9 tháng 7,
2022
https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/giac-mo-tu-mot-cai-chet/
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/07/GettyImages-1407509022.jpg
Người
Nhật thương tiếc ông Shinzo Abe (ảnh: Yuichi Yamazaki/Getty Images)
Suốt trong
nhiều ngày, người ta nhìn thấy trên các trang mạng vô số những lời ai điếu dành
cho cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Trong mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Nhật,
hình ảnh của ông Shinzo Abe không để lại nhiều ấn tượng cho người dân Việt như
của các đời tổng thống Mỹ đến Việt Nam, hay cũng không được ủng hộ lạ kỳ như với
Putin…
Về ông
Shinzo Abe, dân Việt được nhìn thấy như là một người tận hiến cho quốc gia mình.
Sự có mặt của vị Thủ tướng này trên chính trường Nhật để lại nhiều dấu ấn quan
trọng trong loạt cải cách chính trị lớn mang tên ông, và thậm chí là thương hiệu
kích thích kinh tế được công nhận trên toàn cầu của riêng ông, Abenomics.
Nhưng thời
đại cầm quyền của ông Shinzo Abe không chỉ có tiếng thơm. Để bảo toàn cho công
việc lãnh đạo của mình, ông Shinzo Abe đã thúc đẩy việc hình thành đạo luật “Bí
mật nhà nước”: Những người tố cáo và báo giới ở Nhật Bản có thể sớm phải đối mặt
với án tù dài hạn vì tiết lộ bí mật nhà nước, có thể bao gồm thông tin nhạy cảm
về thảm họa hạt nhân Fukushima và mối quan hệ xấu đi của nước này với Trung Quốc.
Nước Nhật đã rơi vào những cuộc tranh cãi khủng khiếp về việc đặt án tù cho các
ngôn luận tự do. Theo luật này, các quan chức nhà nước và tư nhân làm rò rỉ “bí
mật nhà nước đặc biệt” sẽ phải đối mặt án tù lên đến 10 năm, trong khi các nhà
báo tìm cách lấy thông tin tuyệt mật có thể chịu án tù lên đến 5 năm.
Ông Shinzo Abe cũng là người cổ xúy và giúp cho
nhiều dự án điện than ở Việt Nam, theo yêu cầu của Hà Nội. Và nỗ lực này của ông cũng khiến vào
tháng 9/2019, ông bị từ chối, không được đọc bài phát biểu tại Hội nghị Thượng
đỉnh Khí hậu của Liên Hợp Quốc.
Nhưng ông
Shinzo Abe là người đã mang nước Nhật trở lại với nhiều điều khác. Thái độ cứng
rắn với Trung Quốc và Hàn Quốc đã tạo cho nước Nhật một vị thế mới. Bất chấp sự
phản đối rộng rãi của công chúng, ông đã mở rộng chi tiêu quân sự của Nhật Bản
và viết lại Hiến pháp, cho phép lực lượng Phòng vệ Quốc gia của Nhật Bản được
hoạt động ngoài biên giới nước Nhật để giúp đỡ các đồng minh đang bị tấn công.
Ông cũng cho khởi động lại năng lượng hạt nhân, vốn đã không hoạt động kể từ thảm
họa Fukushima năm 2011.
Cần thấy,
mối quan hệ ngoại giao của ông Shinzo Abe với các nước khác, là giữa chính phủ
với chính phủ, ít chạm đến người dân. Mục tiêu rất rõ: Nước Nhật phải là một quốc
gia mạnh và thiết lập đủ các đường dây đồng minh trong một thời đại đầy bất an
với đất nước mình. Chủ trương quan hệ chính phủ với chính phủ được đặt trên mọi
thứ, nên Nhật luôn dẫn đầu trong việc tài trợ và giúp đỡ Việt Nam trong công việc
phát triển, thậm chí xem nhẹ những vấn đề về tham nhũng và bất cập của thể chế
trong suốt một thời gian dài. Có lẽ vì vậy, nên Thủ tướng Shinzo Abe dù được
coi như là chính khách luôn vì con người, nhưng chưa bao giờ ông đá động gì về
vấn đề nhân quyền hay tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Ngày ông mất,
các trang mạng ở Trung Quốc và Hàn Quốc xuất hiện nhiều các ngôn luận reo mừng,
vì cuối cùng, cái gai trong mắt họ đã mất. Ngược lại, nhiều nơi tiếc thương,
trong đó có người dân Việt Nam. Và như đã nói ở trên, người dân Việt Nam thì
không nhận được gì nhiều từ đường lối ngoại giao của Thủ tướng Shinzo Abe,
nhưng họ ủng hộ vì điều gì?
Rõ là, làm
chính trị, sẽ bị phán xét ở nhiều góc độ khác nhau, nhưng Thủ tướng Shinzo Abe
được kính trọng bởi vượt lên với tinh thần phục vụ quốc gia chứ không vì đảng của
mình, hay vị thế của bản thân. Quyền lợi và phát triển của nước Nhật được ông
Abe nhắm tới, dành cho tổ quốc và dân tộc chứ không nhằm giữ vững quyền lực
chính trị của đảng hay tạo vây cánh, trục lợi cho một âm mưu cầm quyền lâu dài.
Nhiều người
Việt trân trọng đưa lại các bức ảnh của ông Abe quỳ gối lắng nghe dân nói, hình
ảnh ông cúi chào một cách khiêm cung, và cả cuộc đời giản dị của ông. Đến Việt
Nam nhiều lần, nhưng chưa bao giờ ông Abe tổ chức đi xuống đường bắt tay dân
chúng như các lãnh tụ khác, nên sự kính trọng lan rộng với ông Abe lúc này, có
thể được diễn giải như một giấc mơ thầm kín của người Việt Nam về một lãnh tụ
thật sự vì dân, vì đất nước.
So với các
quan chức Việt Nam xuất hiện và luôn được hệ thống tuyên truyền và báo chí một
chiều rầm rộ ca ngợi, bất chấp hậu quả về sau, ông Shinzo Abe không được lực lượng
đó yểm trợ truyền thông. Nhưng ngược lại, rất nhiều người Việt biết và đứng lên
tưởng niệm ông, như để bày tỏ về một giấc mơ về một Việt Nam khác, về những
quan chức chân chính, và một chế độ sẽ phục vụ, sống và chết cho quê hương
mình, chứ không nhân danh vì bất kỳ một lý tưởng nào khác.
No comments:
Post a Comment