trường Goldman 2018. AFP
Bản án 2
năm tù vì tội trốn thuế được tuyên ngày 17/06 đối với bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc
tổ chức GreenID, bị nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền cho “là một phần
trong một nỗ lực rộng hơn nhằm bịt miệng các nhà hoạt động môi trường hàng đầu ở
Việt Nam”.
Bà Ngụy Thị
Khanh bị cáo buộc “vi phạm quy định pháp luật về quản lý thuế” đối
với khoản tiền thưởng 2 triệu đô la cho 3 năm sau khi bà và tổ chức GreenID được
trao giải Đột phá về Môi trường (Climate Breakthrough Award) năm 2019. Ba nhà
hoạt động môi trường khác là Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương và Đặng Đình Bách
cũng bị bắt hoặc bị kết án vì “trốn thuế”, tội danh phổ biến tại Việt
Nam khi chính quyền muốn “sờ” đến ai. Theo tổ chức Quan Sát
Nhân Quyền (Human Rights Watch), nhà báo Mai Phan Lợi và luật sư Đặng
Đình Bách là thành viên của VNGO-EVFTA, một nhóm tư vấn trong nước gồm 7 tổ chức
được cả Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam đồng ý thành lập để khối xã hội dân sự độc
lập có thể giám sát việc thực thi Hiệp định Thương mại Tự Do EU-Việt Nam
(EVFTA).
Trả lời
RFI Tiếng Việt ngày 05/07/2022, luật sư Claudio Francavilla, chuyên gia vận động
Liên Hiệp Châu Âu của tổ chức Quan Sát Nhân Quyền đánh giá bản án gần đây
đối với bà Ngụy Thị Khanh là “bất công” và cho biết tổ chức
này tiếp tục vận động để Liên Hiệp Châu Âu gia tăng sức ép đối với Hà Nội trong
lĩnh vực nhân quyền và bảo vệ các nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu ở
Việt Nam.
*******
RFI
: HRW cũng như nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền khác kêu gọi trả tự do
ngay lập tức cho bà Ngụy Thị Khanh và các nhà bảo vệ môi trường khác. Tại sao tổ
chức Quan Sát Nhân Quyền tin là bà Ngụy Thị Khanh chịu bất công ?
Luật sư
Claudio Francavilla: Đúng
vậy. Bà Ngụy Thị Khanh được trao Giải Goldman, một giải thưởng cao quý về bảo vệ
môi trường. Nhưng bà cũng bị buộc tội trốn thuế, bị kết án 2 năm tù và đang thụ
án. Chúng tôi nghĩ là những cáo buộc đó hoàn toàn sai. Khi họ nêu các vấn đề với
bà Ngụy Thị Khanh, bà đã tỏ ý hợp tác và sẵn sàng giải quyết mọi chuyện. Nhưng
chính phủ không quan tâm đến điều đó và đưa vụ việc ra tòa.
Chúng tôi
e rằng đây có thể mới chỉ là bước đầu trong đợt trấn áp của chính phủ Việt Nam
nhắm vào các tổ chức phi chính phủ hoạt động bảo vệ môi trường, trong khi trước
đây những tổ chức này từng bị ngăn chặn nhưng sau đó được để yên và gần
như được phép hoạt động. Chính phủ Việt Nam đã loại được một phần lớn những tiếng
nói bất đồng và bây giờ dường như chiến dịch chuyển sang đàn áp các tổ chức
phi chính phủ khác, bao gồm cả các tổ chức phi chính phủ về môi trường.
*
RFI
: Liệu có phải là nghịch lý khi Việt Nam liên tục đưa ra những cam kết
mạnh mẽ về cải thiện môi trường, chống biến đổi khí hậu, hợp tác với nhiều
chính phủ và tổ chức nước ngoài để thực hiện những kế hoạch trên, nhưng lại bắt
giam hay “bịt miệng” những nhà hoạt động môi trường nổi tiếng, đã có những dự
án hỗ trợ cho chính phủ, hoặc được hỗ trợ từ các tổ chức về khí hậu ở nước
ngoài ?
LS
Claudio Francavilla : Việc
này chắc chắn làm suy giảm mức độ tin cậy vào những cam kết của chính phủ Việt
Nam, bao gồm cả về mặt môi trường. Nhưng tôi không nghĩ điều đó là nghịch lý.
Tôi đã đọc trong các thông cáo rằng Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ đã rất ngạc
nhiên về thông tin trên. Nhưng tôi nghĩ không ai nên ngạc nhiên nữa. Thời gian
để ngạc nhiên đã qua từ lâu khi nói đến Việt Nam.
Việc mà
chính phủ làm với bà Ngụy Thị Khanh, cũng như đối với những người khác, hoàn
toàn phù hợp với những gì chính quyền Việt Nam làm từ nhiều năm, thậm chí là từ
nhiều thập niên qua, mà gần như không hề bị trừng phạt. Chính việc không bị trừng
phạt là vấn đề mấu chốt ở đây. Chừng nào còn chưa có hệ quả từ những vụ lạm dụng
như vậy, thì chính phủ sẽ không có động cơ hoặc ý định xem xét lại vấn đề lạm dụng.
*
RFI
: Trong một thông cáo ngày 04/04, ông chỉ trích là “cuộc đối thoại nhân
quyền EU-Vietnam sắp tới không nên chỉ là việc đánh dấu tích cho có nữa”. Liệu
Liên Hiệp Châu Âu thờ ơ với tình hình nhân quyền Việt Nam, trong khi đây là một
trong những điều kiện để ký EVFTA ? Phải chăng vì Liên Hiệp Châu Âu không lên
tiếng mạnh mẽ nên chính quyền Việt Nam tiếp tục hành động như vậy?
LS
Claudio Francavilla : Tôi
không nói là Liên Hiệp Châu Âu thờ ơ với những lo ngại này, nhưng chắc chắn là
ít hơn nhiều so với mức có thể. Trên thực tế, trái với tư vấn của chúng tôi,
cũng như những tổ chức phi chính phủ khác, họ liên tục nói rằng Hiệp định
Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA) là một công cụ để đưa Việt Nam đến gần với
phương Tây và thúc đẩy tự do cởi mở cho truyền thông trong nước.
Nhưng
chúng tôi đã nhiều lần nhắc với các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu rằng việc đó
sẽ không ngăn được sự trấn áp ở Việt Nam, cũng như chỉ cổ vũ thêm cho các phe
phái cứng rắn nhất trong chính phủ. Chúng ta đang chứng kiến chính xác những gì
đang diễn ra cho đến nay. Ngoài ra, cần nhớ rằng nội bộ Liên Hiệp Châu Âu cũng
không thống nhất, một số nước thành viên sẵn sàng thúc đẩy vấn đề nhân quyền
hơn những nước khác.
Nhưng bây
giờ, rất tiếc là đòn bẩy phê chuẩn EVFTA đã không còn và rất khó để nói đến
những hệ quả đối với Hiệp định EVFTA ở thời điểm này. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là
thực sự có thể làm gì bây giờ ? Trước tiên, cần nhận ra rằng chiến lược này
không hiệu quả. Các cuộc đối thoại, cũng như Hiệp định EVFTA, hay sự tự tin về
cách tiếp cận ngoại giao cho đến giờ đã chứng minh rằng không thể tạo nên kết
quả. Vì vậy, thực sự, chiến lược này không có tác dụng.
Hiện giờ,
chính phủ Việt Nam rất hay tính toán thiệt hơn, nên rất nhạy cảm với danh tiếng
của họ trên trường quốc tế trong lúc Hà Nội đang cố gắng thu hút các nguồn đầu
tư mới. Từ điểm đó, Liên Hiệp Châu Âu cần áp dụng một cách tiếp cận vững
chắc hơn. Họ phải hành động khi có những người bị bắt hoặc bị kết án. Họ phải
lên tiếng, yêu cầu được thăm người bị giam giữ. Họ cũng cần xem xét hành động tại
Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Liên Hiệp Châu Âu phải cho thấy rõ thái độ
giận dữ, rằng những gì đang diễn ra ở Việt Nam hoàn toàn không chấp nhận được
và Hà Nội sẽ phải chịu hậu quả.
Và để hệ
quả có tác dụng hơn, họ cần phối hợp với những đối tác khác có cùng tư tưởng.
Bruxelles cũng cần cân nhắc đến việc đình chỉ đối thoại về nhân quyền cho đến
khi Việt Nam có thể đưa ra những cam kết rõ ràng để trấn an người dân và cải
cách các đạo luật bị cho là lạm dụng và là gốc rễ của vấn đề. Liên Hiệp Châu Âu
cũng cần có những công cụ khác mạnh mẽ hơn, như cơ chế trừng phạt quốc tế về
nhân quyền, nhưng phải thực tế hơn, trong bối cảnh nhiều nước thành viên thậm
chí vẫn chần chừ đồng ý về tuyên bố. Tôi không hình dung ra được họ có thể nhất
trí như thế nào để ủng hộ việc thông qua các biện pháp trừng phạt.
Việt Nam
tham gia Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (Internatioanl
Convenant on Civil and Political Rights, ICCPR). Việt Nam cũng công bố rõ ràng
về nhân quyền trong quan hệ song phương cũng như trong nội bộ, nhưng lại ngang
nhiên vi phạm cả hai. Chừng nào họ chưa phải trả giá cho việc này, thì tình
hình sẽ không thay đổi.
*
RFI : Ngoài
thông cáo ra, tổ chức Quan Sát Nhân Quyền có thể làm thêm gì để bảo vệ những
nhà hoạt động môi trường bị viện cớ trốn thuế bắt giam nói riêng và các nhà hoạt
động nói chung ?
LS
Claudio Francavilla : Tổ
chức Quan Sát Nhân Quyền sẽ tiếp tục theo dõi và lập báo cáo tình hình trong nước,
về những trường hợp đúng, hợp pháp và rộng hơn nữa là những vụ lạm dụng đã xảy
ra. Chúng tôi có rất nhiều luật sư cho những trường hợp như vậy, ở Bruxelles
cũng như ở những văn phòng khác của HRW trên thế giới. Chúng tôi cũng thường
xuyên phối hợp với các tổ chức phi chính phủ khác, những người có chung mối
quan tâm như chúng tôi. Nhưng sau đó, thực sự còn phụ thuộc vào các chính phủ,
vào Liên Hiệp Quốc và định chế khác để hành động chống những lạm dụng này. Và
như tôi đã nói ở trên, phải có những hệ quả cho những vụ lạm dụng đó, thì tình
hình mới dần cải thiện được.
*
RFI
Tiếng Việt xin trân thành cảm ơn luật
sư Claudio Francavilla, chuyên gia vận động Liên Hiệp Châu Âu của
tổ chức Quan Sát Nhân Quyền tại Bruxelles, Bỉ.
*******
Viện trợ đi kèm điều kiện trả tự do cho các
nhà bảo vệ môi trường ?
Gần một
tháng sau phiên tòa kết án bà Ngụy Thị Khanh, ngày 12/07, Hiệp hội Công Giáo chống
Tra tấn và Án tử hình Pháp (ACAT) đã kêu gọi ký kiến nghị gửi đến đại sứ quán Pháp tại Hà Nội để yêu cầu
chính quyền Việt Nam trả tự do cho cựu giám đốc GreenID. Trước đó, người phát
ngôn bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định bị cáo “đã thừa
nhận hành vi này” (trốn thuế) và bác bỏ “một số ý kiến suy diễn
cho rằng Ngụy Thị Khanh bị xử lý hình sự vì những hoạt động và ý kiến liên quan
đến biến đổi khí hậu là không có cơ sở và không đúng với bản chất của vụ việc”.
Tuy nhiên,
lời giải thích của phía Việt Nam không thuyết phục được các tổ chức bảo vệ nhân
quyền, cũng như chính phủ Pháp và Mỹ. Lần lượt trong hai thông cáo ngày 17/06
và 19/06, bộ Ngoại Giao Pháp và bộ Ngoại Giao Mỹ đều bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về
bản án đối với “một nhân vật nổi tiếng vì cam kết chống biến đổi khí hậu
và ủng hộ chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam”. Paris và Washington “kêu
gọi trả tự do ngay lập tức” cho “một nhân vật ưu tú trong xã hội
dân sự” ở Việt Nam và nhấn mạnh đến “vai trò quan trọng của xã
hội dân sự trong việc giúp các quốc gia như Việt Nam đáp ứng các mục tiêu về biến
đổi khí hậu và bảo vệ môi trường”.
Ông
Michael Sutton, giám đốc Goldman Environmental Prize, tổ chức trao Giải thưởng
Môi trường Goldman 2018 cho người phụ nữ Việt Nam đầu tiên, cho rằng việc bắt
giữ bà Khanh “sẽ gây hại cho danh tiếng của Việt Nam ở quốc tế”.
Ông cũng kêu gọi “bất cứ hỗ trợ chuyển đổi nào về năng lượng dành cho
Việt Nam trong tương lai cũng phải gắn liền với việc trả tự do cho bà Khanh”.
Chính phủ
Việt Nam đang đàm phán nhiều chương trình tài trợ năng lượng bền vững với các
nước Mỹ, Anh, Nhật Bản và tương tự với Liên Hiệp Châu Âu là hiệp định tài chính
142 triệu euro cho Chương trình Chuyển đổi Năng lượng Bền vững Việt Nam-EU. Liệu
trường hợp những nhà đấu tranh bảo vệ môi trường bị bắt giam có được đề cập
trong các cuộc thảo luận với các đối tác Việt Nam không ?
------------------------------
CÁC
NỘI DUNG LIÊN QUAN
Phát
triển điện hạt nhân: Tìm con đường thích hợp cho Việt Nam
Chiến
lược mới giúp Việt Nam phát triển điện Mặt trời
Ngành
điện than Việt Nam trước áp lực của chống biến đổi khí hậu
No comments:
Post a Comment