Monday, July 4, 2022

HUYỀN THOẠI CỬA BA LẠT (QUỐC MINH/DNSGCT)

 



Huyền thoại cửa Ba Lạt    

QUỐC MINH/DNSGCT

Thứ hai, 25/2/2013 | 17:17 GMT+7

https://doanhnhansaigon.vn/du-lich/huyen-thoai-cua-ba-lat-1046247.html

 

Nơi sông Hồng đổ ra Biển Đông có nhiều câu chuyện đẹp và ly kỳ như huyền thoại. Có người truyền miệng rằng cái tên cửa Ba Lạt bắt nguồn từ chính những xác người chết đói năm 1945 không được chôn cất, phải cột ba mối lạt tre thả trôi sông Hồng để ra nấm mồ lớn ở Biển Đông.

 

Nhiều người khác lại kể tên Ba Lạt phát xuất từ xa xưa khi cửa sông còn phân làm ba nhánh nhỏ chứ không chỉ một như bây giờ. Còn một số sử liệu lại ghi rằng Ba Lạt chính là tên làng xưa.

 

https://i.doanhnhansaigon.vn/2013/02/23/1-18-large-1508323646.jpg

Cửa Ba Lạt trong sương khói chiều xuân

 

Nơi sông Hồng chảy vào Biển Đông

 

Từ Phố Hiến, Hưng Yên, tôi xuôi sông Hồng qua Hà Nam, Nam Định để tìm đến cửa Ba Lạt. Trên dải đất tơi xốp phù sa, đồng lúa đã gặt, trơ những gốc rạ khẳng khiu trong ánh nắng vàng vọt cuối ngày.

 

Dọc đường đê ven sông, mấy chiếc máy tuốt đang gặt nốt những bó lúa cấy muộn. Rơm rạ bay mù mịt lên cao rồi lả tả trải vàng trên mặt đê. Hương lúa ngòn ngọt lẫn trong mùi bùn phù sa ngái nồng.

 

Mặt trời đỏ ối khuất dần sau lũy tre bên kia sông. Trong tiếng chuông nhà thờ cổ Giao Thiện văng vẳng gọi buổi lễ lẫn tiếng chim chiều chao chát về tổ. Tôi đi dọc bờ đê về cuối sông mà mắt cứ nhòe mờ vì khói đốt đồng…

 

Đoạn cuối sông Hồng này xuôi trên dải đất mới giữa hai huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định và huyện Tiền Hải, Thái Bình. Tôi được nghe chuyện kể truyền lưu qua ký ức của bao đời người già địa phương rằng các vỏ sò, vỏ hến cổ đã được tìm thấy từ sâu trong nội đồng bây giờ.

 

Có lẽ, cửa Ba Lạt của sông Hồng xa xưa không chảy ra Biển Đông tại vị trí hiện nay. Nó có thể phải nằm sâu đâu đó trong nội đồng Thái Bình, Nam Định. Và theo thời gian, cửa sông lấn dần ra biển cùng với sự kiến tạo đất mới của vùng duyên hải này.

 

https://i.doanhnhansaigon.vn/2013/02/23/2-3-1508323645.jpg

Một ngôi nhà cổ bên bờ sông Hồng

 

Cách đây gần một thế kỷ, nhà nghiên cứu Pierre Gourou, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, đi khảo sát thực địa và tính toán bãi cửa sông Hồng phía bên Nam Định đã lấn ra biển gần 1km chỉ từ 1895. Còn bên kia cửa sông Hồng ở huyện Tiền Hải, Thái Bình, một bản đồ in năm 1901 cho thấy biển lùi ra gần hai kilômét.

 

Thời điểm Pierre Gourou nghiên cứu, tuy vùng đất mới được bồi đắp ở cửa sông Hồng này còn là cồn bãi sình lầy chứ chưa phải là đồng bằng, nhưng đã lưa thưa có người ra lập làng, mưu sinh bằng nghề biển. Cuốn Nam Định địa chí cũng chép rằng chỉ bên mạn sông Hồng ở tỉnh này đã được bồi đắp khoảng 90ha đất mới mỗi năm.

 

Tối đầu tiên ở cửa Ba Lạt, tôi dừng chân tại nhà khách Vườn quốc gia Giao Thủy. Trăng trung tuần sáng vằng vặc. Khí trời lành lạnh, ngái nồng mùi bùn nước lợ cửa biển. Tôi không ngủ được, cùng người bạn mới quen ra bờ sông Hồng chơi.

Con đường đất nhỏ từ nhà khách vườn quốc gia ra đồn biên phòng 84 ven sông thật bình yên. Những ngôi nhà dân lưa thưa đã tắt đèn ngủ sớm trên cánh đồng ngập ngụa trong ánh trăng ướt đẫm.

 

Bên bờ sông, đồn biên phòng còn hắt ánh đèn. Mấy anh lính trấn thủ ngồi nhìn mặt nước loang loáng ánh bạc và tán gẫu để quên nỗi nhớ nhà. Sông Hồng về đến đây tuy không còn thoải dốc như đoạn sơn cước Yên Bái, Lào Cai trên thượng nguồn ở đất Việt, nhưng sức chảy của dòng nước vẫn còn rất mạnh.

 

Dưới ánh trăng, có thể thấy mờ mờ những cây củi đã lìa khỏi núi rừng biên viễn nào đó trên cao để trôi như lao ra biển. Thoáng chạnh lòng, tôi ghen tỵ với những khúc củi tự do phiêu du này. Có lẽ, chính chúng mới thấu cảm đến tận cùng dòng nước sông Hồng trầm đục phù sa, chứ không phải là một lữ khách phương Nam cô đơn như tôi.

 

https://i.doanhnhansaigon.vn/2013/02/23/3-3-large-1508323646.jpg

Nuôi nghêu trên bãi sông Hồng

 

Từ bờ đê ở xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy, đoạn sông này khá thẳng thớm dù sức nước vẫn làm đôi bờ bị sạt lở nặng. Ngay sát đồn biên phòng, những nền nhà, ao hồ xây kiên cố ở ngoài đê đã phải bỏ hoang vì sông lở.

 

Thiếu úy Ngô Xuân Nam tâm sự vùng này có cả đê biển lẫn đê sông được đắp khá kiên cố, nhưng mỗi mùa mưa đến là người dân lại ăn không ngon ngủ không yên vì lo sợ sự tranh giành đất đai của hà bá.

 

Người ta đã nghiên cứu rằng phải cần đến hàng triệu năm, bà mẹ thiên nhiên mới kiến tạo được sông Hồng và hệ thống đồng bằng châu thổ của nó. Nhưng chỉ trong khoảng 1.000 năm, từ khi lịch sử ghi chép triều đại nhà Lý ở thế kỷ XI manh nha be đắp bờ sông Hồng thì cũng có nghĩa là dòng sông tự nhiên này cũng bắt đầu thay đổi.

 

Các triều đại thịnh, suy của nước Việt nối tiếp nhau từng bước trị thủy sông Hồng để bảo vệ kinh thành Thăng Long và các xóm làng, ruộng đồng châu thổ. Hàng thế kỷ trôi qua, những bờ đất nhỏ bé chưa liền lạc ở bờ sông kinh đô đã dần dần lớn lên, dài dọc thành con đê.

 

Và thế là, nước sông Hồng không còn được hoàn toàn tự do dâng tràn đồng vào mùa mưa lũ như bao ngàn năm trước. Thuở đầu công cuộc trị thủy này, sự thay đổi của dòng sông còn diễn biến chậm.

 

Từ đầu thế kỷ XX, đặc biệt là giai đoạn cuối, dòng sông đã đổi thay mang tính đột biến cùng với ý chí và khả năng can thiệp của con người. Ngay cư dân ở cửa Ba Lạt cũng có thể chứng kiến rõ rệt điều đó. Trước khi có hồ thủy điện Hòa Bình, châu thổ sông Hồng đã hứng chịu rất nhiều trận mưa bão dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng.

 

https://i.doanhnhansaigon.vn/2013/02/23/4-11-1508323645.jpg

Cá vược, loại cá hiếm ở cửa sông Hồng

 

Các cụ già ở Ba Lạt kể rằng khoảng thời gian trước năm 1970, dòng chính của sông Hồng ở cửa Ba Lạt chảy ở lạch Bắc hiện nay. Tuy nhiên, trận mưa lũ lịch sử trong mùa thu năm 1971 đã dâng tràn nước sông Hồng, và dòng chảy cuộn xiết của lũ đã xoáy tung dải cát bồi tụ giữa cồn Lu với cồn Vành, để tạo ra luồng cửa sông mới.

 

Sau đó, các trận mưa lũ mà đặc biệt là đợt bão lụt mùa thu năm 1973 đã tiếp tục mở rộng luồng sông này. Từ phía Bắc, dòng chủ lưu ở cửa sông Hồng đã đổ sang luồng dẫn mới mặc dù vẫn còn một số lạch phụ hai bên cửa sông như lạch Trà, lạch Vọp, lạch Bắc…

 

Vườn quốc gia Giao Thủy – nơi bảo vệ cửa Ba Lạt

 

Từ sau năm 1989, khi hồ thủy điện Hòa Bình bắt đầu tích nước và xả nước có điều tiết ra sông Đà, rồi nhập về sông Hồng, thì cửa Ba Lạt lại tiếp tục thay đổi. Giai đoạn đầu là sự tàn phá ồạt các cánh rừng ngập mặn hai bên cửa sông Hồng để nuôi trồng thủy sản và làm nông nghiệp. Nó nhanh chóng làm kiệt quệ hệ sinh thái đa dạng của vùng cửa sông.

Mãi sau, khi chính quyền và người dân dừng tay tàn phá để chuyển sang cứu hệ sinh thái này bằng việc phát triển Vườn quốc gia Giao Thủy, trồng rừng trên cồn Lu, cồn Vành, cồn Ngạn và dải bãi cát ven biển thì Ba Lạt dần hồi sinh. Nó lại tiếp tục hành trình lấn ra Biển Đông cùng với sự bồi tụ các cồn bãi ngày càng lớn dần…

 

Cuộc chuyện trò miên man với các anh lính biên phòng và người già ở địa phương đã giúp đêm trôi qua nhanh. Tôi về nhà khách vườn quốc gia chợp mắt được một chút trong tiếng cười nói lao xao của những người đi khai thác thủy sản sớm.

 

https://i.doanhnhansaigon.vn/2013/02/23/5-2-1508323645.jpg

Nông dân thu hoạch khoai bên bờ sông

 

Bình minh ngày mới vừa lên, tôi thức dậy, đi dọc con đường nhỏ xuyên Vườn quốc gia Giao Thủy, để lên đài quan sát toàn cảnh cửa sông Hồng.

 

Đến gần 12 giờ trưa, cả hai chiếc ống kính telé và góc rộng máy ảnh mà tôi đã háo hức mang vác suốt hành trình sông Hồng vẫn chưa phát huy được mấy tác dụng ở đây. Sương khói, mây mù lãng đãng như muốn che giấu đoạn cuối thân phận dòng sông, để còn tiếp tục khơi gợi sự tò mò, khám phá của lữ khách phương Nam.

 

Tôi đành tiếc rẻ ngắm những vạt rừng đước gần tầm mắt đang sinh tồn lúp xúp trên mặt nước dâng bãi bồi ven cửa sông. Bờ sông bên huyện Tiền Hải, Thái Bình chỉ có thể thấy một vệt mờ nhàn nhạt như ánh mày thiếu nữẩn sau lớp khăn voan che giấu dung nhan.

 

Luyến tiếc rời tháp quan sát, tôi lang thang trong Vườn quốc gia Giao Thủy. Từ bao đời nay, nó đã gắn bó cộng sinh với cửa sông Hồng. Có phù sa dòng sông này bồi đắp cùng với quá trình lấn biển miệt mài suốt hàng thế kỷ của tự nhiên, thì mới có hệ sinh thái Giao Thủy.

 

https://i.doanhnhansaigon.vn/2013/02/23/6-2-1508323645.jpg

Lưới cá cầu may ở Ba Lạt

 

Ngược lại, chính hệ sinh thái Giao Thủy đã giữ được vẻ đẹp tự nhiên cho nơi sông Hồng hòa cùng Biển Đông, mà đặc biệt là giúp cửa Ba Lạt bớt bị tàn phá, đổi thay địa hình bởi bàn tay con người cũng như bà mẹ thiên nhiên.

 

Vườn quốc gia này hiện có tổng diện tích khoảng 15.000ha. Trong đó riêng vùng lõi rộng 7.100ha với 3.100ha đất nổi có rừng và 4.000ha vùng ngập nước.

 

Những ngày mải mê ở cửa Ba Lạt, tôi lang thang thực địa và hình dung vườn quốc gia này được tạo thành bởi bốn “điểm nhấn” chính là Cồn Ngạn, Cồn Lu, Cồn Mờ và Bãi Trong.

 

“Bức tường thành” không chỉ bảo vệ vườn quốc gia này trước đại dương mà còn ngày ngày lặng lẽ lấn Biển Đông chính là Cồn Lu. Nó rộng nhất vườn với diện tích khoảng 4.500ha và quanh năm xanh tươi cùng hệ thực vật duyên hải ô rô, bần chua, sú vét, mắm, cóc kèn…

 

Non trẻ nhất trong hệ sinh thái Vườn quốc gia Giao Thủy có lẽ là Cồn Mờ, nằm bên ngoài Cồn Lu phía đại dương. Nó vẫn còn đang trong quá trình hình thành từ biển, và có lẽ vì vậy mà người địa phương đã gọi là Cồn Mờ theo nghĩa “còn mờ nhạt”.

 

https://i.doanhnhansaigon.vn/2013/02/23/7-2-1508323645.jpg

Một ngôi nhà cổ bên bờ sông Hồng

 

Cùng hành trình tìm hiểu vườn thiên nhiên ven cửa sông Hồng với tôi, còn có một nhà sinh học người Pháp. Anh bạn đã đến đây từ nhiều ngày trước để chỉ lặng lẽ một mình ngắm chim.

 

Trên nhiều diện tích vườn quốc gia này, sự can thiệp của con người vào thiên nhiên có thể thấy rõ với những công trình nhân tạo như ao, rạch, bờ đắp. Nhà sinh học Pháp có vẻ trầm buồn trước cảnh này.

 

Một số nhân viên vườn lại cho rằng đó là điều cần thiết, vì có thể điều tiết nước thuận lợi cho việc bảo vệ thảm thực vật cũng như động vật trong vườn. Tuy nhiên, điều trông thấy rõ rệt nhất là nhiều người nghèo địa phương đang sống nhờ vườn quốc gia.

 

Ngược chiều tôi vào vườn là những người lấm lem bùn đất. Họ vào vườn từ lúc trăng còn sáng để nhặt nhạnh những con cá, con vẹm, con tôm nhỏ bé và ít ỏi cho kịp buổi chợ sáng.

 

Dấu ấn người xưa

 

Tôi rời Giao Thủy, qua bên kia bờ Tiền Hải của Thái Bình. Mặt trời chiều chênh chếch hắt dài bóng lữ khách trên mặt sông trầm đục phù sa. Con đường cũng là đê sông Hồng được mở rộng ra đến 8-10 mét và đang bê tông hóa.

 

https://i.doanhnhansaigon.vn/2013/02/23/8-5-1508323646.jpg

Chùa Keo nổi tiếng ở cuối sông Hồng đang được trùng tu

 

Cha ông ngày xưa dùng tre làm kè đê. Sự hiện đại thời nay đã thay bằng bê tông cốt thép. Người ta làm từng tảng bê tông dày hơn 20cm, có cạnh khoảng 40 – 50cm đan cài vào nhau. Cứ cách vài mét lại có những cây đà bê tông cốt thép vắt mình từ trên mặt đê đến tận đáy sông.

 

Kỹ sư xây dựng tin rằng kè đê bê tông này tốn kém một lần nhưng bền vững hơn tre rất nhiều. Còn trong con mắt lữ khách sông Hồng như tôi thì vừa thấy vui lại vừa tiếc nuối.

 

Việc kiên cố hóa đê tiện lợi cho việc đi lại và bảo vệ mùa màng của người dân. Nhưng nó cũng làm mất đi quang cảnh xanh tươi, thân thuộc từ bao đời qua của rặng tre vệ đê.

 

Tỉnh Thái Bình gấp rút đẩy nhanh việc mở rộng đường đê để phát triển du lịch khu vực cửa Ba Lạt. Chậm rãi lang thang men sông ra biển, tôi cảm nhận rất rõ cư dân bao đời ở đây đã sống nhờ thủy sinh pha trộn giữa nước ngọt phù sa sông Hồng cùng biển mặn.

 

Sử sách cũng như ký ức truyền lưu qua bao đời dân địa phương kể rằng cả dải đất Tiền Hải trước biển này chạy dài đến Giao Thủy (Nam Định), Kim Sơn (Ninh Bình)… đều là vùng đất bồi mới.

 

https://i.doanhnhansaigon.vn/2013/02/23/9-3-1508323646.jpg

Buông câu ở cửa Ba Lạt

 

Xưa kia, nó còn rất hoang vu và thưa thớt ngư dân sinh sống. Chỉ khoảng vài trăm năm gần đây, các lưu dân mới đổ về ngày càng đông. Đặc biệt, Nguyễn Công Trứ là người có công lớn với việc mở làng, xây dựng đê điều vùng đất mới này.

 

Chuyện xưa vẫn còn ghi rõ rằng Nguyễn Công Trứ sau khi trấn áp cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành, đã phát hiện tiềm năng của vùng đất duyên hải mới ở Đồng bằng sông Hồng. Và từ năm 1828, ông bắt đầu đẩy mạnh công cuộc khẩn điền ở dải đất duyên hải Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình).

 

Đích thân Nguyễn Công Trứ thường xuyên đi kinh lý thực địa, vẽ bản đồ, khuyến khích dân chúng tham gia khai hoang cùng với việc phát trâu bò, nông cụ cho họ làm việc. Chế độ khen thưởng đúng người, đúng công của Nguyễn Công Trứ rất được lòng dân. Ông tổ chức lực lượng khẩn điền thành các lý, ấp, trại, giáp.

 

Người nào mộ được 50 suất đinh, khai khẩn từ 600 mẫu trở lên sẽ được phong chức lý trưởng. Người mộ được ít hơn với 30 suất đinh, khai hoang từ 400 mẫu được phong chức ấp trưởng…

 

Chỉ trong thời gian ngắn, rẻo đất mới, hoang vu Tiền Hải đã có sinh khí với hệ thống hành chính gồm 14 lý, 27 ấp, 20 trại và 10 giáp trên gần 20.000 mẫu đất ruộng và 2.350 người dân.

 

Sự thành công này như vệt nước loang ra các vùng duyên hải Đồng bằng sông Hồng khác và nhanh chóng trở thành một quốc sách khẩn điền, canh nông được ưu tiên hàng đầu trong triều đại nhà Nguyễn thời kỳ này.

 

https://i.doanhnhansaigon.vn/2013/02/23/10-1-1508323646.jpg

Con cá thủ vàng giá 950 triệu đồng

 

Ngày nay, về dải đất Tiền Hải nơi cửa sông Hồng, tôi vẫn được nghe các cụ già thành kính kể lại bao chuyện về Nguyễn Công Trứ. Có lẽ, ông là một trong những vị quan hiếm hoi được người dân hai huyện Tiền Hải, Kim Sơn trân trọng xây dựng đền sinh từ để tôn vinh công đức ngay lúc ông còn sống ở tuổi già.

 

Hằng năm, cứ đến ngày 14/11 Âm lịch, người dân địa phương Thái Bình, Ninh Bình lại thành kính hương khói tưởng nhớ ngày ông vĩnh viễn về với tiền nhân theo con nước sông Hồng. Trong buổi lễ này, họ không bao giờ quên phần ca trù từ chính những tác phẩm của vị quan đầy chất lãng tử.

 

Đặc biệt, trong các lễ cúng gia đình địa phương, người ta cũng hay nhắc đến tên Nguyễn Công Trứ như một sự tưởng nhớ công đức và kêu gọi sự phù hộ của vị thần thiêng này.

 

Những ngày lang thang nơi sông Hồng hòa vào Biển Đông, tôi không chỉ được nhìn ngắm cảnh quan xinh đẹp và nghe chuyện xưa, mà còn tận mắt chứng kiến bao chuyện kỳ lạ như huyền thoại đang diễn ra ở cửa biển này.

 

Đó là một buổi chiều đầu năm, mưa xuân rả rích làm Ba Lạt chìm trong sương lạnh, nhưng trong ngôi nhà của ba cha con ngư dân Trần Văn An ở xã Nam Hồng, Tiền Hải rộn rã tiếng cười. Sông nước vừa trao tặng họ món quà đặc biệt mà cả đời chài lưới cũng không thể tin có ngày thành hiện thực.

 

Chỉ một mẻ lưới chiều, họ đã bắt được con cá thủ vàng nặng 70kg, bán trao tay tại ghe với giá 950 triệu đồng. Chuyện thật như huyền thoại về loại cá đắt tiền nhất Việt Nam ở cửa sông.

 

Chiều xuân trên cửa Ba Lạt chìm, trời ửng nắng vàng. Tôi ngồi bên bờ sông nhìn bóng dân chài thấp thoáng trên mặt nước trầm đục phù sa mà cảm như cả một nền văn minh sông Hồng đang ẩn hiện ở đâu đây…





No comments: