Saturday, July 16, 2022

DỤNG NHÂN NHƯ DỤNG . . . 'CỦI'? (Trân Văn)

 



Dụng nhân như dụng... ‘củi’?

Trân Văn

16/07/2022

https://www.voatiengviet.com/a/d%E1%BB%A5ng-nh%C3%A2n-nh%C6%B0-d%E1%BB%A5ng-c%E1%BB%A7i-/6660972.html

 

https://gdb.voanews.com/02870000-0aff-0242-90d8-08da13e18900_w650_r1_s.jpg

Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế và ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Khoa học – Công nghệ. Photo Báo Giao Thông.

 

Đảng vẫn giành, giữ quyền lựa chọn những cá nhân lãnh đạo các hệ thống “tận tụy phục vụ nhân dân”, bất chấp việc thường xuyên lấy nhầm... “củi”.

 

Xưa, cổ nhân ví von “dụng nhân như dụng mộc” (dùng người nên như thợ mộc giỏi chọn gỗ, phải biết dùng loại gỗ nào vào việc gì để đạt cũng như tăng hiệu quả sử dụng), nay, thế hệ hậu sinh đeo đuổi con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội (XHCN) chỉ muốn bắt chước một phần – đó là dụng nhân như dụng... “củi” để soi, rọi cho thiên hạ thấy con đường xây dựng CNXH hình thù ra sao, triển vọng thế nào...

 

                                                         ***

 

Theo hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam, Thủ tướng Việt Nam vừa trao quyết định bổ nhiệm bà Đào Hồng Lan, Bí thư tỉnh Bắc Ninh kiêm Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội của Bắc Ninh làm Quyền Bộ trưởng Y tế (1). Trước khi được chọn – bổ nhiệm vào vị trí vừa kể, bà Lan từng là cán bộ Đoàn TNCS chuyên tư vấn về việc làm, chuyên viên về Bảo hiểm xã hội, rồi đảm nhiệm một số vai trò trong Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội (Vụ phó, Phó Văn phòng, Chánh Văn phòng, Thứ trưởng), sau đó chuyển qua làm công tác đảng (Phó Bí thư, Bí thư Bắc Ninh).

 

Tất nhiên là chưa thể nói gì về năng lực quản trị - điều hành, bản lĩnh, tư chất của một người vừa được chọn - bổ nhiệm vào cương vị Bộ trưởng Y tế dù là tạm thời, tuy nhiên có thể thắc mắc: Vì sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam lại chọn bà Lan, nhân vật mà sự nghiệp cá nhân vốn chỉ giới hạn trong phạm vi công tác đoàn thể và lĩnh vực lao động – thương binh – xã hội? Chẳng lẽ bà Lan là người duy nhất hiểu sâu, biết kỹ về những ưu điểm, nhược điểm của hệ thống y tế Việt Nam vốn đã và đang hết sức phức tạp đồng thời không ngừng tạo ra đủ loại vấn nạn cho chính trị, kinh tế, xã hội?

 

Phán đoán khả dĩ có thể chấp nhận về lý do bà Lan được chọn – bổ nhiệm làm Bộ trưởng Y tế tạm thời là vì bà đang giữ một ghế cũng... tạm thời (dự khuyết) trong Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN hiện nay. Dẫu bất thành văn nhưng thành viên nội các phải là Ủy viên BCH TƯ đảng vẫn mang tính chất như kim chỉ nam về nhân sự, bất kể thực tế chứng minh “cây kim” này thường xuyên chỉ vào... “củi” và hiệu quả lớn nhất vẫn chỉ là chứng minh, càng... “nỗ lực phòng chống” thì tham nhũng càng táo tợn, vấn nạn tham nhũng càng trầm trọng.

 

Trước khi bị tống giam, nhân vật là tiền nhiệm của bà Lan - ông Nguyễn Thanh Long, cũng là Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN. Khác với bà Lan, ông Long là Bác sĩ, Tiến sĩ y khoa, Giáo sư Y học đã từng đảm nhận vai trò Thứ trưởng Y tế từ 2011 đến 2018 nhưng sau đó được chuyển qua Ban Tuyên giáo của BCH TƯ đảng làm Phó ban. Năm 2020, ông Long được điều động quay lại Bộ Y tế làm Thứ trưởng Thường trực và sáu tháng sau (1/2020) được bổ nhiệm làm Quyền Bộ trưởng Y tế, rồi Bộ trưởng Y tế (11/2020) cho đến ngày bị cách chức (6/2022) rồi bị khởi tố...

 

Tuy luôn khẳng định “tận tụy phục vụ nhân dân” nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không thèm giải thích tại sao lại điều chuyển những người như ông Long đi lòng vòng kiểu như từ Bộ Y tế sang Ban Tuyên giáo của BCH TƯ đảng CSVN rồi quay lại Bộ Y tế. Theo luật bất thành văn, chỉ có thể đoán, việc đưa một ông Thứ trưởng Y tế sang làm Phó Ban Tuyên giáo của BCH TƯ đảng CSVN rồi mới đưa ông ta về làm Thứ trưởng Thường trực của Bộ Y tế rồi Bộ trưởng Y tế vì phải chờ đến lúc ông ta có... “vé” vào BCH TƯ đảng.

Tuy tấm... “” ấy là luôn được xem là điều kiện cần và đủ để được chọn tham gia lãnh đạo các hệ thống cam kết “tận tụy phục vụ nhân dân” nhưng thực tế cho thấy, việc chọn - trao “” không bảo đảm bất kỳ điều gì về năng lực, tư cách của đương sự. Không tin, cứ nhìn vào hiệu quả hoạt động của Bộ Y tế trước, trong cũng như sau đợt đại dịch COVID- 19 thứ tư và nhìn vào vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” mà ông Long đang là bị can hay nhìn vào ông Chu Ngọc Anh – một bị can khác của vụ án này.

 

Giống như ông Long, nhờ có “”, ông Chu Ngọc Anh bước từ vị trí Thứ trưởng Khoa học – Công nghệ (KHCN) sang vị trí Phó Bí thư kiêm Chủ tịch tỉnh Phú Thọ, sau đó quay về Bộ KHCN làm Thứ trưởng, Bộ trưởng rồi xoay sang làm Chủ tịch thảnh phố Hà Nội kiêm Phó Bí thư Thành ủy. “Vé” Ủy viên BCH TƯ đảng mặc nhiên xem người giữ “vé” tinh thông... “thập bát ban võ nghệ” có thể đảm nhiệm vai trò lãnh đạo tất cả các lĩnh vực. Đó là lý do nhiều cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân vội vàng bầu chọn, hối hả miễn nhiệm những cá nhân đảng chọn hay từ chối.

 

Để thực thi ý chí của đảng, tháng 11/2020, Quốc hội tổ chức bỏ phiếu miễn nhiệm ông Chu Ngọc Anh làm Bộ trưởng KHCN, ngay sau đó, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức họp bất thường để bầu ông Chu Ngọc Anh làm Chủ tịch thành phố này (2), Đầu tháng rồi, sau khi đảng xác định không thể “xài” ông Anh nữa, HĐND thành phố Hà Nội lại tổ chức họp bất thường, bãi nhiệm ông Anh khỏi vị trí Chủ tịch Hà Nội, miễn nhiệm vai trò đại biểu nhân dân của ông ta trong HĐND của thành phố này. Tiếp đó, chính phủ ban hành quyết định cách chức Chủ tịch Hà Nội của ông Anh (3)...

 

Nói cách khác, sau các tuyên bố “chỉnh đốn”, sau những hứa hẹn “cải tổ”, hệ thống dân cử từ trung ương đến địa phương - trên danh nghĩa là đại diện cho nguyện vọng, ý chí của nhân dân, thành viên là do nhân dân chọn lựa, bỏ phiếu – vẫn thế, vẫn vận hành theo ý muốn chủ quan của đảng. Treo đầu dê, bán thịt chó” vẫn là... “đặc trưng” của dân chủ XHCN, bất kể khác biệt giữa “treo” và “bán” khiến hệ thống chính trị, hệ thống công quyền rườm rà hơn, tốn kém hơn, toàn bộ chi phí vẫn do nhân dân vừa phải đảm đương, vừa phải chấp nhận hy sinh đủ loại phúc lợi để đảng duy trì... “đặc trưng” ấy.

 

                                                        ***

 

Cách nay ba tuần – hôm 23/6/2022 - khi gặp gỡ cử tri thành phố Hà Nội với tư cách Đại biểu của dân chúng thành phố này ở Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng trấn an dân chúng về việc chọn người thay thế ông Long làm Bộ trưởng, ông Anh làm Chủ tịch thành phố Hà Nội: Phải chọn người đúng, chính xác chứ không vội vàng. Vì vội vàng đưa người nào đó kế tục ngay nếu không chín chắn thì lại chọn không chính xác, nhỡ tiêu cực thì sao (4)? Tuyên bố đó của Tổng Bí thư đảng CSVN tái khẳng định một sự thật: Dân chúng không có quyền lựa chọn nhân sự phục vụ chính họ!

 

Đảng vẫn giành, giữ quyền lựa chọn những cá nhân lãnh đạo các hệ thống “tận tụy phục vụ nhân dân”, bất chấp việc thường xuyên lấy nhầm... “củi”. Thản nhiên phủi bỏ trách nhiệm về việc chọn nhầm... “củi” chỉ mới là một vế, qua các tuyên bố kiểu như vừa dẫn từ ông Trọng, còn một vế khác quan trọng hơn, đó là với đảng, dân quyền chẳng là gì cả nên đảng không áy náy, không bận tâm. Với kiểu tư duy như thế không thể loại trừ khả năng đảng có chủ trương dụng nhân như dụng... “củi” để thắp sáng cái gọi là... “nỗ lực chỉnh đốn đảng”!

------------------

Chú thích

 

(1) https://tuoitre.vn/ba-dao-hong-lan-lam-quyen-bo-truong-bo-y-te-2022071500164671.htm

 

(2) https://tuoitre.vn/quoc-hoi-tien-hanh-mien-nhiem-chuc-vu-bo-truong-chu-ngoc-anh-20201111084659533.htm

 

(3) https://nld.com.vn/chinh-tri/thu-tuong-phe-chuan-viec-bai-nhiem-chu-tich-ha-noi-cua-ong-chu-ngoc-anh-20220607185134782.htm

 

(4) https://vnexpress.net/tong-bi-thu-khong-voi-vang-chon-chu-tich-ha-noi-bo-truong-y-te-4479358.html





No comments: