Hội
nghị ngoại trưởng G20 Bali : Những thất bại được báo trước
Thanh
Hà - RFI
Đăng
ngày: 07/07/2022 - 14:44
Ngoại
trưởng 20 nền kinh tế nặng ký của thế giới - G20 - tề tựu về Bali, Indonesia
trong hai ngày 7 và 08/7/2022 để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh sẽ mở ra vào
giữa tháng 11 tới đây. Thế giới lao đao vì các cơn sốt dầu hỏa, khí đốt, vì khủng
hoảng lương thực và do dịch Covid vẫn hoành hành, nhưng không chắc khối này đồng
lòng giải quyết những hồ sơ nóng bỏng đó.
Biểu
trưng hội nghị G20 tại Nusa Dua, Bali, Indonesia. Ảnh chụp ngày
07/07/2022. AP - Dita Alangkara
Lý do là chiến tranh Ukraina đang chia rẽ sâu rộng
giữa một bên là Nga với điểm tựa là Trung Quốc và bên kia là Hoa Kỳ và các đồng
minh phương Tây. Phần còn lại của G20 rơi vào thế kẹt.
Sau hơn bốn
tháng chiến tranh, đã có thêm 7 triệu người trên hành tinh bị đẩy vào cảnh bần
cùng, theo thẩm định của tổ chức Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc-UNDP.
Giá lương thực thực phẩm tăng cao đe dọa hàng chục triệu người lâm vào cảnh đói
kém. Trên cương vị chủ tịch G20, tổng thống Indonesia Joko Widodo cuối tháng
6/2022 khi lên đường sang Đức dự thượng đỉnh G7 đã tuyên bố hội nghị G20 ở
« Bali 2022 là một cột mốc quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển bởi
các bên sẽ cùng nhau tìm kiếm ngõ thoát, tránh để các nước nghèo bị đẩy vào cảnh
bần cùng và cái bẫy của nạn đói ». Không chắc Jakarta được toại nguyện, vì
nhiều lý do.
Hãng tin AP của Mỹ nhắc lại, có nhiều dấu hiệu cho
thấy G20 ở Bali trên thực tế là một sân khấu với ba diễn viên chính, Mỹ, Trung
Quốc và Nga mà ở đó Bắc Kinh và Matxcơva cùng nhắm vào Washington. Khác hẳn với thượng đỉnh G20 đầu tiên
nhằm hợp sức khắc phục hậu quả khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, « hợp
tác » lúc này dường như không còn là ưu tiên của ba cường quốc nói
trên.
Trên đường
đến tại Bali, ngoại trưởng Nga, Sergueï Lavrov đã dừng chân tại Việt Nam. Còn
ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị công du nhiều nước Đông Nam Á, từ Miến
Điện đến Thái Lan, Philippines Malaysia. Về phía Hoa Kỳ, ngoại trưởng Antony
Blinken sau hội nghị Bali lần đầu tiên ở cương vị ngoại trưởng, sẽ công du Thái
Lan trong hai ngày 9 và 10/07/2022.
Theo giới
phân tích, hoạt động ngoại giao dồn dập của các ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc và
Nga không hơn không kém là một cuộc « vận động » lôi kéo các đồng
minh châu Á về phía mình, bởi cho dù mọi chú ý đang dồn vào hồ sơ chiến tranh
Ukraina, vào căng thẳng giữa Nga và phương Tây, đứng đầu là Mỹ, nhưng
Washington vẫn xem Bắc Kinh là mối thách thức và đe dọa nguy hiểm nhất.
Điển hình
là hai ngày trước cuộc họp, bên lề hội nghị Bali giữa các ông Antony Blinken và
Vương Nghị, Trung Quốc vẫn mạnh mẽ lên án Washington chỉ đòi « tôn
trọng luật pháp quốc tế, khi nào điều đó có lợi cho Mỹ ». Phát ngôn viên bộ
Ngoại Giao Triệu Lập Kiên hôm 06/07/2022 thậm chí còn thẳng thừng tuyên bố cái
mà Mỹ gọi là « luật quốc tế » chính là do « Hoa Kỳ và một vài nước
tay sai phục vụ lợi ích của Mỹ hoạch định ra » rồi bắt thiên hạ phải
nghe theo.
Gần như
cùng lúc giám đốc Cục Điều Tra Liên Bang Hoa Kỳ- FBI, Chris Wray khẳng định
Trung Quốc « vẫn tiếp tục đánh cắp công nghệ » của phương Tây, và là
« mối nguy hiểm phức tạp và rộng khắp » cả về kinh tế lẫn an ninh.
Trước giờ ngoại trưởng Antony Blinken hội đàm với đồng cấp Vương Nghị, bộ Ngoại
Giao Hoa Kỳ tiết lộ có dấu hiệu đôi bên giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt
thương mại, kinh tế.
Đó là chưa
kể, về chiến tranh Ukraina, Trung Quốc tới nay vẫn quan niệm Liên Minh Bắc Đại
Tây Dương, mà đứng đầu là Mỹ, phải chịu trách nhiệm trong xung đột Ukraina hiện
nay.
Theo hãng
tin Mỹ AP khó hy vọng cuộc gặp Vương Nghị-Antony Blinken cho phép cải thiện
tình hình trên thị trường nông phẩm toàn cầu, làm hạ nhiệt giá cả lương thực,
thực phẩm, từ ngũ cốc đến đường, dầu ăn…
Còn về
quan hệ căng thẳng hiện nay giữa Nga và các nước phương Tây, bao gồm Mỹ, châu
Âu, Hàn Quốc, Úc và Nhật Bản, các thành viên G20 hoàn toàn không có cùng một tiếng
nói. Ngoài Trung Quốc, ngay cả Ấn Độ cũng đã tránh lên án Nga xâm lược
Ukraina.
Hơn thế nữa,
những hoạt động ngoại giao của Washington, Matxcơva và Bắc Kinh đã lấn át hẳn
những nỗ lực của Jakarta trong cương vị chủ tịch luân phiên G20. Đích thân tổng
thống Indonesia Joko Widodo đã lần lượt đến Kiev và Matxcơva, mời lãnh đạo
Ukraina dù không là thành viên G20 đến dự thượng đỉnh Bali vào mùa thu năm nay.
Tổng thống Indonesia sang tận Matxcơva hội kiến Vladimir Putin và khẳng định
quyết tâm của Jakarta mời nguyên thủ Nga đến dự thượng đỉnh Bali, bất chấp áp lực
của phương Tây đòi loại Nga ra khỏi cuộc họp G20 lần này.
Tổng thống
Zelensky tuyên bố chỉ đến Bali nếu Nga trả lại yên bình cho Ukraina. Chủ nhân
Kremlin hài lòng trước nỗ lực của Jakarta tránh cô lập nước Nga và đã nhận lời
mời đến dự thượng đỉnh G20 tại Indonesia. Thế nhưng theo các nguồn tin báo chí,
ông Widodo đã thổ lộ với thủ tướng Ý, Mario Draghi là « rất có thể »
Vladimir Putin sẽ không đến Bali. Phủ thủ tướng Nga cũng xác nhận là vẫn còn
đang cân nhắc về vấn đề này.
Trong bối
cảnh đó ngay cả các nhà bình luận lạc quan nhất cũng không dám nghĩ rằng, G20 tại
Indonesia sẽ « thành công » giải tỏa Biển Đen để hàng chục triệu tấn
nông phẩm của Ukraina được đưa ra thị trường. Không có nhiều hy vọng nhờ vai
trò trung gian của Jakarta mà Kiev và Matxcơva ngồi vào bàn đàm phán chấm dứt
chiến tranh.
Sau khi đã
chiếm được Luhansk, ít có khả năng Nga từ bỏ mục tiêu « giải phóng »
luôn cả Donetsk, từ ngữ của Kremlin. Không một nhà quan sát nào, từ NATO đến
tình báo của Anh, Mỹ dự báo chiến tranh Ukraina sắp kết thúc.
Ngày
05/07, khi tiếp đại sứ Nga Andrey Denisov tại Bắc Kinh, thứ trưởng Ngoại Giao
Trung Quốc Mã Triêu Húc (Ma Zhaoxu) tuyên bố, Trung Quốc mong muốn đẩy mạnh hợp
tác với Nga trong khuôn khổ tất cả các định chế đa phương, kể cả G20.
Tất cả những
yếu tố này báo trước cuộc họp cấp ngoại trưởng G20 hôm nay và ngày mai cũng như
thượng đỉnh 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào giữa tháng 11/2022 có nguy cơ
thất bại, bởi các đối tác quan trọng nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nga dường như đã
chọn giải pháp đối đầu thay vì hợp tác. Điều đáng lo ngại là 20 nền kinh tế quy
tụ đến 2/3 dân số địa cầu và chiếm đến 80 % trọng lượng kinh tế của thế giới giờ
đây đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết. Rạn nứt đó không bắt nguồn từ chiến tranh
Ukraina nhưng cuộc xung đột này đã phơi bày thực tế đó ra ánh sáng. Trong hoàn
cảnh đó, thượng đỉnh G20 Bali ít có hy vọng thành công.
---------------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Ngoại
trưởng Nga thăm Việt Nam trước khi dự hội nghị G20 tại Indonesia
Tổng
thống Indonesia công du Ukraina và Nga để làm trung gian hòa giải giữa hai nước
No comments:
Post a Comment