Dân
Hà Nội phản đối kế hoạch tái tục loa phường
RFA
26/07/2022
Một cái loa phường trên đường phố Hà Nội
năm 2006. Reuters
Chính quyền
thành phố Hà Nội vừa đưa ra một kế hoạch đầy tranh cãi liên quan đến ‘loa phường’,
biểu tượng một thời của các đô thị miền bắc Việt Nam.
Những chiếc loa phường từng đóng vai trò quan trọng trong những năm 60
và 70 vào thời chiến tranh khi nó loan tin chiến trận và báo động để mọi người
vào hầm trú ẩn khi có máy bay. Sau đó, vào những năm sau chiến tranh, nó đóng
vai trò tuyên truyền đường lối, chủ trương của chính quyền địa phương.
Vai trò của dụng cụ tuyên truyền này được cho đã kết thúc khi ông Nguyễn
Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, tuyên bố hồi năm 2017 rằng “loa
phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử”.
Sau tuyên bố trên của ông Nguyễn Đức Chung, chính quyền thành phố đã
ban hành đề án điều chỉnh hoạt động của hệ thống truyền thanh, từ việc phát
sóng hàng ngày sang chỉ phát sóng khi có tình huống khẩn cấp.
Tuy nhiên, với chiến lược
phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 vừa được Ủy ban
thành phố Hà Nội ban hành, thì số phận của những chiếc loa phường sẽ lại ‘đảo
ngược’.
Cụ thể, Hà Nội dự kiến sẽ tái trang bị loa phường
trên địa bàn toàn thành phố tới tận đơn vị tổ dân phố, khu dân cư, từ nay cho đến
năm 2025.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Hà Nội vừa có tân chủ tịch,
và ngay lập tức đã nhận phải làn sóng phản đối của người dân.
Nhiều ý kiến phản đối đã xuất hiện trên mạng xã hội, cũng như ở phần
bình luận của các bản tin do báo chí chính thông đăng tải.
Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, ông Nguyễn Sơn, một người dân Hà Nội, cho biết ông cảm thấy “kinh
ngạc” trước quyết định khôi phục loa phường:
“Nói chung khi nghe tin này thì tôi thấy khá ngỡ ngàng, bởi vì phải
mất rất nhiều công sức, dư luận, và nhiều vấn đề thì mới có thể bỏ được loa phường
ở Hà Nội. Chưa hiểu vì lý do gì mà họ lại ngay lập tức muốn cho hệ thống loa
phường quay lại. Thực ra cảm giác đầu tiên là cảm giác khá là kinh ngạc”.
Trong các ý kiến phản đối thì lo ngại về vấn nạn ô nhiễm âm thanh được
nhắc đến thường xuyên, trong bối cảnh Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn ở Việt
Nam vấn được biết đến có nạn ô nhiễm tiếng ồn trầm trọng.
Trao đổi với đài RFA, ông Bùi
Quang Thắng, một người dân sinh sống ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết
quan điểm của ông:
“Người
dân ở các đô thị hiện nay đã có rất nhiều công cụ để lấy thông tin như truyền
hình, internet, mạng xã hội, điện thoại thông minh. Loa phường lâu nay là
nỗi ám ảnh với nhiều người, là một trong những nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm
tiếng ồn tại các đô thị. Nhiều người dân rất dị ứng với hình thức tuyên truyền
này.”
Còn ông Nguyễn Sơn thì cho rằng
việc bỏ loa phường trước đây đã khiến cuộc sống của người dân trở nên yên bình
hơn, và nếu tái triển khai sẽ khiến người dân bất bình:
“Bây giờ
mình sẽ phải nghe cái loa phường nó phát thanh trở lại thì mới thấy được giá trị
của việc không có loa phường. Đang không có mà có trở lại thì sự khó chịu sẽ trở
lại.”
Ngoài ra, tính hiệu quả cũng là vấn đề được người dân đặt dấu hỏi, bởi
ngày nay người dân đã có nhiều cách thức để tìm kiếm thông tin hơn trước đây.
Anh Lê Trung Hiếu, một người
đến từ Hà Nội nhưng hiện đang sinh sống ở Châu Âu, cho Đài Á châu Tự do biết rằng
Việt Nam là nước duy nhất sử dụng loa phường trong các quốc gia mà anh từng lui
tới, và khẳng định phương tiện này đã không còn hiệu quả ở xã hội hiện đại:
“Ngày
xưa thì mình chỉ có một là TV, hai là báo giấy và ba là loa phường, hoặc là bốn
là trực tiếp từ những người ở tổ dân phố. TV thì nhiều khi giờ phát cũng không
được nhiều, rồi báo giấy hoặc gặp trực tiếp cũng hạn chế, cho nên loa có thể tiếp
cận được một số lượng người dân nhất định.
Nhưng
mà bây giờ là thế kỷ 21 rồi, bây giờ có TV là chuyện mặc định trong gia đình, lại
phát sóng 24/24. Bây giờ mình còn có internet, laptop, điện thoại nữa. Facebook
hoặc là các kênh giải trí rất đa dạng. Thì tôi nghĩ rằng việc truyền thông qua
loa trong thời điểm này không còn hiệu quả như ngày xưa nữa.”
Các dự án đầu tư công ở Việt Nam thường bị người dân đặt dấu hỏi về vấn
đề chi phí, với việc loa phường đã không còn tính hiệu quả, lại gây ô nhiễm tiếng
ồn cho nên việc bỏ kinh phí để đầu tư một dự án như vậy khiến nhiều người bất
bình.
Bày tỏ quan điểm đối với về vấn đề này, ông Bùi Quang Thắng cho hay:
“Việc
tiếp tục đầu tư trang bị, nâng cấp hệ thống loa phường chắc chắn sẽ gây lãng
phí ngân sách nhà nước, trong khi nhiều lĩnh vực khác đang cần ưu tiên đầu tư
hơn như y tế, giáo dục, và bảo vệ môi trường.”
Phóng viên Đài Á châu Tự do đã gửi email cho văn phòng Uỷ ban Nhân dân
Thành phố Hà Nội để ghi nhận phản hồi về việc người dân không đồng tình với dự
định phục hồi loa phường, nhưng không nhận được trả lời.
No comments:
Post a Comment